Bác sĩ: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 7 năm
Viêm phế quản mạn tính là bệnh được đặc trưng bởi tình trạng sản xuất dịch nhầy trong lòng phế quá mức, điều này gây kích thích ho khạc đờm thường xuyên. Một bệnh nhân được coi là viêm phế quản mạn tính khi ho khạc đờm kéo dài ít nhất 2 năm liên tiếp, mỗi năm 3 tháng liên tục và mỗi tháng 3 tuần liền. Triệu chứng trên đã được loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ho khạc đờm kéo dài như lao phổi, COPD, suy tim, ung thư phổi.
Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới và bệnh tiến triển từ từ, có thể tăng dần nếu không được điều trị tích cực. Bệnh cũng có thể tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở các trường hợp bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá nhiều năm.
Bệnh viêm phế quản mạn tính thường được chia ra làm 3 loại là:
- Viêm phế quản mạn tính đơn thuần (không tắc nghẽn): Loại này thường có tiên lượng tốt, triệu chứng chủ yếu tập trung ở các phế quản lớn, ít có sự kích ứng đường thở
- Viêm phế quản mạn tính dạng hen (Có tắc nghẽn - co thắt): Loại viêm phế quản mạn tính này có thể tiến triển thành hen phế quản và có liên quan chặt chẽ tới tình trạng dị ứng.
- Viêm phế quản mạn tính dạng khí phế thũng: Trường hợp này tiên lượng không tốt vì đây là biểu hiện của tình trạng tắc nghẽn đường thở nhỏ, có nguy cơ cao sẽ tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản mạn tính như: Hút thuốc lào, thuốc lá nhiều năm, làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm, khí độc, bụi mịn, bụi công nghiệp, nhiễm khuẩn mạn tính, cơ địa dị ứng,...
Thuốc lá:
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm phế quản mạn tính. Chiếm tới 90% các trường hợp mắc bệnh.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm phế quản mạn tính
Bệnh nhân có thể không biểu hiện bệnh ở giai đoạn tuổi trẻ mà thường xuất hiện các triệu chứng sau khoảng 45 - 50 tuổi.
Ở độ tuổi này, do sự tích tụ của các chất độc từ khói thuốc là và sự viêm mạn tính trong nhiều năm khiến các tổ chức liên kết thành phế quản bị tổn thương, đứt gãy và lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dần hình thành và nặng lên, từ đó gây giảm chức năng hô hấp (FEV1 giảm ~ 50 ml/ 1 năm)
Tình trạng tổn thương ở phổi có thể liên quan đến thời gian hút thuốc, số lượng thuốc được hút, hàm lượng nicotin có trong thuốc lá của từng loại thuốc hay cấu trúc của đầu lọc thuốc lá.
Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp làm chậm hơn tốc độ giảm FEV1 hàng năm, mặc dù chức năng hô hấp không thể hồi phục như ban đầu.
Khói bụi và ô nhiễm môi trường
Việc đô thị hóa cùng với phát triển công nghiệp cũng làm gia tăng tình trạng khói bụi và ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, công trường và khu vực đông dân cư,...Các chất hay khí độc hại có thể gây tổn thương niêm mạc đường thở, kích hoạt quá trình viêm mạn tính tương tự như việc hút thuốc lá. Nếu tình trạng tiếp xúc với các phân tử khí độc hại trong thời gian dài sẽ dẫn tới viêm phế quản mạn tính và nặng hơn là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các yếu tố dị nguyên gây dị ứng:
Trong nhiều trường hợp viêm phế quản mạn tính, người ta thấy có tình trạng tăng tính nhạy cảm của niêm mạc đường thở với các kháng nguyên gây dị ứng. Tình trạng này thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, các trường hợp có tiền sử dị ứng cơ địa, người hút thuốc lá,... Sự tăng mẫn cảm của niêm mạc phế quản sẽ kích hoạt cơ chế viêm dị ứng của đường thở với sự tham gia của các tế bào mastocyte, bạch cầu ái toan,... gây giải phóng các chất trung gian hóa học làm co thắt các cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhầy đường hô hấp gây ho và khó thở trong bệnh viêm phế quản mạn tính dạng hen.
Thỉnh thoảng có ho hen
Độ tuổi:
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh lý viêm phế quản mạn tính. Mặc dù bệnh viêm phế quản mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới nhưng ở các trường hợp trẻ nhỏ chúng ta thấy có sự xuất hiện nhiều hơn của tình trạng viêm phế quản mạn tính dạng hen, còn ở người lớn tuổi có hút thuốc lào, thuốc lá nhiều năm thì thường gặp viêm phế quản mạn tính dạng khí phế thũng.
Yếu tố xã hội:
Bệnh viêm phế quản mạn tính liên quan nhiều tới khói bụi công nghiệp và tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ở nhiều nước công nghiệp và các nước đang phát triển, tỉ lệ bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có xu hướng tăng dần. Nhóm dân số có thu nhập thấp cũng có tỉ lệ bệnh viêm phế quản mạn tính cao hơn so với nhóm dân cư có thu nhập cao.
Giới tính:
Do có liên quan đến yếu tố thuốc lá nên nam giới thường có tỉ lệ bệnh viêm phế quản mạn tính cao hơn so với nữ giới.
Thời tiết - Khí hậu:
Các bệnh về đường hô hấp nói chung đều có bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết. Yếu tố này cũng tác động mạnh đến bệnh viêm phế quản mạn tính. Sự thay đổi của thời tiết có thể gây ra tình trạng ho, tăng tiết đờm và co thắt phế quản
Tình trạng nhiễm trùng:
Đây là một yếu tố gây ảnh hưởng nặng nhất tới viêm phế quản mạn tính. Nhiễm trùng tái phát nhiều lần có thể làm phá hủy tổ chức nhu mô phổi, giảm chức năng hô hấp hay nặng hơn là viêm phổi, suy hô hấp.
Bệnh viêm phế quản mạn tính diễn biến trong một thời gian dài, ban đầu các triệu chứng thường nhẹ và ít được để ý, diễn biến từ từ và tăng dần sẽ khiến ảnh hưởng đến sinh hoạt khi bệnh nặng hơn. Sau cùng sẽ là các biểu hiện do các biến chứng của bệnh gây ra.
- Ho: Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp. Triệu chứng ho trong bệnh viêm phế quản mạn tính thường là ho kéo dài, đôi khi chỉ thúng thắng, thỉnh thoảng xuất hiện thành cơn khi có yếu tố bất lợi như gặp lạnh, dị ứng, khói bụi,... Có thể ho thường xuyên, kéo dài liên tục hoặc ho ngắt quãng. Thời gian đầu bệnh nhân thường ho vào nửa đêm gần sáng, về sau thì ho cả những khi có yếu tố kích thích, giai đoạn cuối là ho kéo dài.
Ho là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp
- Khạc đờm: Thường là khạc đờm trắng, nhầy, dính. Trong các đợt bội nhiễm, bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có thể xuất hiện đờm vàng, xanh, nâu, mủ,... thậm chí có máu. Thời gian đầu số lượng đờm thường ít, sau đó tăng dần, ở nhiều bệnh nhân có thể ho 200ml đờm/ ngày.
- Khó thở: Thường xuất hiện ở giai đoạn sau của viêm phế quản mạn tính. Khó thở từ từ, tăng dần thỉnh thoảng xuất hiện thành cơn khó thở nhiều. Chức năng hô hấp càng ngày càng suy giảm. Nếu đo chức năng hô hấp có tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau test hồi phục phế quản thì sẽ chuyển sang một bệnh lý khác là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Ở những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính dạng hen, khó thở thường gặp thành cơn khi bệnh nhân tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Ở các bệnh nhân viêm phế quản dạng khí phế thũng, sự khó thở có thể diễn ra thường xuyên hoặc khi gắng sức.
Viêm phế quản mạn tính tiến triển từ từ và tăng dần trong thời gian dài. Trong quá trình diễn biến thường có các đợt cấp do các yếu tố bất lợi gây nên. Khi đó, bệnh nhân có thể có các biểu hiện tăng nặng hơn như: Ho tăng, khạc đờm tăng, khó thở tăng. Ngoài ra có thể có các đợt bội nhiễm khiến cho bệnh nhân có sốt, thay đổi màu sắc đờm thành màu vàng, xanh, nâu,... khi nghe phổi có thể có rales ẩm, ralres rít, rales nổ,...
Bệnh viêm phế quản mạn tính thường tiến triển từ 5 - 20 năm, xen kẽ vào đó alf các đợt cấp của bệnh, nếu không được điều trị kịp thời và đúng thì bệnh có thể tiến triển nặng hơn thành khí phế thũng, tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay suy hô hấp:
Bệnh viêm phế quản mạn tính có thể tiến triển nặng hơn thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Tình trạng khí phế thũng thường xuất hiện dưới dạng trung tâm tiểu thùy, thường gặp ở những người hút thuốc lá nhiều năm.
- Tăng áp động mạch phổi dẫn đến tâm phế mạn: Đây là hậu quả của sự giảm thông khí phế nang làm giảm Oxy phế nang gây co mạch và phá hủy các đường mạch máu phổi.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Suy tim, tâm phế mạn và suy hô hấp là những vấn đề nặng nề và nguy hiểm thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh.
Viêm phế quản mạn tính là bệnh mắc phải do các yếu tố không lây, vì vậy bản thân bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên các yếu tố như khói, bụi, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường,... lại ảnh hưởng đến một nhóm người, nhóm cư dân hay một cộng đồng dân cư nên viêm phế quản mạn tính lại có thể gặp ở nhiều người trong một cộng đồng có điều kiện sống và làm việc tương tự nhau.
Bệnh viêm phế quản rất thường gặp bởi các nguyên nhân gây ra nó rất phong phú và vẫn hay gặp trong cuộc sống. Các đối tượng nguy cơ bị viêm phế quản mạn tính thường là:
- Những người hút thuốc lá: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ hàng đầu bị viêm phế quản mạn tính
- Những người có cơ địa dị ứng, viêm mũi xoang mạn tính
- Những cư dân sống trong môi trường ẩm thấp, nhiều ô nhiễm, sống gần các công trường, nhà máy sản xuất có nhiều khói bụi.
Những cư dân sống trong môi trường ẩm thấp, nhiều ô nhiễm, sống gần các công trường, nhà máy sản xuất có nhiều khói bụi có nguy cơ cao bị bệnh
- Các công nhân làm việc thường xuyên trong môi trường khói bụi như: công nhân các nhà máy sản xuất than đá, xi măng, công nhân công trường xây dựng, công nhân nhà máy dệt, luyện kim,...
- Những người có sức đề kháng yếu.
- Các bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
- Những bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
Lâm sàng:
- Bệnh nhân viêm phế quản mạn tính thường có các tiền sử tiếp xúc khói bụi lâu dài, hút thuốc lào, thuốc lá nhiều năm cơ địa dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp kéo dài,...
- Các triệu chứng điển hình của bệnh: Ho khạc đờm mạn tính kéo dài trên 2 năm vối mỗi năm 3 tháng, có thể có khó thở, tức ngực.
- Khám phổi có thể có tình trạng lồng ngực hình thùng, khí phế thũng, có tình trạng giảm thông khí phổi hoặc có ralres ẩm, rales nổ, rales rít ở các đợt cấp.
Cận lâm sàng:
Để hố trợ cho chẩn đoán bệnh viêm phế quản mạn tính, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các chỉ định như:
- Chụp X-quang lồng ngực để xác định tình trạng của phổi và loại trừ các bệnh lý khác
Chụp X-quang lồng ngực để xác định tình trạng của phổi
- Đo chức năng hô hấp giúp chẩn đoán, theo dõi tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị và tiên lượng bệnh. Ngoài ra đo chức năng hô hấp rất quan trọng trong việc đánh giá sự tắc nghẽn của phổi. Nếu kết quả của bệnh nhân là tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục sau test hồi phục phế quản thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Siêu âm tim: Giúp đánh giá tình trạng của thất phải và áp lực động mạch phổi.
- Các xét nghiệm hóa sinh như: Khí máu động mạch, IgA, IgE, cũng với các xét nghiệm vi sinh là: Cấy đờm, Realtime PCR,... giúp đánh giá tình trạng dị ứng và nhiễm khuẩn của bệnh nhân
- Việc nội soi phế quản ở bệnh nhân viêm phế quản mạn tính ít được đề ra. Tuy nhiên phương pháp này có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán loại trừ các trường hợp ung thư phế quản, lao, hít phải dị vật,... Việc quan sát niêm mạc phế quản trong quá trình nội soi cũng giúp bác sĩ đánh gái được tình trạng viêm trong lòng phế quản.
Việc chẩn đoán viêm phế quản mạn tính không quá khó khăn, đặc biệt là với một cơ sở có các chuyên gia đầu ngành về hô hấp cùng các trang thiết bị hiện đại như bệnh viện Medlatec. Tại Medlatec đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân đi khám và phát hiện bệnh viêm phế quản mạn tính, thậm chí có nhiều trường hợp phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏ
Mục tiêu điều trị:
- Điều trị triệu chứng, tăng cường lưu thông đường thở, giảm tiết đờm.
- Phòng ngừa các yếu tố gây khởi phát đợt cấp của viêm phế quản mạn tính
- Điều trị tích cực đợt cấp của bệnh
- Dùng kháng sinh phù hợp khi có tình trạng nhiễm khuẩn
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ:
- Cai thuốc lá
- Tránh khói bụi độc hại
- Đeo khẩu trang khi ra đường haowjc khi tiếp xúc với khói bụi
- Tránh lạnh, giữ ấm cơ thể khi có thay đổi thời tiết lạnh
- Tránh các yếu tố dị nguyên gây dị ứng
- Điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm phòng phế cầu, HI
Điều trị bằng thuốc:
- Sử dụng kháng sinh: Chỉ điều trị kháng sinh trong các đợt nhiễm khuẩn có bằng chứng rõ ràng trên lâm sàng (sốt, ho khạc đờm đổi màu vàng, xanh, mủ,... khó thở) và cận lâm sàng (Bạch cầu tăng, CRP tăng, Procalcitonin tăng, nuôi cấy hoặc định danh được vi khuẩn gây bệnh,...), hoặc dùng kháng sinh để dự phòng cho đợt cấp của những bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc suy giảm miễn dịch, có nguy cơ bội nhiễm cao.
- Các thuốc long đờm như: acetylcystein, carbocystein, bromhexin,...
Điều trị bệnh bằng các loại thuốc
- Các thuốc giãn phế quản: theophylin, salbutamol, terbutalin,... được dùng trong các trường hợp co thắt phế quản gây khó thở.
- Thuốc chống viêm Corticoid đường uống hoặc phun, hít, xịt,... Cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Phục hồi chức năng hô hấp:
Đây là một điều hết sức quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong điều trị viêm phế quản mạn tính. Phục hồi chức năng hô hấp có thể thực hiện thông qua các bài tập đơn giản như: Đi bộ, tập chạy chậm, tập leo dốc, tập ho, tập thở bụng,...
Tận dụng một số phương pháp dân gian trong điều trị viêm phế quản mạn tính:
- Sử dụng gừng có thể chống lại các cơn cảm, tăng cường miễn dịch, chống viêm
- Mật ong: Giúp kháng khuẩn, tăng sức đề kháng, làm dịu cổ họng, chống viêm, giảm nề,... rất có lợi cho người bệnh viêm phế quản mạn tính.
- Tỏi: Là loại thực phẩm có khả năng kháng khuẩn, kháng virus tự nhiên nên có thể hỗ trợ người bệnh viêm phế quản mạn tính chống lại cúm và các đợt bội nhiễm
- Nghệ: Có tính kháng khuẩn cao, giảm ho, long đờm,... nên khá hữu ích trong điều trị viêm phế quản mạn tính.
- Ô mai: Rất tốt để làm dịu và giảm ngứa rát họng, cũng như sát trùng họng. Sử dụng ô mai cũng là một lựa chọn tốt cho việc hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!