Từ điển bệnh lý

Viêm màng não do não mô cầu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm màng não do não mô cầu

Bệnh não mô cầu, đặc biệt là viêm màng não do não mô cầu, là một trong những bệnh nhiễm trùng có tính nghiêm trọng đối với cả cá nhân và cộng đồng. Bệnh viêm màng não do Neisseria meningitidis có xu hướng tấn công những người trẻ tuổi, tiền sử khỏe mạnh và có thể tiến triển trong vài giờ dẫn đến tử vong.

Tỷ lệ tử vong có thể rất cao nếu nhiễm trùng không được điều trị thích hợp, và di chứng lâu dài có thể nặng nề ngay cả khi bệnh nhân được điều trị thành công. Tỷ lệ tử vong và bệnh tật do bệnh não mô cầu thay đổi rất ít kể từ những năm 1950, chủ yếu là do không có khả năng quản lý hiệu quả tình trạng biến chứng về tim mạch do nội độc tố gây ra bởi vi khuẩn này.

Viêm màng não do mô cầu nguy hiểm đến tính mạng

Viêm màng não do mô cầu nguy hiểm đến tính mạng

N. meningitidis có thể gây nhiễm trùng vùng lưu hành và tạo thành dịch bệnh. Một số lượng lớn các cá thể có thể bị nhiễm bệnh trong quần thể trong một khoảng thời gian ngắn. Với việc giảm các trường hợp viêm màng não do Haemophilus influenzae , N. meningitidis hiện đã trở thành nguyên nhân thứ hai gây viêm màng não ở Hoa Kỳ. Phần lớn các trường hợp nhiễm não mô cầu xảy ra ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, tiến triển của bệnh có thể rất nhanh chóng. Các đặc điểm lâm sàng có thể khá nghiêm trọng với sốc, xuất huyết dưới da và niêm mạc, huyết khối mạch tứ chi, mê sảng và hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24 giờ.

Trong cộng đồng, có tới 25% người lành mang vi khuẩn não mô cầu ở mũi, hầu, họng. Tại Việt Nam, não mô cầu khuẩn nhóm A, B và C là thường gặp nhất. Ngoài ra, não mô cầu khuẩn còn có thêm những nhóm huyết thanh khác như X, Y, W-135.


Nguyên nhân Viêm màng não do não mô cầu

N. meningitidislà một loại song cầu khuẩn gram âm có đường kính khoảng 0,7 đến 1 micromet. Các mặt tiếp giáp có phần bị san phẳng. Là vi khuẩn hiếu khí hoặc kỵ khí. Não mô cầu tạo ra một chất oxy hóa sẽ oxy hóa thuốc nhuộm không màu tetramethyl-p-phenylenediamine thành màu tím sáng. Thử nghiệm oxidase này đã được sử dụng để xác định ban đầu của sinh vật.

Meningococcicó thể được chia nhỏ thành các nhóm huyết thanh dựa trên các polysaccharid hình mũ riêng biệt, tám nhóm huyết thanh thường gây nhiễm trùng nhất ở người (A, B, C, X, Y, Z, W135 và L). Bộ gen của nhiều chủng não mô cầu gây bệnh đã được xác định trình tự.

Não mô cầu được coi là một sinh vật khó nuôi dưỡng. Việc phân lập thành công khỏi các bệnh phẩm như máu và dịch não tủy (CSF) đòi hỏi sự cẩn thận trong việc xử lý mẫu. Sinh vật rất nhạy cảm với lạnh, pH cao và độ ẩm thấp, do đó, các mẫu vật phải được xử lý nhanh chóng.

Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm, có nguyên nhân từ virus 

Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm, có nguyên nhân từ virus

Kết quả điều trị của bệnh do não mô cầu phụ thuộc vào thời gian bắt đầu điều trị kháng sinh và hỗ trợ cho bệnh nhân là sớm hay muộn, một số phương pháp đã được thực hiện để giảm thời gian chẩn đoán. Việc sử dụng kháng huyết thanh đặc hiệu chống đông tụ trong hệ thống đông máu đã được sử dụng thành công trong việc xác định sớm nhiễm N. meningitidis của dịch não tủy. Phản ứng chuỗi polymerase cũng có thể xác định N. meningitidis trong các mẫu lâm sàng.


Triệu chứng Viêm màng não do não mô cầu

Lâm sàng:

Khởi phát

Bệnh thường khởi phát cấp tính với một số biểu hiện của nhiễm khuẩn như sốt, mệt mỏi, trẻ nhỏ có thể quấy khóc không rõ lý do. Những thay đổi về tính tình, sự linh hoạt của bệnh nhân cũng là một trong những triệu chứng sớm và quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Hoặc bệnh cũng có thể khởi phát một cách cấp tính với các triệu chứng nặng của một nhiễm khuẩn huyết và nhanh chóng dẫn đến viêm màng não sau vài giờ

Giai đoạn toàn phát

Biểu hiện bệnh rõ với hai hội chứng chính

  • Hội chứng nhiễm khuẩn cấp tính: Người bệnh sốt cao có thể đến 40 độ C, tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc rõ như li bì, mệt mỏi, da xanh tái, lưỡi bẩn,.. đôi khi có bệnh cảnh của sốc nhiễm khuẩn hay nhiễm khuẩn huyết
  • Hội chứng màng não:
  • Triệu chứng cơ năng
  • Nhức đầu liên tục, 2 bên, nhất là vùng thái dương chẩm, có biểu hiện sợ ánh sang
  • Nôn: Nôn tự nhiên và nôn vọt dễ dàng, không liên quan đến ăn uống
  • Táo bón ở người lớn, trẻ em có thể gặp ỉa lỏng
  • Triệu chứng thực thể: Khám có thể phát hiện được các triệu chứng của kích thích màng não như gáy cứng, Kernig (+), Brudzinski (+), vạch màng não (+), tăng cảm giác đau. Ở giai đoạn muộn hơn có thể phát hiện thấy các triệu chứng của sự kích thích hệ thần kinh như rối loạn tri giác và co giật.
  • Triệu chứng theo nguyên nhân: Ban xuất huyết hoại tử hình sao đặc trưng của viêm màng não do não mô cầu: Xảy ra ở khoảng 15 – 25% những người mắc bệnh não mô cầu. Ban đầu là đau ở trên da, sau đó xuất hiện ban đỏ và chấm xuất huyết, tiếp tục phát triển thành các sẩn màu tím không bão hòa, có ranh giới rõ ràng với các đường viền ban đỏ. Các khu vực này tiến triển đến hoại tử với hình thành các nốt ban và mụn nước.

Ban xuất huyết hoại tử hình sao trong nhiễm não mô cầu

Ban xuất huyết hoại tử hình sao trong nhiễm não mô cầu

Cận lâm sàng

- Xét nghiệm cơ bản: Bạch cầu tăng cao, phần lớn là bạch cầu đa nhân trung tính, chỉ số viêm CRP, PCT tăng cao. Ngoài ra điện giải đồ máu có thể thay đổi

  • Xét nghiệm dịch não tủy (DNT): Cần chỉ định chọc DNT khi nghi ngờ viêm màng não do não mô cầu và đánh giá các đặc điểm sau:
  • Màu sắc: Thường đục với các mức độ khác nhau, có thể ánh vàng khi nồng độ protein quá cao hoặc có xuất huyết màng não, áp lực DNT thường tăng.
  • Số lượng tế bào trong DNT tăng, phần lớn là bạch cầu đa nhân trung tính, có thể có bạch cầu đa nhân thoái hóa.
  • Sinh hóa DNT: Nồng độ protein tăng, nồng độ Glucose giảm, nồng độ muối bình thường hoặc giảm. Ngoài ra nồng độ LDH trong DNT tăng.
  • Xác định vi khuẩn: dựa vào kết quả nhuộm Gram, nuôi cấy tìm vi khuẩn hoặc PCR từ bệnh phẩm DNT, xác định căn nguyên vi khuẩn não mô cầu.
  • Xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán: XQ phổi, chụp CT và MRI sọ não, cấy máu, sinh hóa máu và các xét nghiệm khác tùy thuộc vào cơ địa người bệnh và các bệnh kèm theo....

Các biến chứng Viêm màng não do não mô cầu

  • Đông máu nội mạch lan tỏa;
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS);
  • Di chứng thần kinh từ hôn mê đến đái tháo nhạt;
  • Viêm phổi bệnh viện do bội nhiễm;
  • Viêm màng ngoài tim.

Đường lây truyền Viêm màng não do não mô cầu

Trên cơ thể của người bình thường, cụ thể là vùng hầu họng của người bình thường, vi khuẩn não mô cầu có thể trú ngụ mà không gây ra bất cứ một triệu chứng nào. Khi có các yếu tố thuận lợi, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây bệnh. Cũng giống như các căn nguyên lây truyền qua đường hô hấp khác, vi khuẩn có thể lây qua các giọt bắn của người mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi, đặc biệt là ở nơi đông người với khoảng cách đủ gần. Tỷ lệ có mang mầm bệnh trong hầu họng cao nhất ở nhóm lứa tuổi thanh thiếu niên, và cao nhất trong thời điểm dịch bệnh ở các khu vực dịch tễ của bệnh.

Vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu có thể lây qua đường hô hấp khác

Vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu có thể lây qua đường hô hấp khác

Từ niêm mạc vùng hầu họng, khoảng dưới 1% số bệnh nhân có hiện tượng vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào máu, đi đến các cơ quan, hoặc vượt qua hàng rào máu não, đến được khoang dịch não tủy và gây viêm màng não. Một khi đã gây bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não, bệnh trở nên rất nguy hiểm, điều trị khó khăn và cho dù điều trị khỏi cũng để lại nhiều di chứng thần kinh khó hồi phục.


Đối tượng nguy cơ Viêm màng não do não mô cầu

Các nhóm đối tượng nguy cơ cao của bệnh bao gồm:

Trẻ em là đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh 

Trẻ em là đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh

  • Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi;
  • Người trẻ tuổi, thanh thiếu niên;
  • Những nhóm đối tượng thường phải sống trong tập thể đông người như: Quân nhân, sinh viên trong ký túc xá, các khu tập thể đông dân cư,…
  • Người qua lại vùng dịch tễ đang lưu hành bệnh;
  • Nhân viên phòng xét nghiệm phơi nhiễm với mầm bệnh hằng ngày;
  • Người bị suy giảm miễn dịch nói chung như : HIV/AIDS, điều trị hóa chất, ung thư,…
  • Người có bệnh lý nền mãn tính: Tiểu đường, huyết áp, …
  • Người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu bia.

Phòng ngừa Viêm màng não do não mô cầu

Dự phòng bằng thuốc:

  • Chỉ định: Điều trị dự phòng bằng thuốc được chỉ định khi tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm não mô cầu và nên được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc.
  • Thời điểm điều trị dự phòng: Nên tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh càng sớm càng tốt (lý tưởng là <24 giờ sau khi tiếp xúc).
  • Các phác đồ ưu tiên để dự phòng kháng sinh bao gồm ciprofloxacin và ceftriaxone, uống liều duy nhất. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc một phần vào tính nhạy cảm với kháng sinh trong cộng đồng.
  • Phác đồ thay thế: Azithromycin là một kháng sinh thay thế để dự phòng nếu không thể sử dụng một trong những kháng sinh ưu tiên. Ở người lớn, liều azithromycin là 500 mg uống một liều duy nhất; ở trẻ em, liều là 10 mg / kg uống một liều duy nhất (liều tối đa 500 mg).
  • Tiêm chủng: Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Hầu như các vắc xin hiên nay có tác dụng dự phòng cho các chủng A, C, Y và W135, là những chủng ở nước ta đang lưu hành nên chỉ định tiêm vắc xin là rất phù hợp. Đây không phải là vắc xin tiêm phổ thông cho tất cả mọi người, chỉ nên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao hoặc phải đi vào vùng dịch tễ, sau 3 năm, vắc xin cần được tiêm nhắc lại nếu vẫn còn yếu tố nguy cơ.
  • Các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu: Giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh vùng hầu họng, không hút thuốc lá, tránh tập trung đông người tại vùng dịch tễ, thực hiện cách ly nghiêm ngặt theo quy định của bộ Y tế tại khu vực có dịch,…

Các biện pháp chẩn đoán Viêm màng não do não mô cầu

Chẩn đoán lâm sàng

- Cần dựa vào 3 tiêu chuẩn sau:

+ Dịch tễ: Đang có dịch não mô cầu tại địa phương, hoặc đi qua vùng dịch tễ

+ Lâm sàng có 2 hội chứng chính:

  • Hội chứng nhiễm khuẩn
  • Hội chứng màng não với đặc điểm của viêm màng não mủ do căn nguyên vi khuẩn

+ Ngoài ra có dấu hiệu phát ban điển hình của não mô cầu

Chẩn đoán xác định:

Khi soi hoặc cấy dịch não tủy phát hiện được vi khuẩn gây bệnh với đặc điểm của vi khuẩn não mô cầu

Cấy dịch não tủy phát hiện được vi khuẩn gây bệnh với đặc điểm của vi khuẩn não mô cầu

Cấy dịch não tủy phát hiện được vi khuẩn gây bệnh với đặc điểm của vi khuẩn não mô cầu


Các biện pháp điều trị Viêm màng não do não mô cầu

Liệu pháp kháng sinh

  • Đối với những bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ nhiễm viêm màng não do não mô cầu, cần cố gắng bắt đầu dùng kháng sinh đường tĩnh mạch càng nhanh càng tốt. Việc sử dụng kháng sinh thích hợp ngay lập tức càng sớm càng tốt khi mắc bệnh là chìa khóa dẫn đến kết quả thành công khi bị nhiễm trùng não mô cầu đe dọa tính mạng. Cấy máu nên được lấy trước khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh, nhưng không được trì hoãn liệu pháp kháng sinh trong khi chờ thực hiện chọc dò thắt lưng.
  • Lựa chọn phác đồ: Trong trường hợp nghi ngờ viêm màng não do não mô cầu, bệnh nhân nên được điều trị theo kinh nghiệm để loại bỏ các mầm bệnh có khả năng nhất trong khi chờ kết quả nuôi cấy. Phác đồ ưu tiên trong điều trị viêm màng não do não mô cầu là ceftriaxone, cefotaxime có thể được sử dụng thay thế
  • Thời gian điều trị: Thời gian chính xác của liệu pháp kháng sinh sẽ thay đổi tùy theo tuổi của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh ban đầu và đáp ứng với kháng sinh.

Sử dụng glucocorticoid: Có thể dùng dexamethasone theo kinh nghiệm ở người lớn và trẻ em bị viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu để làm giảm biến chứng.

Chăm sóc hỗ trợ: Bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu có thể kèm theo sốc nhiễm khuẩn, rối loạn ý thức và hôn mê, vậy nên cần chăm sóc hỗ trợ tích cực, với mục tiêu chính là đảm bảo hô hấp tuần hoàn thông suốt, phòng tránh bội nhiễm và giảm thiểu biến chứng có thể xảy ra.


Tài liệu tham khảo:

  • “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm” (Ban hành kèm theo Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map