Từ điển bệnh lý

Lao màng phổi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Lao màng phổi

Cấu tạo của màng phổi: Màng phổi do lá tạng và lá thành tạo nên một khoang được gọi là khoang ảo trong khoang màng phổi.

Lao màng phổi

Lao màng phổi

Bệnh lao màng phổi do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên, tràn dịch màng phổi là biểu hiện rõ nhất ở căn bệnh này. Trong đó, tràn dịch màng phổi là khi trong khoang màng phổi xuất hiện và tích tụ nhiều dịch hơn mức bình thường gây viêm không gian màng phổi.

Các số liệu đáng chú ý liên quan đến bệnh lao màng phổi đó là:

  • Tại Việt Nam, lao màng phổi là nguyên nhân của khoảng 70 - 80% các trường hợp tràn dịch màng phổi ở người bệnh;
  • Lao màng phổi thường xuất hiện sau lao phổi, đứng thứ 2 và chiếm khoảng 25 - 27% trong số các bệnh lao ngoài phổi (xếp sau lao hạch bạch huyết), và chiếm khoảng 5% trong các loại bệnh lao;
  • Phần lớn các ca lao màng phổi có nguyên nhân là do biến chứng từ lao nguyên phát. Số ít là do biến chứng của lao phổi thứ phát vì hang lao vỡ vào khoang màng phổi;
  • Lao màng phổi thường bắt gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới với tỷ lệ 2:1. Theo nghiên cứu dịch tễ học của Hoa Kỳ, những đối tượng bệnh nhân cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) thường dễ mắc bệnh lao màng phổi. Tuổi trung bình của những người mắc bệnh lao màng phổi là khoảng 49 tuổi: trong đó khoảng 50% là những người dưới 45 tuổi, 30% là người trên 65 tuổi.

Nguyên nhân Lao màng phổi

Nguyên nhân của lao màng phổi đó là do vi khuẩn, cụ thể như sau:

  • Vi khuẩn lao người (tên khoa học: Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh lao màng phổi, đây là một loại vi khuẩn hiếu khí. Vi khuẩn này có thể sống lâu trong môi trường không khí, kháng được cả cồn acid vì chúng không bị tiêu diệt bởi acid, ngay cả những cồn có thể tiêu diệt được những loại vi khuẩn khác cũng không thể “hạ gục" được vi khuẩn lao người.

Hình ảnh minh họa vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis

Hình ảnh minh họa vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis

  • Hiếm gặp hơn Mycobacterium tuberculosis là vi khuẩn lao bò cũng có khả năng gây bệnh lao màng phổi.

Phương thức lây truyền của vi khuẩn:

  • Con đường lây bệnh chính của vi khuẩn lao là đường máu và hệ bạch huyết, thông qua những tổn thương tiên phát, sau đó chúng “di cư" đến màng phổi;
  • Một con đường khác vi khuẩn lao có thể tấn công đó là đi từ những tổn thương lao ở nhu mô phổi gần màng phổi, sau đó tiến triển và tấn công màng phổi.

Triệu chứng Lao màng phổi

Khi bị nhiễm lao màng phổi, người bệnh có biểu hiện:

Bệnh có thể khởi phát cấp tính (nhanh thì trong 1 tuần) hoặc là bán cấp tính (trong vòng 1 tháng), có khi bệnh khởi phát âm thầm hoặc mạn tính trong thời gian dài. Biểu hiện điển hình của lao màng phổi đó là người bệnh bị tràn dịch màng phổi.

a. Thời kỳ khởi phát

- Diễn biến cấp tính: Các trường hợp có triệu chứng cấp tính chiếm khoảng 50% với các biểu hiện như: sốt cao từ 39 - 40oC kèm theo đau tức ngực đột ngột, dữ dội, khó thở và ho khan;

- Diễn biến từ từ: những trường hợp này chiếm khoảng 30% và có các triệu chứng như: bị sốt nhẹ về chiều và tối, thường xuyên đau ngực, ho khan và khó thở tăng dần;

- Diễn biến tiềm ẩn: ít biểu hiện dấu hiệu lâm sàng nên dễ bị bỏ qua. Thường sẽ bị phát hiện ngẫu nhiên nếu bệnh nhân thực hiện chụp X-quang phổi.

b. Giai đoạn toàn phát

- Triệu chứng toàn thân: Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, gầy sút và liên tục bị sốt cao (từ 38 - 40oC), buồn nôn và nôn, hạ huyết áp, mạch đập nhanh, nước tiểu ít;

- Các triệu chứng cơ năng:

  • Đau ngực: Nhưng giảm hơn so với giai đoạn khởi phát;

Triệu chứng đau ngực trong giai đoạn toàn phát của người nhiễm lao màng phổi

Triệu chứng đau ngực trong giai đoạn toàn phát của người nhiễm lao màng phổi

  • Ho khan theo từng đợt. Đặc biệt ho đột ngột nếu bệnh nhân thay đổi tư thế;
  • Thường xuyên bị khó thở;
  • Bệnh nhân có xu hướng nằm nghiêng về bên lành khi dịch tràn màng phổi ít, còn nếu nhiều thì lại nằm nghiêng về bên bệnh, hoặc dựa người vào tường để giảm triệu chứng khó thở.

- Biểu hiện thực thể: Thể hiện điển hiện qua hội chứng 3 giảm:

  • Gõ đục: Đặt các ngón tay nằm ngang lên các khoảng liên sườn, bác sĩ sẽ gõ ngón giữa của bàn tay phải lên mặt lưng các ngón của bàn tay trái đang được đặt trên lồng ngực người bệnh.
  • Rung thanh giảm (rung thanh: Âm nói của bệnh nhân truyền qua lồng ngực, sau đó dội lại lòng bàn tay bác sĩ khi bác sĩ áp tay lên lồng ngực bệnh nhân)
  • Rì rào phế nang giảm: Khi bác sĩ nghe phổi của bệnh nhân sẽ thấy tiếng rỉ rào phế nang của phổi trong quá trình hô hấp bị giảm

Các biểu hiện lâm sàng hiếm gặp khác:

- Tràn dịch kèm theo tràn khí màng phổi do vi khuẩn lao;

- Lao màng phổi nếu ở thể khô còn có thể nghe thấy tiếng cọ màng phổi;

- Lao màng phổi tràn dịch khu trú: các biểu hiện lâm sàng khó thấy gây trở ngại cho việc chẩn đoán. Tràn dịch có thể xuất hiện ở các khu vực như: vùng nách, vùng rãnh liên thuỳ, trên cơ hoành, trung thất;

- Bên cạnh các triệu chứng kể trên, bệnh nhân có thể còn xuất hiện các dấu hiệu tổn thương ở nhu mô phổi: ran nổ, ran ẩm, tiếng thổi của hang: bệnh nhân ho ra đờm hoặc ho ra máu.

- Ngoài ra còn có trường hợp bị lao màng phổi trong bệnh cảnh lao đa màng: tức là lao màng phổi còn kết hợp với lao ở những màng khác như màng tim, màng bụng,...


Các biến chứng Lao màng phổi

Mặc dù không phải là một loại bệnh quá nguy hiểm, nhưng lao màng phổi vẫn có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng như viêm mủ màng phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi, dịch dày dính nhiều ở màng phổi và ổ cặn màng phổi. Vì vậy, việc phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị khoa học, phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh lao màng phổi.

Biến chứng viêm mủ màng phổi

Biến chứng viêm mủ màng phổi


Đường lây truyền Lao màng phổi

Phần lớn bệnh nhân khi nhắc đến bệnh lao, đặc biệt là lao liên quan đến phổi thì đều nghĩ rằng kể cả lao màng phổi cũng có thể lây từ người bệnh sang người lành. Tuy nhiên lao màng phổi là loại lao ngoài phổi và không lây qua đường hô hấp như bệnh lao phổi, trừ trường hợp lao màng phổi kèm theo lao phổi.


Đối tượng nguy cơ Lao màng phổi

Các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao bị lao màng phổi:

  • Trẻ em không được tiêm phòng vắc xin lao BCG;
  • Trẻ em mắc lao sơ nhiễm nhưng không được phát hiện sớm hoặc điều trị không đúng cách;
  • Những người bị các chấn thương liên quan đến lồng ngực;
  • Người bị nhiễm lạnh, cảm lạnh đột ngột;
  • Những người thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân bị lao phổi;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể như: Nhiễm HIV/AIDS, tiểu đường, phụ nữ mang thai và sau khi sinh, phẫu thuật cắt dạ dày,...

Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch là đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm lao màng phổi

Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch là đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm lao màng phổi


Phòng ngừa Lao màng phổi

Để ngăn ngừa lao màng phổi, chúng ta cần:

  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm vắc xin phòng lao BCG;
  • Thực hiện lối sống tích cực, đời sống tình dục lành mạnh, không quan hệ bừa bãi để tránh bị lây các căn bệnh xã hội;
  • Nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, nếu phát hiện ra những triệu chứng lâm sàng liên quan đến lao màng phổi, cần tới khám tại bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và tiếp nhận điều trị đúng cách;
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý. Nếu mắc lao màng phổi trong giai đoạn đầu thì không nên vận động mạnh, tích cực nghỉ ngơi và tuân theo liệu trình điều trị.


Các biện pháp chẩn đoán Lao màng phổi

Có những kỹ thuật sau bác sĩ có thể áp dụng đối với bệnh nhân nghi mắc lao màng phổi:

- Phương phápsiêu âm màng phổikèm theochụp X-quang phổi:

Chụp X-quang phổi tại MEDLATEC chẩn đoán lao màng phổi

Chụp X-quang phổi tại MEDLATEC chẩn đoán lao màng phổi

  • Nhằm xác định xem màng phổi có dịch hay không, nếu có thì mức độ dịch là như thế nào. Cụ thể:
  • Nếu tràn dịch màng phổi ở mức độ ít sẽ cho ra hình ảnh: đám mờ đều xuất hiện dưới đáy phổi và che mất góc sườn hoành;
  • Nếu tràn dịch ở mức trung bình: Đám mờ màu đậm hơn, chiếm ⅔ hoặc một nửa trường phổi, trung thất đẩy sang phía đối diện, thể tích dịch khoảng từ 1 - 2 lít;
  • Trường hợp dịch tràn nhiều: đám mờ hiển thị đều và đậm trên toàn bộ trường phổi, khe gian sườn giãn rộng, trung thất bị đẩy sang phía đối diện, cơ hoành thì bị ép xuống thấp, thể tích dịch khoảng hơn 2 lít.

- Kỹ thuật chọc hút dịch để thực hiệnxét nghiệm dịch màng phổi:

  • Khi chọc hút dịch xác định dịch có màu vàng chanh, ít khi thấy dịch màu hồng, dịch tiết Albumin có dấu hiệu tăng cao, thành phần tế bào lympho chiếm ưu thế.
  • Có thể tìm vi khuẩn lao trong dịch màng phổi bằng cách nhuộm soi trực tiếp và nuôi cấy, áp dụng kỹ thuật PCR để tìm vi khuẩn lao trong dịch màng phổi, sinh thiết và soi màng phổi, hoặc chụp cắt lớp vi tính,...
  • Tại BVĐK MEDLATEC, bệnh nhân lao màng phổi có tràn dịch màng phổi sẽ được tiến hành chọc dịch màng phổi để xét nghiệm vi khuẩn lao bằng nuôi cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng (MGIT), xét nghiệm Gene Xpert, tế bào dịch màng phổi,...

Các biện pháp điều trị Lao màng phổi

Trên thực tế lao màng phổi hoàn toàn có thể được chữa khỏi khi áp dụng phác đồ dài ngày. Tuy vậy bệnh nhân cũng có thể sẽ phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng trong quá trình điều trị lao màng phổi như viêm mủ màng phổi, tràn dịch và tràn khí màng phổi, dịch tích tụ nhiều trong màng phổi và ổ cặn màng phổi. Do đó bệnh nhân nên chú ý tới các biểu hiện lâm sàng dù là nhỏ nhất để phát hiện bệnh kịp thời và sớm áp dụng liệu pháp điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nặng nề về sau.

Bệnh nhân phải dùng thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ

Nguyên tắc điều trị lao màng phổi:

  • Dùng thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ;
  • Dùng thuốc đều đặn, không tự ý bỏ thuốc giữa chừng;
  • Sử dụng thuốc phối hợp với các loại thuốc chống lao;
  • Dùng thuốc theo liệu trình, đủ thời gian cho cả 2 giai đoạn là tấn công và duy trì.

Kiểm soát triệu chứng:

  • Cần giảm đau và hạ sốt cho người bệnh;
  • Nếu bị thêm viêm ngoài màng tim cần phối hợp điều trị bằng corticoid;
  • Áp dụng chọc dịch màng phổi khi bị khó thở do dịch tràn nhiều;
  • Khi hút dịch cần thao tác sớm và phải hút hết dịch. Khi thực hiện cần tuân thủ nguyên tắc hút dẫn lưu dịch màng phổi kín, vô trùng, không hút quá nhanh, quá nhiều một lúc nhằm phòng tránh các tai biến không mong muốn khi hút dịch (bội nhiễm, sốc, chảy máu,...);
  • Chống hiện tượng dịch dày, dính màng phổi.

Các biện pháp điều trị khác:

  • Bệnh nhân tập thở hoành sau khi đã hút hết dịch;
  • Kết hợp điều trị ngoại khoa;
  • Nếu có xuất hiện biến chứng ổ cặn màng phổi, rò mủ màng phổi do bội nhiễm,... bên cạnh điều trị nội khoa cần kết hợp phẫu thuật bóc tách màng phổi, mở màng phổi tối thiểu, mở màng phổi tối đa, rửa lọc màng phổi và dùng thuốc kháng sinh.

Lao màng phổi có khi cũng không khỏi hoàn toàn sau điều trị mà có thể xuất hiện trở lại, hay còn gọi là lao màng phổi tái phát. Vì vậy sau khi kết thúc liệu trình điều trị và các triệu chứng lại tái diễn, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để có phương án xử lý kịp thời.


Tài liệu tham khảo:

  • Lao màng phổi | Vinmec
  • Những điều cần biết về lao màng phổi | Sức khỏe đời sống

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map