Từ điển bệnh lý

ung thư bàng quang : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan ung thư bàng quang

Cấu tạo và chức năng của bàng quang:

Bàng quang là một cơ quan rỗng, ở mặt trong được bao phủ một lớp tế bào vảy và tế bào chuyển tiếp, lớp cơ được cấu tạo từ các bó vòng và bó dọc đan chéo với nhau. Ở trẻ em (dưới 6 tuổi), bàng quang nằm trong khoang bụng và khi đến tuổi trưởng thành khi mà khung chậu đã phát triển đầy đủ thì bộ phận này sẽ chuyển sang khu trú trong vùng chậu.

So với các loài động vật khác, bàng quang ở người có chức năng vượt trội hơn hẳn và nó ngày càng được hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển cơ thể từ khi còn là một đứa trẻ cho tới khi trưởng thành. Bàng quang có công dụng chứa nước tiểu và tống xuất nước tiểu ra khỏi cơ thể thông qua đường niệu đạo. Nước tiểu khi được sản xuất tại thận sẽ đi qua ống niệu quản và “dừng chân” tại bàng quang.

Mặc dù đây không phải là một cơ quan sinh tồn nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người vì bàng quang hỗ trợ thải độc cho cơ thể, giúp chúng ta sinh sống và làm việc một cách thoải mái, thuận tiện.

Ung thư bàng quang:

Ung thư bàng quang là loại bệnh ác tính và đứng thứ nhì trong số các bệnh lý ung thư thuộc hệ tiết niệu, chỉ xếp sau bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc ung thư bàng quang có xu hướng ngày càng gia tăng, nguyên nhân cũng do xuất phát từ lối sống và môi trường làm việc.

Các loại ung thư bàng quang:

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp:đây là trường hợp thường gặp và chiếm tỷ lệ cao nhất (>90%) trong các ca bệnh ung thư bàng quang. Khối u được hình thành xuất phát từ các tế bào lót ở mặt trong bàng quang.Vai trò chính của các tế bào này đó là giúp bàng quang có thể giãn rộng khi nước tiểu đầy, đồng thời thu hẹp lại khi nước tiểu đã được thải hết ra ngoài cơ thể;
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy:chỉ chiếm khoảng 8% tỷ lệ các ca ung thư bàng quang. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc loại ung thư này là những người bị viêm bàng quang hoặc bị nhiễm ký sinh trùng;
  • Ung thư biểu mô tuyến:trường hợp này hiếm gặp hơn so với 2 loại trên và ung thư hình thành do những tế bào tạo chất tiết, chất nhầy ở trong bàng quang

Ung thư bàng quang là loại bệnh ác tính và đứng thứ nhì trong số các bệnh lý ung thư

Ung thư bàng quang chia thành giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn 1:ung thư bắt đầu hình thành ở trong lớp nội mạc của và chưa có dấu hiệu lan rộng đến lớp cơ thành bàng quang;
  • Giai đoạn 2:tế bào ung thư đã xâm lấn đến cơ thành bàng quang nhưng chưa phát triển sang các cơ quan lân cận;
  • Giai đoạn 3:từ thành bàng quang, khối u gây bệnh sang các mô ở khu vực quanh nó, ví dụ như tử cung ở nữ giới và ở nam thì là tuyến tiền liệt;
  • Giai đoạn 4:hạch bạch huyết là điểm đến tiếp theo của ung thư, ngoài ra ung thư còn có khả năng di căn tới các bộ phận như gan, xương, phổi,...

Nguyên nhân ung thư bàng quang

Tương tự với căn nguyên dẫn tới các bệnh lý ung thư khác, ung thư bàng quang xuất phát từ sự sinh sôi đột biến của các tế bào bất thường ở bàng quang. Thay vì chết đi theo quy luật như những tế bào bình thường khác, những tế bào đột biến tích tụ thành khối u ác tính và châm ngòi cho sự phát triển của một loại bệnh lý nguy hiểm.

Mặc dù vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới sự bất thường này ở các tế bào, nhưng ta vẫn có thể liên hệ tới các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang đó là:

  • Khói thuốc lá:những người nghiện thuốc lá chiếm tỷ lệ ung thư bàng cao gấp 3 lần so với người không hút;
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại:các hoá chất như beta-naphthylamine và benzidine trong ngành công nghiệp cao su, sơn, dệt may, in ấn,... nếu tiếp xúc lâu dài sẽ gây nên các bệnh ung thư, trong đó có ung thư bàng quang.

Tiếp xúc với hóa chất độc hại

  • Uống quá ít nước:chúng ta đều biết ích lợi của nước đối với cơ thể. Nước giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể thông qua hoạt động tiểu tiện. Do đó nếu bệnh nhân không uống đủ nước cần thiết mỗi ngày thì sẽ có khả năng cao bị ung thư bàng quang;
  • Dùng thuốc liều cao:theo khuyến cáo của FDA - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ thì những bệnh nhân dùng các thuốc chứa axit Aristolochic, pioglitazone (Actos®) điều trị tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư biểu mô, bao gồm ung thư bàng quang;
  • Trong nước uống chứa hóa chất:nếu nguồn nước sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt trong thời gian dài có chứa Asen thì cũng dễ gây bệnh ung thư bàng quang ở người;
  • Yếu tố khác:ung thư bàng quang còn phụ thuộc vào các yếu tố về giới tính, tuổi tác, chủng tộc, dị tật bẩm sinh, vùng sinh sống,...

Triệu chứng ung thư bàng quang

Trên lâm sàng các biểu hiện của ung thư bàng quang khá mờ nhạt. Tuy nhiên nếu để ý kỹ có thể nhận thấy một số các bất thường ở giai đoạn sớm như sau:

  • Đau mỗi khi tiểu tiện;
  • Chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi;

Chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi; Chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi

  • Tiểu khó, tiểu rắt, có khi tiểu không tự chủ, nước tiểu sậm màu: các biểu hiện này xuất hiện ngay từ sớm do sự giảm thể tích ở bàng quang hoặc khi nó bị kích thích;
  • Tiểu ra máu: triệu chứng này rất hay gặp, biểu hiện đa dạng như tiểu máu đại thể, toàn bãi, tiểu máu từng đợt;
  • Tắc nghẽn đường tiểu, nhiễm trùng đường tiểu do có cục máu đông chèn ép hoặc khối u xâm lấn.

Ung thư bàng quang khi bước sang giai đoạn muộn:

  • Đau hạ vị;
  • Đau trên xương mu;
  • Đau hông lưng;
  • Đau đầu;
  • Đau xương;
  • Đau tầng sinh môn.


Đối tượng nguy cơ ung thư bàng quang

  • Đàn ông có tỷ lệ bị ung thư bàng quang cao hơn so với phụ nữ;
  • Người cao tuổi;
  • Do di truyền: người thân đã từng mắc ung thư bàng quang có khả năng cao di truyền cho thế hệ sau;
  • Những người bị nhiễm ký sinh trùng;
  • Người hay hút thuốc lá, bao gồm cả chủ động lẫn bị động;

Người hay hút thuốc lá

  • Người công tác trong ngành nghề phải tiếp xúc nhiều với hoá chất như thợ làm tóc, da thuộc, làm cao su, thợ dệt, thợ in, thợ kim khí,...;
  • Mắc các bệnh lý mạn tính: viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần hoặc bệnh nhân phải dùng ống thông đường tiểu lâu ngày;
  • Thuốc chống ung thư cyclophosphamide cũng có khả năng khiến bệnh ung thư bàng quang tái phát.


Phòng ngừa ung thư bàng quang

Nhằm ngăn chặn khả năng bị ung thư bàng quang, mỗi người nên áp dụng các cách sau:

  • Không hút thuốc lá. Nếu có thói quen này nên từ bỏ sớm;
  • Tăng cường uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày);

Tăng cường uống đủ nước

  • Tránh tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với các nguồn hoá chất độc hại hoặc các nguồn nước chưa rõ độ an toàn;
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất, nhiều rau xanh và hoa quả tươi;
  • Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư hàng năm.

Danh sách các triệu chứng:

Ở giai đoạn sớm:

  • Đau mỗi khi tiểu tiện;
  • Chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi;
  • Tiểu khó, tiểu rắt, có khi tiểu không tự chủ, nước tiểu sậm màu: các biểu hiện này xuất hiện ngay từ sớm do sự giảm thể tích ở bàng quang hoặc khi nó bị kích thích;
  • Tiểu ra máu: triệu chứng này rất hay gặp, biểu hiện đa dạng như tiểu máu đại thể, toàn bãi, tiểu máu từng đợt;
  • Tắc nghẽn đường tiểu, nhiễm trùng đường tiểu do có cục máu đông chèn ép hoặc khối u xâm lấn.

Ung thư bàng quang khi bước sang giai đoạn muộn:

  • Đau hạ vị;
  • Đau trên xương mu;
  • Đau hông lưng;
  • Đau đầu;
  • Đau xương;
  • Đau tầng sinh môn.

Các biện pháp chẩn đoán ung thư bàng quang

Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp sau đây để chẩn đoán xác định bệnh đối với những trường hợp nghi ngờ ung thư bàng quang:

  • Xét nghiệm nước tiểu:lấy mẫu nước tiểu của bệnh nhân và phân tích dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu ung thư;
  • Sinh thiết:lấy một mẫu mô bệnh trong bàng quang và thực hiện soi để phát hiện ung thư;
  • Soi bàng quang:ống nội soi sẽ được đưa vào niệu đạo, phát hiện các bất thường bằng cách kiểm tra toàn bộ bàng quang;

ống nội soi sẽ được đưa vào niệu đạo, phát hiện các bất thường

  • Chụp CT:tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch và chụp CT giúp quan sát tốt hơn bộ phận đường tiết niệu cũng như các mô lân cận.

Trong trường hợp bệnh nhân đã được xác định mắc ung thư bàng quang, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán bệnh nhân đang ở giai đoạn nào và mức độ của bệnh ra sao:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Chụp cắt lớp vi tính CT;
  • Xạ hình xương.


Các biện pháp điều trị ung thư bàng quang

Tin mừng đối với các bệnh nhân bị ung thư bàng quang đó là ngày nay cơ hội chữa khỏi căn bệnh này là rất cao nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Có 3 hình thức điều trị chủ yếu, thường được áp dụng không chỉ đối với ung thư bàng quang mà còn vận dụng ở những bệnh lý ung thư khác:

Phẫu thuật

Kỹ thuật này rất phổ biến, bao gồm các thủ thuật: cắt bỏ u ác bàng quang niệu đạo, cắt bỏ các hạch tổn thương lân cận, cắt bỏ bán phần bàng quang, cắt bỏ triệt để bàng quang, cắt bỏ một phần niệu đạo,...

Nếu ung thư lan rộng sang cấu trúc xung quanh, ở nam giới có thể phải cắt bỏ túi tinh kèm một phần ống dẫn tinh, cắt bỏ tuyến tiền liệt. Còn ở phụ nữ thì cắt bỏ buồng trứng, tử cung, vòi trứng hoặc một phần âm đạo.

Việc phẫu thuật cắt bỏ khối u hay các bộ phận bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư phụ thuộc vào tình trạng của bệnh và từng trường hợp cụ thể.

phẫu thuật là phương pháp phổ biến

Hóa trị

Biện pháp này sử dụng hoá chất để đưa vào cơ thể, tiêu diệt tế bào ung thư. Tuỳ thuộc vào từng ca bệnh mà hoá trị có thể áp dụng riêng biệt hoặc kết hợp với phương pháp điều trị khác nhằm tối ưu hiệu quả loại bỏ ung thư. Trong trường hợp ung thư bàng quang vẫn còn hiện diện trên bề mặt, sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u bác sĩ sẽ đưa hoá chất vào bàng quang qua đường niệu đạo.

Xạ trị

Trước khi tiến hành phẫu thuật, xạ trị có thể được chỉ định nhằm giảm kích cỡ của khối u, giúp cho việc loại bỏ khối u sẽ dễ dàng hơn. Xạ trị còn giúp tiêu diệt triệt để các dấu vết của tế bào ung thư chưa được loại bỏ hết sau khi phẫu thuật. Nếu bệnh nhân không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật thì có thể áp dụng phương pháp xạ trị trong và xạ trị ngoài.

Điều trị bằng miễn dịch

Bên cạnh phẫu thuật, hoá trị và xạ trị, hiện nay đã phát triển thêm một phương thức bổ trợ khác trong điều trị ung thư bàng quang, đó là: điều trị sinh học - điều trị bằng miễn dịch. Biện pháp này chống lại các tế bào ung thư bằng cách sử dụng chính hệ thống miễn dịch sẵn có của cơ thể, áp dụng sau phẫu thuật cắt u trên bề mặt bàng quang thông qua đường niệu đạo. Biện pháp này có tác dụng phòng ngừa ung thư bàng quang tái phát trong tương lai.


Tài liệu tham khảo:

1. Ung thư bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị | Bệnh viện Vinmec

2. Ung thư bàng quang | Bệnh viện Tâm Anh

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map