Từ điển bệnh lý

Viêm phế quản cấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 16-06-2021

Tổng quan Viêm phế quản cấp

Trước tiên, có thể định nghĩa về phế quản như sau: phế tức là phổi, quản là cái ống. Phế quản được hiểu là một bộ phận giống như cái ống có nhiệm vụ dẫn khí vào phổi. Hệ thống phế quản có cấu trúc như một tán cây chia ra nhiều cành và nhánh từ nhỏ tới lớn, các nhánh có tác dụng làm đường ống dẫn không khí vào phổi. Hai cành cây lớn nhất đó là phế quản gốc phải và trái.

Hình ảnh mô tả viêm phế quản

Nếu sâu đục là nguyên nhân khiến các cành cây bị tổn thương, thì virus, vi khuẩn hay các tác nhân khác (như khói, bụi, và khí độc hại,...) là tác nhân chính khiến phế quản bị viêm. Điều này dẫn tới lớp tế bào mặt trong ống phế quản bị tổn hại, tổ chức dưới niêm mạc bị phù nề, làm co thắt các cơ trơn và tiết dịch vào ống phế quản, gây nên hiện tượng như tiết dịch đờm, ho, thở khò khè,...

Viêm phế quản cấpkhi khỏi hoàn toàn sẽ không để lại di chứng.


Nguyên nhân Viêm phế quản cấp

Người bệnh mắcviêm phế quản cấpcó thể là do các nhân tố sau:

Virus:

Ở thời điểm hiện tại, đây được coi là “hung thủ" hàng đầu gây nên bệnhviêm phế quản cấp. Các virus thường gặp có thể là: một số chủng virus herpes, Corona virus, virus đại thực bào đường hô hấp, virus cúm A - B, cúm gia cầm, cúm lợn...

Vi khuẩn:

Là tác nhân cũng thường gặp như virus. Các nhóm vi khuẩn thường gặp có thể kể đến đó là Haemophylus influenzae, tụ cầu, liên cầu, E. coli,....

Do bệnh lý khác:

Các bệnh như trào ngược dạ dày (ợ nóng trào lên gây kích thích, gây tổn thương cổ họng), các bệnh dị ứng đường hô hấp trên,... cũng có thể là nguyên do dẫn tới viêm phế quản cấp.

Sức đề kháng yếu:

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm do một bệnh nền mạn tính hoặc cảm lạnh thì người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng đường phế quản.

Thời tiết thay đổi:

Tính chất khắc nghiệt của thời tiết sẽ khiến cho niêm mạc hô hấp dễ bị kích ứng, gây sưng, viêm.

Khói thuốc lá:

Cho dù là hút thuốc chủ động hay thụ động (bạn hút thuốc trực tiếp hoặc người ngồi cạnh, sống cùng bạn hút thuốc và bạn hít phải nó) thì cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chất Nicotin trong thuốc lá rất có hại cho niêm mạc đường hô hấp.

Hoá chất:

Có một số loại hoá chất như các loại hạt, vải dệt, hơi hóa chất như clo, amoniac có khả năng gây kích ứng phổi nếu bạn tiếp xúc thường xuyên, liên tục trong nhiều giờ liền.


Triệu chứng Viêm phế quản cấp

Biểu hiện của viêm phế quản cấpthường không khó nhận biết, tuy nhiên ở giai đoạn đầu nhiều người thường chủ quan không điều trị sớm. Một số biểu hiện người bệnh cần lưu ý như sau:

Hình ảnh mô tả triệu chứng ho ở bệnh viêm phế quản

  • Ho: Dấu hiệu ho thường xảy ra liên tục và kéo dài, ho khan, ho thành tiếng, ho có đờm. Khi ho kèm theo triệu chứng tức ngực, chảy nước mũi. Biểu hiện ho cho thấy ở đâu đó trên khu vực từ mũi, họng xuống phổi có thể bị viêm.
  • Đau họng: Cổ họng có thể bị sưng to, ngứa rát, đau khi nuốt.
  • Sốt: Sốt theo cơn hoặc sốt liên tục, sốt cao hoặc nhẹ. Cũng có khi người bệnh không bị sốt.
  • Tiết đờm: Phản ứng viêm sẽ gây nên hiện tượng tiết dịch đờm. Màu sắc của đờm có thể là màu xanh, màu trắng hoặc vàng, tiết lộ nguyên nhân khiến viêm nhiễm phế quản là do vi khuẩn hay virus gây nên.
  • Thở khò khè: Thành phế quản khi viêm sẽ bị sưng, phù nề gây hẹp lòng phế quản, nên khi thở không khí đi qua đi lại khe hẹp sẽ gây phát ra tiếng khò khè.
  • Mệt mỏi: Người bệnh chán ăn, xanh xao, uể oải do các triệu chứng trên càng khiến cho hệ miễn dịch suy yếu.
  • Một số biểu hiện khác: khó thở, thở nhanh. Cần đi kiểm tra bác sĩ nếu các triệu chứng trên kéo dài quá 5 ngày đểphân biệt viêm phế quản cấp với các bệnh đường hô hấp khácvà có phác đồ điều trị hợp lý, kịp thời.

Các biến chứng Viêm phế quản cấp

Không chỉ riêng gìbệnh viêm phế quản cấpmà bất kỳ bệnh nào nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách đều có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Nếu bệnh tái phát nhiều lần, các ổ viêm nhiễm ở phế quản mà không được tiêu diệt triệt để thì sẽ gây nên viêm phế quản, viêm phế quản mạn tính, viêm giãn phế quản, thậm chí là suy hô hấp cấp.

Đối với các trường hợp xuất hiện các triệu chứng như ho, tiết đờm, khò khè, khó thở, bệnh trên 5 ngày chưa thuyên giảm và trở nặng cần phải tới ngay các cơ sở y tế khám chữa bệnh để được kiểm tra, làm xét nghiệm, chụp X-quang,... và loại trừ các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, hen phế quản, lao phổi, dị vật mắc trong đường hô hấp hay ứ đọng phổi - biểu hiện của suy tim.


Đường lây truyền Viêm phế quản cấp

Khi một người bị viêm phế quản cấp thì trong dịch đờm đã tồn tại một lượng virus nhất định. Điều này rất dễ lây truyền sang người khác. Nếu không chủ động phòng tránh, nguy cơ lây nhiễm viêm phế quản cấp là rất lớn.

Các loạivirus gây bệnh viêm phế quản cấpdễ phát tán và lây lan qua hơi thở, nước bọt, giọt bắn,... khi nói chuyện, ho hay hắt hơi,... Nếu không kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, viêm phế quản cấp cũng có thể trở thành bệnh dịch. Các con đường lây bệnh chủ yếu:

Lây truyền từ người sang người:

Đây là cách lây nhiễm trực tiếp thông qua tiếp xúc giữ người với người. Với “cầu nối" là các dịch tiết đường hô hấp, khi bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi, ho sẽ làm cho các dịch tiết bắn ra ngoài không khí, hay khi tiếp xúc bằng tay chưa vệ sinh kỹ lưỡng với người khác mang theo virus lây bệnh. Chính vì vậy, nếu bạn có tiếp xúc trực tiếp hoặc sống trong môi trường có người bị viêm phế quản cấp, khả năng cao bạn cũng sẽ bị bệnh.

Lây truyền qua tiếp xúc vật dụng cá nhân:

Đây là con đừng lây gián tiếp thông qua sờ, nắm, sử dụng chung đồ vật cá nhân với người bệnh. Do virus có thể vẫn còn bám vào những đồ vật đó khi bệnh nhân sử dụng, và chúng có khả năng sống sót tới vài hàng giờ sau khi chui ra khỏi cơ thể người bệnh. Nếu vô tình đưa tay nhiễm virus lên miệng, mắt, mũi bạn có thể sẽ bị phơi nhiễm.


Đối tượng nguy cơ Viêm phế quản cấp

Như ở trên đã đề cập, những đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu rất dễ mắc viêm phế quản cấp. Bên cạnh đó, những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc hại do đặc thù công việc như thợ mỏ than, công nhân xây dựng, thợ hàn,... hoặc đối tượng nghiện thuốc lá cũng sẽ có nguy cơ cao bị mắc căn bệnh này.

Ngoài ra, hiện nay ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn của Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Chất lượng không khí kém khiến cho ngày càng nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp.Đối tượng bị viêm phế quản cấpcũng ngày một đa dạng hơn.


Phòng ngừa Viêm phế quản cấp

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị, bệnh nhân cũng cần ghi nhớ các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản cấp để tránh bị nhiễm bệnh, cũng như ngăn ngừa cácbiến chứng viêm phế quản cấpnếu không may bị mắc phải:

  • Tránh xa các chất kích thích: không hút thuốc hoặc không ngồi gần nguồn khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, tránh khói bụi cả bên trong lẫn bên ngoài nhà, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
  • Tạo thói quen đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt là khi ở trong môi trường, không khí bị ô nhiễm, hoặc khi phải tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa mạnh.
  • Tăng cường hệ miễn dịch nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng.
  • Chăm chỉ tập thể dục thể thao điều độ, tăng sức đề kháng.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách.
  • Nếu bị các bệnh như nhiễm trùng tai - mũi - họng, răng hàm mặt, suy giảm miễn dịch cần tích cực điều trị.
  • Có thể tiêm vacxin phòng bệnh cúm, phế cầu, đặc biệt những bệnh nhân bị suy tim, viêm phổi mạn tính, tuổi trên 65 càng cần phải tiêm.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm phế quản cấp

Các trường hợp bị viêm phế quản cấp hầu như sẽ được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng dựa vào các biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, cáctriệu chứng của viêm phế quản cấpđôi khi cũng sẽ dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh đường hô hấp khác. Do đó để chắc chắn, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm các kỹ thuật như sau:

Tiến hành chụp X-quang phổi:

Chụp x quang phổi chẩn đoán bệnh viêm phế quản

Thủ thuật này được áp dụng với các đối tượng bệnh nhân dưới đây:

  • Bệnh nhân trên 75 tuổi;
  • Nhịp thở > 24 lần/phút;
  • Mạch > 100 lần/phút;
  • Nhiệt độ cơ thể > 38 độ C;
  • Rale phổi ẩm, nổ, xuất hiện hội chứng đông đặc khi khám phổi.

Dựa vào hình ảnh hiển thị trên phim X-quang, bác sĩ sẽ có cơ sở để phân biệt được bệnh nhân bị viêm phế quản cấp hay bị bệnh hô hấp khác như áp xe phổi, viêm phổi,...

Làm các phương pháp xét nghiệm:

Mục đích của làm xét nghiệm là để tìm ra căn nguyên bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn, số lượng bạch cầu và tốc độ máu lắng sẽ tăng.

Hiện tại, bệnh viện Medlatec cung cấp đầy đủ các xét nghiệm và dịch vụ chẩn đoán đoán hình ảnh để có thể chẩn đoán xác định nguyên nhân gây viêm phế quản như X-quang, nuôi cấy đờm, xét nghiệm panel tác nhân virus và vi khuẩn gây bệnh được hô hấp,...


Các biện pháp điều trị Viêm phế quản cấp

Phương thức điều trị

Theo thống kê, có đến hơn 90% trường hợp viêm phế quản cấp là do virus gây nên, vì thế chưa cần thiết phải điều trị kháng sinh.

Tuỳ vào mức độ và trong những trường hợp nhất định mới chỉ định dùng kháng sinh, ví dụ như:

  • Bệnh nhân ho lâu, kéo dài trên 7 ngày;
  • Tổng trạng xấu, ho kèm sốt kéo dài, đờm tiết màu vàng, xanh hoặc mủ rõ;
  • Những người bị bệnh mạn tính nghiêm trọng như ung thư, suy tim, các bệnh lý khác: phổi, gan, thận, suy giảm miễn dịch;
  • Đối tượng bệnh nhân cao tuổi (trên 65 tuổi) bị ho cấp tính kèm theo dấu hiệu như: có tiền sử đã từng nhập viện trong vòng 1 năm trở lại, mắc đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2, tiền sử tim xung huyết và đang điều trị bằng corticoid.

Điều trị triệu chứng của bệnh

Dựa trên biểu hiện của bệnh nhân để điều trị như sau:

Ho:

Ho là phản xạ tất yếu của cơ thể tống đờm, dịch nhầy ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị ho nặng tới mức mất ngủ, nôn ói thì cần điều trị giảm triệu chứng. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thêm các thuốc có tác dụng long đờm hoặc thuốc loãng đờm (nếu đờm quá đặc, đờm khó khạc). Nhiều bệnh nhân thấy mình bị ho nhiều nên đã dùng thuốc giảm ho. Không nên làm như vậy vì sẽ kìm hãm sự long đờm khiến cho việc hồi phục bị chậm trễ.

Sốt:

Bệnh nhân có thể dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao, từ 38,5 độ C trở lên. Có 2 loại thuốc thường được áp dụng đó là ibuprofen và paracetamol. Đối với các trường hợp người bệnh có bệnh lý nền thì cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc aspirin để hạ sốt cho người bị loét dạ dàng - tá tràng, những người bị hen suyễn.

Sổ mũi, nghẹt mũi:

Khuyến khích bệnh nhân nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, độ an toàn cao hơn nhiều và không có tác dụng phụ so với các thuốc chống sung huyết mũi hay các thuốc kháng histamin thường được dùng để thông khô mũi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo độ ẩm trong phòng của mình bằng máy phun sương để giảm bớt triệu chứng sổ mũi, ngạt khô mũi.

Sử dụng các thuốc kháng virus:

Được chỉ định dùng nếu nghi ngờnguyên nhân gây viêm phế quản cấplà do virus cúm. Nếu dùng cần dùng sớm trong 36 giờ đầu, kể từ khi triệu chứng bệnh khởi phát.

Khí dung thuốc giãn phế quản:

Bệnh nhân không nên dùng các thuốc giãn phế quản theo đường uống, do hiệu quả thấp và có thể mang đến tác dụng phụ như: đỏ mặt, hồi hộp, run tay, đánh trống ngực,... Cần sử dụng thuốc này tại cơ sở y tế để bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả của thuốc.

Các loại Vitamin và khoáng chất:

Theo nghiên cứu, Vitamin C không có nhiều tác dụng đối với việc điều trị đợt cấp của các bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp. Ngoài ra còn Kẽm, tác dụng ít nhưng tác dụng phụ lại là gây buồn nôn cho bệnh nhân.

Nếu đã tích cực điều trị tối ưu nhưng bệnh nhân vẫn bị ho nhiều, cần lưu tâm đến các bệnh lý khác ở người bệnh như trào ngược dạ dày, tình trạng co thắt khí quản hoặc những bệnh khác chưa được chẩn đoán.

Việc điều trị viêm phế quản cấp không quá khó khăn. Tuy nhiên các bạn vẫn nên đến cơ sở y tế uy tín nhưMedlatecđể được bác sĩ chuyên khoa Hô hấp có chuyên môn sâu chẩn đoán và điều trị dứt điểm, tránh điều trị kéo dài dễ dẫn đến kháng thuốc hoặc có những biến chứng nặng hơn của bệnh.


Tài liệu tham khảo:

  • Viêm phế quản cấp | Bệnh viện 108
  • Chẩn đoán và điều trị viêm phế quản cấp | Bệnh viện Vinmec

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map