Bác sĩ:ThS. BSNT Trịnh Thị Nga
Chuyên khoa:Cơ xương khớp
Năm kinh nghiệm:04 năm
Chóp xoay là một nhóm gân tại khớp vai, được cấu tạo bởi 4 gân: cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Đây là nhóm gân vô cùng quan trọng, nó tham gia vào tất cả các động tác của khớp vai cũng như giúp khới vai vững chãi, hạn chế nguy cơ trật khớp.
Chóp xoay là một nhóm gân tại khớp vai, được cấu tạo bởi 4 gân
Khớp vai là một khớp động. Cùng với khớp háng, nó có tầm vận động lớn nhất trong cơ thể. Vì vậy, bệnh lý gân chóp xoay gặp rất nhiều trong thực hành lâm sàng. Tổn thương các gân chóp xoay rất đa dạng như: viêm gân. Viêm bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai, đứt gân bán phần, đứt gân toàn bộ… Tuổi tác đóng một vai trò quan trọng. Nếu ở người dưới 20 tuổi, tỷ lệ tổn thương gân chóp xoay là 9.7% thì ở những người trên 80 tuổi tỷ lệ này tăng lên 62% (người bệnh có thể có triệu chứng hoặc không). Tại Đức, một nghiên cứu tiền cứu trên 411 khớp vai không có triệu chứng cho thấy tỷ lệ phổ biến chung của vết rách gân chóp xoay là 23%- 31% ở những người 70 tuổi và 51% ở những người 80 tuổi.
Nguyên nhân
- Các tác động bên ngoài:
Các hiểu biết về tổn thương gân chóp xoay cho thấy các tác động bên ngoài là nguồn gốc, khởi đầu cho sinh lý bệnh của tổn thương gân. Các tác động cơ học (ngã, va đập, vận động mạnh…) dẫn đến xung đột giữa các gân, mỏm cùng vai, hoặc chấn thương quá mạnh gây đụng dập đứt rách gân.
- Yếu tố nội tại:
Thoái hóa gân: Tình trạng thoái hóa các gân ảnh hưởng đến ổn định tổng thể của gân chóp xoay. Khi sự ổn định của gân chóp xoay bị ảnh hưởng, chỏm xương cánh tay dễ di lệch, hẹp khe giữa chỏm xương cánh tay và mỏm cùng vai. Do đó, các gân chóp xoay dễ bị tổn thương hơn dưới sự tác động của các yếu tố bên ngoài gây rách, viêm…
+ Thay đổi mạch máu
Một số nghiên cứu đã xác định các vùng giảm lưu thông trong gân chóp xaoy có thể dẫn đến thoái hóa gân. Tổn thương mạch máu làm giảm dòng máu đến mô mềm, giảm khả năng chữa lành cho gân.
+ Tuổi, Giới tính và Di truyền
Về mặt mô học, những thay đổi gân chóp xoay liên quan đến tuổi bao gồm mất collagen và thoái hóa chất nhầy. Tỷ lệ bắt gặp bất thường gân chóp xoay tăng từ 5% - 10% ở bệnh nhân dưới 20 tuổi lên 30% - 35% ở những người trong thập kỷ thứ sáu và thứ bảy của cuộc đời và cao nhất là 60% - 65% ở bệnh nhân trên 80 tuổi.
+ Sức căng
Một nghiên cứu của Budoff và cộng sự đề xuất rằng chế độ chính của tổn thương gân chóp xoay xảy ra do sức căng lệch tâm liên tục tác động vào nhóm gân này. Khi sức căng không đều sẽ hình thành một số điểm yếu tại vòng chóp xoay dẫn đến tổn thương thoái hóa, viêm, đứt, rách…
- Nhân tố môi trường:
+ Thể thao và nghề nghiệp
Các yếu tố xã hội và môi trường là những yếu tố quan trọng tác động lên bệnh nhân mắc hội chứng chóp xoay. Các yếu tố rủi ro cơ học nghề nghiệp bao gồm các vị trí lao động chân tay đòi hỏi phải mang vác nặng, yêu cầu làm việc liên tục, các hoạt động công việc lặp đi lặp lại nói chung. Miranda và cộng sự đã báo cáo một nghiên cứu theo dõi kéo dài 20 năm về một nhóm người lao động ở Phần Lan đã chứng minh tác động hiệp đồng của nhiều yếu tố nguy cơ cơ học nghề nghiệp trong sự phát triển của bệnh lý chóp xoay hoặc đau vai. Các yếu tố thích hợp bao gồm các công việc phải sử dụng nhiều lực, tư thế của vai trong quá trình làm việc thực tế và các yêu cầu về hoạt động trên cao. Các hoạt động thể thao như bóng ném, bóng chuyền, tennis, cầu lông, bóng bàn… cũng gây nên những chấn thương gân chóp xoay.
+ Hút thuốc
Nhiều nghiên cứu trong y văn đã chứng minh mối liên quan giữa liều lượng và thời gian giữa hút thuốc và rách gân chóp xoay. Một nghiên cứu năm 2010 đã đánh giá 586 người bệnh bị đau vai một bên, cho thấy ở nhóm rách gân chóp xoay có 2/3 số người hút thuôc lá thường xuyên. Các nghiên cứu khác cũng đã gợi ý mối tương quan giữa hút thuốc và thoái hóa gân chóp xoay, các triệu chứng rách và thậm chí là làm trầm trọng thêm vết rách trước đó.
Mối liên quan giữa liều lượng và thời gian giữa hút thuốc và rách gân chóp xoay đã được chứng minh
- Bệnh lý kèm theo:
Nhiều tình trạng bệnh lý đóng một vai trò tiềm tàng trong sự phát triển và tiến triển của bệnh lý chóp xoay bao gồm: Đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, thừa cân béo phì, bệnh lý tuyến giáp, viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, giả viêm đa khớp gốc chi….)
Cơ chế bệnh sinh
Viêm gân, đứt rách gân chóp xoay cấp tính có thể xảy ra sau khi có lực va đập mạnh, trực tiếp hoặc gián tiếp vào vai như: tai nạn va đập khớp vai vào bề mặt cứng, ném mạnh, bê vác nặng, ngã chống tay…
Bên cạnh đó, các chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại cũng làm suy yếu và tổn thương các gân.
Ở những người cao tuổi, bất thường giải phẫu gân, hút thuốc lá, có các bệnh lý kèm theo như trên… tổn thương gân chóp xoay có thể xảy ra mà không có yếu tố cơ học tác động rõ ràng hoặc các yếu tố này rất nhẹ.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất của bệnh lý chóp xoay là đau và giảm vận động khớp vai. Người bệnh đau âm ỉ liên tục, thường đau tăng về đêm và khi vận động. Các hoạt động như buộc tóc, chải tóc, cài khuy áo, lấy đồ vật trên cao… rất khó thực hiện. Đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ nhẹ nhàng, song nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh. Đa phần người bệnh tự uống thuốc ở nhà, xoa bóp, chườm nóng. Song các hoạt động này đôi khi có thể làm trầm trọng hơn tình trạng đau vai.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất của bệnh lý chóp xoay là đau và giảm vận động khớp vai
Khi khám, bác sĩ có thể thấy một số điểm đau tại chỗ khi ấn tại khớp vai. Khớp không sưng nóng đỏ, không biến dạng. Nếu có sưng nóng đỏ khớp cần phải nghĩ đến bệnh lý viêm khớp. nhiễm trùng. Các động tác cả chủ động (người bệnh tự thực hiện) và thụ động (bác sĩ thực hiện cho bệnh nhân) đều hạn chế do đau. Nếu người bệnh đau ít mà vẫn không làm được các động tác, có thể người bệnh bị trật khớp, đông cứng khớp vai…
Do người bệnh mắc bệnh lý chóp xoay có biểu hiện chính là đau vai mà đau vai có thể do nhiều bệnh lý khác bên ngoài gây ra. Do vậy, bao giờ bác sĩ cũng khám thêm cột sống cổ và tim phổi. Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh phải chụp chiếu thêm các cơ quan này để loại trừ các bệnh lý phối hợp gây đau vai tương tự như chèn ép thần kinh tại cột sống cổ, u phổi, tràn khí màng phổi, nhồi máu cơ tim…
Các biến chứng có thể gặp ở người bệnh mắc bệnh lý chóp xoay:
- Đau dai dẳng
- Co thắt, đông cứng khớp vai
- Teo cơ
- Rối loạn chức năng cơ delta
Để dự phòng tổn thương khớp vai, tất cả mọi người cần tránh những vận động quá sức, tránh va đập chấn thương, tạo môi trường làm việc thoải mái, nghỉ ngơi phù hợp khi làm việc, hạn chế khói thuốc và điều trị các bệnh lý nền kèm theo.
Tập thể dục vừa phải, đều đặn hàng ngày giúp các gân chóp xoay chắc khỏe, tránh chấn thương gân.
Tập thể dục vừa phải, đều đặn hàng ngày giúp các gân chóp xoay chắc khỏe
Chẩn đoán bệnh lý chóp xoay dựa vào triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh. Trong đó chẩn đoán hình ảnh (đặc biệt là siêu âm và cộng hưởng từ) đóng vai trò quang trọng hơn.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh có vai trò vô cùng quan trọng trong chẩn đoán bệnh, chẩn đoán loại trừ, tiên lượng và tham gia vào điều trị bệnh lý chóp xoay.
- Siêu âm
Siêu âm là phương pháp dễ áp dụng, sẵn có, chi phí thấp, an toàn, có thể làm tại chỗ. Phương pháp này đánh giá tốt cấu trúc gân. Các hình ảnh gặp trên siêu âm bệnh lý chóp xoay thường là gân tăng kích thước, giảm âm, có thể mất tính liên tục trong đứt rách gân, xung quanh gân có thể có dịch, đôi khi có các cấu trúc tăng âm do lắng đọng tinh thể… Tuy nhiên, khi siêu âm, người bệnh cần để khớp vai ở một số tư thế đặc biệt để các gân được nhìn thấy rõ hơn. Trong trường hợp người bệnh đau, khó phối hợp với bác sĩ, hình ảnh đánh giá sẽ kém chính xác hơn.
- Xquang
Xquang giúp đánh giá các bệnh lý kèm theo như thoái hóa khớp, vôi hóa phần mềm xung quanh khớp vai, hẹp khoang dưới mỏm cùng vai…
- Cộng hưởng từ
Cộng hưởng từ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý chóp xoay. Hình ảnh cộng hưởng từ có thể hiển thị kích thước, vị trí, độ co rút, teo cơ, những thay đổi mãn tính ở gân và cơ, tình trạng viêm, đứt, rách gân....Tất cả những yếu tố này giúp bác sĩ đánh giá toàn diện về tổn thương khớp vai, lên kế hoạch phẫu thuật nếu có chỉ định.
Cộng hưởng từ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý chóp xoay
Xét nghiệm
Các xét nghiệm không có giá trị chẩn đoán bệnh song giúp tìm các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác và đánh giá chức năng cơ bản để điều trị thuốc.
Chẩn đoán phân biệt
- Thoái hóa khớp vai
- Đông cứng khớp vai,
- Viêm gân nhị đầu
- Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
- Viêm khớp cùng vai đòn
- Nhiễm khuẩn khớp, lao khớp
- Chấn thương: trật khớp vai, tổn thương xương.
- Viêm cơ.
- Bệnh lý ngoài khớp vai: Thoái hóa cột sống cổ, chèn ép thần kinh, tổn thương đám rối cánh tay, u phổi, tràn khí màng phổi, nhồi máu cơ tim…
Điều trị nội khoa
Với các tổn thương viêm gân đa phần đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Những tổn thương có đứt, rách gân… hẹp khoang mỏm cùng vai cần cân nhắc phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, tỷ lệ thành công của điều trị bảo tồn đối với rách gân dao động từ 33% đến 82%.
- Điều trị không dùng thuốc
+ Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế các vận động mạnh, gắng sức, lặp đi lặp lại. Tránh va đập chấn thương. Trong giai đoạn cấp, không nên chiếu đèn hoặc chườm nóng tại chỗ.
+ Tránh thuốc lá, rượu.
+ Tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu: Tập phục hồi chức năng giúp ổn định khớp vai và các gân chóp xoay, tăng khả năng vận động khớp cũng như giảm đau và tạo điều kiện để gân phục hồi.
Tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu
- Điều trị thuốc
+ Thuốc chống viêm không steroid: Đây là thuốc lựa chọn hàng đầu đối với các bệnh nhân mắc bệnh lý chóp xoay. Thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm phù nề. Khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid cần chú ý đến các bệnh lý nền của người bệnh để lựa chọn hợp lý.
+ Tiêm corticoid: Tiêm corticoid được chỉ định cho các trường hợp viêm gân, vôi hóa trong gân. Không nên tiêm corticoid tại chỗ ở những bệnh nhân có đứt, rách gân do có nguy cơ làm vết rách nặng hơn
+ Huyết tương giàu tiểu cầu: Huyết tương giàu tiểu cầu được tách từ chính máu của người bệnh giúp cải thiện và phục hồi gân cũng như chống viêm tại chỗ. Khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, các tiểu cầu bổ sung thêm các yếu tố tăng trưởng vào vị trí tiêm trong bảy đến mười ngày. Các yếu tố này có hoạt tính sinh học và kích thích hình thành mạch, biểu mô hóa, biệt hóa tế bào, tăng sinh và hình thành chất nền ngoại bào.
+ Tế bào gốc: Nghiên cứu tế bào gốc đang phát triển nhanh chóng và cho thấy có thể cải thiện đáng kể việc điều trị bệnh lý gân thông qua liệu pháp tế bào. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện còn hạn chế ở người và không có nhiều thử nghiệm lâm sàng tồn tại.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị phẫu thuật có xu hướng hiệu quả nhất ở những bệnh nhân đã thất bại: các triệu chứng dai dẳng hoặc tồi tệ hơn mặc dù điều trị nội khoa tối đa ít nhất 4 đến 6 tháng. Phẫu thuật giúp nối các gân bị đứt, lấy vôi hóa, khắc phục các tổn thương khác kèm theo (hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, đông cứng khớp vai…)
Tiên lượng
Đa số các bệnh nhân mắc bệnh lý chóp xoay phục hồi tốt nếu được điều trị phù hợp. 75% người bệnh không cần can thiệp phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!