Tin tức

Thuốc giảm đau bụng kinh có mấy loại và dùng như thế nào?

Ngày 05/07/2023
Tham vấn y khoa:BSCKI. Dương Ngọc Vân
Rất nhiều chị em phụ nữ gặp phải triệu chứng đau bụng kinh hàng tháng và chưa biết làm thế nào để cải thiện tình trạng này. Thuốc giảm đau bụng kinh gồm nhiều loại khác nhau và được khuyến nghị dành cho những chị em bị đau bụng kinh nặng, mệt mỏi nhiều và cơn đau ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

1. Đau bụng kinh ở phụ nữ là do đâu?

Tử cung thuộc cơ quan sinh sản của phụ nữ, được cấu thành từ lớp cơ. Khi chu kỳ kinh nguyệt tới, lớp lót nội mạc tử cung sẽ phát triển thêm một lớp mô với nhiều chất dinh dưỡng và mạch máu để chuẩn bị đón phôi thai. Khi thai không đậu, hormon trong cơ thể sẽ có sự thay đổi nhằm bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt mới, giải phóng prostaglandin - một chất hóa học giúp tử cung co lại để làm bong lớp mô giàu mạch máu kia. Sau đó lớp mô này sẽ được cuốn ra ngoài tử cung cùng với máu kinh. Nồng độ prostaglandin càng lớn thì mức độ co bóp tử cung sẽ càng mạnh và bạn sẽ càng cảm thấy đau bụng.

Nguyên nhân dẫn tới đau bụng kinh được chia thành 2 dạng đó là đau bụng kinh nguyên phát và đau thứ phát. Trong đó đau bụng kinh nguyên phát chính là trường hợp trên, phổ biến hơn và ít nguy hiểm hơn so với loại thứ 2. Hầu như người phụ nữ nào cũng có cảm giác đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt. Triệu chứng này sẽ tới khi kỳ kinh bắt đầu và sẽ tự biến mất sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.

Ở những người bị đau bụng kinh thứ phát thì có khả năng là xuất phát từ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó, ví dụ như bị viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, có vấn đề với IUD - một loại dụng cụ đặt trong tử cung, hoặc bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục,... Tình trạng này nghiêm trọng hơn so với đau bụng kinh nguyên phát nên cần phải được can thiệp y tế và điều trị nguyên nhân sớm nhất có thể.

Đau bụng là triệu chứng thường gặp khi phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt

Đau bụng là triệu chứng thường gặp khi phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt

Một số dấu hiệu nhận biết cơn đau bụng kinh:

  • Vùng bụng dưới bị co rút hoặc đau nhói;
  • Đau liên tục, âm ỉ, cơn đau có thể lan xuống vùng lưng dưới và vùng đùi;
  • Cơn đau bụng kinh thường xuất hiện khoảng 1 - 2 ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Đau đỉnh điểm vào những ngày giữa chu kỳ và giảm triệu chứng sau 2 - 3 ngày.
  • Các triệu chứng khác: buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, phân lỏng,...

2. Tổng hợp các loại thuốc giảm đau bụng kinh ở phụ nữ

Đối với những trường hợp bị đau bụng kinh nguyên phát thì có thể chịu đựng được cơn đau hoặc dùng các biện pháp không dùng thuốc nếu ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra liên tục, cơn đau có tính chất dữ dội thì cần phải dùng thuốc để kiểm soát và cải thiện cơn đau.

Cơ chế hoạt động của thuốc đau bụng kinh đó là:

  • Giúp cơ tử cung giãn nở, giảm tình trạng co thắt dẫn tới giảm triệu chứng đau bụng;
  • Ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin (nguyên nhân chính gây đau bụng kinh).

Sau đây là các nhóm thuốc có thể được chỉ định trong điều trị chứng đau bụng kinh:

2.1. Thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs)

Nhóm thuốc này hoạt động theo cơ chế giảm tiết prostaglandin với các thuốc phổ biến là diclofenac, ibuprofen, acid mefenamic, naproxen. Bệnh nhân có thể dùng thuốc như một biện pháp dự phòng bằng cách trước 1 - 2 ngày đến kỳ kinh nguyệt thì dùng thuốc. Hoặc có thể uống thuốc khi bắt đầu có biểu hiện đau bụng. Nên dùng thuốc vào thời điểm trong hoặc sau bữa ăn để tránh tình trạng kích ứng đường tiêu hóa.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng thuốc không dành cho bệnh nhân nhạy cảm với Aspirin và người bị viêm loét dạ dày tá tràng. Tốt hơn hết trước khi dùng thuốc thì bệnh nhân nên hỏi trước ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu đau bụng kinh khiến bạn mệt mỏi, đau đớn thì nên dùng các thuốc giảm đau bụng kinh

Nếu đau bụng kinh khiến bạn mệt mỏi, đau đớn thì nên dùng các thuốc giảm đau bụng kinh

2.2. Paracetamol và Caffeine

Paracetamol có tác dụng giảm đau nhẹ và phù hợp cho những người bệnh không dùng được các thuốc nhóm NSAIDs. Paracetamol cũng có thể gây ra những tác dụng phụ khác như buồn nôn và nôn mửa. Nếu kết hợp Paracetamol và Caffeine có thể giúp tăng hiệu quả giảm bớt tình trạng đau bụng kinh. Khi sử dụng thuốc cần chú ý đến liều dùng. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất và các chuyên gia y tế thì chỉ nên dùng tối đa 4g paracetamol/ngày.

2.3. Thuốc ngừa thai

Thuốc tránh thai cũng là một trong những loại thuốc giảm đau bụng kinh có hiệu quả lên đến 90%. Thuốc sẽ giúp duy trì ổn định nồng độ hormone trong cơ thể, tránh tạo mô ở niêm mạc tử cung để prostaglandin không được sản sinh, nhờ đó hạn chế được triệu chứng đau bụng trong kỳ kinh nguyệt.

Mặc dù thuốc giúp giảm đau bụng kinh đáng kể nhưng trong quá trình sử dụng bệnh nhân cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau đầu, tâm trạng thay đổi, đau ngực, buồn nôn, giữ nước gây tăng cân. Ngoài ra thuốc không dành cho mẹ bầu và các mẹ đang cho con bú (tránh dùng thuốc sau sinh từ 6 tuần - 6 tháng).

2.4. Thuốc chống co thắt

Một loại thuốc giảm đau bụng kinh khác nên được có mặt trong danh sách này đó là Hyoscine. Tác dụng của thuốc là giúp hạn chế hiện tượng co thắt cơ tử cung nhưng có thể sẽ khiến bệnh nhân bị táo bón, khô miệng, ảnh hưởng đến tầm nhìn nên không được dùng cho phụ nữ bị glaucoma góc hẹp hay đang sử dụng các loại thuốc kháng cholinergic khác.

Ngoài Hyoscine thì bệnh nhân có thể dùng Alverin cùng nhóm này. Chống chỉ định dùng Alverin cho người bị huyết áp thấp.

3. Các cách giúp giảm đau bụng kinh khác ngoài thuốc

Bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh có thể tự kiểm soát các cơn đau bụng kinh thông qua những cách như sau:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, không nên vận động mạnh trong những ngày hành kinh;
  • Thực đơn ăn uống lành mạnh với những món giàu vitamin A, B (B6, B12), C, E, magie, sắt,...;
  • Chườm ấm vùng bụng dưới sẽ giúp giảm đau hiệu quả;
  • Không hút thuốc lá;
  • Có thể tập thể dục nhẹ nhàng.

Chườm ấm cũng là giải pháp hữu hiệu giúp xoa dịu các cơn đau bụng kinh

Chườm ấm cũng là giải pháp hữu hiệu giúp xoa dịu các cơn đau bụng kinh

Nếu sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc mà bạn vẫn còn cảm thấy đau bụng, đồng thời xuất hiện thêm những dấu hiệu khác như buồn nôn, ói mửa, chảy máu bất thường hay nghi ngờ đang mang thai thì cần phải đi khám ngay.

Trên đây là một số loại thuốc giảm đau bụng kinh bạn có thể tham khảo. Nhìn chung trước khi dùng thuốc nếu tình trạng đau bụng kinh của bạn dữ dội, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đi khám để tìm hiểu xem đó là đau bụng kinh nguyên phát hay thứ phát. Nếu cần được tư vấn kỹ hơn về tình trạng này, bạn có thể đến khám tại Chuyên khoa Sản phụ khoa củaHệ thống Y tế MEDLATEC. Các bác sĩ tạiMEDLATECsẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây đau bụng kinh và tư vấn, chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map