Tin tức
Tổn thương mắt do dùng thuốc
- 12/04/2018 |Mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch từ triệu chứng mờ mắt
- 28/06/2019 |Glôcôm căn bệnh nguy hiểm khó nhận diện, dễ mù lòa
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau có thể gây ra các tổn thương ở mắt, bao gồm cả các loại thuốc bán theo đơn và bán không cần đơn.
Các tổn thương mi mắt và kết mạc
Hội chứng Stevens - Johnson và Lyell là những biểu hiện dị ứng thuốc chậm nguy hiểm nhất, người bệnh thường có các bọng nước lớn trên da, sốt cao, kèm theo viêm loét các hốc tự nhiên như mắt, miệng, bộ phận sinh dục… Nguyên nhân thường gặp là các loại thuốc phenobarbital, sulfonamide, sulfadiazine, ampicillin, isoniazid, allopurinol… Tổn thương mắt trong các hội chứng này thường là viêm loét kết mạc, có mủ, vảy tiết gây dính mắt hoặc tạo giả mạc. Trong những trường hợp để lại sẹo có thể dẫn đến co rút, biến dạng mi mắt, lông quặm và khô mắt. Phương pháp điều trị là phải ngưng ngay loại thuốc gây dị ứng, kết hợp điều trị toàn thân với các biện pháp chăm sóc tại chỗ để tránh biến chứng nhiễm trùng và các di chứng tại mắt.
Hình ảnh minh họa tình trạng mắt bị tổn thương kết mạc.
Nhiều loại thuốc dùng tại chỗ hoặc toàn thân như isotretinoin, morphine, các dẫn xuất thuốc phiện và độc tố Botulinum type A…, có thể gây các tổn thương đơn thuần ở kết mạc, không có kèm theo các rối loạn ở biểu mô giác mạc, với biểu hiện chủ yếu là đỏ mắt, cảm giác ngứa mắt, rát bỏng, có sạn trong mắt và chảy nước mắt. Các chất phụ gia và bảo quản trong thuốc, đặc biệt là benzalkonium chloride và thiomersal, cũng có thể là nguyên nhân gây ra các tổn thương này. Các tổn thương kết mạc thường thoáng qua và sẽ thuyên giảm khi ngưng dùng thuốc, nhưng với những thuốc dùng kéo dài tại chỗ, đặc biệt trong điều trị chứng khô mắt và glôcôm (thiên đầu thống), có thể gây phù nề mi mắt, hội chứng khô mắt hoặc nổi ban sẩn, tạo nang trên kết mạc.
Glôcôm do thuốc
Đây là biểu hiện tăng nhãn áp thứ phát do dùng một số loại thuốc, được chia làm 2 nhóm là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Các thuốc glucocorticoid như prednisolon, dexamethason…, với tất cả các đường dùng như nhỏ mắt, tiêm cạnh nhãn cầu, uống, tiêm truyền… đều có thể gây tăng nhãn áp dẫn đến glôcôm góc mở. Thời gian từ lúc bắt đầu điều trị tới khi xuất hiện tăng nhãn áp và mức độ của tăng nhãn áp phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng, đường dùng và tính nhạy cảm cá thể. Để giảm loại biến chứng này, trong quá trình điều trị bằng glucocorticoid nên dùng liều thấp nhất có thể, kiểm tra nhãn áp định kỳ để có thể phát hiện và điều trị sớm tình trạng tăng nhãn áp.
Glôcôm do thuốc là bệnh hay gặp gây đau mắt, đỏ mắt và rối loạn thị lực.
Một số thuốc chống ung thư như docetaxel và paclitaxel cũng được ghi nhận có thể gây ra hoặc làm nặng tình trạng glôcôm góc mở. Glôcôm góc đóng cấp tính thường có tăng nhãn áp mức độ nặng, xảy ra đột ngột, gây đau mắt, đỏ mắt và rối loạn thị lực. Một số loại thuốc có thể gây ra các cơn tăng nhãn áp cấp tính của glôcôm góc đóng là nhóm các thuốc cường giao cảm (như adrenalin, salbutamol), nhóm kháng cholinergic (atropin, ipratropium bromide), một số thuốc chống trầm cảm (như fluoxetin, paroxetine, fluvoxamin và venlafaxin), thuốc kháng histamin H2 (cimetidin, ranitidin) và thuốc chống động kinh topiramat.
Ðục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể dưới bao sau thường gặp sau dùng glucocorticoid kéo dài, bao gồm cả đường uống, tiêm truyền, dùng tại chỗ như tra mắt, tiêm cạnh nhãn cầu, bôi cạnh mắt, xịt mũi và hít. Sau khi ngưng dùng thuốc, tình trạng đục thủy tinh thể thường vẫn tiến triển hoặc ổn định, hiếm khi thuyên giảm. Các thuốc an thần trong nhóm phenothiazin, đặc biệt là chlorpromazin và thioridazin, cũng có thể gây ra biến chứng đục thủy tinh thể.
Mắt bệnh nhân bị đục thủy tinh thể.
Sử dụng đường toàn thân các thuốc này có thể gây ra tích tụ các hạt nhỏ ở vùng vỏ trước của thủy tinh thể, màu từ trắng đến vàng nâu, lâu dần sẽ phát triển thành đục thủy tinh thể cực trước. Busulfan, một loại thuốc chống ung thư cũng được ghi nhận có thể gây đục thủy tinh thể dưới bao sau.
Tổn thương võng mạc
Một số loại thuốc dùng đường toàn thân có thể tiếp cận và gây độc cho võng mạc mắt thông qua đường máu. Tổn thương võng mạc do các thuốc chống sốt rét trong nhóm aminoquinolin như chloroquin và hydroxychloroquin thường phụ thuộc vào liều dùng, thời gian dùng và tuổi của người bệnh. Tổn thương thường chỉ có thể hồi phục trong giai đoạn sớm nếu kịp thời ngưng thuốc, do đó việc phát hiện sớm là rất quan trọng. Các thuốc chống trầm cảm trong nhóm phenothiazin, đặc biệt là thioridazin, nếu dùng liều cao có thể gây ra các rối loạn biểu mô sắc tố trên võng mạc, dẫn đến giảm, mất thị lực. Một số thuốc khác như isotretinoin, tamoxifen cũng được ghi nhận có thể gây nhiễm độc võng mạc dẫn đến phù nề, xuất huyết võng mạc và giảm thị lực.
Một số loại thuốc dùng đường toàn thân có thể tiếp cận và gây độc cho võng mạc mắt thông qua đường máu.
Tổn thương thần kinh thị giác
Tổn thương thần kinh thị giác do thuốc thường xảy ra đồng thời ở cả 2 mắt, gây giảm thị lực và mất thị trường, thường cải thiện hoặc hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc. Ở những mức độ nguy cơ khác nhau, các thuốc thường gặp gây tổn thương thị thần kinh là kháng sinh linezolid, các thuốc tim mạch như amiodaron, sildenafil, tadalafil, vardenafil và thuốc chống lao ethambutol.
Theo Sức khỏe và đời sống
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!