Từ điển bệnh lý

Bệnh viêm tủy răng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh viêm tủy răng

Viêm tủy răng là một trong những bệnh lý của tủy răng hay gặp, thường là kết quả của một quá trình tiến triển của sâu răng và sự phá hủy của vi khuẩn đối với tủy răng. Viêm tủy răng thường gây tình trạng đau nhức, khó chịu cho bệnh nhân trong ăn nhai và sinh hoạt hàng ngày, vì thế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc hiểu và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến tủy răng sẽ hỗ trợ điều trị hiệu quả, cải thiện chức năng ăn nhai và cuộc sống của người bệnh.

Viêm tủy răng là một trong những bệnh lý của tủy răng hay gặp,

Tủy răng là mô mềm liên kết, là lớp trong cùng của tổ chức răng, nằm trong hốc tủy gồm tủy chân và tủy thân. Tủy răng trong buồng tủy được gọi là tủy thân hay tủy buồng, tủy răng trong ống tủy được gọi là tủy chân. Tủy răng có chứa nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và đầu tận cùng của thần kinh (Sợi A - ⸹, Sợi C). Mô tủy có 4 chức năng đối với quá trình phát triển sinh lý và tiến triển bệnh lý của mô cứng cũng như mô mềm với các tác nhân ngoại lại và nội tại.

- Chức năng tạo ngà: tạo ngà sinh lý trong quá trình phát triển răng; tạo ngà phản ứng trong các tổn thương mô cứng.

- Chức năng dinh dưỡng: mạch máu trong tủy nuôi dưỡng toàn bộ các thành phần sống của phức hợp tủy – ngà.

- Chức năng thần kinh: các đầu tận cùng thần kinh sẽ dẫn truyền cảm giác và thần kinh vận mạch.

- Chức năng bảo vệ: tái tạo ngà răng, đáp ứng miễn dịch.

Có nhiều cách phân loại khác nhau của bệnh lý viêm tủy nhưng phân loại theo triệu chứng thường được sử dụng trong thăm khám lâm sàng, bao gồm:

- Viêm tủy có hồi phục

- Viêm tủy không hồi phục

- Viêm tủy phì đại


Nguyên nhân Bệnh viêm tủy răng

Vi khuẩn

Vi khuẩn có trong sâu răng là những nguồn kích thích chính tủy răng và mô quanh răng. Độc tố của các vi khuẩn gây sâu răng thấm qua các ống ngà vào tủy răng, tại đó tủy răng bị thâm nhiễm bởi các tế bào viêm mạn tính như đại thực bào, lympho bào, huyết tương bào, quá trình sâu tiến về phía tủy răng, cường độ và tính chất thâm nhiễm thay đổi. Khi tủy răng bị hở, mô tủy bị thâm nhiễm tại chỗ bởi bạch cầu đa nhân, vi khuẩn xâm chiếm ở chỗ tủy bộc lộ. Vi khuẩn xâm nhập vào mô tủy theo các con đường sau:

- Qua lỗ sâu hở tủy hoặc các tổn thương nứt gãy thân răng.

- Qua ống ngà.

- Qua rãnh lợi và dây chằng quanh răng, ống tủy phụ, các ống ngà, các ống tủy phụ ở vùng chẽ, khoang ngoại tiêu.

- Qua đường máu: ít gặp.

Kích thích cơ học

Yếu tố nhiệt

Quá trình mài răng sử dụng tay khoan siêu tốc không có nước hay nước không đủ, đánh bóng chất trám, nhiệt sinh ra trong quá trình chất trám đông cứng dẫn đến giãn mạch tủy.

Yếu tố vật lý

Lực sử dụng trong chỉnh nha quá sức chịu đựng sinh lý của dây chằng quanh răng dẫn đến rối loạn cung cấp máu và thần kinh của mô tủy, từ đó gây teo mô và biến đổi thân tế bào thần kinh.

Nạo sâu túi quanh răng: làm tổn thương mạch máu, thần kinh chóp chân răng, kết quả tủy bị phá hủy.

Chấn thương có hay không kèm theo vết nứt thân hoặc chân răng có thể gây tổn thương tủy răng, từ đó gây viêm tủy.

Kích thích hóa hoc

- Chất làm sạch ngà: alcohol, chloroform, oxy già, các acid khác nhau.

- Chất chống nhạy cảm: thành phần trong vật liệu hàn tạm và hàn vĩnh viễn.

- Chất chống vi khuẩn: nitrat bạc, phenol có hay không có camphor, eugenol.

- Chất làm sạch và tạo hình ống tủy, vài chất trong chất hàn ống tủy: gây kích thích mô quanh chóp răng.


Triệu chứng Bệnh viêm tủy răng

Bệnh viêm tủy răng thường được phát hiện dựa vào các triệu chứng cơ năng (cảm nhận của bệnh nhân) và triệu chứng thực thể (triệu chứng thăm khám trực tiếp trên bệnh nhân).

Bệnh viêm tủy răng

Triệu chứng cơ năng

Triệu chứng thực thể

Viêm tủy có hồi phục

Đau tự nhiên, thoáng qua hoặc sau khi hết kích thích.

Cơn đau ngắn, thường vài phút.

Khoảng cách giữa các cơn đau xa.

Lỗ sâu hoặc tổn thương mô cứng nhưng chưa đến tủy răng.

Răng không đổi màu răng.

Gõ không đau.

Thử nghiệm tủy: tủy sống

Viêm tủy không hồi phục

Đau tự nhiên, đau từng cơn, đau dữ dội , đau theo nhịp mạch đập, lan lên nửa đầu cùng bên, đôi khi không xác định được răng đau.

Cơn đau kéo dài từ vài phút đến hàng giờ; xuất hiện và mất đi đột ngột.

Khoảng cách giữa các cơn đau ngắn.

Đau nhiều về đêm, đau tăng khi có kích thích

Lỗ sâu, đáy có nhiều ngà mềm ngà mủn, có thể có điểm hở tủy.

Có thể có tổn thương rạn nứt thân răng.

Gõ ngang đau hơn gõ dọc.

Thử nghiệm tủy: thử lạnh rất đau; thử điện ngưỡng kích thích điện thấp.

Viêm tủy phì đại

Đau tự nhiên, đau tăng khi thức ăn lọt vào, đau kéo dài sau khi hết thích thích nóng hay lạnh.

Tủy phì đại lấp đầy lỗ sâu, bề mặt sùi đỏ, dễ chảy máu khi thăm khám.

Thử nghiệm tủy: thử điện ngưỡng kích thích điện cao mới đáp ứng.

 

Cơn đau kéo dài từ vài phút đến hàng giờ; xuất hiện và mất đi đột ngột.


Phòng ngừa Bệnh viêm tủy răng

- Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần giúp phát hiện sớm những tổn thương sâu răng, trám phục hồi thân răng càng sớm càng tốt, tránh để tổn thương lan đến tủy răng.

- Lấy cao răng định kỳ 06 tháng/ lần.

- Vệ sinh răng miệng đúng cách: chải răng xoay tròn với bàn chải lông mềm và kem chải răng ít nhất 02 lần/ngày, buổi sáng sau ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

- Hạn chế ăn đồ ngọt, ăn vặt giữa các bữa ăn chính để giảm nguy cơ sâu răng.

- Thăm khám kiểm tra răng ngay khi có các triệu chứng đau tủy để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng lâu dài.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh viêm tủy răng

Bệnh viêm tủy răng là bệnh lý gây tổn thương trực tiếp tới tủy răng, thường gây nên những phản ứng đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau từng cơn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh.

Để chẩn đoán chính xác viêm tủy răng và đưa ra các phương án điều trị kịp thời, cần phối hợp các phương pháp chẩn đoán sau:

Thăm khám lâm sàng

Việc thăm khám lâm sàng trực tiếp giúp bác sĩ nắm được các vấn đề gây khó chịu cho bệnh nhân, đồng thời giúp xác định chính xác thương tổn trên răng, từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời và đúng cho tình trạng của bệnh, giúp người bệnh không còn đau, cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Việc thăm khám lâm sàng trực tiếp giúp bác sĩ nắm được các vấn đề gây khó chịu cho bệnh nhân

Việc thăm khám lâm sàng trực tiếp giúp bác sĩ nắm được các vấn đề gây khó chịu cho bệnh nhân

Thử nghiệm tủy

Thử nghiệm tủy giúp đánh giá được tủy răng còn sống hay đã chế, không đánh giá được mức độ, số lượng, tình trạng tủy răng.

Nguyên tắc thử nghiệm tủy:

- Cách ly răng.

- Làm khô răng.

- Thử từ răng lành cách ít nhất 2 răng.

- Các lần thử tủy phải cách nhau 10 phút.

Yêu cầu bệnh nhân:

- Thấy buốt: giơ tay.

- Hết buốt: hạ tay.

Ghi nhận kết quả:

- Âm tính/ Dương tính.

- Thời gian bắt đầu và thời gian kéo dài đáp ứng.

- Ngưỡng đáp ứng: tăng (giảm nhạy cảm) hay giảm (tăng nhạy cảm).

a. Thử nhiệt

Thử nhiệt rất có giá trị để chẩn đoán và xác định nguồn gốc của cơn đau. Triệu chứng cơ năng của tủy răng là đau khi tiếp xúc với lạnh hoặc nóng.

b. Thử lạnh

- Là phương pháp thông dụng nhất, dùng ethyl chloride hoặc thỏi đá lạnh.

- Kết quả:

+ Không đáp ứng: tủy chết.

+ Trả lời thoáng qua: tủy bình thường.

+ Trả lời đau kéo dài: viêm tủy không hồi phục.

c. Thử nóng

- Luôn thử các răng kế cận hoặc răng đối diện lành mạnh trước nhằm giúp bệnh nhân phân biệt được cảm giác và có đáp ứng trung thực với thử nghiệm.

- Kết quả:

+ Không trả lời đau với kích thích: tủy bình thường.

+ Trả lời đau: tủy hoại tử.

d. Thử điện

Kết quả thử nghiệm điện chỉ cho thấy tủy sống hay chết, không cho biết các thông tin liên quan với tình trạng lành mạnh của tủy. Vì thế cần phối hợp các thử nghiệm khác.

Dụng cụ thử điện: EPT, hoạt động dựa trên kích thích điện gây ra một sự thay đổi ion qua màng tế bào thần kinh. Bệnh nhân có cảm giác “ngứa ran” khi điện áp tăng sẽ đạt đến ngưỡng chịu đau, mức ngưỡng này khác nhau tùy bệnh nhân và tùy vị trí của răng.

Chống chỉ định sử dụng phương pháp này cho bệnh nhân có máy tạo nhịp tim.

e. Thử cơ học

f. Khoan thử:

- Có đáp ứng với thử nghiệm: dương tính.

- Không có đáp ứng với thử nghiệm: chưa chắc chắn.

g. Cắn thanh gỗ:

- Trường hợp bệnh nhân đau khi ăn nhai, không có tổn thương viêm nha chu, có thể định hướng nghi ngờ vết nứt men răng.

- Cách làm: cho bệnh nhân cắn một thanh gỗ.

- Kết quả: có thể có đau sau khi cắn thanh gỗ.

Phim X-quang răng

Viêm tủy răng không biểu hiện rõ trên phim Xquang răng, tuy nhiên việc phát hiện các tổn thương mô cứng trên răng, đánh giá mức độ phá hủy của tổn thương đối với tủy răng sẽ giúp xác định chính xác răng bệnh lý và chẩn đoán bệnh.

Phim thường dùng trong nội nha:

- Phim cánh cắn (bite – wing).

- Phim sau huyệt ổ răng.

- Phim panorama.

- Phim Bellot.

- Phim CT Conebeam.


Các biện pháp điều trị Bệnh viêm tủy răng

- Viêm tủy có hồi phục

Phương pháp điều trị với mục đích bảo tồn tủy tối đa, duy trì sự sống cho răng. Phương pháp chụp tủy trực tiếp hoặc gián tiếp được sử dụng trong các trường hợp này.

- Viêm tủy không hồi phục và viêm tủy phì đại

Điều trị tủy răng là cần thiết với các trường hợp viêm tủy không hồi phục và viêm tủy phì đại.

Lấy tủy, tạo hình và làm sạch ống tủy, trám kín hệ thống ống tủy là phương pháp tối ưu trong trường hợp này.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map