Bác sĩ:ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa:Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm:04 năm
Amip Entamoeba histolyticacó thể gây bệnh tại đại tràng hoặc một số bệnh lý ngoài ruột như áp xe gan, ổ bụng, màng phổi,…
- Bệnh hay gặp ở những nước kém và đang phát triển. Thể bệnh do amip điển hình gây bệnh tại đại tràng có hội chứng lỵ bao gồm mót rặn, đau bụng quặn và đi ngoài phân nhầy máu mũi.
- Chẩn đoán xác định bệnh bằngxét nghiệm soi phâncó thể amip ăn hồng cầu.
- Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc diệt amip hiệu quả tốt, tuy nhiên bệnh amip có tỉ lệ tái phát cao nên cần theo dõi sát người bệnh.
- Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là phòng bệnh các con đường lây nhiễm, biện pháp dùng thuốc diệt amip để dự phòng không có hiệu quả.
Entamoeba histolyticathuộc nhóm ký sinh trùng đơn bào, di chuyển tốt bằng chân giả và có một nhân. Amip trong cơ thể người có thể tồn tại dưới ba dạng hình thể là thể hoạt động ăn hồng cầu (hay còn gọi là thể dưỡng bào), thể hoạt động không ăn hồng cầu và thể bào nang.
Chu trình phát triển của amip có 2 giai đoạn: Chu trình phát triển không gây bệnh và chu trình phát triển gây bệnh. Thể hoạt động không ăn hồng cầu sống ký sinh trong đường tiêu hóa của người, sinh sản bằng phương thức phân đôi. Khi gặp điều kiện không thuận lợi sẽ tạo thành tiền bào nang, tạo lớp vỏ thành bào nang một nhân, sau đó phát triển thành bào nang 2 nhân, 4 nhân, được thải ra môi trường theo phân người. Khi con người ăn phải bào nang này, tại dạ dày chúng sẽ phát triển thành hậu bào nang có 8 nhân, đến đại tràng phát triển thành 8 amip ở thể không ăn hồng cầu. Gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển thành thể ăn hồng cầu. Tại vách đại tràng, chu trình phát triển xảy ra, thể ăn hồng cầu xâm nhập vào niêm mạc ruột, gây tổn thương các đại tràng, trực tràng, ruột thừa. Từ đó amip có thể theo đường máu đến gây bệnh tại các cơ quan khác.
Chu trình phát triển của amip trong cơ thể con người
Amip gây bệnh tại đại tràng
- Amip đại tràng cấp tính:
Biểu hiện lâm sàng có hội chứng lỵ điển hình:
+ Đau bụng: Cảm giác đau vùng manh tràng, hố chậu phải nhiều trường hợp dễ chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa, hoặc có thể đau các vị trí đại tràng khác
+ Mót rặn: Người bệnh cảm giác muốn đi ngoài liên tục
+ Đi ngoài phân nhầy máu mũi: Trong ngày đi ngoài nhiều lần, số lượng phân mỗi lần thường không nhiều, đôi khi chỉ có nhầy máu, hoặc có thể có lẫn phân lỏng
+ Người bệnh không sốt, không có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân
+ Đôi khi có những thể nhẹ chỉ biểu hiện triệu chứng đi ngoài phân nhầy máu vài lần trong ngày. Hiếm khi gặp thể nặng, tuy nhiên hay xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, biểu hiện tình trạng suy kiệt nặng, mất nước và rối loạn điện giải, đau bụng nhiều, thăm khám có thể thấy phản ứng thành bụng, người bệnh đi ngoài nhiều lần, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích. Niêm mạc đại trực tràng bị tổn thương nhiều, thậm chí gây xuất huyết tiêu hóa nhiều, có thể gây thủng đại trực tràng.
- Bệnh amip đại tràng bán cấp:Đôi khi diễn biến thành cấp tính. Người bệnh biểu hiện hội chứng lỵ tuy nhiên mức độ mót rặn, triệu chứng đau bụng, số lần đi ngoài và lượng phân nhầy máu ít hơn.
- Bệnh amip đại tràng mạn tính:Bệnh trở thành mạn tính với nhiều đợt bệnh diễn biến cách nhau sau khi bị amip đại tràng cấp/bán cấp. Người bệnh có từng đợt biểu hiện triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng âm ỉ hoặc quặn từng cơn, ví trí hay khu trú dọc khung đại tràng kèm theo đi ngoài phân lỏng nát, cảm giác đầy bụng khó tiêu, ăn không ngon miệng, chán ăn, gầy sút cân.
- Bướu amip:Dễ chẩn đoán nhầm với khối u ở đại trực tràng. Vị trí bướu amip có thể gặp ở tất cả các đoạn đại tràng, tuy nhiên hay gặp ở manh tràng, đại tràng ngang và trực tràng. Lâm sàng cải thiện khi được điều trị thuốc diệt amip.
- Áp xe gan do amip: Amip ở đại tràng theo đường tĩnh mạch cửa xâm nhập và gây bệnh ở gan, tổn thương thùy phải hay gặp hơn. Thường gây tổn thương một ổ áp xe. Người bệnh diễn biến cấp tính hoặc bán cấp, âm ỉ nhiều ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau bụng mơ hồ vùng gan, rối loạn tiêu hóa. Khi khối áp xe to triệu chứng đau bụng rõ rệt hơn, thăm khám lâm sàng thấy gan có thể to, rung gan, ấn kẽ sườn dương tính. Trên hình ảnh siêu âm ổ bụng thường thấy một khối áp xe, bờ đều, ranh giới rõ và giảm âm. Chọc hút ổ áp xe có dịch áp xe màu sô cô la.
Amip Entamoeba histolyticagây áp xe gan
- Ngoài ra amip có thể gây bệnh ở phổi, màng ngoài tim, thần kinh trung ương.
- Xuất huyết tiêu hóa:Cần truyền khối hồng cầu khi có chỉ định và điều trị thuốc diệt amip sớm. Trường hợp nặng có sốc mất máu cần hồi sức tích cực.
- Thủng ruột:Có thể gây viêm phúc mạc, nguy cơ tử vong cao. Can thiệp ngoại khoa sớm.
- Lồng ruột:Hay gặp ở nhiễm amip đoạn manh tràng.
- Viêm loét đại tràng, viêm ruột thừa, nhiễm khuẩn tiền liệt tuyến,…
- Áp xe ganvỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, vỡ vào màng phổi,…
Nguồn bệnh duy nhất là người mang amip. Các con đường lây truyền gồm:
Tất cả các lứa tuổi đều có khả năng nhiễm bệnh, tuy nhiên gặp nhiều ở nhóm 20-30 tuổi. Những người nguy cơ mắc bệnh cao như sống tại môi trường vệ sinh kém, vệ sinh cá nhân chưa tốt đặc biệt là vệ sinh tay không sạch, tập quán và điều kiện sinh hoạt không hợp vệ sinh (dùng phân tươi bón rau, trồng trọt,…), đối tượng quan hệ đồng giới nam,…. Bệnh thường diễn biến nặng ở nhóm phụ nữ có thai, trẻ nhỏ hoặc đối tượng suy giảm miễn dịch.
-Phát hiện sớm và điều trị người bệnh. Điều trị người lành mang bào nang.
- Giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức
- Tuân thủ an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân đặc biệt là vệ sinh tay, vệ sinh môi trường sống tốt, xử lý chất thải, rác thải đúng quy định, thay đổi tập tục thói quen không lành mạnh như dùng nhà xí không hợp vệ sinh, dùng phân tươi bón rau và cây trồng,….
Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Sử dụng nguồn nước uống và sinh hoạt sạch sẽ
- Quan hệ tình dục an toàn
- Sử dụng thuốc diệt amip trong phòng bệnh không có hiệu quả.
Chẩn đoán dựa vào tiền sử, khai thác dịch tễ; lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên amip. Tiền sử có những đợt biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân máu hoặc có liên quan đến khu vực có bệnh amip lưu hành, tiếp xúc với người bệnh bị đau bụng, đi ngoài phân nhầy máu. Lâm sàng biểu hiện bệnh amip tại ruột và ngoài ruột. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên và xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán
- Soi phân:Bệnh phẩm phân đặc biệt chỗ có nhiều nhầy, máu. Soi phân có thể thấy hình ảnh amip ăn hồng cầu hoặc thể amip không ăn hồng cầu hoặc thể bào nang. Cần soi phân nhiều lần để tìm bằng chứng amip. Tuy nhiên xét nghiệm này còn phụ thuộc và kỹ thuật và kinh nghiệm của kỹ thuật viên.
- Nuôi cấy phân tìm amip:Nuôi cấy trong môi trường yếm khí
- Phản ứng huyết thanh:Khi bị nhiễm amip một thời gian, cơ thể tạo kháng thể chống amip, kháng thể này có thể tồn tại lâu trong cơ thể. Tỉ lệ dương tính của xét nghiệm kháng thểEntamoeba histolyticathường cao, có thể lên đến > 80% tuy nhiên ở những người mang bào nang mạn tính có thể âm tính. Bên cạnh đó, ở những khu vực có tỉ lệ lưu hành bệnh cao, hiệu giá kháng thể ít có giá trị chẩn đoán xác định đợt bệnh hiện tại do kháng thể có thể tồn tại nhiều năm trong cơ thể kể từ khi bị nhiễm amip lần đầu. Ngoài ra có thể sử dụng xét nghiệm tìm kháng nguyên của amip tuy nhiên xét nghiệm này nhạy trong những ngày rất sớm của bệnh và có thể âm tính sau khi đã điều trị metronidazole.
- Nội soi đại trực tràng:Thấy hình ảnh viêm niêm mạc ruột, nhiều ổ loét hình miệng núi lửa bên trên có lớp nhầy chứa amip. Ngoài ra có thể thấy hình ảnh bướu đại tràng tuy nhiên khó phân biệt với đại tràng, đôi khi cần sinh thiết để chẩn đoán.
- X- quang khung đại tràngnhằm phát hiện các biến chứng như thủng ruột,…
- Xét nghiệm công thức máu:Thường bình thường hoặc tăng bạch cầu ưa acid tuy nhiên triệu chứng này không đặc hiệu.
Lỵ trực khuẩn (người bệnh cũng có hội chứng lỵ tuy nhiên đi ngoài và mót rặn nhiều hơn, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, cấy phân tìmShigellagây bệnh); Ung thư đại trực tràng (nội soi, sinh thiết chẩn đoán, người bệnh không có đáp ứng với thuộc diệt amip); viêm loét đại tràng chảy máu (dựa vào lâm sàng, hình ảnh nội soi, đáp ứng điều trị), áp xe gan do amip cần phân biệt với áp xe gan do các căn nguyên vi sinh vật khác,…
Các thuốc diệt amip bao gồm:
- Emetine: Đường dùng là tiêm bắp, liều thường dùng là 1mg/kg/ngày tối đa là 10mg/kg. Tiêm trong 2 đợt cách nhau 45 ngày. Chú ý tác dụng phụ của thuốc như tại đường tiêu hóa gây tiêu chảy, nôn và buồn nôn, tác dụng phụ trên tim mạch như tụt huyết áp, đau ngực, biến đổi bất thường tên điện tim. Ngày nay, thuốc này ít dùng do những tác dụng phụ trên.
- Déhydro-émétine: Liều thường dùng là 1mg/kg/ngày tối đa là 10mg/kg. Tiêm trong 2 đợt cách nhau 15 ngày. Thuốc ít tác dụng phụ hơn émetine.
- Metronidazole: Đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Ưu điểm ngấm tốt vào tổ chức mô như ổ áp xe gan, thần kinh trung ương, phổi,… Liều dùng ở người lớn là 750 mg/lần x 3 lần/ ngày, trẻ me là 10 mg/kg/lần x 3 lần/ ngày. Thời gian điều trị trung bình khoảng 5 ngày, có thể kéo dài 7 – 10 ngày trong trường hợp nặng hoặc lâu hơn đối với áp xe gan, nhiễm trùng thần kính trung ương. Các thuốc khác cùng nhóm với metronidazole như tinidazole cũng có thể chỉ định.
- Diloxanide furoate: Hiệu quả, liều thường dùng là 0,5g/lần x 3 lần/ ngày. Thời gian điều trị trong 10 ngày.
- Các axyquinoléine: Iodohydroxyquin với liều 10 mg/kg/lần x 3 lần/ ngày trong 20 ngày, diiodohydroquin liều 0,65 g/lần x 3 lần/ngày trong 20 ngày
- Các thuốc khác như amino 4 quinoléin, cloquin phosphate
- Thể hoạt động ăn hồng cầu: Chỉ định metronidazole, các axyquinoléine
- Thể hoạt động không ăn hồng cầu: Diloxanide furoate ,các axyquinoléine. Không chỉ định metronidazole trong thể này do metronidazole không có tác dụng với thể amip này.
Chú ý sự tái phát bệnh tương đối cao, cần theo dõi người bệnh qua xét nghiệm phân: Trong sáu tuần đầu sau điều trị theo dõi 1 lần/1 tuần, sau 6 tháng điều trị theo dõi1 lần/1 tháng và trong 2 năm đầu sau điều trị theo dõi mỗi 1 lần/6 tháng.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!