Từ điển bệnh lý
Đẻ thường một thai : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Đẻ thường một thai
Chuyển dạ đẻ là giai đoạn cuối cùng của thời kỳ thai nghén, đó là một loạt các diễn biến sinh lý nhằm tống thai và phần phụ của thai ra khỏi cơ thể bà mẹ.
Chuyển dạ đẻ đủ tháng là khi thai nhi đã được mốc 37 tuần đến 41 tuần 6 ngày. Đây là thời điểm sinh lý, thai nhi ra đời có sức khỏe tốt và có thể sống sót ngoài môi trường.
Chuyển dạ đẻ ở tuổi thai trên 42 tuần thì được gọi là chuyển dạ đẻ thai già tháng.
Chuyển dạ đẻ non khi thai nhi chỉ đạt mức tuổi thai 22 tuần đến 36 tuần 6 ngày.
Thai nhi dưới 22 tuần tuổi thai mà bị tống ra khỏi buồng tử cung của bà mẹ thì được gọi là sẩy thai.
Khi thai nhi đủ tháng, bà mẹ xuất hiện cơn chuyển dạ và có thể sinh ngã âm đạo mà không cần hỗ trợ can thiệp gì ngoài cắt khâu tầng sinh môn thì được gọi là đẻ thường.
Bà mẹ mang thai là đơn thai, diễn biến chuyển dạ đẻ thường thì được gọi là đẻ thường một thai. Hình thức đẻ thường một thai là phổ biến và ít biến chứng nếu thầy thuốc tiên lượng cuộc đẻ tốt và có nhiều kinh nghiệm trong thực hành sản khoa.
Khi thai nhi đủ tháng, bà mẹ xuất hiện cơn chuyển dạ
Các biến chứng Đẻ thường một thai
- Cuộc đẻ có thể diễn biến phức tạp, và bị kéo dài thời gian hơn khi ngôi thai bất thường.
- Đầu thai nhi bất tương xứng tương đối với khung chậu bà mẹ, làm cho các bước sổ thai khó khăn hơn.
- Cơn co tử cung có cường độ yếu, chưa đủ lực để thúc đẩy chuyển dạ diễn ra bình thường, do đó, chuyển dạ có thể bị kéo dài, làm sản phụ đuối sức, thai nhi có nguy cơ suy thai, ngạt sau sinh.
Cơn co tử cung có cường độ yếu
- Thai to, gây mắc vai trong kỳ sổ vai. Có thể phải sử dụng thủ thuật Mc Robert để làm giảm đường kính lưỡng mỏm vai, hoặc thủ thuật Jacquemier giúp hạ tay sau và cắt rộng tầng sinh môn.
Đối tượng nguy cơ Đẻ thường một thai
- Bà mẹ bị thiếu máu làm cho sức rặn yếu, cuộc đẻ diễn biến kéo dài hơn.
- Bà mẹ bị đái tháo đường thường thai sẽ to, đa ối khiến cho cuộc đẻ diễn ra khó khăn hơn.
- Khi bà mẹ đã có tiền sử mắc các bệnh lý về rối loạn đông máu trước đó, nguy cơ chảy máu trong và sau đẻ sẽ nặng, tiên lượng xấu cho cả bà mẹ và thai nhi.
- Ối vỡ non, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ối, nhiễm trùng thai và nhiễm trùng hậu sản.
- Các thể bệnh về bất thường vị trí rau bám (rau tiền đạo), làm cho ngôi thai bình chỉnh không tốt, mẹ mất máu trong 3 tháng cuối dễ thiếu máu, chảy máu trong và sau chuyển dạ.
- Tình trạng rau bong non khi mà thai con chưa sổ ra ngoài, nguy cơ mất tim thai, nguy cơ chảy máu, mất máu mẹ…
- Các trường hợp sa dây rốn, có thể sa dây rốn trong bọc ối và khi ối vỡ, cần phát hiện sớm và chuyển mổ cấp cứu tránh để dây rốn bị đè ép, cắt đứt nguồn dinh dưỡng và oxy cho thai khiến thai có thể tử vong.
- Ngôi thai bất thường hoặc thai quá to chính là yếu tố làm cho cuộc đẻ diễn ra khó khăn hơn và có thể không đẻ thường được.
Ngôi thai bất thường hoặc thai quá to chính là yếu tố làm cho cuộc đẻ diễn ra khó khăn hơn
Các biện pháp chẩn đoán Đẻ thường một thai
Các giai đoạn của chuyển dạ đẻ:để thai và phần phụ của thai có thể được tống ra ngoài hoàn toàn thì cuộc chuyển dạ đẻ của bà mẹ phải trải qua 3 giai đoạn kinh điển cụ thể như sau:
- Giai đoạn I: giai đoạn cổ tử cung xóa-mở. Đây chính là giai đoạn mà cổ tử cung tiến triển xóa mở hoàn toàn. Giai đoạn này được tính từ khi bắt đầu khởi phát chuyển dạ đẻ đến khi cổ tử cung xóa hết và mở 10cm.
- Giai đoạn II: giai đoạn sổ thai. Giai đoạn này tiếp theo giai đoạn xóa mở cổ tử cung, lúc này thai nhi được sổ ra ngoài qua ống đẻ của bà mẹ. giai đoạn sổ thai có thể rất nhanh chỉ từ 15 phút, nhưng cũng có trường hợp khó, kéo dài đến 2 thậm chí 3 giờ.
- Giai đoạn III: đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc chuyển dạ đẻ. Bánh rau được tống nốt ra khỏi cơ thể bà mẹ và gọi là giai đoạn sổ rau. Mất thêm khoảng 30 phút ở giai đoạn này để rau sổ tự nhiên và kết thúc cuộc chuyển dạ đẻ thường.
Thời gian chuyển dạ:
- Thời gian của cuộc chuyển dạ đẻ diễn ra lâu nhất ở giai đoạn I của cuộc chuyển dạ.
- Ở người con so, cổ tử cung phải xóa hết rồi mới bước sang giai đoạn mở. Trong khhi đó, ở người con dạ, cổ tử cung vừa xóa vừa mở. Do vậy, cuộc chuyển dạ ở người con dạ diễn ra thường nhanh hơn so với người con so lần lượt trung bình là từ 8-12 giờ và 16-20 giờ.
- Cuộc chuyển dạ càng diễn biến lâu thì mẹ càng mất sức và con dễ suy thai, ngạt sau sinh. Ngoài ra, các biến chứng nhiễm khuẩn hậu sản, chảy máu sau đẻ hoặc các sang chấn cho thai khi phải tiến hành các thủ thuật hỗ trợ sổ thai.
Chuyển dạ được gọi là kéo dài khi thời gian chuyển dạ trên 24 giờ.
Giai đoạn xóa-mở cổ tử cung:
- Xóa:bình thường, cổ tử cung là một ống hình trụ đóng kín 2 đầu (lỗ trong và lỗ ngoài), khi có động lực thúc đẩy chuyển dạ là cơn co tử cung thì lỗ trong của cổ tử cung bắt đầu mở dần, tuy nhiên, lỗ ngoài cổ tử cung vẫn đóng kín. Vì vậy, cổ tử cung từ hình trụ chuyển thành hình chóp cụt. Ống cổ tử cung kết hợp với đoạn dưới tử cung thành ống cổ - đoạn dưới khi cổ tử cung đã xóa hết.
- Mở:tiếp ngay sau bước xóa hoàn thành, cổ tử cung bắt đầu mở dần và đến khi hoàn thành tiến trình mở thì cổ tử cung mở được khoảng 10cm. Lúc này, ống cổ - âm đạo hình thành, tử cung và âm đạo liên thông với nhau tạo điều kiện thuận lợi để cuộc chuyển dạ bước sang giai đoạn II.
Giai đoạn sổ thai:thai nhi sẽ lần lượt sổ từng phần (đầu, vai, mông) theo trình tự chung : lọt, xuống, quay, sổ.
-Lọt:ngôi thai được gọi là đã lọt khi mà đường kính lọt của ngôi thai đã đi qua được mặt phẳng eo trên.
-Xuống:chính là khi đường kính lọt của ngôi thai đi đến được mặt phẳng eo dưới từ xuất phát điểm là mặt phẳng eo trên sau thì lọt.
-Quay:ngay sau thì xuống, mục đích của hiện tượng quay chính là giúp cho đường kính lọt của ngôi trùng với đường kính trước sau của em dưới.
-Sổ:tiếp theo sau khi đã quay đúng vị trí thì ngôi thai bắt đầu sổ. Nhờ vào tác động của cơn co tử cung, sức co thành bụng mà ngôi thai được tống ra ngoài qua mặt phẳng eo dưới.
Sức co thành bụng mà ngôi thai được tống ra ngoài qua mặt phẳng eo dưới.
Khi thai chuẩn bị sổ, tùy tình hình giãn nở tầng sinh môn mà nữ hộ sinh có thể quyết định cắt rộng tầng sinh môn vị trí 7 giờ hoặc 5 giờ nhằm giúp thai dễ dàng sổ, để đường sinh giục tránh bị tổn thương thêm khi thai đi qua ống đẻ.
Khi hoàn thành sổ thai, em bé bắt đầu cất tiếng khóc đầu tiên trong đời và đây chính là cử động hô hấp đầu tiên của phổi, giúp em bé có thể sống sót trong môi trường ngoài bụng mẹ.
Giai đoạn sổ rau:ngay sau thời kỳ sổ thai sẽ đến giai đoạn sổ rau. Sổ rau cũng được trải qua các bước: thời kỳ nghỉ ngơi sinh lý, thời kỳ bong rau và rau xuống, cuối cùng là sổ rau.
- Thời kỳ nghỉ ngơi sinh lý:thời gian này, sản phụ tự nhiên hết đau bụng, dễ chịu hơn. Tuy nhiên trong lúc này, hiện tượng co bóp, co rút cơ tử cung vẫn đang tiếp tục diễn ra để thúc đẩy tiến trình bong rau. Giai đoạn này kéo dài khoảng 10 đến 20 phút. Em bé lúc này sẽ được lau khô, đặt lên bụng mẹ để da tiếp da, truyền hơi ấm của mẹ sang con và tăng tình cảm mẹ con. Đến khi dây rốn ngừng đập, thầy thuốc sẽ tiến hành kẹp, cắt dây rốn và làm rốn sơ sinh.
- Thời kỳ rau bong và rau xuống:tiếp sau thời gian nghỉ sinh lý, cơn co bóp tử cung bắt đầu mạnh dần, bà mẹ lại cảm nhận thấy cơn đau, có khi cảm giác đau như lúc rặn đẻ. Những cơn co tử cung lúc này làm cho bánh rau bong 1 phần, hình thành cục máu đông diện rau đã bong. Tiếp theo đó, sự kết hợp của cơ co tử cung và cục máu đông lớn dần khiến cho bánh rau bong ngày một rộng rồi cuối cùng là bong hoàn toàn bánh rau và màng rau. Thời gian bong rau chỉ mất khoảng 5-10 phút. Bánh rau có thể di chuyển xuống , nằm trong âm đạo gây cho sản phụ cảm giác mót rặn.
- Thời kỳ rau sổ:thời kỳ này ta thấy dây rau tụt xuống thấp hơn, và có thể dễ dàng đỡ rau ra khỏi âm đạo. Lúc này, tử cung đã rỗng và tiến hành tiếp tục co hồi thành khối an toàn để giảm thiểu chảy máu diện rau bám.
Chú ý: sau khi rau sổ cần kiểm tra kỹ bánh rau xem có thiếu búi rau, thiếu màng rau hay không để có động thái tiến hành kiểm soát tử cung ngay.
Ngay sau khi sinh:
- Sau khi kiểm tra không thấy có bất thường nguy cơ chảy máu sau đẻ, kiểm tra kỹ lưỡng tổn thương đường sinh dục, nữ hộ sinh sẽ tiến hành gây tê tại chỗ tại vết cắt tầng sinh môn hoặc các vị trí rách thứ phát sau khi thai sổ và khâu phục hồi tầng sinh môn theo đúng kỹ thuật và đảm bảo vô khuẩn.
- Hướng dẫn sản phụ và người nhà xoa bóp tử cung 15 phút/lần để kích thích tử cung co hồi tạo cầu an toàn, hạn chế nguy cơ đờ tử cung, chảy máu sau đẻ.
- Có thể tiêm hoặc truyền oxytocin để kích thích tử cung co bóp tốt hơn, cầm máu tốt hơn.
- Sau khi sinh, tử cung vẫn sẽ xuất hiện những cơn co bóp để tạo cầu an toàn, đưa tử cung dần về kích thước trước khi mang thai. Những cơn co bóp này vẫn tạo cho sản phụ cảm giác đau đớn, ngoài ra, vị trí vết khâu tầng sinh môn cũng chính là 1 điểm gây đau cho sản phụ, vì vậy cần hỗ trợ các thuốc giảm đau đúng chỉ định, liều lượng để giảm căng thẳng, giúp sản phụ yên tâm và chăm sóc sơ sinh tốt hơn.
- Trẻ sơ sinh được ủ ấm, sát khuẩn rốn và băng rốn cẩn thận, tiêm bắp thịt vitamin K1 phòng xuất huyết não. Sau khi khám các phản xạ sơ sinh và hô hấp, tim mạch… không thấy dấu hiệu bất thường có thể cho trẻ về bên mẹ để được mẹ chăm sóc và cho bú sữa non.
Tử cung vẫn sẽ xuất hiện những cơn co bóp để tạo cầu an toàn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!