Bác sĩ:Bác sĩ Ngô Thị Thu Hà
Chuyên khoa:Răng hàm mặt
Năm kinh nghiệm:4 năm
Răng khôn là thuật ngữ được sử dụng để chỉ răng vĩnh viễn cuối cùng mọc trên cung hàm, có thể được gọi bằng tên khác là răng 8 hoặc răng hàm lớn thứ ba.
Răng khôn thường mọc trong độ tuổi 18 – 25, có thể sớm hơn (16 – 17 tuổi) hoặc muộn hơn (trên 30 tuổi), đây là giai đoạn xương hàm trên, hàm dưới đã hoàn thiện quá trình phát triền và định hình, vì thế các răng khôn thường có hiện tượng mọc lệch do không đủ khoảng trên cung hàm.
Hình thái mọc lệch của răng khôn thường dưới các dạng:
Hàm trên:
Hình ảnh 1. Hình thái răng khôn mọc hàm trên (theo Archer, 1975)
1. Lệch gần; 2. Lệch xa; 3. Mọc thẳng; 4. Nằm ngang;
5. Lệch má; 6. Lệch lưỡi; 7. Mọc ngược.
Hàm dưới
Hình ảnh 2. Hình thái răng khôn mọc hàm dưới
Nguyên nhân tại chỗ
Mầm răng không đủ yếu tố để mọc
- Không có cơ quan tạo men.
- Không có dây chằng Sharpey.
- Do giai đoạn hình thành túi răng không đầy đủ.
- Tủy răng bị thiểu sản, nuôi dưỡng kém.
Do xương ổ răng
Thân răng không vượt qua được các cản trở như niêm mạc, xương ổ răng.
Lợi
Lợi ở vùng phía trên của răng quá dày, sừng hóa, có thể cản trở quá trình mọc răng.
Thiếu chỗ để mọc
Nguyên nhân toàn thân
Do còi xương suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết, thiếu máu, giang mai…
Do những dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt.
Một số bệnh lý làm rối loạn hoặc kém phát triển sọ mặt, đặc biệt là xương hàm dưới làm ảnh hưởng tới sự mọc răng số 8.
Nguyên nhân gây biến chứng
Răng khôn thường mọc cuối cùng trên cung hàm, mọc trong giai đoạn xương hàm đã ổn định sự phát triển kích thước, vì thế thường không có đủ chỗ để răng mọc trên cung hàm, gây nên một loạt các vấn đề biến chứng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn nhai và cuộc sống của người bệnh.
- Lợi trùm gây dắt thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, gây tình trạng sưng đỏ, chảy mủ tại vị trí lợi trùm, gây đau, hạn chế há miệng.
Hình ảnh 3. Lợi trùm do răng khôn hàm dưới mọc thiếu khoảng sưng đau
- Khoảng hở khi mọc giữa răng khôn và răng số 7 gây tình trạng dắt thức ăn tại chỗ, từ đó gây sâu răng và đau răng số 7, gây vỡ răng.
- Nhiễm trùng mạn tính quanh thân răng, tổ chức của túi răng còn sót lại do quá trình mọc lên không hoàn chỉnh của răng khôn là nguyên nhân hình thành khối u xương hàm như nang thân răng, u men, ung thư xương hàm…
- Răng khôn mọc lệch ngầm chèn ép dây thần kinh gây rối loạn phản xạ và cảm giác.
Sưng đau, viêm lợi tại vị trí mọc răng
Khi răng mọc, lợi tại vị trí có răng sẽ sưng lên, đôi khi có tấy đỏ và ấn đau.
Trường hợp lợi trùm, không vệ sinh răng tốt sẽ có hiện tượng lợi bị sưng, đỏ, ấn đau, đôi khi có chảy mủ vàng lẫn máu khi ấn vào, bệnh nhân thường cảm thấy có mùi hôi khi sờ vào lợi hoặc khi chảy mủ. Bệnh nhân có thể thấy sưng đau phía góc hàm, tương ứng vị trí mọc răng.
Hình ảnh 4. Răng khôn hàm dưới mọc lệch phía ngoài, gây dắt thức ăn, sưng đau lợi
Biến chứng của hạch
Toàn bộ bạch huyết vùng hàm và hậu hàm đa phần đổ về phía hạch dưới góc hàm, khi có biến chứng viêm nhiễm do răng số 8 có thể gây biến chứng viêm hạch xung huyết bán cấp hay mạn tính, viêm hạch mủ.
Hạn chế há miệng
Khi lợi bị sưng đau, tình trạng há miệng khó hoặc không há được miệng xảy ra; bệnh nhân thường rất khó há miệng để ăn nhai, biên độ há miệng có thể chỉ còn 1cm hoặc ít hơn, một số trường hợp có cảm giác khít hàm hoàn toàn hoặc cứng miệng.
Đau họng, nuốt nước bọt thấy đau, gây viêm họng mạn tính
Khi tình trạng viêm chảy mủ hoặc viêm nặng, bệnh nhân thấy nuốt nước bọt rất đau ở vị trí thành bên họng, đôi khi thấy đau họng, ăn nhai nói đều khó chịu.
Sốt
Một số trường hợp xảy ra phản ứng toàn thân như sốt, thường sốt nhẹ (38 độ hoặc 38.5 độ C), cảm giác nóng người. Trong trường hợp có áp xe hoặc viêm mô tế bào lan tỏa thì có thể sốt cao (39, 40 độ C), kèm theo người mệt mỏi.
Rối loạn phản xạ và cảm giác
Vùng mặt do nhiều dây thần kinh chi phối nên dễ gặp các biến chứng như đau khu trú dây thần kinh răng hàm dưới, đau khu trú ở một hay hai nhánh thần kinh răng hàm trên hay giảm cảm giác tủy nửa cung hàm. Gây rối loạn thần kinh giao cảm, biểu hiện đau, phù ở một bên mặt, quanh ổ mắt.
Có thể gây đau dây thần kinh V, thậm chí gây liệt mặt. Biểu hiện của người bệnh giống như đau dây thần kinh V chưa rõ nguyên nhân, có trường hợp đau đầu giống như viêm xoang sau.
Biến chứng tại răng số 7
Răng số 8 mọc lệch gần và ép vào mặt xa răng số 7 liên tục, gây tiêu một phần hay toàn bộ xương mặt xa răng số 7. Răng số 8 lệch gần hoặc trồi cao do không có răng số 8 hàm đối diện dễ dắt thức ăn, gây sâu răng số 7 và mặt nhai răng số 8.
Gây loét niêm mạc
Niêm mạc má bị loét xơ chai do răng số 8 mọc lệch phía má, khi ăn nhai gây chấn thương. Một số trường hợp răng số 8 hàm trên mọc lệch ra ngoài má khi ăn nhai dẫn đến loét niêm mạc má hay niêm mạc lợi phủ trên răng số 8 dưới.
Gây biến chứng bệnh lý ở xa
Răng số 8 mọc lệch tạo túi quanh răng viêm nhiễm gây sốt kéo dài, viêm nội tâm mạc, viêm khớp…
Gây đau và rối loạn vùng khớp thái dương hàm
Răng số 8 mọc làm lợi phủ trên răng đẩy trồi cao theo, khi đó làm cho người bệnh cắn chạm phần lợi trùm, tầm cắn nâng cao gây mỏi khớp, đau vùng khớp, đôi khi đau ½ đầu cùng bên, đôi khi đau kéo dài.
Ổ viêm nhiễm vùng răng số 8 ngầm kích thích phản ứng co của nhóm cơ nâng hàm, dẫn tới đau vùng khớp thái dương và khó há miệng.
Hầu hết các trường hợp mọc răng khôn đều trong giai đoạn xương hàm phát triển ổn định, vì thế răng khôn mọc rất dễ gây biến chứng, gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính (nam, nữ).
Những yếu tố làm tăng nguy cơ có biến chứng do răng khôn:
- Răng khôn mọc lệch: lệch gần, lệch xa, lệch 90 độ …
- Vệ sinh răng miệng kém: không làm sạch thức ăn dắt kẽ răng, không chải răng sạch…
- Không thăm khám định kỳ răng miệng.
- Phụ nữ có thai: do tăng nồng độ các hormon estrogen, progesteron… nên tăng nguy cơ gây viêm lợi, đặc biệt ở những vị trí dễ đọng lại thức ăn, mảng bám răng khó làm sạch.
Để phòng ngừa các biến chứng do răng khôn mọc, có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Khám răng miệng định kỳ: 6 tháng/lần để phát hiện sớm các trường hợp răng khôn bất thường có nguy cơ gây biến chứng và xử trí sớm.
- Lấy cao răng định kỳ 06 tháng/lần để giảm nguy cơ các bệnh lý viêm nhiễm răng miệng.
- Chủ động thăm khám và kiểm tra răng khôn, xử trí sớm trước khi có biến chứng.
- Hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và vị trí gây khó chịu cho bệnh nhân, sau đó sẽ kiểm tra ngoài mặt và trong miệng để phát hiện các vấn đề bệnh lý liên quan đến răng.
- Chụp phim X-quang răng:
+ Phim cận chóp: khảo sát tại vị trí răng khôn.
+ Phim Panorama: khảo sát răng cần kiểm tra và các răng khác, kiểm tra xương hàm, tương quan của răng khôn và các cấu trúc xung quanh (xương hàm, thần kinh…).
Hình ảnh 5. Phim panorama khảo sát răng không mọc lệch.
+ Phim CT Conebeam: phim cắt lớp dành riêng để khảo sát chính xác răng khôn, tương quan của răng khôn với các cấu trúc xung quanh (Xương hàm, xoang hàm trên, ống thần kinh hàm dưới…); kiểm tra các nang, u xương hàm nếu có liên quan tới răng khôn.
Chỉ định bảo tồn răng số 8
Khi răng số 8 mọc có đủ hai tiêu chí sau:
- Răng số 8 mọc thẳng đúng trên sống hàm.
- Chiều rộng cần thiết từ mặt xa răng số 7 đến bờ trước cành cao rộng khoảng 15 mm.
Chỉ định nhổ răng số 8
- Răng số 8 mọc lệch gây biến chứng hoặc chưa có biến chứng sưng đau nhưng dắt thức ăn nhiều, nguy cơ gây biến chứng sâu răng.
- Răng số 8 mọc ngầm, lạc chỗ gây biến chứng.
- Răng số 8 mọc thẳng có túi viêm quanh thân răng 8 nếu không điều trị được túi viêm sẽ chỉ định nhổ răng số 8.
- Răng số 8 mọc thẳng nhưng không có răng đối diện, răng trồi dài so với răng số 7 gây dắt thức ăn hoặc loét niêm mạc lợi.
- Răng mọc thẳng đúng trên sống hàm nhất là răng số 8 hàm trên nhưng dị dạng, răng nhỏ nhọn hay gây dắt thức ăn.
- Răng số 8 mọc ngầm tạo nang thân răng.
- Răng số 8 là nguyên nhân biến chứng bệnh toàn thân và tại chỗ.
Chống chỉ định tuyệt đối khi nhổ răng
- Bệnh nhân bị ung thư bạch cầu: dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu.
- Bệnh nhân đã điều trị tia X vùng hàm mặt: dễ bị hoại tử xương hàm.
Xử trí điều trị
Tùy tình trạng biến chứng của răng khôn, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
Viêm cấp tính tại chỗ
+ Kê đơn thuốc: kháng sinh (Rodogyl, Zidocin, Augmentin…), kháng viêm (Alphachymotrypsin, Medrol…), giảm đau (Paracetamol, Alaxan…).
+ Bơm rửa tại chỗ bằng dung dịch sát khuẩn để giảm viêm.
+ Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng nước súc miệng sát khuẩn hàng ngày sau ăn để làm sạch: betadine pha loãng, Chlorhexidine 0.12%...
+ Hẹn tái khám sau điều trị 3 – 5 ngày để kiểm tra tình trạng viêm.
+ Nhổ răng khôn gây biến chứng sau khi đã hết viêm cấp.
Trường hợp khác
Xử lý nhổ răng gây biến chứng và theo dõi các biến chứng có thể gặp sau nhổ răng.
Lưu ý trước xử trí nhổ răng
+ Kiểm tra tình trạng bệnh lý toàn thân của bệnh nhân: viêm nhiễm cấp tính khác, bệnh mạn tính ảnh hưởng đến quá trình nhổ răng và chăm sóc sau nhổ (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch khác, suy giảm miễn dịch…).
+ Kiểm tra tình trạng chảy máu, đông máu của bệnh nhân trước phẫu thuật: xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm chức năng đông máu (APTT, INR, TT,…), xét nghiệm đái tháo đường (Glucose máu, HbA1c).
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!