Từ điển bệnh lý

Ấu trùng sán dây lợn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ấu trùng sán dây lợn

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (cysticercosis) doCysticercus cellulosaelà ấu trùng của sán dây lợnTaenia soliumgây nên, lây truyền từ động vật sang người. Ấu trùng có thể gây tổn thương nhiều cơ quan như não, cơ, mắt,… trong đó ở thần kinh trung ương là hay gặp nhất, đôi khi gây nhiều biến chứng và di chứng. Chẩn đoán bệnh cần dựa vào yếu tố dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm. Các biện pháp điều trị bệnh như thuốc tẩy sán, corticoid chống viêm và giảm phù não, phẫu thuật loại bỏ nang sán,…

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (cysticercosis) do Cysticercus cellulosae là ấu trùng của sán dây lợn Taenia solium gây nên

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (cysticercosis) do Cysticercus cellulosae là ấu trùng của sán dây lợn Taenia solium gây nên


Nguyên nhân Ấu trùng sán dây lợn

Sán dây lợnTeania soliumthuộc giống sán dâyTaenia, họ sán dâyTaeniidae, bộCyclophyllidea, dưới lớpEucestoda, lớp sán dâyCestoda, ngành sán dẹtPlatyhelminthes. Ký sinh trùng dài từ 4 – 8 m, có khoảng 900 đốt, cơ thể gồm 3 phần là đầu, cổ và thân. Số lượng trứng trong mỗi đốt khoảng 4000 trứng. Đốt già rụng từng khúc 3 – 6 đốt theo phân ra ngoài, không di động.

Sán dây lợn Teania solium thuộc giống sán dây Taenia

Sán dây lợn Teania solium thuộc giống sán dây Taenia

Sán dây lợn sống ký sinh ở ruột non của người và hút các chất dinh dưỡng của vật chủ qua các giác bám. Ấu trùng sán lợnT.soliumsống ký sinh nhiều cơ quan như ở dưới da, cơ, mắt, trong và ngoài não,…


Triệu chứng Ấu trùng sán dây lợn

1. Triệu chứng lâm sàng

a. Thể bệnh ấu trùng sán lợn ngoài hệ thần kinh trung ương

- Ấu trùng sán lợn ký sinh dưới da - cơ.

Ấu trùng sán lợn ký sinh dưới da - cơ

Ấu trùng sán lợn ký sinh dưới da - cơ

Người bệnh không có triệu chứng gì hoặc tự sờ thấy các nang sán dưới da hoặc sâu trong các cơ. Ngoài ra cảm thấy mỏi cơ, giật cơ, yếu cơ,..

Nang to bằng hạt đậu, không đau, di động, không đối xưng, kích thước nang có thể thay đổi từ 0,5 đến 2 cm. Vị trí nang: cơ hoành, cơ lưỡi, cơ Delta, cơ hai chi trên, cơ vùng ngực, bụng, lưng, vùng da đầu, gáy,…

- Ấu trùng sán lợn ký sinh ở mắt

Nang sán có thể ở trong ổ mắt, dây thần kinh thị giác. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng: người bệnh đau nhức mắt, nhìn mờ, nhìn đôi, chảy nước mắt, trục nhãn cầu bị đẩy lệch, viêm võng mạc gây giảm thậm chí mất thị lực. Người bệnh có thể có sốt khi có viêm dây thần kinh. Trước khi điều trị, nên khám chuyên khoa mắt cho tất cả người bệnh bị ấu trùng sán dây lợn.

- Trường hợp hiếm gặp hơn khi ấu trùng ký sinh tại tim. Người bệnh có thể có bất thường về nhịp tim, đau ngực,…

b. Bệnh ấu trùng hệ thần kinh trung ương

Bệnh ấu trùng sán lợn tại hệ thần kinh trung ương là thể bệnh hay gặp nhất và tiên lượng nặng, di chứng cao khi nhiễm ấu trùng. Người bệnh có các biểu hiện lâm sàng đa dạng. Một số người bệnh không có triệu chứng rõ ràng, chẩn đoán tình cờ trên cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não. Một số người bệnh các triệu chứng thần kinh nặng nề, tiên lượng tử vong cao.

Người bệnh có các dấu hiệu thần kinh khu trú đa dạng khi nang sán ký sinh trong não: liệt nửa người, bất thường về cảm giác như tê bì, kiến bò, giảm cảm giác; đau các rễ thần kinh; liệt dây thần kinh sọ như dây III, IV, VI, giảm thính lực, giảm thị lực, … Triệu chứng lâm sàng phổ biến như co giật cục bộ, động kinh, co giật toàn thân ít gặp hơn.

Ngoài ra, người bệnh có thể đau đầu, triệu chứng tăng áp lực nội sọ ( đau đầu, nôn, buồn nôn,…), rối loạn ý thức tri giác, thay đổi tình trạng tâm thần,…

Ấu trùng có thể ký sinh tại bất cứ vị trí nào ở thần kinh trung ương, tuy nhiên ít gặp tổn thương tại tủy sống hơn. Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, tùy vị trí tổn thương, tổn thương rễ, dây thần kinh, rối loạn cảm giác, hội chứng đuôi ngựa, viêm tủy sống,….

2. Đặc điểm cận lâm sàng

a. Xét nghiệm cơ bản

- Số lượng bạch cầu ái toan máu ngoại vi có thể tăng nhưng không đặc hiệu.

- Cần chọc dịch não tủy khi không có chống chỉ định. Áp lực dịch não tủy bình thường hoặc tăng nhẹ, màu sắc thường trong hoặc đục nhẹ ở một số người bệnh. Số lượng tế bào bạch cầu tăng nhẹ từ vài chục đến vài. Protein dịch tăng nhẹ, đường giảm trong trường hợp nặng. Xét nghiệm PCRT.soliumdịch não tủy có thể thực hiện, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm

- X-quang và cắt lớp vi tính: Tại vị trí dưới da, cơ, xương, nhãn cầu,… có thể thấy tổn thương nang sán hoạt động, nang vôi hóa, hỗ trợ sinh thiết tổn thương chẩn đoán xác định.

- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não: tại hệ thần kinh trung ương, nang sán có thể gặp mọi vị trí, trong đó hai bán cầu đại não là vị trí thường gặp nhất. Nang sán đặc trưng gồm một đầu sán bao quanh lớp vỏ nang, kích thước thay đổi vài cm, thường nằm ở ranh giới chất xám – chất trắng, tùy từng giai đoạn của nang sẽ có các đặc điểm riêng. Các vị trí khác như mạch máu não, não thất, khoang dưới nhện, tủy sống,… có thể thấy nang sán nhưng ít gặp hơn.

Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não: tại hệ thần kinh trung ương, nang sán có thể gặp mọi vị trí

Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não: tại hệ thần kinh trung ương, nang sán có thể gặp mọi vị trí

- Soi đáy mắt và siêu âm mắt: thấy ấu trùng sán dây lợn ở nhiều nơi như hốc mắt, kết mạc, tiền phòng, dịch kính, đáy mắt, …

- Siêu âm cơ, siêu âm tim: có thể thấy hình ảnh nang sán.

b. Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên vi sinh vật.

- Tìm kháng thế kháng sán đặc hiệu: Cơ thể sản xuất IgG đặc hiệu với ký sinh trùng một thời gian sau khi nhiễm bệnh. Trên lâm sàng, kỹ thuật ELISA được sử dụng nhiều nhất. Kết quả dương tính sẽ hỗ trợ chẩn đoán. Một số nhược điểm của xét nghiệm miễn dịch học như: dương tính chéo vớ căn nguyên vi sinh khác; không loại trừ chẩn đoán khi kết quả âm tính; có thể dương tính ở một số người bệnh đã nhiễm bệnh từ lâu thậm chí khỏi bệnh, đặc biệt ở các địa phương dịch bệnh lưu hành.

- Kỹ thuật sinh học phân tử PCR: xác định DNA củaT.soliumvới độ chính xác cao, tuy nhiên yêu cầu kỹ thuật, máy móc rất hiện đại.

- Xét nghiệm phân: mục đích tìm trứng sán dây, đốt sán dây trưởng thành.

- Sinh thiết nang sán: thấy ấu trùng sán lợn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, giá thành, gây đau đớn cho người bệnh.


Các biến chứng Ấu trùng sán dây lợn

Một số biến chứng về thần kinh như co giật, động kinh, liệt nửa người, phù não, tăng áo lực nội sọ, … Nang sán tại vị trí khác gây biến chứng như yếu cơ, giật cơ, mỏi cơ, giảm hoặc mất thị lực,….


Đường lây truyền Ấu trùng sán dây lợn

Sán dây lợn trưởng thành có vật chủ chính duy nhất là con người. Chúng ký sinh tại ruột non và hút chất dinh dưỡng của vật chủ, hàng ngày trứng và đốt già được cơ thể bài tiết và gây nhiễm tại môi trường ( thức ăn, nước uống, đồ dùng, vật dụng,..). Lợn ăn phải thức ăn, phân, nước,… bị nhiễm trứng và ấu trùng sán dây lợn sẽ bị nhiễm bệnh. Ấu trùng từ ruột của gia súc vào hệ tuần hoàn xâm nhập vào tổ chức cơ vân và cơ quan bộ phận khác từ đó hình thành các nang sán (thường được gọi là lợn gạo).

Đường lây nhiễm sán dây lợn

Đường lây nhiễm sán dây lợn

Con người khi ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm hoặc thịt lợn chưa được nấu chín có chứa trứng hoặc ấu trùng sán dây lợn có thể bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, khi bị nhiễm sán dây trưởng thành, trứng ký sinh trùng có thể tự lây nhiễm trong ruột và tạo các nang sán.


Đối tượng nguy cơ Ấu trùng sán dây lợn

Bệnh ấu trùng sán dây lợn ghi nhận nhiều khu vực, tuy nhiên thường gặp tại các khu vực nghèo nàn, chậm phát triển, kinh tế lạc hậu như Châu Phi, Châu Á,… Các đối tượng, nguy cơ mắc bệnh đó là: thói quen ăn thịt lợn tái, thịt lợn chưa được nấu chín; sống cùng nhà với người bệnh bị nhiễm bệnh; các lò mổ, cung cấp thịt có người bị nhiễm bệnh sán dây lợn; vệ sinh môi trường và thân thể kém; môi trường nông nghiệp lạc hậu, sử dụng phân tươi để bón cây trồng, nhà vệ sinh chưa đảm bảo vệ sinh; chăn nuôi và thả rông lợn,…

Người chăn nuôi lợn có nguy cơ bị nhiễm bệnh sán dây lợn cao hơn

Người chăn nuôi lợn có nguy cơ bị nhiễm bệnh sán dây lợn cao hơn


Phòng ngừa Ấu trùng sán dây lợn

- Nâng cao nhận thức, hiểu biết, truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe và hệ thống miễn dịch.

- Vệ sinh môi trường sống tốt, vệ sinh thân thể tốt, đặc biệt vệ sinh tay

- Sử dụng nguồn nước dùng sạch, lương thực thực phẩm hợp vệ sinh, nguồn thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo

- Thay đổi thói quen tập quán không tốt như ăn thịt lợn tái, chưa được nấu chín; không chăn nuôi thả rông lợn; không sử dụng phân trực tiếp để bón cây trồng; nhà vệ sinh đúng quy định.

- Người bệnh cần được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ

- Khi có dịch tại địa phương cần báo cơ sở y tế dự phòng để dập dịch.


Các biện pháp chẩn đoán Ấu trùng sán dây lợn

Chẩn đoán bệnh ấu trùng sán lợn hệ cần dựa vào các yếu tố khai thác dịch tễ - tiền sử tiếp xúc, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán xác định khi thấy hình ảnh đặc trưng của nang sán/ ký sinh trùng trên mô bệnh học hoặc trực tiếp thấy ký sinh trùng khi soi đáy mắt hoặc hình ảnh đầu sán trên phim cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Các tiêu chuẩn khác như: tổn thương gợi ý nang sán trên xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm kháng thể IgG đặc hiệu với T.solium dương tính; người bệnh tự sờ thấy các nang sán trên cơ thể; sau điều trị thuốc tẩy sán các tổn thương nang sán thoái triển; tiền sử sống/ đi/về/ở tại các khu vực bệnh ấu trùng sán dây lợn lưu hành; có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm sán dây lợn;.. rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như nhiễm Toxoplasma, nhiễm Nocardia; u màng não; ung thư thứ phát nhu mô nã; lao màng não, nhiễm trùng thần kinh trung ương do các vi nấm; bất thường dị dạng mạch máu não,…


Các biện pháp điều trị Ấu trùng sán dây lợn

Kiểm soát tăng áp lực nội sọ

- Corticosteroid (dexamethasone 0,2 đến 0,4 mg/kg/ ngày) để giảm viêm, giảm phù não.

- Người bệnh có giãn não thất, não úng thủy: can thiệp ngoại khoa sớm để giảm áp lực nội sọ như dẫn lưu não thất - ổ bụng….

Điều trị co giật, động kinh

Cần kiểm soát sớm cơn co giật, động kinh của người bệnh. Ngay cả khi đã tẩy sán thành công, tổn thương nhu mô não đôi khi không hồi phục, người bệnh cần tiếp tục kiểm soát cơn co giật, động kinh. Các thuốc thường được sử dụng như Depakin, Tegretol,… Một số tác giả khuyến cáo tiếp tục duy trì và giảm dần liều các thuốc này sau cơn giật cuối cùng ít nhất 2 năm. Việc ngừng thuốc trên cần cá thể hóa từng người bệnh.

Thuốc tẩy sán và ấu trùng sán dây lợn

Thuốc diệt ký sinh trùng làm giảm nguy cơ co giật, giảm khả năng giãn não thất do tác dụng lên các nang sán đang hoạt động. Khi các nang thoái hóa, phản ứng viêm xảy ra, có thể làm nặng thêm các triệu chứng thần kinh. Do đó, thường sử dụng corticoid (dexamethasone, methylprednisolon,…) trước khi tẩy sán. Các thuốc tẩy sán thường dùng là praziquantel liều 50 mg/kg/ngày, albendazole liều 15 mg/kg/ngày trong 10 – 14 ngày. Lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng.

Sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị để điều trị sán dây lợn

Sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị để điều trị sán dây lợn

Corticoid

Mục đích giảm giảm phản ứng viêm, giảm phù não,… Thường sử dụng dexamethasone liều 0,1mg/kg/ ngày trước khi chỉ định thuốc diệt ký sinh trùng, kéo dài 1 - 2 tuần, sau đó giảm dần liều.

Điều trị ngoại khoa

Tùy vào vị trí của nang sán, mức độ tổn thương có thể có chỉ định phẫu thuật loại bỏ nang sán, cần hội chẩn với chuyên gia ngoại khoa để phối hợp điều trị.

Trẻ em và phụ nữ có thai

- Trẻ em bị bệnh ấu trùng sán dây lợn: điều trị như trên, chú ý liều lượng, tác dụng phụ của thuốc.

- Phụ nữ có thai: tăng áp lực nội sọ cần xử trí như trên. Corticoid sử dụng nếu cần thiết, cân nhắc tác dụng phụ và nguy cơ trên thai nhi và bà mẹ. Sử dụng thuốc chống động kinh cần chú ý khả năng gây quái thai, dược động học trong thai kỳ. Điều trị thuốc diệt ký sinh trùng hiếm khi được chỉ định cấp cứu, có thể trì hoãn sau sinh.


Tài liệu tham khảo:

  • Del Brutto O.H. (2014). Clinical management of neurocysticercosis,Expert Rev.Neurother,14(4), 389-396.
  • https://www.cdc.gov/parasites/cysticercosis/biology.html
  • Webb, C. M., & White, A. C. (2016). Update on the diagnosis and management of neurocysticercosis.Current infectious disease reports,18(12), 44.
  • Renu S., Pratibha S.. (2014). Neurocysticercosis,Indian J Pediatr
  • White Jr, A. C., Coyle, C. M., Rajshekhar, V., Singh, G. (2018). Diagnosis and treatment of neurocysticercosis: 2017 clinical practice guidelines by the Infectious Diseases Society of America (IDSA) and the American Society of Tropical Medicine and Hygiene (ASTMH).Clinical Infectious diseases,66(8), 49-75

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map