Từ điển bệnh lý

Viêm da cơ địa : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa (VDCĐ) là một bệnh da khá phổ biến, bệnh hay tái phát, có thể tồn tại suốt đời.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính, tùy từng quốc gia, đặc thù công việc, lối sống, sinh hoạt mà có tỷ lệ khác nhau.

Viêm da cơ địa (VDCĐ) là một bệnh da khá phổ biến, bệnh hay tái phát, có thể tồn tại suốt đời.

Viêm da cơ địa (VDCĐ) là một bệnh da khá phổ biến, bệnh hay tái phát, có thể tồn tại suốt đời.

- Bệnh viêm da cơ địa chiếm tỷ lệ rất cao so với các bệnh lý tại da khác

- Tỷ lệ nữ/nam: 1,3/1,0

Theo số liệu thống kê được ở Mỹ và một số nước Tây Âu, tỷ lệ bị Viêm da cơ địa ở:

- Trẻ em: chiếm khoảng 10-20%

- Người lớn: khoảng 1-3%

Và gần đây, người ta thấy rằng, tỉ lệ bệnh nhân viêm da cơ địa ngày một tăng cao, có thể do việc tiếp xúc với các hóa chất, hương liệu ngày một nhiều, môi trường làm việc ngày một ô nhiễm, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến da cũng như hệ miễn dịch của con người.


Nguyên nhân Viêm da cơ địa

Nguyên nhân gây nên bệnh Viêm da cơ địa cũng chưa thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, chúng là tổ hợp của nhiều yếu tố như yếu tố di truyền trong gia đình, cơ chế miễn dịch của cơ thể người bệnh, sự tổn thương các hàng rào bảo vệ da do nhiều tác nhân, tình trạng nhiễm trùng của da, cơ thể người bệnh.

Hàng rào bảo vệ da bị suy yếu

Bình thường, một làn da khỏe mạnh sẽ có cấu trúc bao gồm nhiều lớp tế bào được gắn kết chặt chẽ với nhau và luôn tồn tại một hàng rào bảo vệ da khỏi sự mất nước hoặc sự thâm nhập các chất lạ, vi trùng vào cơ thể.

Trong bệnh Viêm da cơ địa thì hàng rào bảo vệ da này bị suy yếu do có sự giảm sản xuất các chất gắn kết tế bào da, từ đó dẫn đến tình trạng mất nước qua da, làm cho da khô, nhăn nheo.

Yếu tố di truyền

Các gen nằm trên nhiễm sắc thể 1q21, 5q31, 15q11.2, SPINK5,... được xác định là có liên quan tới cơ chế bệnh sinh của bệnh Viêm da cơ địa. Chúng tác động đến các hàng rào bảo vệ da, ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các dị nguyên và từ đó làm thay đổi quá trình biệt hóa tế bào biểu mô da.

Trong một gia đình, trường hợp có bố và mẹ cùng bị viêm da cơ địa thì 80% con sinh ra bị viêm da cơ địa, còn nếu chỉ 1 trong 2 bố, mẹ bị bệnh thì chỉ khoảng 50% con bị bệnh này.

Rối loạn miễn dịch

Nhiều quan điểm cho rằng sự rối loạn điều hòa miễn dịch của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển của bệnh Viêm da cơ địa.

Người ta thấy rằng, trong các giai đoạn khác nhau của bệnh sẽ có sự gia tăng hiện diện các loại tế bào Lympho T khác nhau, gia tăng các chất tiền viêm, hóa ứng động, cytokine từ đó dẫn đến việc kích thích tế bào Lympho B tăng sản xuất IgE. IgE chính là tác nhân cho việc kích thích các tế bào Mast giải phóng các chất trung gian hóa học gây nên các phản ứng viêm và gây ngứa.

Các tế bào quan trọng và nhiệm vụ của từng tế bào

+ Tế bào trình diện kháng nguyên: làm nhiệm vụ phát hiện các dị nguyên của cơ thể.

+ Lympho T: là 1 trong các tế bào viêm góp phần quan trọng trong hình thành cơ chế viêm của bệnh.

+ Các tế bào sừng: đóng vai trò trong việc gia tăng viêm trong viêm da cơ địa.

Vai trò của IgE

Khi làm xét nghiệm ở bệnh nhân Viêm da cơ địa, người ta thấy rằng nồng độ IgE trong máu tăng cao ở 80% số bệnh nhân này. Điều đó được lý giải rằng: ở bệnh nhân Viêm da cơ địa, IgE được tổng hợp quá mức nhờ cơ chế rối loạn miễn dịch và các gen cơ địa ở những bệnh nhân này.

Viêm da cơ địa nặng ở chân

Các yếu tố khác

Một số yếu tố có liên quan tới sự khởi phát bệnh hoặc làm nặng tình trạng bệnh:

- Yếu tố tinh thần: lo lắng, căng thẳng quá mức...

- Sự thay đổi thời tiết, khí hậu: bệnh thường nặng lên vào mùa đông, thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp.

- Dị ứng thức ăn, nước uống

- Dị nguyên từ môi trường không khí, một số kim loại, xà phòng, hóa chất, mỹ phẩm


Triệu chứng Viêm da cơ địa

Tùy lứa tuổi, giai đoạn của bệnh mà bệnh Viêm da cơ địa có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên thì dù ở giai đoạn nào của bệnh thì người bệnh Viêm da cơ địa đều rất ngứa.

Ở trẻ giai đoạn < 2 tuổi

- Hay gặp nhất ở trẻ 2-3 tháng tuổi.

- Mụn nước xếp thành từng đám, diễn biến theo từng giai đoạn khác nhau:

+ Tấy đỏ: trên nền da đỏ xuất hiện các sẩn đỏ nhỏ li ti, kích thước đường kính cỡ 1mm.

+ Mụn nước: từ các đám sẩn đỏ lại hình thành lên các đám mụn nước kích thước cỡ bằng đầu đinh ghim, tập trung dày đặc.

+ Giai đoạn chảy dịch/xuất tiết: mụn nước vỡ, chảy dịch, giai đoạn này rất dễ bội nhiễm.

+ Giai đoạn đóng vảy: từ những vết trợt vỡ sẽ hình thành vảy tiết màu vàng nhạt. Nếu có bội nhiễm, vảy tiết sẽ chuyển màu nâu sẫm.

+ Giai đoạn bong vảy da: vảy tiết khô và bong dần, ít để lại sẹo.

- Vị trí:

+ Thường gặp: ở má, trán, cằm.

+ 1 số vị trí khác: tay, chân, lưng, bụng, …

+ Thường sẽ xuất hiện ở cả 2 bên cơ thể.

Viêm da cơ địa vùng mặt

Trẻ em giai đoạn 2-12 tuổi

- 2-5 tuổi là độ tuổi trẻ hay bị viêm da cơ địa nhất.

- Các sẩn gờ cao trên da, có lúc thành mảng, đôi khi lại xuất hiện rải rác. Dày sừng da, lichen hóa. Đôi khi, có thể gặp các thương tổn mụn nước ở giai đoạn cấp tính.

- Vị trí thường gặp: mi mắt, cổ tay, khuỷu tay, khoeo chân 2 bên.

Độ tuổi trưởng thành, thanh thiếu niên

Giai đoạn này thường là Viêm da cơ địa ở trẻ em chuyển sang, một số trường hợp khởi phát ở độ tuổi dậy thì, một số khởi phát ở tuổi lớn hơn.

- Thương tổn : có thể là dạng sẩn hoặc mụn nước, rải rác hoặc có khi xuất hiện thành đám, kèm những vết xước do chà xát, cào gãi

- Vị trí: cổ tay, khoeo chân, khuỷu tay, vùng hậu môn sinh dục, núm vú, ...

Viêm da cơ địa vùng cổ chân

Các triệu chứng khác:

Ngoài ra có 1 số triệu chứng khác ít gặp hơn, tuy nhiên ai cũng có thể gặp

- Da khô, bong tróc vảy

- Da Vẽ nổi: Vạch 1 đường trên da sẽ xuất hiện sẩn nổi theo đường đã vạch, mất đi sau vài phút

- Dễ bị dị ứng thức ăn.

- Mặt: da xanh xao

- Thương tổn dày sừng ở các vị trí nang lông: thường gặp ở cánh tay, đùi 2 bên

- Mắt: Viêm kết mạc

- Vảy phấn trắng


Các biến chứng Viêm da cơ địa

Khi bệnh Viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần, không được điều trị ổn định, bệnh có thể gây 1 số những biến chứng sau:

- Mắt: viêm kết mạc dày sừng trong viêm cơ địa vùng mắt với biểu hiện:

+ Ngứa, cảm giác bỏng

+ Chảy nước mắt, tiết dịch

=> Điều này có thể ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.

- Nhiễm trùng da: có thể do virus herpes, tụ cầu vàng… sẽ xâm nhập vào da qua vị trí thương tổn.

- Viêm da bàn tay: hay gặp ở những người bị viêm da cơ địa lại thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, xà phòng, hóa chất.

- Viêm cầu thận cấp: có thể gặp ở các trường hợp Viêm da cơ địa có bội nhiễm nhưng không được điều trị kịp thời.


Đường lây truyền Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa có phải bệnh lây truyền?

Viêm da cơ địa hoàn toàn không thể lây cho những người xung quanh, nhưng nó có tính chất gia đình: Nếu bố mẹ bị viêm da cơ địa thì con cái sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị bệnh này.

Nếu bố mẹ bị viêm da cơ địa thì con cái sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị bệnh này.


Đối tượng nguy cơ Viêm da cơ địa

- Người có tiền sử gia đình: bố mẹ, ông bà, anh chị em bị các bệnh lý thuốc nhóm bệnh dị ứng: viêm mũi dị ứng, Hen phế quản, Viêm da dị ứng...

- Người có công việc tiếp xúc thường xuyên với những hóa chất, tẩy rửa, xi măng...

Tiếp xúc thường xuyên với những hóa chất


Phòng ngừa Viêm da cơ địa

- Duy trì dưỡng ẩm hàng ngày, thường xuyên, liên tục sau mỗi lần tắm, rửa tay, rửa chân để đảm bảo độ ẩm của da luôn được tăng cường, hạn chế sự mất nước qua da, giúp hàng rào bảo vệ da luôn khỏe mạnh.

- Dùng thuốc kháng Calcineurin thay thế corticoid đường bôi: thuốc có tác dụng chống viêm, rất ít tác dụng phụ, hoàn toàn có thể sử dụng lâu dài để điều trị lại có tác dụng dự phòng tái phát bệnh Viêm da cơ địa.


Các biện pháp chẩn đoán Viêm da cơ địa

Chẩn đoán xác định

Hiện nay, có rất nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán được đưa ra, tuy nhiên bộ tiêu chuẩn chẩn đoán của Hanifin và Raika xây dựng năm 1970 và cải tiến năm 1980 hiện được sử dụng phổ biến và đang được đa số các Bác sỹ Da Liễu áp dụng.. Chẩn đoán là Viêm da cơ địa cần có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.

- 4 tiêu chuẩn chính:

(1) Ngứa.

(2) hương tổn điển hình:

+ Trẻ em: mụn nước tập trung ở mặt

+ Trẻ lớn và người lớn: dày da, lichen hóa ở vùng nếp gấp

(3) Viêm da mạn tính và tái phát

(4) Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc các bệnh dị ứng: hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa

- 23 tiêu chuẩn phụ:

(1) Khô da

(2) Vảy cá

(3) Phản ứng da tức thì type 1 dương tính

(4) Tuổi phát bệnh sớm

(5) Tăng IgE huyết thanh

(6) Da dễ nhiễm trùng và hay tái phát

(7) Viêm da ở tay, chân

(8) Chàm núm vú

(9) Viêm môi

(10) Viêm kết mạc tái phát

(11) Nếp dưới mi mắt của Dennie Morgan

(12) Giác mạc hình chóp

(13) Đục thủy tinh thể dưới màng bọc trước

(14) Quầng thâm quanh mắt

(15) Ban đỏ, ban xanh ở mặt

(16) Vảy phấn trắng

(17) Nếp lằn cổ trước

(18) Ngứa khi ra mồ hôi

(19) Không chịu được chất liệu len và chất hòa tan mỡ

(20) Các thương tổn dày sừng quanh nang lông

(21) Dị ứng thức ăn

(22) Tiến triển bệnh có liên quan tới yếu tố môi trường và tinh thần

(23) Dấu hiệu Da vẽ nổi

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt viêm da cơ địa với một số bệnh da sau:

- Chàm vi khuẩn:

+ Thương tổn: mụn nước tập trung thành đám, ranh giới rõ với vùng da lành.

+ Vị trí: xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường liên quan với ổ nhiễm trùng.

- Viêm da đầu:

+ Thương tổn: Dát đỏ trên nền có vảy, ngứa khi nóng, ra mồ hôi

+ Vị trí hay gặp ở vùng da mỡ: rãnh mũi má, kẽ sau tai, trán, cung mày, cằm, vùng ngực, vùng giữa hai bả vai.

- Viêm da tiếp xúc:

+ Thương tổn: mụn nước, bọng nước trên nền da đỏ

+ Vị trí: vùng da hở, vùng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, kích ứng

- Ghẻ:

+ Thương tổn: mụn nước rải rác toàn thân, luống ghẻ

+ Vị trí: kẽ ngón tay, đường chỉ tay, nếp gấp cổ tay, mông, đùi, nếp gấp vú, nếp gấp khuỷu tay.

+ Cơ năng: Ngứa về đêm.

- Rôm sảy:

+ Hay gặp vào mùa hè,

+ Thương tổn: sẩn đỏ, nhỏ li ti, kích thước ~ 1mm, rải rác toàn thân.


Các biện pháp điều trị Viêm da cơ địa

Tại chỗ

+ Giai đoạn cấp tính: dùng các thuốc dạng dung dịch tẩm gạc đắp liên tục để thấm hút nước, làm khô thương tổn như: dung dịch Jarish, nước muối đẳng trương

+ Giai đoạn bán cấp: có thể dùng hồ nước, H. Brocq, Hồ/kem có corticoid.

+ Giai đoạn mạn tính: ưu tiên thuốc dạng mỡ, kem để làm mềm, ẩm, giữ nước tại vùng thương tổn như: ichthyol, clobetason, tacrolimus...và điều quan trọng hơn cả là kem dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm nhằm phục hồi các hàng rào bảo vệ da bị suy yếu.

Toàn thân

+ Giảm ngứa: Kháng histamin tổng hợp

+ Thương tổn da bội nhiễm: dùng kháng sinh

+ Tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng: Vitamin C

Sử dụng thuốc vào điều trị viêm da cơ địa

Các phương pháp khác

+ Với những thương tổn Viêm da cơ địa tái diễn nhiều lần , lichen hóa, có thể kết hợp điều trị chiếu tia cực tím hoặc dùng laser giúp tăng sinh mạch nuôi dưỡng, phục hồi làn da bị tổn thương do viêm da cơ địa.

+ Kết hợp thuốc ức chế miễn dịch: corticoid, tacrolimus…

Tư vấn

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cần điều độ, hợp lý:

+ Tăng cường ăn hoa quả giàu vitamin C, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.

+ Đi ngủ sớm( trước 11 giờ đêm), không làm việc quá sức.

+ Hạn chế tối đa dùng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, cà phê…


Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh học Da Liễu tập 1 chủ biên PGS.TS.Nguyễn Văn Thường

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map