Bác sĩ:BSCKI Hồ Mạnh Linh
Chuyên khoa:Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm:05 năm
Niệu quản đóng vai trò gì bên trong cơ thể?
Niệu quản là một phần của đường tiết niệu, cấu trúc dạng ống rỗng, kích thướng nhỏ có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bể thận xuống đến bàng quang. Niệu quản đi song song và bắt chéo nhiều thành phần khác của cơ thể như động mạch thận phụ (nếu có), hệ mạch chậu. Niệu quản có nhiều điểm hẹp tự nhiên tại đoạn nối bể thận - niệu quản (nơi có thể bắt chéo động mạch thận phụ), tại điểm giao nhau với hệ mạch chậu và đoạn đi trong thành bàng quang.
Hẹp tắc niệu quản
Thông thường niệu quản dẫn nước tiểu về phía bàng quang trong một chuyển động giống như sóng gọi là nhu động xuôi chiều. Niệu quản có thể bị tắc nghẽn do các nhóm nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải sau đây:
- Một vấn đề bẩm sinh xảy ra khi hình thành và phát triển niệu quản trong thời kỳ bào thai
- Sẹo (còn được gọi là chít hẹp)
- Chèn ép bên ngoài
Đoạn nối bể thận - niệu quản là nơi đổ ra của bể thận (nơi nhận nước tiểu từ các đài thận) vào điểm bắt đầu của niệu quản. Đây là một điểm rất dễ bị tắc nghẽn trong sự phát triển bẩm sinh của thận. Hoặc là một động mạch thận phụ đi qua tại vị trí bắt chéo với niệu quản và kết hợp với động mạch thận chính tạo ra kìm động mạch kẹp niệu quản vào giữa gây ra hẹp niệu quản, hoặc niệu quản bị bất thường về chi phối thần kinh cơ, không có khả năng tạo nhu động xuôi dòng một cách bình thường để đẩy nước tiểu về phía bàng quang.
Cơn co thắt Dietl
Cả hai nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản bẩm sinh kể trên đều dẫn đến ứ nước thận và giãn đài bể thận mạn tính bẩm sinh. Tình trạng này có thể gây ra các cơn đau tái phát giống như cơn đau quặn thận, tính chất cơn đau phụ thuộc vào lượng nước tiểu được hai thận tạo ra trong một ngày, càng nhiều nước tiểu, đài bể thận càng nhanh giãn, cơn đau càng thường xuyên và dữ dội hơn. Những cơn đau có tính chất lặp lại này được gọi là cơn co thắt Dietl. Các cơn co thắt niệu quản dữ dội này được mô tả kinh điển ở nam giới trẻ tuổi sau khi uống bia, nhưng nó cũng có thể xảy ra sau bất kỳ tình trạng tăng thải nước tiểu đột ngột nào của hai thận.
Các nguyên nhân khác có thể gây tắc nghẽn niệu quản bao gồm:
- Viêm nhiễm trong ổ bụng, sau phúc mạc gây xơ hóa chít hẹp từ bên ngoài thâm nhiễm vào niệu quản
- Xơ sẹo chít hẹp niệu quản từ các phẫu thuật cắt nối, nội soi tán sỏi hoặc nội soi bàng quang có thăm dò đoạn thấp niệu quản trước đó
Xơ sẹo chít hẹp niệu quản từ các phẫu thuật cắt nối
- Tổn thương do xạ trị
- Khối u, ung thư lân cận chèn ép vào niệu quản
Viêm nhiễm
- Viêm xơ hóa sau phúc mạc
Viêm xơ hóa sau phúc mạc là một tình trạng viêm mạn tính sau ổ bụng (sau phúc mạc) và các tổ chức bao quanh niệu quản đoạn từ bể thận xuống đến bàng quang. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng Ormond hoặc viêm quanh niệu quản. Nguyên nhân gây viêm mạn tính (còn được gọi là viêm xơ hóa) vẫn chưa được biết rõ. Viêm xương tuỷ cột sống, viêm cơ thắt lưng chậu, viêm nhiễm tiểu khung sinh dục hoặc viêm thận bể thận thâm nhiễm là những tình trạng hay gặp nhất gây viêm xơ quanh niệu quản.
- Các vấn đề về mạch máu
Một nguyên nhân khác của viêm xơ sẹo sau phúc mạc là các vấn đề về mạch máu. Các niệu quản có thể bị chèn ép trong mô sẹo xung quanh chứng phình động mạch chủ bụng. Các động mạch thường ảnh hưởng đến niệu quản là động mạch chủ bụng và động mạch chậu.
Ngoài tình trạng viêm xơ sẹo do phình động mạch, đôi khi khi bản thân việc phẫu thuật giải quyết bất thường mạch máu cũng có thể gây tắc nghẽn niệu quản. Phương án điều trị cho tình trạng này là giải phóng niệu quản khỏi mô sẹo để chúng có thể đào thải nước hiệu quả hoặc đặt ống cố định dạng sonde JJ (ông thông bể thận bàng quang 2 đầu hình chữ J) bên trong niệu quản..
Chít hẹp niệu quản do sẹo niệu quản sau phẫu thuật
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây sẹo hoặc chít hẹp niệu quản là phẫu thuật được thực hiện trên niệu quản, nội soi niệu quản hoặc vùng lân cận. Một số phẫu thuật thường có thể dẫn đến tắc nghẽn niệu quản do sẹo là:
- Nội soi tán sỏi ngược dòng, phẫu thuật niệu quản lấy sỏi
- Phẫu thuật mạch máu trên các động mạch trong ổ bụng,
- Phẫu thuật đại tràng hoặc trực tràng
- Phẫu thuật phụ khoa hoặc sản khoa.
Các phẫu thuật phụ khoa, như cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng, là một nguyên nhân rất phổ biến gây tắc nghẽn niệu quản. Lý do cho điều này là các động mạch đi đến tử cung và buồng trứng rất gần với niệu quản. Trong quá trình phẫu thuật, các động mạch này được buộc hoặc kẹp tránh chảy máu và niệu quản vùng lân cận có thể bị tổn thương, thậm chí trong một số trường hợp, niệu quản được buộc chung với mạch máu. Khi một tổn thương niệu quản được phát hiện ngay trong quá trình phẫu thuật, niệu quản thường có thể được sửa chữa vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, chấn thương tổn thương niệu quản không được tìm thấy cho đến sau khi phẫu thuật hoàn tất. Tùy thuộc vào thời điểm phát hiện tổn thương niệu quản, niệu quản có thể không thể được sửa chữa ngay lập tức (không phải mổ lại ngay). Lý do mà niệu quản không thể được sửa chữa ngay là vì số lượng sẹo và và phản ứng viêm xảy ra sau phẫu thuật có thể rất dày đặc, rất khó tìm được và sửa chữa tổn thương, thậm chí có thể làm tồi tệ hơn tình trạng bệnh.
Trong trường hợp này, tốt hơn là đợi 6 đến 12 tuần để cho tình trạng viêm quanh niệu quản giảm trước khi khắc phục vấn đề bằng một phẫu thuật khác. Trong thời gian chờ đợi này, bệnh nhân cần phải có một đường dẫn lưu để giải phóng nước tiểu khỏi thận.
Tắc nghẽn niệu quản do ung thư
Một nguyên nhân khác gây tắc nghẽn niệu quản là do khối u hoặc ung thư phát triển trong ổ bụng lân cận vị trí niệu quản. Có rất nhiều loại ung thư có thể gây tắc nghẽn niệu quản. Một số ví dụ là:
- Ung thư phụ khoa (cổ tử cung, buồng trứng, tử cung)
Ung thư phụ khoa (cổ tử cung, buồng trứng, tử cung) gây hẹp niệu quản
- Ung thư đại tràng
- Ung thư tiết niệu (tuyến tiền liệt, bàng quang), hoặc
- U lympho.
Khi một khối u phát triển trong bụng, nó có thể gây chèn ép lên niệu quản và ngăn cản niệu quản thoát nước bình thường xuống bàng quang. Khi điều này xảy ra, niệu quản cần được dẫn lưu để cho phép thận hoạt động bình thường.
Điều này được thực hiện với một ống bên trong niệu quản chạy từ thận đến bàng quang (Sonde JJ niệu quản), hoặc một ống bên ngoài dẫn lưu bể thận ra ngoài da. Đôi khi điều trị ung thư, với phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị có thể gây co rút khối u và cho phép các ống này được loại bỏ. Đây là một tình huống khó khăn cho bệnh nhân, và một phẫu thuật đơn độc hiếm khi có thể chữa khỏi các tình trạng bệnh phức tạp.
Cơn co thắt Dietl
Điều trị tắc nghẽn đoạn nối bể thận niệu quản bẩm sinh do kìm động mạch thận thường cần phải sử dụng đến các phương pháp phẫu thuật mới có thể giải quyết
- Phẫu thuật cắt nối niệu quản và tạo hình bể thận:
Phẫu thuật cắt nối niệu quản và tạo hình bể thận
Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật đã được thực hiện trước đây để giải quyết vấn đề hẹp đoạn nối bể thận niệu quản bẩm sinh, nhưng một trong những phương pháp thành công nhất được gọi là pyeloplasty (cắt nối niệu quản và tạo hình bể thận). Trong một cuộc phẫu thuật pyeloplasty, đoạn niệu quản bị ảnh hưởng (tại vị trí hẹp đoạn nối với bể thận) được loại bỏ và đầu trên niệu quản được kết nối lại với bể thận.
Phẫu thuật này cũng có thể giúp loại bỏ một đoạn niệu quản không có nhu động xuôi chiều bình thường, đoạn niệu quản chít hẹp bẩm sinh hoặc cũng có thể di chuyển niệu quản xung đột ra trước bất kỳ động mạch nào gây ra kìm động mạch - niệu quản. Phẫu thuật này rất thành công trong việc giải quyết tắc nghẽn, và nó cũng thường khắc phục cơn đau mà bệnh nhân chịu đựng do tình trạng ứ nước bể thận và cơn đau quặn thận do co bóp bất thường niệu quản khi nó cố gắng đẩy nước tiểu qua đoạn bị tắc nghẽn.
Viêm xơ hóa sau phúc mạc
Ở một số bệnh nhân, tình trạng này có thể được điều trị thành công bằng các loại thuốc chống viêm thông thường hoặc chống viêm gốc corticosteroid kết hợp các thuốc giảm viêm phù nề mô. Nếu chống viêm bằng thuốc không mang lại hiệu quả kịp thời, dẫn lưu bể thận tạm thời có thể được chỉ định trong khi điều trị chống viêm cho niệu quản, hạn chế lượng nước tiểu gây viêm đi qua đoạn niệu quản đang chít hẹp, sau khi đánh giá đáp ứng tốt với điều trị, đoạn niệu quản chít hẹp sẽ được giải phóng, dẫn lưu bể thận có thể được loại bỏ. Hai loại dẫn lưu chính được chỉ định tuỳ tình trạng bệnh là dẫn lưu bể thận trực tiếp qua da hoặc dẫn lưu bể thận bàng quang bằng sonde hai đầu hình chữ J.
Một cách khác để điều trị tình trạng này là phẫu thuật giải phóng niệu quản khỏi vùng mô sau phúc mạc bị viêm xung quanh niệu quản. Một khi tổ chức viêm chít hẹp quanh niệu quản được loại bỏ, niệu quản có thể được giải phóng mà không cần dẫn lưu bể thận. Phẫu thuật này được gọi là gỡ dính niệu quản.
Phẫu thuật phụ khoa
Loại phẫu thuật được thực hiện cho chấn thương sẹo xơ niệu quản phụ thuộc vào vị trí và chiều dài của vết sẹo xơ chít hẹp. Khi đoạn chít hẹp hoặc sẹo trong niệu quản thấp và gần bàng quang, thường niệu quản có thể được nối lại với bàng quang sau khi loại bỏ đoạn niệu quản có sẹo. Nếu đoạn chít hẹp dài nhưng vẫn nằm gần bàng quang, một vạt niêm mạc bàng quang có thể được tạo hình thành một ống và thay thế cho đoạn niệu quản bị sẹo sau khi cắt bỏ. Trong một số trường hợp đoạn chít hẹp quá dài, người ta phải thay thế đoạn niệu quản bằng một đoạn ruột non.
Những phẫu thuật này chỉ là một số cách tạo hình có thể được thực hiện cho tắc nghẽn niệu quản và loại hình phẫu thuật được lựa chọn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của bệnh nhân, nguyên nhân gây sẹo niệu quản, chiều dài sẹo niệu quản và vị trí của sẹo.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!