Bác sĩ:BSCKI Hồ Mạnh Linh
Chuyên khoa:Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm:05 năm
Ứ nước bể thận là một tình trạng thường xảy ra khi thận - bể thận bị giãn to ra do ứ đọng nước tiểu không lưu thông đúng cách từ thận đến bàng quang. Tình trạng giãn đài bể thận này thường gặp ở một bên, chỉ ảnh hưởng đến một quả thận, nhưng tắc nghẽn có thể xảy ra đồng thời ở cả 2 bên của đường tiết niệu hoặc niệu đạo dẫn đến ứ nước ở cả hai thận.
Ứ nước bể thận là một tình trạng thường xảy ra khi thận - bể thận bị giãn to ra do ứ đọng nước tiểu không lưu thông đúng cách từ thận đến bàng quang
Ứ nước bể thận không phải là một bệnh nguyên phát. Ứ nước bể thận bản chất là do các bất thường khác của đường tiết niệu gây ra. Các bệnh này bao gồm các tình trạng tắc nghẽn trong đường tiết niệu, chít hẹp từ thành niệu quản hoặc tổ chức lân cận hoặc bất thường nhu động thực quản gây ứ đọng và trào ngược. Có đến 1% trẻ sơ sinh sinh ra với tình trạng đường tiết niệu chưa phát triển hoàn thiện hoặc giản đài bể thận niệu quản bẩm sinh. Bể thận ngoài xoang (bể thận không nằm giữa nhu mô thận cũng là một tình trạng bẩm sinh có thể gặp.
Ứ nước bể thận bản chất không phải là một bệnh đơn độc tự xuất hiện. Thay vào đó, nó là tình trạng thứ phát do các tình trạng bệnh lý trong và ngoài đường tiết niệu ảnh hưởng đến thận và hệ thống đường bài xuất.
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng giãn đài bể thận là tắc nghẽn một bên đường bài xuất cấp tính. Niệu quản là thành phần dễ bị tắc hẹp nhất và có nhiều nguyên nhân cấp tính gây ra tình trạng hẹp tắc này. Niệu quản là các ống dẫn nước tiểu từ 2 bên bể thận đi sau phúc mạc đổ vào bàng quang. Tìm hiểu kỹ hơn trong bài “hẹp tắc niệu quản”.
Tắc nghẽn niệu quản cấp tính thường gặp nhất là do sỏi niệu quản, nhưng chít hẹp niệu quản do xơ sẹo hoặc huyết khối bể thận niệu quản do chảy máu trong đường tiết niệu cũng có thể gây ra bệnh tiết niệu tắc nghẽn đơn phương cấp tính.
Niệu quản bị tắc có thể khiến nước tiểu không xuống được bàng quan trào ngược trở lại thận, gây giãn đài bể thận. Chiều nước tiểu đi ngược này được gọi là trào ngược bàng quang niệu quản (VUR).
Niệu quản bị tắc có thể khiến nước tiểu không xuống được bàng quan trào ngược trở lại thận, gây giãn đài bể thận
Các nguyên nhân tiềm ẩn khác của tắc nghẽn bao gồm:
- Một xung đột cơ học với kìm động mạch chính phụ tại điểm niệu quản trên, nơi đoạn nối bể thận với niệu quản.
- Tăng sản lành tính tiền liệt tuyến
- Ung thư tiền liệt tuyến
- Viêm tiền liệt tuyến
- Tử cung có thai lwonschèn ép vào niệu quản, bàng quang
- Khối u trong hoặc lân cận chèn ép vào niệu quản
- Hẹp niệu quản bẩm sinh
- Hẹp niệu quản do tổn thương niệu quản sau phẫu thuật, chấn thương
Bình thường, áp lực nước tiểu của đường tiết niệu là rất thấp, đa phần nước tiểu chảy xuôi dòng nhờ tư thế và một phần nhờ nhu động của niệu quản. Khi có tắc nghẽn, nhu động niệu quản và bể thận sẽ tăng cường để đẩy nước tiểu qua đoạn hẹp. Áp lực trong đường tiết niệu qua từng cơn co bóp sẽ tăng dần dẫn đến căng giãn bể thận và niệu quản với nước tiểu ứ đọng.
Tình trạng ứ nước bể thận có thể trầm trọng đến mức gây ảnh hưởng vào các cơ quan lân cận. Nếu tình trạng giãn đài bể thận không được giải quyết kịp thời, áp lực trong bể thận có thể đảo ngược áp lực lọc tại cầu thận làm mất chức năng cầu thận, khi số lượng cầu thận bị tổn thương đủ lớn, thận sẽ mất chức năng vĩnh viễn.
Các triệu chứng nhẹ của tình trạng ứ nước thận bao gồm đi tiểu buốt tiểu dắt hoặc các rối loạn kịch thích đường tiểu khác. Ứ nước bể thận có thể gây ra các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân như:
- Đau hông lưng, có thể có cơn đau quặn thận điển hình
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau khi đi tiểu, tiểu buốt tiểu dắt
- Đi tiểu không hết bãi, nhiều nước tiểu tồn dư sau đi tiểu trong bàng quang
- Sốt
Khi dòng chảy tự nhiên một chiều và liên tục của nước tiểu bị cản trở, áp lực và tình trạng ứ đọng nước tiểu là môi trường thích hợp để vi khuẩn nhân lên và phát triển, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Biến chứng phổ biến nhất của ứ nước bể thận là viêm thận bể thận, có thể trở thành ứ mủ bể thận, abces thận. Một số dấu hiệu của viêm thận bể thận bao gồm:
- Nước tiểu đục
- Đi tiểu đau buốt
- Tiểu nóng rát
- Tiểu rỉ, tiểu ngắt quãng
- Đau hông lưng
- Đau bàng quang hạ vị
- Sốt
- Ớn lạnh hoặc rét run
Nếu bệnh nhân cảm nhận thấy các dấu hiệu của ứ nước bể thận, bệnh nhân nên sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ để trao đổi về các triệu chứng. Ứ nước bể thận gây nhiễm trùng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như ứ mủ bể thận, abces thận, nhiễm trùng nhu mô thận và nhiễm trùng huyết, hoặc shock nhiễm khuẩn.
Biến chứng do ứ nước bể thận thường được chia thành hai nhóm, suy giảm chức năng thận và tổn thương thận cơ học do áp suất ứ đọng và nhóm biến chứng nhiễm trùng.
Suy giảm chức năng thận
Giảm chức năng thận một bên tạm thời là thường gặp nhất. Nhưng nặng nề hơn nếu tắc nghẽn ở vùng thấp chung giữa 2 bên đường tiết niệu, cả 2 thận có thể cùng bị suy giảm chức năng. Tắc nghẽn cấp tính 2 thận gây suy thận cập. Tắc nghẽn kéo dài có thể dẫn đến suy thận mạn không hồi phục và bệnh thận giai đoạn cuối.
ĐIều trị đơn thuần tập trung vào giải phóng tắc nghẽn, nếu đoạn hẹp tắc niệu quản niệu đạo bị trở ngại không giải quyết được sớm. Dẫn lưu bể thận tạm thời có thể được chỉ định.
Suy giảm chức năng thận
Biến chứng nhiễm trùng
Các mức độ nhiễm trùng do vi khuẩn sinh sôi trong nước tiểu phân ra các mức độ từ nhẹ đến nặng.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu thông thường có thể được điều trị bằng phác đồ kháng sinh.
- Viêm thận bể thận cần điều trị bằng phác đồ tích cực hơn, cơ bản vẫn là kháng sinh nhưng ưu tiên kháng sinh đặc hiệu tiết niệu đường tĩnh mạch
- Ứ mủ bể thận là tình trạng nhiễm khuẩn nặng nề nhất, ngoài phác đồ kháng sinh, dẫn lưu ổ mủ bể thận qua da là cần thiết. Một số trường hợp giãn bể thận quá to hoặc ứ mủ thận nặng nề có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ bên thận tổn thương.
Chẩn đoán xác định và tìm được nguyên nhân giúp ích rất nhiều trong điều trị các tình trạng thứ phát. Chức năng thận có thể bị suy giảm không hồi phục dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận mạn giai đoạn cuối nếu tình trạng tắc nghẽn ứ đọng không được giải quyết.
Khám lâm sàng là rất quan trọng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm hỏi về tiền sử cũng như diễn biến các triệu chứng chung, tập trung vào các triệu chứng gợi ý đến các bệnh về đường tiết niệu. Họ cũng có thể cảm nhận được thận ứ nước và tăng kích thước của bệnh nhân nhờ thăm khám lâm sàng bằng tay.
Nước tiểu nếu ứ đọng do tắc nghẽn ở niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) có thể gây giãn cả 2 bên thận. Hẹp niệu đạo có thể được giải quyết tạm thời bằng dẫn lưu bàng quang (sonde tiểu). Nếu dẫn lưu bàng quang không giải quyết được tình trạng bệnh, có thể tổn thương tắc nghẽn nằm ở vị trí cao hơn trong đường tiết niệu.
Để đánh giá mức độ cũng như định hướng nguyên nhân, các phương pháp thăm dò chẩn đoán hình ảnh có thể được chỉ định. Siêu âm hệ tiết niệu là phương pháp nhanh đơn giản, có thể đánh giá động học nhưng độ phân giải thấp và phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm. Chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu cho độ phân giải cao hơn, đánh giá chi tiết hơn cả về chức năng thận nhưng giá thành đắt và ít tính động học hơn so với siêu âm. Trước nay siêu âm vẫn được coi là phương pháp chủ yếu để chẩn đoán tình trạng ứ nước bể thận do tính dễ tiếp cận.
Chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu cho độ phân giải cao hơn, đánh giá chi tiết hơn cả về chức năng thận
Siêu âm giúp bác sĩ đánh giá tình trạng giãn đài bể thận ở mức độ nào, định hướng nguyên nhân sơ bộ giúp chỉ định cắt lớp vi tính được chính xác và đánh giá kỹ càng hơn dựa trên hình ảnh dựng hình đường bài xuất và khảo sát mạch thận.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản cũng được chỉ định đồng thời như tế bào máu, chức năng thận, chỉ số viêm cơ thể, tổng phân tích nước tiểu. Các xét nghiệm này giúp chẩn đoán các hậu quả của ứ nước bể thận như nhiễm trùng tiết niệu, suy giảm chức năng thận, và nặng nề nhất là ứ mủ bể thận. Khi có ứ mủ bể thận, nguy cơ nặng nề nhất là có thể sẽ phải cắt bỏ thận.
Điều trị tình trạng ứ nước bể thận chủ yếu tập trung vào việc loại bỏ bất cứ nguyên nhân tắc nghẽn nào đang ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của nước tiểu. Nguyên nhân gây ra ứ nước bể thận sẽ quyết định phương pháp điều trị tình trạng bệnh này.
Nếu một niệu quản bị tắc đang gây ra tình trạng ứ nước đài bể thận, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau đây:
- Đặt stent niệu quản (hay còn gọi là sonde JJ, dẫn lưu bể thận bàng quang 2 đầu hình J), đó là một ống cho phép nước tiểu trong niệu quản thoát vào bàng quang
- Dẫn lưu bể thận sau phúc mạc
- Điều trị viêm nhiễm khuẩn thứ phát bằng kháng sinh
Các nguyên nhân tắc nghẽn tại niệu quản bàng quang có thể được giải quyết bằng phẫu thuật. Niệu quản bị chít hẹp do xơ sẹo hoặc đoạn niệu quản bị rối loạn bất thường thần kinh cơ có thể được cắt bỏ và ghép nối tạo hình bể thận. Một trong những phương pháp thông dụng nhất là Pyeloplasty.
Nếu nguyên nhân gây giãn đài bể thận của bệnh nhân là sỏi thận - sỏi niệu quản, 3 phương pháp điều trị sỏi tiết niệu thường dùng nhất có thể là tán sỏi nội soi ngược dòng niệu đạo - bàng quang - niệu quản, tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể và lấy sỏi hoặc tán sỏi nội soi đường hầm nhỏ qua da. Một dẫn lưu tạm thời có thể được làm trước để giải quyết tình trạng ứ đọng nếu như sỏi khó giải quyết hoặc đã có biến chứng nhiễm trùng bể thận nặng.
Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định tuỳ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng thứ phát. Điều này sẽ giúp đảm bảo bệnh nhân không bị nhiễm trùng thận thứ phát, đặc biệt là tình trạng ứ mủ bể thận.
Tiên lượng dài hạn của ứ nước đài bể thận là gì?
Nếu tình trạng giãn đài bể thận được điều trị sớm, tiên lượng của bệnh nhân là tốt. Chức năng thận sẽ được hồi phục hoàn toàn nếu tắc nghẽn được giải phóng kịp thời. Nếu ứ nước thận phải cần đến phẫu thuật, tỷ lệ thành công để phục hồi hoàn toàn được ước tính là 95%.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!