Bác sĩ:ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa:Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm:04 năm
Nguyên nhân gây ra bệnh Lyme là do một loại xoắn khuẩn hình quả xoan có tên gọi khoa học là Borrelia burgdorferi. Loại xoắn khuẩn này ký sinh trên bọ chét và những con bọ này sống trên cơ thể động vật, sau đó lây bệnh sang người thông qua những vết đốt.
Bệnh Lyme do một loại xoắn khuẩn hình quả xoan có tên gọi khoa học là Borrelia burgdorferi lây bệnh sang người thông qua những vết đốt
Khu vực châu Á là nơi hoành hành của bệnh Lyme. Theo như báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) thì mỗi năm trên thế giới có khoảng 300.000 được chẩn đoán mắc bệnh Lyme. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Lyme được cho là cao hơn gấp 6 lần so với số người nhiễm HIV/AIDS, và cao hơn gấp 1,5 lần số bệnh nhân nữ mắc ung thư vú. Mùa cao điểm của bệnh Lyme bùng phát thường vào tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, nhưng cũng có khi bệnh xuất hiện quanh năm.
Trên thực tế các loại vi khuẩn gây bệnh Lyme phân bố tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Ví dụ như bệnh Lyme tại Hoa Kỳ là do vi khuẩn Borrelia mayonii và Borrelia burgdorferi gây nên, còn tại khu vực châu Á và châu Âu thì là do 2 loại Borrelia garinii và Borrelia afzelii lây truyền bệnh Lyme.
Trên cơ thể hươu nai thường chứa các con bọ chét mang mầm bệnh, thông qua các vết cắn, bọ chét sẽ lây bệnh cho con người. Sau khi xâm nhập qua da, vi khuẩn sẽ đi vào máu và thông thường những con bọ chét này phải mất từ 36 - 48 giờ để gắn trên cơ thể người thì sẽ có đủ thời gian cũng như khả năng truyền bệnh Lyme. Do đó, việc phát hiện và loại bỏ bọ chét trên da càng sớm sẽ càng có cơ hội ngăn ngừa mắc bệnh Lyme.
1. Biểu hiện sớm
Khi bị bọ chét đốt, trên da chúng ta có thể xuất hiện một vết cắn sưng nhỏ, có màu đỏ rất giống vết đốt của muỗi và không phải là một dấu hiệu điển hình của riêng bệnh Lyme. Tuy nhiên các biểu hiện sau đây có thể xuất hiện trong vòng 1 tháng kể từ khi chúng ta bị nhiễm bệnh:
- Phát ban: thường xảy ra từ 3 - 30 ngày sau khi bị bọ cắn. Ban đỏ lan chậm trên cơ thể trong nhiều ngày, và phạm vi lan rộng có thể lên đến 12 inch (tầm 30cm). Các vết ban thường không gây đau hoặc ngứa, nhưng khi chạm vào có thể thấy âm ấm.
- Các dấu hiệu khác: cơ thể mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức mỏi cơ, sưng hạch và cứng cổ có thể kèm theo với biểu hiện phát ban.
Ban đỏ lan chậm trên cơ thể trong nhiều ngày, và phạm vi lan rộng có thể lên đến 12 inch
2. Các biểu hiện ở giai đoạn muộn hơn
Nếu không điều trị các dấu hiệu sớm sẽ khiến cho các triệu chứng khác có cơ hội xuất hiện thêm trong vài tuần hoặc vài tháng tiếp theo. Cụ thể như sau:
- Phát ban lan rộng sang những bộ phận khác trên cơ thể.
- Đau khớp: các cơn đau và sưng viêm khớp nghiêm trọng có thể xảy ra ở vị trí đầu gối hoặc chuyển dần sang những khớp khác.
- Gặp vấn đề về thần kinh: trong vòng vài tuần, vài tháng hoặc có khi tới vài năm sau khi bị nhiễm khuẩn, người bệnh có thể phải đối mặt với chứng tê liệt tạm thời một bên mặt, viêm màng não, tê bì hoặc yếu chân tay, hạn chế trong cử động cơ bắp.
3. Các biểu hiện ít gặp hơn
Có những trường hợp bệnh nhân sau vài tuần bị nhiễm khuẩn lại phát hiện những bệnh như:
- Viêm gan.
- Viêm mắt.
- Các vấn đề bất thường về tim như nhịp tim không đều.
- Mệt mỏi nặng.
Nếu bạn nghi ngờ bản thân đã bị bọ chét cắn, đồng thời xuất hiện những biểu hiện đặc trưng của bệnh Lyme, đặc biệt là bạn cũng đang sống trong vùng lưu hành bệnh thì hãy chủ động đi khám. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao và cơ hội hồi phục lớn hơn rất nhiều.
Nếu không nhận ra và chữa trị sớm, bệnh Lyme hoàn toàn có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng như sau:
- Các bệnh về thần kinh, liệt cơ mặt, khó tập trung, suy giảm trí nhớ.
- Viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp gối.
- Thính giác bị ảnh hưởng, nghe khó.
Thính giác bị ảnh hưởng, nghe khó là biến chứng của bệnh Lyme
- Vấn đề về tim, nhịp tim không đều.
- Tầm nhìn hạn chế, nhạy cảm với ánh sáng.
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
Bọ chét gây bệnh Lyme được tìm thấy trên những loại cây mọc gần mặt đất như cỏ, bụi rậm. Chúng có kích thước nhỏ bé, có thể leo lên cơ thể động vật hoặc những người đi qua chạm phải các bụi cây có bọ chét. Những con nhỏ chỉ bằng một dấu chấm được gọi là ấu trùng, còn những con to hơn một chút gọi là con nhộng, kích thước lớn bằng hạt của cây anh túc thường có khả năng chích con người.
Loại to hơn được gọi là bọ chét trưởng thành, chúng thường gây bệnh ở các loài động vật và nguy cơ gây bệnh cho người không cao bằng các con nhộng do kích thước của những con trưởng thành thường lớn, dễ bị phát hiện và gỡ ra. Khi bọ chét cắn vật chủ, các vi khuẩn sẽ theo vết cắn xâm nhập vào cơ thể vật chủ và thông thường phải mất 48 tiếng để con người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Vì thế để chặn đứng sự lây nhiễm này, cần phải gỡ chúng ra sau khi bị cắn càng nhanh càng tốt.
Dưới đây là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh Lyme ở người, bao gồm:
- Những người sinh sống hoặc hay phải làm việc tại nơi có nhiều cỏ, khu vực rừng rậm. Đặc biệt trẻ em và người lớn dành nhiều thời gian vui chơi, làm việc ngoài trời cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Những người sinh sống hoặc hay phải làm việc tại nơi có nhiều cỏ, khu vực rừng rậm
- Không mặc quần áo dài tay che kín cơ thể khi đang ở trong khu vực có nhiều bọ chét khiến chúng có cơ hội đậu lên người.
- Không phát hiện và loại bỏ bọ chét trên da đúng cách hoặc kịp thời. Nếu loại bỏ bọ chét trong vòng 2 ngày kể từ khi bị cắn thì nguy cơ bị mắc bệnh Lyme sẽ thấp hơn.
Dưới đây là những phương pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Lyme hiệu quả:
- Trang bị quần áo dài, tất, mũ, găng tay khi phải đi tới những nơi nhiều bụi cỏ, cây cối. Cố gắng đi bộ ở con đường mòn, tránh đi vào nơi rậm rạp.
- Thường xuyên dọn dẹp, cắt cỏ xung quanh nơi ở. Sắp xếp đồ đạc gọn gàng, khô ráo ở nơi thông thoáng và nhiều nắng để ngăn những loài gặm nhấm có bọ chét xâm nhập.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng. Tham khảo kỹ độ an toàn trước khi dùng loại thuốc này.
- Luôn kiểm tra cơ thể, quần áo, trẻ em và cả thú cưng để tiêu diệt bọ chét nếu có. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng xà phòng hoặc sữa tắm diệt khuẩn mỗi ngày.
- Nếu thấy bọ chét bám trên da, hãy loại bỏ chúng bằng cách lấy nhíp gắp ra, không được bóp nát bọ chét mà hãy cho bọ vào cồn, hoặc xả vào bồn vệ sinh, sau đó sát trùng vết cắn.
Việc chẩn đoán bệnh Lyme thường gặp khó khăn do hơi khó để xác định rõ những triệu chứng. Bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố và biện pháp sau đây để chẩn đoán bệnh:
- Khai thác các thông tin của bệnh nhân như: nơi sinh sống và làm việc có nhiều cây cối hay không, có hay phải làm việc ở ngoài trời, có tiếp xúc với bọ chét hay không?
- Xét nghiệm kháng thể: đây là biện pháp thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh Lyme. Mẫu bệnh sẽ được lấy từ chất dịch trong cột sống hoặc ở khớp. Xét nghiệm kháng thể để phát hiện bệnh Lyme có 2 loại:
+ Xét nghiệm miễn dịch liên kết với enzym (ELISA): đây là xét nghiệm nhanh chóng được sử dụng phổ biến nhất.
Xét nghiệm miễn dịch liên kết với enzym (ELISA): đây là xét nghiệm nhanh chóng được sử dụng phổ biến nhất.
+ Kiểm tra blot Western: xét nghiệm này cũng hữu ích trong chẩn đoán bệnh Lyme, đồng thời giúp xác nhận kết quả của xét nghiệm ELISA, thường dùng trong trường hợp xác định bệnh Lyme mạn tính.
Nên thực hiện xét nghiệm kháng thể theo quy trình 2 bước: xét nghiệm ELISA trước sau đó là blot Western. Đối với tất cả các trường hợp có kết quả dương tính hoặc dương tính không rõ ràng khi xét nghiệm ELISA, cần tiến hành làm thêm xét nghiệm Western blot.
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR: nhằm phát hiện DNA của vi khuẩn gây bệnh Lyme. Nếu đã đang áp dụng kháng sinh trong điều trị bệnh Lyme nhưng tình hình bệnh không được cải thiện thì có thể sử dụng xét nghiệm PCR. Do đòi hỏi phải có kỹ thuật cao và chi phí tốn kém nên xét nghiệm PCR ít được áp dụng hơn so với xét nghiệm kháng thể. Bên cạnh đó xét nghiệm PCR cũng có nguy cơ trả ra kết quả dương tính giả.
Hiện nay, kháng sinh là biện pháp chủ yếu được sử dụng để chữa bệnh Lyme. Điều trị càng được áp dụng sớm thì càng tăng cơ hội phục hồi, biến chứng nhờ đó cũng được hạn chế.
Cách dùng kháng sinh trong điều trị bệnh Lyme:
1. Kháng sinh đường uống:
- Dùng cho bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu bị bệnh.
- Phân loại đối tượng:
- Người lớn: 1 trong 3 loại: doxycycline, cefuroxime hoặc amoxicillin.
- Trẻ em trên 8 tuổi: doxycycline.
- Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: cefuroxime hoặc amoxicillin.
- Thời gian sử dụng: trung bình một đợt điều trị kéo dài từ 14 - 21 ngày.
2. Kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch:
- Nếu gặp biến chứng về thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch.
- Thời gian sử dụng: 14 - 28 ngày.
- Công dụng: giúp loại bỏ nhiễm trùng nhưng phải mất một thời gian dài để hồi phục.
- Tác dụng phụ:
- Giảm lượng bạch cầu.
- Bệnh nhân bị tiêu chảy từ nhẹ đến nặng.
- Bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng với các loại sinh vật kháng kháng sinh khác không liên quan tới bệnh Lyme.
3. Lưu ý sau khi dùng thuốc:
Sau khi điều trị bằng kháng sinh, có một số trường hợp bệnh nhân vẫn biểu hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức cơ. Đây được gọi là hội chứng bệnh sau Lyme và vẫn chưa có biện pháp gì để cải thiện tình trạng này.
Nhìn chung, kháng sinh là phương pháp điều trị duy nhất hiện nay đem lại hiệu quả cao nếu được sử dụng ở giai đoạn sớm, với điều kiện là phải dùng đúng liều, đúng cách và đủ thời gian. Tuy đã có các phương pháp khác điều trị thay thế nhưng vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả và an toàn, cần được nghiên cứu thêm.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!