Từ điển bệnh lý

Tràn máu màng phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tràn máu màng phổi

Sự tích tụ máu trong khoang màng phổi là căn nguyên dẫn tới hiện tượng tràn máu màng phổi. Đây là tình trạng rất phổ biến chiếm tỷ lệ 85% khi bệnh nhân gặp chấn thương ngực kín, các vết thương ở ngực và khiến người bệnh rơi vào tình trạng đa chấn thương.

Chấn thương ngực kín gây tràn máu màng phổi

Chấn thương ngực kín gây tràn máu màng phổi

Khi chấn thương vùng ngực xảy ra, máu và không khí sẽ tràn vào các khoang màng phổi thông qua những tổn thương, các vết rách của những cấu tạo bên trong lồng ngực như nhu mô phổi, các tạng, các mạch máu lớn ở vùng trung thất hoặc thành ngực: động mạch ngực trong, động mạch liên sườn, đầu các xương sườn bị gãy.

Khí nằm vùng cao, máu nằm ở vùng thấp. Hai yếu tố này sẽ choán chỗ, chiếm diện tích và chèn ép, đè đẩy nhu mô phổi khiến khoang màng phổi bị mất áp lực âm, dẫn đến hiện tượng xẹp phổi, đồng thời trung thất sẽ bị đẩy sang phía đối diện.

Việc tiên lượng bệnh có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác phát hiện, chẩn đoán nhanh, chính xác và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Qua đó giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa khả năng phải chịu đựng những biến chứng hoặc di chứng nghiêm trọng của tràn máu màng phổi. Bệnh nhân khi được điều trị kịp thời sẽ sớm có cơ hội được sớm tái hòa nhập với cuộc sống sinh hoạt bình thường, giảm bớt gánh nặng y tế và chi phí điều trị bệnh sau này.


Nguyên nhân Tràn máu màng phổi

Như chúng ta đã biết, tràn máu màng phổi là hiện tượng máu bị tích tụ trong các khoang phế nang giữa phổi và thành ngực. Các nguyên nhân sau đây có thể chính là “thủ phạm” gây ra hiện tượng này:

Do các chấn thương vùng ngực

Những chấn thương ngực kín xảy ra khi ngực của bệnh nhân bị chèn ép bởi hai vật cứng, hoặc có một vật tù va đập vào ngực. Điều này khiến cho thành ngực và các cơ quan khác trong lồng ngực gặp tổn thương, tuy nhiên thành ngực vẫn kín và khoang màng phổi không có dấu hiệu thông với không khí bên ngoài. Loại chấn thương này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể không phát hiện ra ngay và nó ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng tuần hoàn cũng như hô hấp của cơ thể. Người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời vì chấn thương ngực kín hoàn toàn có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh nếu chậm trễ.

Các chấn thương vùng ngực kể cả chấn thương kín hay hở, nhìn chung đều có khả năng làm vỡ màng lót ở phổi hoặc ngực, khiến cho máu và khí tràn vào khoang màng phổi dần dần tích tụ trong đó mà không thoát ra được. Chỉ cần những thương tích rất nhỏ ở phổi hoặc thành ngực cũng có nguy cơ dẫn tới tình trạng tràn máu màng phổi.

Các nguyên nhân khác gây tràn máu màng phổi

Bên cạnh các chấn thương vùng ngực, những yếu tố dưới đây cũng làm tăng khả năng dẫn tới hiện tượng tràn máu màng phổi, đó là:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng phổi, ví dụ như bệnh lao;
  • Người bệnh bị rối loạn đông máu;

Rối loạn đông máu có thể là nguyên nhân gây tràn máu màng phổi

Rối loạn đông máu có thể là nguyên nhân gây tràn máu màng phổi

  • Bệnh nhân bị bệnh ung thư như ung thư màng phổi hoặc ung thư phổi;
  • Rách mạch máu trong phổi, dẫn tới tình trạng huyết áp cao;
  • Tắc nghẽn phổi;
  • Rối loạn chức năng của mô phổi, ví dụ như bệnh nhồi máu phổi;
  • Do thủ thuật y khoa trong quá trình điều trị bệnh như phẫu thuật tim, hoặc phẫu thuật đặt ống thông tĩnh mạch;
  • Hiếm hoi hơn, tràn máu màng phổi cũng có thể là hiện tượng xảy ra tự phát, không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng Tràn máu màng phổi

Các biểu hiện dưới đây sẽ cảnh báo bệnh nhân đang bị tràn máu màng phổi:

  • Người bệnh cảm thấy khó thở, thở gấp hoặc thở nông;

Người bệnh cảm thấy khó thở, thở gấp hoặc thở nông

Người bệnh cảm thấy khó thở, thở gấp hoặc thở nông

  • Bị đau ngực, đặc biệt sẽ càng đau khi thở;
  • Huyết áp thấp, nhịp tim nhanh;
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng bất thường;
  • Da bị lạnh, màu sắc nhợt nhạt hoặc cảm giác ngứa ngáy.

Khi gặp các vấn đề trên, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị ngay.


Các biện pháp chẩn đoán Tràn máu màng phổi

Nhằm xác định và chẩn đoán bệnh nhân có đang bị tràn máu màng phổi hay không, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng để đánh giá. Cụ thể như sau:

Khai thác biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân

- Người bệnh bị đau ngực và khó thở liên tục, ngày càng nặng dần:

  • Đối với những chấn thương nhẹ: triệu chứng thường xuất hiện muộn, cho tới khi nồng độ khí và số lượng máu tích tụ trong khoang màng phổi đủ lớn để gây nên triệu chứng trên;
  • Đối với các thương tổn nặng: dấu hiệu khó thở và đau ngực sẽ xảy ra ngay ra khi gặp chấn thương.

- Nếu bệnh nhân bị tràn máu màng phổi nhẹ thì sẽ gặp ít các triệu chứng toàn thân. Tuy nhiên nếu tình trạng tràn máu - tràn khí màng phổi ở thể nặng, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các biểu hiện nghiêm trọng như:

  • Dấu hiệu suy hô hấp: môi và đầu chi tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, độ bão hoà SpO2 giảm;
  • Triệu chứng thiếu máu: vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, niêm mạc nhợt nhạt, da xanh xao.

- Một số các biểu hiện bất thường tại lồng ngực và chức năng hô hấp:

  • Bên ngực bị thương tổn có biên độ hô hấp giảm;
  • Bệnh nhân thở nhanh, thở nông, dấu hiệu phập phồng cánh mũi;
  • Khi hít vào thì co kéo các cơ hô hấp ở cổ và ngực.

Biểu hiện lâm sàng cảnh báo tràn máu màng phổi

Biểu hiện lâm sàng cảnh báo tràn máu màng phổi

Các kết quả thăm khám cận lâm sàng:

- Hình ảnh chụp X-quang ngực:

  • Xương sườn bị di lệch rõ;
  • Trung thất bị đẩy sang phía ngực lành;
  • Tràn khí dưới da;
  • Khi phim chụp ở tư thế đứng sẽ thấy hình ảnh tràn khí - tràn máu màng phổi đặc trưng đó là: tràn máu dưới thấp phân cách với tràn khí trên cao bằng một đường thẳng ngang.

- Chụp cắt lớp vi tính: có thể phát hiện rõ rệt hình ảnh tràn khí và tràn máu màng phổi. Dựa vào kỹ thuật này bác sĩ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và lựa chọn phương pháp xử lý đúng đắn, phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân;

- Xét nghiệm huyết học: nhận thấy dấu hiệu thiếu máu, bạch cầu tăng cao;

- Siêu âm màng phổi: nhận thấy hình ảnh dịch máu ở trong khoang màng phổi.


Các biện pháp điều trị Tràn máu màng phổi

Nhìn chung, tình trạng tràn máu màng phổi có thể coi là một triệu chứng cấp tính, khá nghiêm trọng và có thể giết chết người bệnh nếu không được cấp cứu và tiếp nhận điều trị sớm. Tuy nhiên mọi người cũng không nên quá lo lắng bởi nếu điều trị kịp thời thì có thể khỏi bệnh và trở lại với sinh hoạt bình thường.

Nếu gặp các chấn thương ngực kể cả ngực kín hay hở, thì mỗi người cần đi kiểm tra ngay để xác định xem bản thân có gặp nguy cơ bị tràn máu màng phổi hay không. Nếu có thì cần can thiệp y khoa theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ ngay lập tức để tránh phải chịu biến chứng. Khả năng phục hồi sớm hay muộn còn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh cũng như thời gian lượng máu được giải phóng ra khỏi khoang màng phổi là bao lâu.

Điều trị như thế nào cho đúng?

Sơ cứu:

  • Bước đầu khi tiếp nhận bệnh nhân, nếu bệnh nhân có triệu chứng khó thở và đau ngực tăng nặng cần thông thoáng đường thở cho họ, cho bệnh nhân thở oxy.
  • Giảm đau cho bệnh nhân: nếu có vết thương xây xát cần tiêm phòng uốn ván;
  • Đối với trường hợp nặng cần hồi sức tích cực, truyền dịch, truyền máu nếu bệnh nhân có hiện tượng sốc mất máu;
  • Đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Nếu có chỉ định cần thiết phải can thiệp ngoại khoa cấp cứu thì chuyển bệnh nhân lên phòng phẫu thuật.

Can thiệp ngoại khoa:

Dẫn lưu khoang màng phổi: bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm hoặc đặt ống dẫn lưu vào thành ngực qua xương sườn nhằm hút máu và không khí đang tràn vào không gian màng phổi. Trước khi đưa ống thông bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc gây tê hoặc gây mê;

Dẫn lưu khoang màng phổi

Dẫn lưu khoang màng phổi

  • Sau khi không khí và máu đã được hút dẫn lưu ra ngoài, có thể sử dụng một loại ống tương tự như ống dẫn lưu bên trên để mở rộng phần phổi đang bị ảnh hưởng. Sẽ có một ống dẫn lưu được gắn vào ngực để không khí và các chất dịch được thoát ra ngoài, đồng thời kiểm soát không cho phép không khí bên ngoài tràn ngược vào màng phổi;
  • Ở trường hợp tràn máu nhẹ, chỉ cần khiến cho phổi thông thoáng khí và hút hượng máu tràn trong khoang màng phổi ra là được. Tuy nhiên đối với trường hợp nặng, cụ thể: sau khi đặt dẫn lưu mà lượng máu ra nhiều (>1500ml/24h hoặc 200ml/h trong 3 giờ đầu), cần phải thực hiện phẫu thuật mở ngực để cầm máu những mạch máu lớn ở thành ngực và nhu mô phổi đang gặp tổn thương, ngăn chặn máu tiếp tục chảy vào màng phổi.

Sau phẫu thuật:

  • Bệnh nhân nghỉ ngơi hồi sức. Sau đó hướng dẫn người bệnh tập luyện các liệu pháp hô hấp để tránh xẹp phổi;
  • Sử dụng các loại thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc long đờm để kiểm soát các triệu chứng và dự phòng nhiễm trùng;
  • Nếu được điều trị tích cực và xử trí đúng, phần lớn những bệnh nhân gặp vấn đề tràn khí - tràn máu màng phổi do chấn thương ngực đều có tiên lượng tốt và nhanh khỏi bệnh.

Tài liệu tham khảo:

  • Tràn máu màng phổi: Nguyên nhân, cách điều trị và tiên lượng bệnh | Hello Bacsi
  • Tràn máu - tràn khí màng phổi trong chấn thương ngực kín | Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
  • Tràn máu màng phổi | Khám Gì Ở Đâu

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map