Bác sĩ:ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa:Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm:04 năm
Bệnh sán Diphyllobothrium và Sparganum là bệnh do các loài sán dây: sán dây cá và ấu trùng sán nhái gây bệnh, phát hiện lẻ tẻ tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới. Ký sinh trùng tìm thấy trong thịt một số loài động vật như thịt cá, thịt ếch, thịt nhái,… Con người là vật chủ phụ, tình cờ nhiễm bệnh, chủ yếu khi ăn thịt cá, ếch,.. sống hoặc chưa được nấu chín. Biểu hiện của bệnh đa dạng phong phú, có thể nhẹ đến các biến chứng nặng nguy hiểm tính mạng như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, tắc ruột. Chẩn đoán xác định bệnh khi phát hiện trứng Diphyllobothrium hoặc tìm thấy ấu trùng Sparganum trong các bệnh phẩm cơ thể. Praziquantel là thuốc diệt ký sinh trùng thường được sử dụng trong điều trị bệnh.
Bệnh sán Diphyllobothrium và Sparganum là bệnh do các loài sán dây: sán dây cá và ấu trùng sán nhái gây bệnh
- Diphyllobothrium hay còn được gọi là sán dây cá, thuộc ngành Plantyhelminthes, lớp Cestoda, bộ Pseudophyllidea, họ Diphyllobothriidae, chi Diphyllobothrium. Sán dây cá có khoảng hơn 20 loài khác nhau, trong đó loài gây bệnh được phát hiện và định danh được hay gặp nhất là Diphyllobothrium latum.
Kích thước của sán dây cá tương đối lớn, có thể dài đến hơn 1 m, cấu tạo cơ thể tương tự các sán dây khác gồm 3 phần, trong đó các đốt già thường chứa nhiều trứng. Trứng sán dây cá thường có hình trứng, phần cuối có núm nhỏ, giữa các loài Diphyllobothrium khó phân biệt được trứng của từng loài.
Sán dây cá có ba vật chủ: vật chủ trung gian thứ nhất là động vật thuộc bộ chân kiếm phù du, vật chủ tiếp theo thường là các loài cá nước ngọt và nước mặn khác nhau (ví dụ cá hồi). Ấu trùng sán dây cá có thể tìm thấy tại nhiều cơ quan bộ phận của vật chủ thứ hai như nội tạng, các khoang của cơ thể, thậm chí có thể bơi tự do trong cơ cá hồi. Con người là vật chủ trung gian thứ ba, nhiễm bệnh một cách ngẫu nhiên.
Sán dây cá có ba vật chủ trong đó có cá hồi
- Sparganum hay còn được gọi là ấu trùng loài Spirometra (sán nhái). Trong các loài ấu trùng sán nhái gây bệnh hay gặp nhất là Sparganum mansoni, chúng có thể gặp tại một số khu vực trên thế giới, trong đó Châu Á hay gặp nhất.
Cấu tạo của ấu trùng sán nhái gồm các đốt không phân đoạn, giống dải băng trắng, có thể dài vài chục cm, vùng đầu có các hấp khẩu giúp lấy dinh dưỡng của cơ thể vật chủ.
Sparganum có thể có nhiều vật chủ. Sán dây trưởng thành thường ký sinh tại chó và mèo, các loài giáp xác nước ngọt thường là vật chủ trung gian thứ nhất. Bò sát, động vật lưỡng cư, chim và một số loài động vật có vú là vật chủ trung gian thứ hai. Con người là vật chủ phụ, nhiễm bệnh một cách tình cờ. Sparganum gây bệnh ở người có thể tìm thấy tại nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như các khoang cơ thể, mắt, phổi, não,…
- Bệnh do sán dây cá có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất ở nam giới trung niên. Sán dây trưởng thành ký sinh và gây bệnh chủ yếu tại ruột, có thể gây tổn thương cấu trúc tế bào dẫn đến chức năng hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến nhu động ruột. Cơ thể có thể bị thiếu máu do ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B12. Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp như: người mệt mỏi, khó chịu, cảm giác ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, đau bụng kèm theo rối loạn đại tiện như tiêu chảy nhẹ, trường hợp nặng có thể dẫn tới các triệu chứng viêm ruột thừa bán cấp, viêm túi mật, viêm đường mật hoặc người bệnh có tắc ruột với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng quặn cơn, bí trung đại tiện,… Bệnh nhân tắc ruột nếu không xử lý kịp thời dẫn tới rối loạn nước và điện giải nặng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc,…
Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp như: người mệt mỏi, khó chịu, cảm giác ăn không ngon
Sán dây cá có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Nguyên nhân do ruột bị ảnh hưởng cấu trúc và chức năng, hậu quả gây giảm hấp thu vitamin B12, một số cơ quan khác bị ảnh hưởng: người bệnh đau đầu, rối loạn cảm giác, khó tập trung,..; tổn thương ở mắt có thể gây viêm gây thần kinh thị giác biểu hiện đau mắt, thị lực giảm, có thể có sốt; bất thường về huyết học như thiếu máu hồng cầu to, thiểu vitamin B12, giảm tiểu cầu, bạch cầu ái toan tăng, thậm chí có thiếu máu ác tính; các biểu hiện về hô hấp như đau ngực, khó thở, ho kéo dài; một số người bệnh có thể có tổn thương da liễu, viêm lưỡi,…
- Bệnh ấu trùng sán nhái có triệu chứng lâm sàng đa dạng và phong phú. Bệnh có thể ủ bệnh trong rất nhiều năm mà không có triệu chứng gì đặc biệt. Người bệnh có thể có tổn thương da, ban đầu thường là ban đỏ, sau sẩn cao hơn bề mặt da lành, rải rác nhiều vị trí trên cơ thể, người bệnh thường có ngứa và thường ngãi nhiều, theo tiến triển thời gian người bệnh có thể hình thành các ổ áp xe mô dưới da, áp xe cơ ngực, đùi. Khi ấu trùng sán nhái di chuyển đến các cơ quan bộ phận khác, gây biểu hiện tùy từng cơ quan tổn thương. Ấu trùng có thể gây tổn thương, hình thành các khối u, thậm chí ổ áp xe tại vùng bẹn bìu, vùng bụng dưới, khoang chậu, bàng quang, phổi, não, phúc mạc, khoang màng phổi,… Một số người bệnh cấu trúc xương có thể bị phát hủy do sự xâm nhập của ký sinh trùng, có thể kèm theo tổn thương da. Bệnh ấu trùng sán nhái tại mắt có thể tổn thương mọi cấu trúc của ổ mắt, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy khó chịu tại mắt, hạn chế vận động nhãn cầu, đau nhức mắt, trường hợp nặng hơn có viêm loét giác mạc, viêm dây thần kinh thị giác, giảm thị lực, thậm chí dẫn tới mù lòa.
- Nhiễm sán dây cá có thể có các biến chứng như: thiếu hụt vitamin B12 nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thiếu máu ác tính, viêm ruột thừa, viêm túi mật, viêm phúc mạc, tắc ruột, rối loạn nước - điện giải nặng,…
- Nhiễm ấu trùng sán nhái có thể có các biến chứng như: viêm loét giác mạc, viêm dây thần kinh thị giác, mù lòa, áp xe nhiều cơ quan, tổn thương não gây giảm chức năng thần kinh,...
Nhiễm ấu trùng sán nhái có thể có các biến chứng tổn thương não gây giảm chức năng thần kinh,...
Con đường lây bệnh chính của các loài sán dây cá trên là lây qua ăn uống. Sán dây cá lây nhiễm cho người bệnh khi họ ăn phải thịt các loài cá hoặc nội tạng cá tái, sống hoặc chưa được nấu chín.
Người bệnh nhiễm ấu trùng sán nhái khi ăn các loại thịt như thịt rắn, ếch, nhái,.. có chứa ký sinh trùng (ví dụ thịt tái, thịt sống chưa được nấu chín,..) hoặc sử dụng các nguồn nước không hợp vệ sinh có chứa ký sinh trùng sán nhái. Trường hợp ít gặp hơn có thể nhiễm bệnh khi sử dụng trực tiếp thịt động vật bị nhiễm ký sinh trùng đắp lên các vết thương, mắt,… hoặc tiếp xúc qua da, mũi với các nguồn nước bị nhiễm ký sinh trùng như tắm, bơi lội,…
Bệnh do sán dây cá có thể gặp nhiều khu vực trên thế giới như Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, khu vực biển Thái Bình Dương,… Bệnh do ấy trùng sán nhái gặp lẻ tẻ tại một số quốc gia và khu vực như ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, Việt Nam (miền Bắc),… Một số yếu tố, nguy cơ, điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng gây bệnh như: sống trong điều kiện vệ sinh môi trường kém, điều kiện dân trí thấp, không thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn trong sinh hoạt và ăn uống, ăn các loại thịt cá, thịt ếch, thịt nhái,… sống hoặc chưa được nấu chín, sử dụng trực tiếp thịt rắn, thịt ếch,… đắp lên các vết thương; tắm rửa, bơi lội tại các khu vực nước bị nhiễm ký sinh trùng,…
Ăn các loại thịt cá, thịt ếch, thịt nhái,… sống hoặc chưa được nấu chín có thể nhiễm sán
Một số biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: giáo dục và nâng cao sức khỏe, nâng cao nhận thức; vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân tốt; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm sạch, nguồn nước dùng sạch, không ăn thịt sống, thịt chưa được nấu chín, thịt tái; không sử dụng các thịt một số loài động vật đắp lên các vết thương; không bơi lội, tắm rửa, tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm; không chăn nuôi thả rông, thực hiện xử lý xác động vật và chất thải của chúng đúng cách; cần chú ý khi du lịch đến các khu vực bệnh lưu hành; phát hiện sớm và điều trị đúng người bệnh,…
- Chẩn đoán bệnh do sán dây cá cần dựa vào nhiều yếu tố như khai thác dịch tễ, yếu tố nguy cơ, triệu chứng lâm sàng, các bất thường xét nghiệm, trong đó xét nghiệm tìm trứng sán dây cá trong phân hoặc các bệnh phẩm khác là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định. Các dấu hiệu khác hỗ trợ hoặc gợi ý chẩn đoán như công thức máu thấy tăng số lượng bạch cầu ái toan, có thiếu máu hồng cầu to, xét nghiệm có thiếu hụt vitamin B12. Nội soi tiêu hóa, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, cộng hưởng từ ổ bụng có thể cho thấy các tổn thương nghi ngờ do ký sinh trùng. Ngày nay, với sự phát triển của các kỹ thuật y học hiện đại, xét nghiệm sinh học phân tử PCR rất hữu ích trong chẩn đoán nhiễm sán dây cá mặc dù chưa phổ biến tại nhiều cơ sở y tế, tuy nhiên cần nghiên cứu, đánh giá thêm.
Chụp cộng hưởng từ ổ bụng có thể cho thấy các tổn thương nghi ngờ do ký sinh trùng
- Bệnh do ấu trùng sán nhái chẩn đoán xác định khi tìm thấy Sparganum trong các bệnh phẩm cơ thể. Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh nhân có thể tìm thấy bằng chứng trên. Do đó, việc khai thác tiền sử dịch tễ, các triệu chứng lâm sàng, các bất thường trên xét nghiệm rất quan trọng trong chẩn đoán. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp vi tính, cộng hưởng tử có thể gợi ý tổn thương cơ quan do ấu trùng. Một số người bệnh có xét nghiệm kháng thể IgG đặc hiệu với Sparganum trong huyết thanh hoặc dịch não tủy bằng kỹ thuật ELISA dương tính rất có giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh.
- Chẩn đoán phân biệt bệnh sán Diphyllobothrium và Sparganum với một số bệnh như: bệnh do các loài ký sinh trùng khác tại cơ quan, tổn thương các cơ quan do các căn nguyên khác như vi khuẩn hoặc căn nguyên không phải do vi sinh vật.
- Bệnh sán dây cá: thường khuyến cáo sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng là praziquantel nếu người bệnh không có chống chỉ định của việc dùng thuốc. Liều thường dùng là 25 mg/kg/ ngày đối với D.latum, có thể sử dụng liều 10 mg/kg/ ngày với một số loài sán dây cá khác. Tẩy sán một liều duy nhất. Phụ nữ có thai có thể sử dụng praziquantel trong điều trị sán dây cá. Cần chú ý một số tác dụng phụ của praziquantel như mệt mỏi, mày đay cấp, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí có thể sốt.
Thuốc thay thế praziquantel có thể sử dụng là niclosamide liều duy nhất, ở người lớn thường dùng liều 2 g, trẻ nhỏ trên 6 tuổi liều 1 g.
Thường khuyến cáo sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng là praziquantel nếu người bệnh không có chống chỉ định của việc dùng thuốc
Ngoài ra người bệnh cần bổ sung lượng vitamin B12 thiếu hụt cho đến khi lượng huyết sắc tố và hồng cầu hồi phục.
- Bệnh do ấu trùng sán nhái: kết hợp điều trị thuốc diệt ký sinh trùng với các biện pháp phẫu thuật gắp hoặc cắt bỏ các ký sinh trùng. Thuốc tẩy sán thường dùng là Praziquantel liều 60-75 mg/kg/ ngày trong 2 ngày. Cần phối hợp phẫu thuật loại bỏ hoặc gắp ký sinh trùng nhanh do chúng có thể di chuyển.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!