Tin tức

Tụt đường huyết là gì? Cách xử trí và phòng ngừa

Ngày 11/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tụt đường huyết không chỉ khiến người bệnh bị chóng mặt, choáng váng, yếu người mà còn có thể đối mặt với nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu. Đó là lý do chúng ta cần tìm hiểu tụt đường huyết là gì cũng như trang bị cho mình những cách xử trí và phòng ngừa hiệu quả.

1. Tụt đường huyết là gì?

Tụt đường huyết còn gọi là hạ đường huyết hay hạ đường máu. Đây là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu bị tụt hay hạ xuống dưới ngưỡng trung bình, cụ thể là dưới mức 70 mg/dL. Lúc này, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, ớn lạnh, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, người ngứa ran, da tái xanh,… 

Các biểu hiện nghiêm trọng hơn bao gồm đau tức ngực, giảm thị lực, vùng miệng tê cứng, nói lắp bắp, mất tỉnh táo, co giật, ngất xỉu,… Trong trường hợp này, nếu không được phát hiện và cấp cứu, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là khi bản thân đang mắc các bệnh mãn tính. 

Khi bị tụt đường huyết, bạn sẽ cảm thấy choáng váng, chóng mặt, nhìn mờ,…

Khi bị tụt đường huyết, bạn sẽ cảm thấy choáng váng, chóng mặt, nhìn mờ,…

2. Nguyên nhân tụt đường huyết

Song song với tìm hiểu tụt đường huyết là gì, nhiều người cũng rất quan tâm đến các nguyên nhân gây tụt đường huyết.

Biến chứng bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường rất dễ bị tụt đường huyết, hay nói cách khác, tụt đường huyết là biến chứng thường gặp của bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân là do cơ thể bị thiếu hụt insulin hoặc sử dụng insulin kém hiệu quả nên người bệnh được điều trị bằng cách bơm insulin hoặc dùng thuốc giảm lượng đường trong máu. Phương pháp điều trị này có thể khiến lượng đường giảm nhanh, giảm nhiều, gây tụt đường huyết.

Biến chứng phẫu thuật dạ dày

Một số bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật dạ dày cũng dễ bị tụt đường huyết, nhất là sau khi ăn. Tình trạng này được gọi là tụt đường huyết sau ăn hay hạ đường huyết phản ứng. Tuy nhiên, không phải sau bữa ăn nào cũng bị và cũng không phải ai sau phẫu thuật dạ dày cũng rơi vào trường hợp này.

Các nguyên nhân khác

Ngoài 2 nguyên nhân trên thì tụt đường huyết còn xảy ra do:

  • Tác dụng phụ của thuốc, bao gồm thuốc trị bệnh tiểu đường, thuốc trị bệnh sốt rét,…
  • Uống nhiều rượu bia khiến quá trình phân hủy glycogen thành glucose bị ức chế, làm giảm lượng đường trong máu.
  • Nhịn đói trong nhiều giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa làm cơ thể thiếu hụt glycogen, không đủ để tạo thành glucose, hậu quả là tụt đường huyết.
  • Thiếu hụt hormone nội tiết và hormone tăng trưởng do bất thường ở tuyến yên và tuyến thượng thận cũng có thể làm hạ đường huyết. 
  • Tuyến tụy có khối u hoặc tế bào bất thường làm tăng sản xuất insulin khiến lượng đường trong máu giảm nhanh. 

Nguyên nhân gây tụt đường huyết rất nhiều, bao gồm bệnh lý, dùng thuốc,…

Nguyên nhân gây tụt đường huyết rất nhiều, bao gồm bệnh lý, dùng thuốc,… 

3. Xử trí khi bị tụt đường huyết

Biết được tụt đường huyết là gì, nguyên nhân do đâu là chưa đủ. Bạn cần nắm được cách xử trí khi bị tụt đường huyết để có thể phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Xử trí cấp cứu tại nhà

Nếu thấy người thân bị tụt đường huyết đột ngột, hãy nhanh chóng xử trí bằng cách cho họ ăn đường, bánh, kẹo, trái cây, hoặc uống sữa, nước ngọt, nước mía. Bạn cần nhớ quy tắc 15-15 khi thực hiện cách này, đó là ăn 15g đường và sau 15 phút thì đo lại đường huyết. Nếu chỉ số vẫn dưới 70 mg/dL thì lặp lại khẩu phần ăn và cách đo cho đến khi thấy chỉ số đạt mức 70 mg/dL là được. Lúc này, người bệnh cần được cung cấp bữa ăn nhẹ hay thậm chí là bữa ăn chính để duy trì mức đường huyết ổn định. 

Xử trí cấp cứu tại bệnh viện

Trường hợp người thân bị hạ đường huyết khi đang điều trị tại bệnh viện thì bạn cần thực hiện tốt các việc sau.

  • Tạm ngưng sử dụng insulin và các loại thuốc hạ đường huyết.
  • Cho người bệnh ăn bánh kẹo, hoa quả có sẵn hoặc uống nước đường, nước ngọt, nước trái cây, sữa.
  • Nếu người bệnh không tỉnh táo, không thể tự ăn thì thông báo ngay cho nhân viên y tế và bác sĩ. Lúc này, bệnh nhân có thể được cung cấp glucose qua đường truyền hoặc tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
  • Khi bệnh nhân tỉnh và có thể ăn được thì cung cấp bữa ăn chính cho người bệnh. Đồng thời, do huyết áp sau mỗi 4 giờ để tránh huyết áp cao.
  • Trường hợp người bệnh tụt đường huyết và hôn mê lâu do cấp cứu muộn, gặp biến chứng phù não, tai biến thì duy trì đường máu bằng glucose 10%.

Khi tụt đường huyết, người bệnh cần nhanh chóng ăn bánh kẹo, hoa quả hoặc uống sữa

Khi tụt đường huyết, người bệnh cần nhanh chóng ăn bánh kẹo, hoa quả hoặc uống sữa

4. Biện pháp phòng ngừa tụt đường huyết

Để phòng ngừa tụt đường huyết, nhất là với người mắc bệnh tiểu đường thì bản thân người bệnh và người thân cần nắm rõ tụt đường huyết là gì, có những triệu chứng nào, xử trí ra sao và đặc biệt là chủ động phòng ngừa bằng những cách sau.

  • Giữ thói quen đo đường huyết định kỳ, có thể đến cơ sở y tế đo hoặc tự đo tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Kiểm tra đường huyết ngay nếu cảm thấy ăn không ngon, ăn ít hơn hoặc sau khi vận động quá mức và cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường.
  • Trong nhà luôn có sẵn đường, bánh kẹo, hoa quả. Khi ra ngoài thì có thể mang theo vài viên kẹo, vài cái bánh hoặc sữa hộp.
  • Không uống rượu bia, đặc biệt là uống mà không ăn hoặc uống xong rồi đi ngủ vì lúc này sẽ khó nhận biết được đường huyết đang hạ.
  • Ngoài người thân thì bạn bè và đồng nghiệp cũng cần biết được tình trạng bệnh của bạn để họ sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn bị tụt đường huyết đột ngột.
  • Luôn có số điện thoại của nhân viên y tế và bác sĩ điều trị để liên hệ ngay khi cần thiết.

Kiểm tra và theo dõi lượng đường huyết, nếu xuống thấp thì can thiệp kịp thời

Kiểm tra và theo dõi lượng đường huyết, nếu xuống thấp thì can thiệp kịp thời

Chúng ta vừa tìm hiểu tụt đường huyết là gì cùng những vấn đề liên quan đến tình trạng này. Nói chung đây là hiện tượng khá phổ biến, nhất là với người mắc bệnh tiểu đường. Nhưng không vì vậy mà bạn chủ quan vì tụt đường huyết có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. 

Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ uy tín để thăm khám, làm xét nghiệm đường huyết thì có thể đến các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Ngoài ra, MEDLATEC còn cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm đường huyết tận nơi tiện lợi với chi phí được tính như thực hiện tại bệnh viện, khách hàng chỉ mất thêm 10 ngàn đồng phí đi lại, trả mẫu. Để được tư vấn thêm về dịch vụ hoặc đặt lịch khám tại MEDLATEC, đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56, Tổng đài viên sẽ hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map