Bác sĩ:BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa:Hô hấp
Năm kinh nghiệm:7 năm
Màng phổi được cấu tạo từ 2 lớp mô mỏng và bao bọc bên ngoài phổi, ở giữa chứa dịch để bôi trơn tránh ma sát và giảm đau những khi phổi co lại hoặc nở rộng. Không riêng gì phổi mà hầu hết các cơ quan khác trong cơ thể con người đều được bao bọc bởi một loại màng tương tự như màng phổi. Trong từ điển y khoa, chúng có tên gọi là lớp mesothelium.
Màng phổi được cấu tạo từ 2 lớp mô mỏng và bao bọc bên ngoài phổi
Ung thư màng phổi bắt nguồn từ sự tăng sinh vô độ của các tế bào cấu thành nên lớp trung biểu mô màng phổi. Chúng có khả năng phân chia với tốc độ rất nhanh và theo thời gian sẽ tạo nên những khối u ác tính - một cách gọi khác của ung thư màng phổi. Dựa trên nguồn gốc mà ta có 2 loại ung thư màng phổi, bao gồm:
- Ung thư màng phổi nguyên phát:các tế bào đột biến khởi phát từ khoang màng phổi nhưng trường hợp này tương đối hiếm gặp.
- Ung thư màng phổi thứ phát:là khi ung thư di căn từ những khu vực khác trong cơ thể tới màng phổi. Các tế bào này có khả năng men theo đường máu hoặc hệ thống bạch huyết để xâm nhập và chiếm đóng ở nhiều cơ quan khác nhau. Đây thường là giai đoạn muộn của một bệnh lý ung thư nào đó ví dụ như: ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư tinh hoàn,...
Những số liệu đáng lưu ý liên quan tới bệnh ung thư màng phổi theo báo cáo của Globocan năm 2018:
- Toàn cầu có khoảng 30.443 số ca mắc ung thư màng phổi, trong đó có đến 25.576 số bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này.
- Hàng năm tại Hoa Kỳ, trung bình có khoảng 3.300 trường hợp bị ung thư biểu mô màng phổi.
- Ung thư màng phổi có chiều hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Australia và Vương quốc Anh.
Sau khi hít phải amiang thì có lẽ phải mất tới từ 10 - 50 năm để kịp nhận ra các biểu hiện của ung thư màng phổi do các tế bào ung thư tăng sinh trong khoang màng phổi thường ít gây ra các triệu chứng trên lâm sàng ở giai đoạn đầu. Cho tới khi bệnh đã bước sang giai đoạn cuối thì mới bộc lộ những dấu hiệu đáng chú ý. Điển hình nhất là các triệu chứng liên quan tới hệ hô hấp, đặc biệt là tràn dịch màng phổi (hiện tượng có chất dịch chứa đầy trong khoang màng phổi).
Điển hình nhất là các triệu chứng liên quan tới hệ hô hấp, đặc biệt là tràn dịch màng phổi.
Các biểu hiện bao gồm:
- Ngực đau: các cơn đau có thể âm ỉ kéo dài và tăng dần, kèm theo đó là cảm giác nặng ngực;
- Ho khan. Ở thể nặng thậm chí ho ra máu;
- Khó nuốt;
- Tình trạng dịch tràn nhiều và khối u chèn ép đường thở còn dẫn tới chứng khó thở;
Các triệu chứng toàn thân:
- Cơ thể mệt mỏi;
- Ăn mất ngon;
- Sụt cân nhanh chóng;
- Có thể bị sốt hoặc không;
- Người gầy yếu xanh sao;
- Thiếu máu;
- Đổ mồ hôi về ban đêm.
Đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư màng phổi thường nằm trong độ tuổi trên 60 và phần lớn trong số họ đã từng chịu tác động của những nhân tố sau đây:
- Phơi nhiễm với amiang: khoảng 70 - 80% ca ung thư màng phổi có mối liên quan trực tiếp tới loại hạt khoáng chất này;
- Tiếp xúc với bức xạ ion hóa;
- Nhiễm virus Simian 40;
- Do di truyền liên quan tới gen BAP1.
Thời gian gần đây nhờ sự nhận thức rõ được mối liên hệ giữa ung thư màng phổi và amiang nên các ca bệnh tại những nước phát triển có dấu hiệu giảm dần.
Trên lâm sàng những triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân ung thư màng phổi thường không điển hình và phải tới giai đoạn muộn mới phát hiện ra. Do đó để xác định được bệnh cần thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
-Chụp X-quang ngực:giúp nhận biết tình trạng tràn dịch màng phổi, đôi khi sẽ quan sát được màng phổi có độ dày không đều, phát hiện các tổn thương của khối màng phổi trên phim chụp. Ngoài ra đây cũng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ cập nhất, có thể dùng để sàng lọc bước đầu các bệnh lý về phổi nên được tiến hành đầu tiên để xác định khối u và kiểm tra giai đoạn của bệnh đã di căn hay chưa;
-Chụp cắt lớp vi tính CT lồng ngực:trong chẩn đoán các khối u ác tính tại màng phổi, chụp CT có độ nhạy là 68% và độ đặc hiệu 78%. Tuy vậy, kỹ thuật chụp CT không có tác dụng phân biệt giữa tổn thương do ung thư màng phổi nguyên phát và ung thư di căn đến màng phổi. Ngoài ra chụp CT còn có tác dụng trong việc hướng dẫn nội soi và sinh thiết màng phổi.
Chụp cắt lớp vi tính CT lồng ngực
-Chụp PET CT:có thể được sử dụng vào thời điểm trước điều trị để hỗ trợ chẩn đoán khối u nguyên phát và tình trạng bệnh, sau điều trị giúp theo dõi đáp ứng điều trị, nguy cơ tái phát và di căn của khối u, đồng thời lập kế hoạch xạ trị.
-Siêu âm màng phổi:biện pháp này giúp hiển thị hình ảnh của các tổn thương ở cơ hoàng và ngay trên màng phổi, đồng thời đánh giá lượng dịch màng phổi. Khi cần chọc hút dịch và sinh thiết dịch màng phổi cũng có thể thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm;
-Xét nghiệm công thức máu, sinh hoá máu:hỗ trợ tìm dấu ấn của tế bào ung thư, giúp chẩn đoán phân biệt ung thư màng phổi với tình trạng bệnh lý khác;
-Nội soi lồng ngực và Sinh thiết:sinh thiết màng phổi có thể được tiến hành qua sinh thiết mù hoặc qua nội soi màng phổi. Mẫu mô bệnh được lấy ra sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán xác định loại tế bào, giai đoạn tiến triển của khối u; Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư màng phổi.
-Xạ hình xương, xạ hình thận:phương pháp này sử dụng máy SPECT, SPECT/CT nhằm chẩn đoán và đánh giá tình trạng di căn tới xương, thận của các tế bào ung thư màng phổi trước điều trị. Sau khi điều trị vẫn có thể áp dụng tiếp để kiểm tra hiệu quả điều trị, đánh giá khả năng di căn và tái phát.
Theo các chuyên gia y tế, công tác điều trị bệnh ung thư màng phổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do biện pháp phẫu thuật thường không được ưu tiên áp dụng đối với khối u tại khu vực này. Mục đích điều trị chủ yếu là loại bỏ khối u màng phổi ác tính, hạn chế sự bành trướng không kiểm soát của khối u, giảm nhẹ đau đớn cho bệnh nhân, nâng cao sức đề kháng và giúp người bệnh kéo dài thêm tuổi thọ.
Có 3 biện pháp phổ biến thường được sử dụng trong điều trị ung thư màng phổi bao gồm:
Xạ trị
Liệu pháp này điều trị bằng cách tận dụng tia bức xạ ion hoá năng lượng cao để tác động lên các tế bào ung thư. Có 3 loại xạ trị trong danh sách lựa chọn đó là: xạ trị trong, xạ trị ngoài và xạ trị toàn thân.
Xạ trị điều trị bằng cách tận dụng tia bức xạ ion hoá năng lượng cao để tác động lên các tế bào ung thư
Điểm chung ở cả 3 biện pháp này là đều có tác dụng giúp phá huỷ tế bào ung thư, ngăn ngừa sự sinh sôi của các tế bào đột biến mới cũng như chặn đứng sự lan rộng của các tế bào ung thư cũ. Ngoài ra với những trường hợp được chẩn đoán đã ở giai đoạn cuối của ung thư màng phổi, xạ trị còn có nhiệm vụ giúp bệnh nhân giảm thiểu các cơn đau do khối u gây nên.
Hoá trị
Có công dụng như một loại vũ khí thiện chiến trong việc điều trị ung thư màng phổi, hoá trị là phương pháp ứng dụng hoá chất để loại bỏ ung thư. Các thuốc dùng để chữa trị cho bệnh nhân có thể được dùng theo đường uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Mục đích của việc sử dụng hoá chất bao gồm:
- Thu nhỏ kích thước của khối u;
- Hạn chế nguy cơ ung thư màng phổi xâm lấn rộng rãi sang khu vực xung quanh và di căn tới bộ phận khác;
- Giảm số lượng của các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh;
- Kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng.
Hoá trị thường được áp dụng theo từng liệu trình. Giữa các liệu trình, bệnh nhân sẽ có một khoảng thời gian nghỉ và phải tuân thủ chặt chẽ theo từng phác đồ cụ thể với mục đích là dành thời gian để các tế bào khỏe mạnh có cơ hội phục hồi. Khoảng nghỉ này cũng phải đảm bảo đủ lâu để các tế bào ung thư chưa có cơ hội được trỗi dậy.
Các tác dụng phụ bệnh nhân có khả năng phải trải qua khi hoá trị đó là: rụng tóc, mệt mỏi, táo bón, buồn nôn, tâm trạng dễ thay đổi. Tùy từng trường hợp các tác dụng phụ có thể không giống nhau.
Phẫu thuật hút dịch màng phổi
Một trong các triệu chứng/biến chứng dễ gặp nhất của ung thư màng phổi là tràn dịch màng phổi. Do vậy trong quá trình điều trị cần phải lưu ý và kiểm soát biến chứng này. Để hút dịch màng phổi, hầu hết các ca bệnh đều phải tiến hành phẫu thuật lồng ngực, hoặc thường xuyên đặt ống thông dẫn lưu để chất lỏng được loại bỏ giúp bệnh nhân dễ thở hơn và giảm nhẹ các triệu chứng liên quan do tràn dịch màng phổi.
Tiên lượng
Dường như phần lớn người mắc bệnh đều có chung một câu hỏi là bị ung thư màng phổi thì sống thêm được bao lâu. Các chuyên gia y tế đều nhận định rằng thời gian sống thêm của các ca ung thư màng phổi còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, cụ thể là:
- Loại tế bào hay mô bệnh học mà bệnh nhân mắc phải;
- Độ tuổi và giới tính của bệnh nhân;
- Ung thư đã tiến triển đến giai đoạn nào: nếu ung thư màng phổi được chẩn đoán và điều trị từ sớm khi khối u ác tính chưa xâm lấn và nhân rộng thì hiệu quả điều trị cao hơn, từ đó bệnh nhân được kéo dài tuổi thọ;
- Thể trạng của người bệnh: trong quá trình điều trị ung thư màng phổi bệnh nhân sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để tiêu diệt tế bào ung thư và phải chịu đựng các tác dụng phụ của những phương pháp này. Chính vì thế nếu có một tinh thần lạc quan và sức đề kháng tốt sẽ giúp bệnh nhân vượt qua các đợt điều trị và tăng thời gian sống.
Trên thực tế, ung thư màng phổi ở giai đoạn muộn thường có xu hướng di căn vào các hạch bạch huyết ở phía đối diện hoặc ở cột sống,... gây nên hiện tượng tràn dịch và ăn mòn sức khỏe của bệnh nhân. Thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân sau khi được chẩn đoán là từ 9 - 17 tháng. Trường hợp không được điều trị thì thời gian sống trung bình chỉ khoảng 6 tháng.
Tuy nhiên, nhờ có sự cải tiến không ngừng của các phương pháp điều trị, kỹ thuật hiện đại đã giúp các bệnh nhân bị ung thư màng phổi có cơ hội sống sót cao hơn, đặc biệt là phẫu thuật kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!