Từ điển bệnh lý
Viêm xoang cấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Viêm xoang cấp
- Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang, là các khoang chứa đầy không khí trong hộp sọ. Căn nguyên có thể là nhiễm trùng (vi khuẩn, virus hoặc nấm) hoặc không do nhiễm trùng (dị ứng). Tình trạng viêm này dẫn đến sự tắc nghẽn các đường dẫn lưu thông thường của xoang, do đó dẫn đến tình trạng giữ chất nhầy, thiếu oxy, giảm thanh thải của niêm mạc và dễ dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn.
- Viêm xoang có thể được chia thành các loại sau:
+ Viêm xoang cấp tính: được định nghĩa là các triệu chứng kéo dài dưới 12 tuần
+ Viêm xoang mãn tính: được định nghĩa là các triệu chứng kéo dài trên 12 tuần
+ Viêm xoang tái phát: thường được định nghĩa là ba đợt trở lên mỗi năm, mỗi đợt kéo dài dưới 2 tuần và giải quyết triệu chứng hoàn toàn giữa các đợt.
Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang
- Viêm xoang cấp là tình trạng các xoang bị viêm nhiễm cấp tính. Bởi vì các lỗ thông xoang tiếp giáp với đường mũi nên viêm mũi xoang cấp là một thuật ngữ thích hợp hơn. Viêm mũi xoang cấp là một chẩn đoán phổ biến, chiếm khoảng 30 triệu lượt khám bệnh ban đầu và 11 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Đó cũng là lý do phổ biến cho việc kê đơn kháng sinh ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Do các hướng dẫn gần đây và mối quan tâm về kháng kháng sinh cũng như việc sử dụng kháng sinh hợp lý, và điều cần thiết là phải có các tiêu chuẩn điều trị rõ ràng cho một chẩn đoán phổ biến như vậy.
- Sinh lý bệnh:
+ Xoang có chức năng lọc các chất ô nhiễm, vi sinh vật, bụi và các kháng nguyên khác. Xoang chảy vào mũi qua các lỗ thông xoang. Các xoang hàm trên, xoang trán và xoang sàng trước đổ vào ngách mũi giữa, tạo ra một khu vực giải phẫu được gọi là phức hợp lỗ ngách. Các xoang bướm, xoang sàng sau dẫn lưu vào ngách mũi trên. Những sợi lông nhỏ gọi là "lông mao" lót niêm mạc của khoang mũi và vòm họng, hoạt động theo kiểu tích hợp và phối hợp để thực hiện chức năng lưu thông chất nhầy và các mảnh vụn đã lọc, cuối cùng dẫn chúng đến mũi họng và hầu họng, nơi chúng được nuốt vào. Viêm mũi xoang xảy ra khi các xoang và đường mũi không thể loại bỏ các kháng nguyên này một cách hiệu quả. Tình trạng này thường do ba yếu tố chính: tắc nghẽn lỗ thông xoang (tức là nguyên nhân giải phẫu như khối u hoặc lệch vách ngăn), rối loạn chức năng của lông mao (ví dụ, hội chứng Kartagener), hoặc dày dịch tiết xoang (xơ nang). Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn tạm thời sự dẫn lưu dòng dịch này là phù nề cục bộ do nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dị ứng mũi, cả hai đều dẫn đến viêm mũi xoang. Khi điều này xảy ra, vi khuẩn có thể tồn tại, xâm nhập và phát triển trong các xoang cạnh mũi thường vô trùng. Mặc dù tình trạng viêm ở bất kỳ xoang nào đều có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ thông xoang, nhưng các xoang thường gặp nhất ở cả viêm xoang cấp tính và mãn tính là xoang hàm trên và xoang sàng trước. Các biến chứng nặng có thể xảy ra khi nhiễm trùng xoang lan sang các cấu trúc xung quanh, chẳng hạn như: não, ổ mắt, tĩnh mạch xoang hang. Đây là những biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.
+ Người lớn có bốn hốc xoang phát triển và ghép nối đó là các xoang sàng, xoang bướm, xoang trán và xoang hàm. Ở trẻ em, chỉ có xoang hàm trên và xoang sàng khi mới sinh. Xoang sàng ngăn cách với ổ mắt chỉ bởi một lớp xương mỏng (lớp màng mỏng). Do đó, nhiễm trùng ổ mắt thường phát sinh từ xoang sàng, thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn. Các xoang trán dường như không phát triển cho đến 5 đến 6 tuổi và không phát triển đầy đủ cho đến sau tuổi dậy thì. Các biến chứng nội sọ thường phát sinh từ các xoang trán và do đó xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ lớn hoặc người lớn. Xoang bướm bắt đầu xuất hiện từ 5 tuổi nhưng không phát triển đầy đủ cho đến 20 đến 30 tuổi.
- Mô bệnh học: Các xoang khỏe mạnh được cấu tạo bởi biểu mô trụ giả tầng có liên kết với nhau, sử dụng các lông mao để làm sạch xoang khỏi các mảnh vụn, chất nhầy và các chất khác. Sự phù nề của niêm mạc, sự xâm nhập của các tế bào hạt và tế bào lympho, chuyển sản vảy và sự tăng sinh nguyên bào sợi do viêm mũi xoang cấp làm rối loạn quá trình này. Nếu viêm xoang cấp tính không giải quyết được, viêm xoang mạn tính có thể phát triển do ứ đọng dịch nhầy, thiếu oxy và phong tỏa hệ thống dẫn lưu dịch. Điều này thúc đẩy tăng sản niêm mạc, tiếp tục xâm nhập gây viêm và sự phát triển tiềm ẩn của polyp mũi.
Viêm mũi xoang cấp
+ Viêm mũi xoang cấp (VMXC) là tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng kéo dài trong 3 tháng.
+Dịch tễ.
-Bệnh gặp với tỷ lệ khoảng 6-15% dân số.
-Gặp nhiều ở trẻ em, phần lớn liên quan đến nhiễm trùng hô hấp trên cấp tính do virus, trong đó khoảng 0,5- 2% biến chứng thành viêm mũi xoang cấp vi khuẩn.
-Tỷ lệ bệnh tăng lên ở nhóm trẻ em đi nhà trẻ, có cơ địa dị ứng, suy giảm miễn dịch, trong giai đoạn thay đổi thời tiết, chuyển mùa…
-Bệnh làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, gánh nặng chi phí, đôi khi gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân Viêm xoang cấp
- Virus là nguyên nhân chính. Các loại virus hay gặp là: Rhinovirus, Coronavirus, Influenza và Parainfluenza virus.
- Vi khuẩn. Là nguyên nhân ít gặp hơn, các loại vi khuẩn hay gặp là S.Pneumoniae, H.Influenzae, M.Catarralis
- Các yếu tố thuận lợi:
Hít phải các chất kích thích, khói bụi, khói thuốc lá, thuốc lào…
Hẹp cửa mũi sau, vẹo vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, VA viêm, quá phát …
Bệnh lý toàn thân: cơ địa dị ứng, suy giảm miễn dịch, viêm hệ thống, trào ngược dạ dày - thực quản…
Virus là nguyên nhân chính dẫn đến viêm mũi xoang cấp
Triệu chứng Viêm xoang cấp
Thường diễn biến đột ngột
+ Toàn thân: sốt 38,5- 39 °C
+ Cơ năng. Nghẹt tắc mũi, chảy mũi, đau - nặng vùng mặt hoặc trán, giảm hoặc mất ngửi. Ở trẻ em có ho cả ngày và đêm.
+ Thực thể. Soi mũi niêm mạc xung huyết, phù nề, có dịch nhày, mủ ở khe giữa, ngách bướm sàng. Vòm họng, thành sau họng đọng dịch nhày, mủ.
+ Chẩn đoán hình ảnh.
Chụp XQ (Blondeau, Waters). Có hình ảnh mờ xoang, mức nước dịch - hơi, dày niêm mạc xoang.
Chụp cắt lớp vi tính mũi xoang. Có hình ảnh: mờ xoang, mức dịch - hơi, dày niêm mạc xoang, trường hợp nặng thấy mất vách xương giữa: xoang và hốc mắt, xoang và nền sọ.
Các triệu trứng thường gặp của viêm mũi xoang cấp?
Các biến chứng Viêm xoang cấp
Viêm mũi xoang cấp diễn biến theo 3 tình huống: khỏi hoàn toàn, biến chứng, hoặc chuyển thành viêm mũi xoang mạn tính.
- Biến chứng .Gặp trong VMXC vi khuẩn.
+ Mắt. Thường gặp ở trẻ nhỏ, liên quan đến viêm các xoang sàng. Các biến chứng (theo phân loại của Chandler) bao gồm: viêm mô tế bào trước vách, viêm tổ chức hốc mắt, áp xe dưới cốt mạc và áp xe ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang
+ Nội sọ. Thường gặp ở trẻ em > 12 tuổi, thường liên qua đến viêm xoang trán. Bao gồm: viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, áp xe dưới màng cứng, áp xe não.
Các dấu hiệu của biến chứng mắt và nội sọ:
Giảm thị lực, nhìn đôi, phù nề quanh hốc mắt, di lệch nhãn cầu, lồi mắt.
Đau nhức, sưng vùng trán. Dấu hiệu màng não, liệt thần kinh ngoại biên.
Chụp CLVT và /hoặc MRI: mờ xoang, mất vách xương giữa: xoang - hốc mắt, xoang - nền sọ, ổ tăng tỷ trọng trong hốc mắt và nội sọ.
+ Viêm xương, Gây cốt tủy viêm xương hàm ( ở trẻ nhỏ) và viêm xương trán.
Các dấu hiệu của biến chứng mắt và nội sọ
Phòng ngừa Viêm xoang cấp
-Rửa mũi nước muối biển khi bị nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính.
-Trẻ em cần được dinh dưỡng, tiêm vacxin đầy đủ.
-Cải thiện điều kiện sống, giảm ô nhiễm môi trường.
Trẻ em cần được dinh dưỡng, tiêm vacxin đầy đủ.
Các biện pháp chẩn đoán Viêm xoang cấp
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Triệu chứng cơ năng.
Ở người lớn: Có ít nhất 2 trong số 4 các triệu chứng chính : nghẹt mũi, chảy mũi, đau - nặng vùng mặt, trán, giảm hoặc mất ngửi. Trong đó phải có triệu chứng nghẹt mũi hoặc chảy mũi.
Ở trẻ em triệu chứng ho cả ngày và đêm thay cho triệu chứng giảm hoặc mất ngửi.
Các triệu chứng trên kéo dài trong 3 tháng.
Triệu chứng thực thể.Soi mũi: niêm mạc mũi xung huyết, phù nề, dịch nhày, mủ ở khe giữa, ngách bướm sàng.
Trẩn đoán phân biệt
+ Viêm mũi dị ứng . Không sốt, ngứa mũi, ngứa mắt, hắt hơi từng tràng, chảy nước mũi trong. Nội soi mũi: niêm mạc mũi phù nề, nhợt màu. Có tiền sử dị ứng.
+ Các bệnh lý gây đau nhức vùng sọ mặt như: bệnh lý răng, Migrain, hội chứng Cluster. Bệnh nhân không có các triệu chứng ngạt mũi, chảy mũi, giảm hoặc mất ngửi.
+ Ở trẻ em cần phân biệt với:
- Viêm VA cấp . Các triệu chứng giống với viêm mũi xoang cấp. Nội soi mũi giúp phân biệt. Ở trẻ em 2 bệnh này thường phối hợp với nhau
- Dị vật hốc mũi. Biểu hiện triệu chứng ở một bên mũi, chảy mũi thối. Nội soi mũi thấy dị vật. Khi lấy dị vật thì hết các triệu chứng.
- Chít hẹp bẩm sinh cửa sau một bên. Các triệu chứng ở một bên mũi. Nội soi mũi phát hiện tổn thương ở cửa mũi sau.
Các biện pháp điều trị Viêm xoang cấp
Nguyên tắc
- Làm sạch, thông thoáng mũi và các lỗ thông xoang
- Chống viêm
- Chống nhiễm trùng
- Phòng ngừa các biến chứng
Điều trị cụ thể
+ Nội khoa.Là biện pháp cơ bản.
- Giảm triệu chứng. Giảm đau, giảm sốt (Paracetamol, Ibuprofen), giảm chảy mũi (Loratatin, Desloratadin), giảm ho, làm lỏng chất xuất tiết (Ambroxol, Acetylcysteine)
- Làm sạch mũi. Nhỏ mũi, xịt mũi hoặc rửa mũi bằng nước muối sinh lý, nước muối biển.
- Làm thông mũi. Nhỏ hoặc xịt thuốc co mạch tại chỗ như Xylometazolin, Oxymethazolin (lưu ý thuốc này không được lạm dụng, không dùng cho trẻ < 3 tháng và dùng trong thời gian 3 -5 ngày)
- Giảm viêm, giảm xung huyết, giảm phù nề niêm mạc mũi xoang. Xịt mũi nước nước muối biển ưu trương, Corticoid xịt mũi. Corticoid uống hoặc tiêm chỉ định trong trường hợp nặng, có biến chứng.
- Kháng sinh. Chỉ định trong loại VMXC vi khuẩn, theo hướng dẫn.
Lựa chọn đầu tiên là dùng kháng sinh theo đường uống, nhóm β lactam: Amoxicillin, Amox - Clavulanic hoặc Cefuroxim, Cefpodoxim.
Trường hợp không đáp ứng hoặc dị ứng với β lactam thì dùng nhóm Macrolid: Clarithromycin, Azithromycin hoặc Clindamycin.
Kháng sinh đường tiêm: chỉ định trong trường hợp nặng, có biến chứng.
Thời gian dùng kháng sinh trung bình: 7-14 ngày.
Làm sạch, thông thoáng mũi và các lỗ thông xoang
+ Ngoại khoa.
Chỉ định trong trường hợp viêm mũi xoang cấp có biến chứng . Tiến hành phẫu thuật nội soi dẫn lưu xoang phối hợp với dẫn lưu áp xe hốc mắt, áp xe não...
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Công Định (1993).“Bước đầu tìm hiểu tình hình viêm xoang trẻ em tại Viện Tai Mũi Họng trung ương ”. Luận văn tốt nghiệp Bác sỹ nội trú, ĐH Y Hà Nội.
2. Đỗ Xuân Hợp (1995). “Giải phẫu Đầu - Mặt - Cổ”. NXB Y Học, Hà Nội: tr.390-397.
3. Aring AM, Chan MM. Current Concepts in Adult Acute Rhinosinusitis. Am Fam Physician. 2016 Jul 15;94(2):97-105.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!