Bác sĩ:ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa:Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm:04 năm
Viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút là một bệnh phổ biến tại khoa cấp cứu và các phòng khám ngoại trú ở các bệnh viện. Bệnh thường bùng phát trong một số cộng đồng khép kín, chẳng hạn như viện dưỡng lão, trường học và trên tàu du lịch. Ngoài ra, những nguồn bệnh phổ biến khác có thể kể đến như nhà hàng và các bếp ăn tập thể.
Viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút là một bệnh phổ biến tại khoa cấp cứu và các phòng khám ngoại trú ở các bệnh viện
Viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút thường xảy ra thoáng qua và tự giới hạn với tiên lượng tốt. Ở các nước phát triển, tình trạng cần phải nhập viện vì viêm dạ dày ruột cấp tính là không phổ biến, tuy nhiên với các bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng, người già yếu cũng là những đối tượng dễ diễn biến nặng và cần nhập viện để điều trị và theo dõi.
Viêm dạ dày ruột cấp do virus có thể lây truyền từ những người mang mầm bệnh không có triệu chứng hoặc trước khi bắt đầu có triệu chứng, do đó việc kiểm soát bệnh là khá khó khăn. Tại Việt Nam, nhiềm trùng đường ruột do vi rút vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.
Vi rút là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm dạ dày ruột truyền nhiễm cấp tính, trong đó norovirus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các mầm bệnh phổ biến khác gây viêm dạ dày ruột do vi rút là vi rút rota, vi rút đường ruột và vi rút astvirus. Các nguyên nhân không do vi rút khác bao gồm vi khuẩn (Staphylococcus aureus, Campylobacter jejuni, Shigella spp, Salmonella spp, Yersinia, Escherichia coli,... ) và ký sinh trùng (Giardia, Cryptosporidium,... ).
Vi rút là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm dạ dày ruột truyền nhiễm cấp tính
Triệu chứng cơ năng
Viêm dạ dày ruột cấp tính được định nghĩa là bệnh tiêu chảy (đi ngoài từ ba lần trở lên mỗi ngày hoặc ít nhất 200g phân mỗi ngày), khởi phát nhanh kéo dài dưới hai tuần và có thể kèm theo buồn nôn, nôn, sốt hoặc đau bụng.
Nôn mửa và tiêu chảy xảy ra cùng nhau, tuy nhiên số ít trường hợp có thể xảy ra đơn lẻ. Các triệu chứng xếp theo thứ tự tỷ lệ gặp giảm dần là:
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
Nôn mửa và tiêu chảy xảy ra cùng nhau là triệu chứng bệnh viêm dạ dày cấp tính
- Nôn
- Đau bụng
- Các triệu chứng khác có thể gặp: Đau họng, ho, sụt cân, mệt mỏi,...
Các đặc điểm về tiền sử có thể gợi ý căn nguyên vi rút của viêm dạ dày ruột cấp tính bao gồm: thời gian ủ bệnh từ 24 - 60 giờ, thời gian lây nhiễm ngắn từ 12 - 60 giờ và hay gặp triệu chứng nôn mửa. Tuy nhiên, thời gian mắc bệnh của các tác nhân khác nhau là khác nhau: Nhiễm Norovirus thường kéo dài trung bình hai ngày, nhiễm rotavirus từ ba đến tám ngày, Campylobacter và Salmonella từ hai đến bảy ngày. Viêm dạ dày ruột do virus thường không gây tiêu chảy ra máu.
Triệu chứng thực thể
- Đau bụng lan tỏa nhẹ khi thăm khám và sờ nắn
- Bụng mềm, nhưng có thể có phản ứng nhẹ
- Dấu hiệu mất nước: Niêm mạc khô, giảm sắc tố da, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp hoặc trạng thái tâm thần thay đổi,...
- Các triệu chứng và dấu hiệu sau đây là nguy hiểm và cần cân nhắc nhập viện để điều trị sớm:
+ Suy giảm thể tích tuần hoàn do mất nước
+ Suy thận, rối loạn điện giải
+ Phân có lẫn máu/chảy máu trực tràng
+ Sút cân
+ Đau bụng dữ dội
+ Các triệu chứng kéo dài (hơn một tuần)
+ Có tiền sử nhập viện hoặc sử dụng kháng sinh trong vòng ba đến sáu tháng qua
+ Tuổi từ 65 trở lên
+ Bệnh đi kèm (đái tháo đường, suy giảm miễn dịch)
+ Phụ nữ có thai
Viêm dạ dày ruột do vi rút thường nhẹ và bệnh có thể tự hồi phục chỉ nhờ bổ sung nước đúng cách. Tuy nhiên nếu không theo dõi bệnh và chủ quan trên những đối tượng nguy cơ cao, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong:
- Rối loạn nhịp tim, ngừng tim do rối loạn điện giải
- Mất nước nặng gây sốc do giảm thể tích tuần hoàn
- Viêm ruột, hoại tử ruột do bội nhiễm vi khuẩn
- Ngoài ra những biến chứng về lâu dài có thể gặp ở trẻ em như suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, còi xương, chậm lớn,...
Viêm dạ dày ruột do vi rút hay xảy ra và có thể gây dịch vào mùa đông xuân. Ngoài các đợt bùng phát dịch lớn do liên quan đến tiêu thụ thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm, các căn nguyên vi rút gây viêm dạ dày ruột còn có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua đường phân - miệng.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng thông qua thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, do đó dân cư sinh sống tại các nước nghèo nàn, lạc hậu, sống trong môi trường tập thể vệ sinh kém đều là những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ mắc viêm dạ dày ruột do vi rút nhất do hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh.
Nguồn nước kém vệ sinh ẩn chứa nhiều loại vi rút gây bệnh
Ngoài ra, với những người mắc bệnh đi kèm, như suy giảm miễn dịch, bệnh viêm ruột, bệnh van tim, đái tháo đường, suy thận, viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống, cũng như những bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticosteroid toàn thân hoặc thuốc lợi tiểu,... đều có nguy cơ dễ mắc và dễ diễn biến nặng đối với bệnh viêm dạ dày ruột do vi rút.
Phòng ngừa cá nhân: Vệ sinh tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người có các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột. Những người bị viêm dạ dày ruột cấp tính nên được tư vấn về cách vệ sinh tay để giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho gia đình, đồng nghiệp và những người tiếp xúc với họ.
Vệ sinh tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người có các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột
Phòng ngừa nhiễm trùng cho cộng đồng phụ thuộc một phần vào môi trường dịch tễ học mà bệnh viêm dạ dày ruột do vi rút đang diễn ra. Đối với các đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe (thường do norovirus gây ra), các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn bao gồm rửa tay cẩn thận bằng xà phòng và sử dụng các biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như đeo găng tay. Trong các đợt bùng phát dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước hoặc nguồn thực phẩm đã được xác định rõ, các biện pháp phòng bệnh cộng đồng cần được áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể và có hướng dẫn riêng.
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút khi bệnh nhân có các yếu tố sau: Bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy đặc trưng (từ ba lần/ ngày hoặc ít nhất 200 g phân mỗi ngày), khởi phát nhanh kéo dài dưới một tuần và có thể kèm theo buồn nôn , nôn mửa, sốt hoặc đau bụng. Khám lâm sàng bệnh nhân có tình trạng đau bụng nhẹ, lan tỏa.
Xét nghiệm
Các xét nghiệm về phân (bạch cầu trong phân, lactoferrin,..) không cần thiết để chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút bởi vì xét nghiệm bạch cầu và hồng cầu ẩn trong phân, cấy phân cũng thường âm tính với vi khuẩn gây bệnh. Không nhất thiết phải xác định vi rút gây bệnh cụ thể. Sự hiện diện của bạch cầu trong phân hay máu tiềm ẩn trong phân, lactoferrin hoặc cấy phân dương tính đều cho thấy tình trạng viêm dạ dày ruột không do vi rút.
Tuy nhiên, xét nghiệm phân nên được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Tiêu chảy kéo dài quá một tuần
- Người lớn có biểu hiện sốt dai dẳng, mất nước, có máu hoặc mủ trong phân, hoặc các triệu chứng và dấu hiệu báo hiệu nguy hiểm khác
- Nghi ngờ về mặt lâm sàng về căn nguyên viêm không do vi rút của bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính.
Trong trường hợp có dấu hiệu giảm thể tích tuần hoàn, xét nghiệm máu có thể thấy tình trạng cô đặc, rối loạn hạ Kali máu, rối loạn chức năng thận,...
Xét nghiệm máu có thể thấy tình trạng cô đặc
Chẩn đoán phân biệt
- Tiêu chảy do Giardia và Cryptosporidium
- Nhiễm trùng Clostridioides difficile
- Nhiễm trùng tụ cầu vàng
- Ung thư đại trực tràng
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh viêm ruột
- Viêm đại tràng vi thể
- Hội chứng kém hấp thu
- Tiêu chảy liên quan đến sau phẫu thuật cắt túi mật, tiêu chảy do dùng thuốc, lạm dụng thuốc nhuận tràng và nhiễm trùng mãn tính
Nguyên tắc điều trị
Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus là bệnh thường tự giới hạn và điều trị chỉ bằng các biện pháp hỗ trợ (bù dịch và dinh dưỡng). Không có thuốc kháng vi rút đặc hiệu.
Đối với người lớn bị viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút mà không có dấu hiệu mất nước, có thể bù nước bằng đường uống. Đối với người lớn có biểu hiện giảm thể tích tuần hoàn từ nhẹ đến trung bình, dùng các dung dịch điện giải vẫn tỏ ra có tác dụng tốt với những bệnh nhân vẫn còn khả năng uống được bình thường. Với những bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch theo phác đồ.
Với những bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch theo phác đồ.
Điều trị cụ thể
- Thuốc chống nôn và thuốc chống co giật khi nôn nhiều và mất nước nặng
- Kháng sinh khi không rõ nguyên nhân là do vi rút hay vi khuẩn.
- Bù dịch bằng đường uống nếu tình trạng mất nước nhẹ, bệnh nhân còn khả năng uống. Nên sử dụng nước có bổ sung điện giải để phòng rối loạn điện giải. Cần tránh các loại nước ngọt và nước hoa quả chứa nhiều đường.
- Đối với những bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn nghiêm trọng, hoặc không thể dung nạp bù nước bằng đường uống, cần truyền tĩnh mạch bằng dung dịch Ringer Lactat hoặc nước muối NaCl 0.9%
- Chế độ ăn uống: Chia nhỏ bữa ăn, ăn nhạt, ăn thực phẩm dễ hấp thu
- Bổ sung men vi sinh uống
- Bổ sung Kẽm
- Thuốc chống nôn (prochlorperazine hoặc ondansetron ).
Dấu hiệu nguy hiểm
Hầu hết các bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính do vi rút có thể được quản lý tại cơ sở ngoại trú. Các dấu hiệu dự báo cho việc nhập viện bao gồm sự hiện diện của các triệu chứng hoặc dấu hiệu báo động, hoặc những người có nguy cơ bị biến chứng nặng của bệnh (ví dụ: mất nước), bao gồm:
- Suy giảm thể tích tuần hoàn/ mất nước nặng
- Nôn mửa, không uống được
- Rối loạn điện giải, suy giảm chức năng thận
- Đi ngoài ra phân có máu hoặc chảy máu trực tràng
- Đau bụng dữ dội
- Các triệu chứng có xu hướng kéo dài (hơn một tuần)
- Từ 65 tuổi trở lên có dấu hiệu giảm thể tích tuần hoàn
- Bệnh đi kèm (ví dụ: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch)
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!