Bác sĩ:ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa:Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm:04 năm
Bệnh do Actinomyces (Actinomycosis) là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí Actinomyces gây ra. Vi khuẩn thường sống cùng với các vi khuẩn khác trong khoang miệng, đường tiêu hóa, đường tiết niệu - sinh dục của cơ thể người. Actinomyces gây bệnh khi da và niêm mạc bị tổn thương, có thể gây áp xe nhiều cơ quan, bộ phận như đầu mặt cổ, lồng ngực, bụng, thần kinh trung ương, thậm chí gây nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng đôi khi mơ hồ, âm ỉ thời gian dài và dễ gây chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác, dẫn đến điều trị không đúng. Nuôi cấy vi khuẩn trong điều kiện kỵ khí là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định, tuy nhiên thời gian kết quả thường lâu. Biện pháp điều trị chính là liệu pháp kháng sinh như penicillin, Ceftriaxone,… trong thời gian dài.
Vi khuẩn kỵ khí gây bệnh Actinomyces
Actinomyces là vi khuẩn kỵ khí, bắt màu Gram dương, thuộc chi Actinomyces. Miệng, ruột, âm đạo là những vị trí vi khuẩn thường khu trú và vi khuẩn thường có trong hệ đa vi khuẩn, cùng tồn tại với các vi khuẩn cộng sinh khác. Có nhiều loài Actinomyces gây bệnh, trong đó 2 loài gây bệnh được phân lập nhiều nhất là Actinomyces israelii và Actinomyces gerencseriae .
Vi khuẩn gây bệnh bằng cách phá hủy, làm tổn thương niêm mạc, ban đầu tạo các tổ chức hạt nhỏ sulfur, sau hình thành các ổ mủ được lớp sừng hóa dày bao quanh bên ngoài hoặc hình thành các đường dẫn mủ kèm theo giảm cảm giác đau của người bệnh. Điều này làm cho bệnh đôi khi dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý ác tính tại cơ quan.
Triệu chứng lâm sàng đa dạng, phong phú, có thể tổn thương nhiều cơ quan khác nhau.
Biểu hiện ở mặt - cổ
Cơ quan tổn thương hay gặp miệng, cổ họng, vùng mặt, góc hàm. Biểu hiện sưng to các mô mềm, theo tiến triển thời gian hình thành áp - xe lớn, dễ nhầm với các bệnh lý ác tính. Người bệnh có thể bị viêm tai, viêm các xoang với biểu hiệu đau vùng tai, vùng xoang kèm theo sốt nhiễm khuẩn, xét nghiệm các marker viêm như số lượng bạch cầu đa nhân trung tính, CRP, procalcitonin tăng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhiễm trùng sẽ loan tỏa sang cột sống, não - màng não, trung thất,… gây nhiều biến chứng.
Biểu hiện tại lồng ngực
Biểu hiện tại phổi, màng phổi là hay gặp nhất. Người bệnh thường có các triệu chứng không đặc hiệu như sốt thất thường, gầy sút cân, ho kéo dài, ho có đờm, đôi khi đau tức ngực không rõ ràng, cảm giác khó thở,…đôi khi khó phân biệt với viêm phổi do các căn nguyên vi khuẩn khác, lao hay ung thư phổi. Hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang ngực: có tổn thương khối hoặc hình ảnh viêm phổi, kèm theo có hạch rốn phổi, dày màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi. Trường hợp nặng hơn, tổn thương từ phổi lan sang trung thất, các xương thành ngực, tim. Nhiễm trùng tại trung thất còn có thể do các nhiễm trùng từ đầu – mặt – cổ lan xuống, biểu hiện lâm sàng đa dạng.
Bệnh do Actinomyces gây ho kéo dài, ho có đờm, đôi khi đau tức ngực
Biểu hiện bệnh vùng bụng
Nhiễm khuẩn vùng bụng là một trong những vị trí nhiễm trùng hay gặp nhất của Actinomyces, tuy nhiên bệnh khó chẩn đoán. Đa số các cơ quan trong ổ bụng đều có thể tổn thương, do sự lan tràn vi khuẩn trong dịch ổ bụng. Các ổ áp xe, tổ chức khối thường bị nhầm lẫn với các khối u trong ổ bụng. Người bệnh thường biểu hiện ổ áp xe/khối tổn thương ở gan với các triệu chứng đau mô hồ hoặc không đau, mệt mỏi, ăn uống kém; tại cơ quan thận tiết niệu có thể bị viêm thận, bể thận, áp xe thận hoặc áp xe quanh thận, viêm bàng quang, niệu quản bị tắc nghẽn hoặc rò niệu quản; ruột non và ruột già cũng bị tổn thương, thậm chí có thể bị rò, thủng; hạch ổ bụng thường ít khi xuất hiện. Nhiễm trùng tử cung thường gặp với biểu hiện đau âm ỉ, tăng tiết dịch âm đạo, đã có nhiều nghiên cứu có liên quan đến dụng cụ tránh thai trong tử cung. Trên CT ổ bụng thường thấy hình ảnh thâm nhiễm, tương phản không đồng đều.
Biểu hiện nhiễm trùng thần kinh trung ương
Ghi nhận ít hơn bệnh tại các cơ quan trên, tuy nhiên tiên lượng nặng. Người bệnh có một hoặc nhiều hơn các ổ áp xe não, viêm màng não, nhiễm khuẩn khoang ngoài màng cứng, hội chứng xoang hang với các biểu hiện thần kinh như đau đầu, buồn nôn, táo bón, gáy cứng, các dấu hiệu thần kinh khác. Trên cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não thấy hình ảnh các khối áp xe ranh giới rõ với xung quanh, vỏ bọc rõ. Khi người bệnh không có chống chỉ định của chọc dịch não tủy, cần lấy dịch não tủy làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn để xác định căn nguyên.
Biểu hiện khác
Bệnh không lây từ người sang người. Con người bị nhiễm bệnh do vi khuẩn xâm nhập qua các tổn thương da và niêm mạc là chủ yếu. Actinomyces sống chủ yếu tại khoang miệng, đường tiêu hóa và cơ quan sinh dục - tiết niệu của con người. Khi hàng rào niêm mạc của cơ thể bị tổn thương ( nguyên nhân nhiễm trùng do các căn nguyên vi sinh vật khác hoặc nguyên nhân vật lý, cơ học,…) sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Con người có thể nhiễm bệnh do nuốt hoặc hít phải chất dịch có chứa vi khuẩn. Lây truyền trực tiếp qua đường máu hoặc ghép tạng là cực kỳ hiếm.
Actinomyces lây truyền trực tiếp qua đường máu rất hiếm gặp
Các yếu tố nguy cơ và thuận lợi cho người bệnh nhiễm Actinomyces là: Người bệnh thường xuyên vệ sinh răng miệng kém, viêm nhiễm răng lợi như sâu răng, viêm lợi, thực hiện các thủ thuật răng hàm mặt như nhổ răng, người bệnh sử dụng dụng cụ tránh thai, người bệnh HIV/AIDS, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng rắn, người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh nghiện rượu,… Bệnh xảy ra nhiều ở lứa tuổi trưởng thành. Các khu vực điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, kinh tế xã hội thấp tỉ lệ nhiễm bệnh thường cao hơn.
Các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu như: Nâng cao nhận thức, nâng cao sức khỏe và hệ thống miễn dịch; vệ sinh thân thể tốt; thực hiện các thủ thuật, can thiệp an toàn và tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn; điều trị các nhiễm trùng do các căn nguyên khác như điều trị răng sâu, điều trị viêm lợi,… theo dõi và quản lý tốt người bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…; áp dụng các biện pháp tránh thai khác; phát hiện sớm và điều trị đúng người bệnh;...
Bảo vệ sức khỏe răng miệng phòng bệnh do Actinomyces
Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng. Các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên vi khuẩn đó là:
Nuôi cấy vi khuẩn trong điều kiện kỵ khí
Bệnh do Actinomyces cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau: các ổ áp xe tại cơ quan do các căn nguyên vi sinh vật khác, bệnh lao phổi, các khối u ác tính vùng đầu mặt cổ, ổ bụng, bệnh Crohn, bệnh túi thừa,…
Nguyên tắc điều trị: Liệu pháp kháng sinh được chỉ định với liều dùng cao và thời gian lâu dài. Phối hợp điều trị ngoại khoa khi có chỉ định.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!