Từ điển bệnh lý
Bệnh ghẻ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là một bệnh truyền nhiễm, do ký sinh trùngSarcoptes scabieigây bệnh ở da. Bệnh là một trong những bệnh da liễu đã được biết đến từ lâu, có thể lây truyền từ người sang người qua con đường tiếp xúc da. Tổn thương da xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể như bàn tay, bàn chân, kẽ ngón tay, chân, cơ quan sinh dục,…
Bệnh ghẻ
Bệnh thường diễn biến trong khoảng 01 – 02 tuần, tuy không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến tình trạng toàn thân và tính mạng người bệnh, tuy nhiên gây khó chịu, ngứa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Bệnh thường xảy ra ở những khu vực đông dân cư, môi trường sống chặt chội, đông đúc, điều kiện sinh hoạt và vệ sinh kém. Chẩn đoán bệnh dựa vào các yếu tố dịch tễ, các triệu chứng lâm sàng và tìm thấy cái ghẻ. Điều trị bệnh ghẻ có thể sử dụng các thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống. Các biện pháp phòng bệnh quan trọng như tránh tiếp xúc, dùng chung vật dụng cá nhân, sinh hoạt với người bệnh ghẻ, phát hiện sớm và điều trị người bệnh đúng phác đồ.
Nguyên nhân Bệnh ghẻ
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ làSarcoptes scabiei(Hominis- cái ghẻ) là một loài ký sinh trùng, gây bệnh đã được biết đến từ lâu. Ghẻ có ghẻ đực và ghẻ cái, ghẻ đực thường chết sau khi giao hợp do đó gây bệnh chủ yếu tại người là ghẻ cái. Ngoài ra ký sinh trùng có thể gây bệnh đối với động vật, gia súc, có thể lây truyền cho con người. Ghẻ có bốn đôi chân, dùng vòi ở đầu để hút thức ăn, kích thước khá nhỏ và khó nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường, vị trí ký sinh thường là lớp sừng của thượng bì, chúng không thể di chuyển bằng cách bay nhảy được, đào hang dần dần trong lớp sừng vào ban đêm, ban ngày chúng đẻ trứng, số lượng trứng thường là 1 – 5 trứng mỗi lần, sau khoảng 04 ngày trứng nở thành ấu trùng, lột xác nhiều lần thành con ghẻ trưởng thành tiếp tục đào hang và đẻ trứng mới. Chu kỳ sống trung bình thường khoảng 20 ngày.
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ là Sarcoptes scabiei (Hominis - cái ghẻ)
Nhìn chung, ghẻ sinh sôi, phát triển nhanh, gây bệnh bằng cách tiết ra các enzyme giúp phá hủy lớp sừng ở da người, tạo điều kiện cho chúng di chuyển. Các sản phẩm bị mô bị phá hủy là nguồn thức ăn của ký sinh trùng. Khi ghẻ rời khỏi cơ thể vật chủ thường bị tiêu diệt nhanh bởi điều kiện ngoại cảnh.
Triệu chứng Bệnh ghẻ
- Triệu chứng lâm sàng bệnh ghẻ: các triệu chứng ngứa, rát của bệnh thường xuất hiện sau một thời gian phơi nhiễm với cái ghẻ (thường khoảng vài ngày đến vài tuần).
- Thời gian ủ bệnh trung bình có thể từ vài ngày đến 6 tuần, người bệnh thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong giai đoạn này.
- Sau thời kỳ ủ bệnh, các triệu chứng xuất hiện nhiều và rõ ràng: Người bệnh xuất hiện ngứa nhiều, liên tục và ban đêm ngứa tăng lên. Trên da ở các vị trí như kẽ ngón tay, ngón chân, cổ tay, lòng bàn tay, bàn chân, nếp gấp vùng nách, cơ quan sinh dục,… thường xuất hiện tổn thương đỏ, sau đó bong vảy da, đôi khi kèm theo các nốt hoặc sẩn ngứa đóng vảy. Cơ thể tăng tính nhạy cảm với kháng nguyên của cái ghẻ, do đó dẫn tới hiện tượng đỏ da rải rác trên cơ thể. Ghẻ cái đẻ trứng và đào hang trong lớp sừng, tạo các luống ghẻ có tính chất đặc trưng: dạng mảnh, thẳng dài, khoảng 1 mm – 1 cm. Luống ghẻ thường xuất hiện trên da các vị trí như các nếp gấp vùng chi, nếp gấp quanh cơ quan sinh dục. Trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc da người bệnh bị trầy xước, xơ chai, luống ghẻ có thể khó quan sát.
- Người lớn hiếm khi gặp tổn thương da vùng mặt và da đầu, trong khi ở trẻ nhỏ, vị trí này có thể bị bệnh. Vùng nách, thân mình của trẻ có thể thấy các sẩn cục ngứa, màu sắc thay đổi, tím đến đỏ, có thể tồn tại nhiều tuần ngay cả khi đã loại trừ cái ghẻ. Lòng bàn tay, lòng bàn chân trẻ có thể xuất hiện thêm các mụn nước.
Triệu chứng bệnh ghẻ
- Do đó, các thương tổn trên da của bệnh ghẻ có thể nhiều dạng. Đó là:
+ Mụn nước: thường gặp tại các vị trí như kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, trên cẳng tay, nếp gấp thắt lưng, kẽ mông, bộ phận sinh dục, mặt trong của đùi,.. Trẻ nhỏ thì hay gặp lòng các chi. Bao quy đầu có thể xuất hiện vết trợt đôi khi bị chẩn đoán nhầm với tổn thương săng trong bệnh giang mai.
+ Sẩn cục: vị trí nếp gấp vùng nách, cơ quan sinh dục,…
+ Luống ghẻ: tính chất như trên đã mô tả, kèm theo trên bề mặt luống ghẻ có thể xuất hiện các mụn nhỏ, khi bị vỡ có dịch chảy ra, thường màu xám hoặc đen, dùng kim có thể bắt được ghẻ cái.
+ Vết xước, đỏ da, bong vảy da, ban dát thâm.
+ Các thương tổn trên có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, tạo các mụn mủ, loét,..
- Ngứa và khó chịu, bứt rứt làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt về đêm, ngứa tăng lên rất nhiều, người bệnh gãi nhiều. Ký sinh trùng xuất hiện số lượng ngày càng nhiều trên da và rất dễ lây nhiễm.
- Người bệnh không có các triệu chứng của dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao, lưỡi bẩn,… Các cơ quan bộ phận khác ít bị ảnh hưởng.
- Bệnh ghẻ Na-Uy là một thể bệnh đặc biệt của bệnh ghẻ, thường gặp trên các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV/AIDS, dùng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài,... trên da xuất hiện nhiều lớp vảy chồng lên nhau, tổn thương toàn thân lan tỏa, có thể tìm thấy số lượng lớn ghẻ cái trong lớp sừng này.
Các biến chứng Bệnh ghẻ
- Bội nhiễm da: các tổn thương da trong bệnh ghẻ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh, trường hợp nặng có thể có nhiễm trùng lan tỏa và toàn thân.
- Chàm hóa: do người bệnh ngứa, ngãi.
- Lichen hóa: người bệnh bị dày da, thâm da do ngứa, ngãi nhiều
- Trẻ nhỏ có thể xuất hiện viêm cầu thận cấp, có thể tái phát nhiều lần, đặc biệt với trẻ bị ghẻ bội nhiễm.
Đường lây truyền Bệnh ghẻ
Con đường lây truyền chủ yếu của bệnh ghẻ là lây qua tiếp xúc trực tiếp với da của người bệnh ghẻ như chạm, gãi, …. Một số trường hợp, bệnh có thể lây gián tiếp khi sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chậu rửa, chăn ga, gối đệm,… của người bệnh. Những người sống cùng trong gia đình, nhà trọ, nhà trẻ,… dễ bị lây nhiễm hơn.
Bệnh có thể lây gián tiếp khi sử dụng chung vật dụng cá nhân
Đối tượng nguy cơ Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ có thể gặp được mọi lứa tuổi và mọi giới tính. Tuy nhiên trẻ em, người già và phụ nữ thường dễ bị cảm nhiễm hơn. Bệnh có xu hướng xảy ra nhiều vào mùa đông hơn mùa hè, thường xuất hiện ở những nơi đông đúc, nhiều dân cư, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt chật hẹp, không đảm bảo, nước sinh hoạt bị thiếu thốn,.... Những người có tiếp xúc với người bệnh ghẻ, dùng chung các vật dụng cá nhân, đồ dùng với bệnh nhân dễ mắc bệnh. Những người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV/AIDS, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc thải ghép, … dễ mắc bệnh ghẻ Na-Uy (thể bệnh đặc biệt, tiên lượng xấu hơn).
Phòng ngừa Bệnh ghẻ
Hiện tại các biện pháp phòng ngừa chính chủ yếu là phòng ngừa các con đường lây nhiễm. Các biện pháp không đặc hiệu đó là: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục sức khỏe; vệ sinh môi trường sống tốt và vệ sinh cá nhân tốt đặc biệt chú ý vệ sinh tay; hạn chế sống và làm việc trong môi trường chật chội, không đảm bảo vệ sinh; không tiếp xúc trực tiếp với da của người bệnh ghẻ, xử lý quần áo, đồ dùng cá nhân của người bệnh ghẻ đúng quy định, không dùng chung quần áo, đồ dùng sinh hoạt với người bệnh; phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ với bệnh nhân.
Các biện pháp chẩn đoán Bệnh ghẻ
Chẩn đoán bệnh dựa vào các yếu tố: khai thác dịch tễ và tiền sử tiếp xúc, triệu chứng lâm sàng và tìm thấy ghẻ cái tại các vùng da bị tổn thương.
- Yếu tố dịch tễ: sống cùng nhà, làm việc cùng, tiếp xúc với người bệnh ghẻ, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh ghẻ,…
- Triệu chứng lâm sàng mô tả trên
- Tìm thấy ghẻ cái: sử dụng kính lúp tìm cuối luống ghẻ có thể bắt được cái ghẻ; soi dưới kính hiển vi thấy trứng ghẻ hoặc cái ghẻ (thường sử dụng dung dịch KOH 10% với bệnh phẩm là dịch mụn nước hoặc nạo luống ghẻ); phản ứng khuếch đại polymerase tìm DNA của cái ghẻ.
Soi tìm ghẻ cái dưới kính hiển vi
- Tiêu chuẩn vàng là tìm thấy ghẻ cái trong các tổn thương da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể không tìm thấy ký sinh trùng. Do đó, việc khai thác yếu tố dịch tễ và chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh ghẻ là cần thiết.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh ghẻ với một số bệnh lý sau như: viêm da cơ địa, nhiễm nấm da; tổn thương da trong bệnh giang mai; các dạng sẩn ngứa khác,..
Các biện pháp điều trị Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ có tính chất gia đình, tập thể, do đó cần điều trị cho cả người sống cùng trong gia đình, cùng nhà trọ, cùng nhà trẻ,… với người bệnh. Để phòng lây nhiễm, quần áo, chăn màn, … của người bệnh cần xử lý đúng cách.
Thuốc điều trị bệnh ghẻ có thể sử dụng thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống, một số phương pháp điều trị đông y.
- Điều trị nguyên nhân: một số thuốc có thể sử dụng:
+ Kem Permethrin 5%: an toàn, hiệu quả, nhược điểm thuốc khá đắt. Bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương sau tắm khoảng 8h, 01 tuần sau bôi nhắc lại; thuốc an toàn cho trẻ nhỏ trên 2 tháng tuổi.
+ Thuốc xịt trị ghẻ Spregal: thuốc an toàn cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, tuy nhiên khá đắt tiền.
+ Dung dịch hoặc kem Crotamiton 10%: thường bôi lên vùng da tổn thương sau khi tắm 24 giờ, lặp lại 3 – 5 ngày, ưu điểm của thuốc là giảm triệu chứng ngứa.
+ Kem hoặc nhũ dịch Benzoat benzyl 25%: thường bôi lên vùng da tổn thương sau tắm 24 giờ, lặp lại trong 2 ngày liên tiếp, thuốc cần thận trọng ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
+ Mỡ lưu huỳnh 2 – 10%: thường bôi vào buổi tối, lặp lại trong 3 ngày liên tiếp, ưu điểm an toàn cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
+ Dung dịch Diethylphtalat (DEP): thường bôi khoảng 2 – 3 lần/ ngày, tránh dùng cho trẻ nhỏ
+ Ivermectin: được cho rằng có hiệu quả cao trong điều trị bệnh ghẻ, đặc biệt là ghẻ Na-Uy, ghẻ kháng trị. Liều dùng khuyến cáo là 200µg/kg/liều x 01 liều duy nhất. Ở đối tượng ghẻ nặng, hoặc bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, có thể lặp lại sau 07 ngày, 14 ngày. Phối hợp cùng các loại thuốc bôi khác. Lưu ý không sử dụng thuốc cho phụ nữ đang mang thai và trẻ dưới 15 kg.
- Điều trị triệu chứng: Chủ yếu là các thuốc điều trị ngứa: các thuốc thường dùng chủ yếu là các thuốc kháng histamin gây buồn ngủ như chlorpheniramin. thoa kem Steroid, thuốc mềm da,…
- Một số biện pháp khác: Có thể dùng vỏ cây ba chạc đen tắm hoặc dầu hạt máu chó.
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu. Bộ Y tế, 2015.
- Micali G, Lacarrubba F, Verzì AE, Chosidow O, Schwartz RA. Scabies: Advances in Noninvasive Diagnosis. PLoS Negl Trop Dis. 2016 Jun;10(6):e0004691.
- Anderson KL, Strowd LC. Epidemiology, Diagnosis, and Treatment of Scabies in a Dermatology Office. J Am Board Fam Med. 2017 Jan 02;30(1):78-84.
- Vasanwala FF, Ong CY, Aw CWD, How CH. Management of scabies. Singapore Med J. 2019 Jun;60(6):281-285.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!