Tin tức

Theo dõi nhịp thở trẻ sơ sinh: hướng dẫn chi tiết cho cha mẹ

Ngày 29/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Nhịp thở của trẻ sơ sinh là một trong những yếu tố giúp ba mẹ xác định được tình trạng sức khỏe của con. Vậy nhịp thở trẻ sơ sinh bao nhiêu là bình thường và như thế nào là bất thường?

1. Nhịp thở trẻ sơ sinh bình thường bao nhiêu?

Không giống như người lớn, trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh chậm xen kẽ, hay nói cách khác là nhịp thở không đều. Ngoài ra, trẻ càng lớn thì nhịp thở sẽ có xu hướng chậm lại. Dưới đây là nhịp thở trung bình theo độ tuổi của trẻ, được đo khi trẻ đang ngủ hoặc nghỉ ngơi.

  • Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi: Nhịp thở 30 - 60 nhịp/phút.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi: Nhịp thở 24 - 30 nhịp/phút.
  • Trẻ 1 tuổi đến dưới 6 tuổi: Nhịp thở 20 - 30 nhịp/phút.
  • Từ 6 tuổi trở lên: Nhịp thở 12 - 20 nhịp/phút.

Như vậy, nhịp thở trẻ sơ sinh trung bình trong khoảng 30 - 60 nhịp/phút. Nếu nằm ngoài phạm vi này, có thể sức khỏe của bé đang có bất thường, ba mẹ cần theo dõi sát sao.

Trẻ sơ sinh có nhịp thở trung bình 30 - 60 nhịp/phút

Trẻ sơ sinh có nhịp thở trung bình 30 - 60 nhịp/phút

2. Nhịp thở trẻ sơ sinh khi nào bất thường?

Trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh hoặc chậm hơn mức trung bình thì gọi là bất thường, cụ thể như sau.

Nhịp thở nhanh

Nếu bé có nhịp thở nhanh nhưng chỉ thoáng qua, sau đó nhịp thở nhanh chóng trở về mức bình thường, ba mẹ không cần lo lắng. Tình trạng này rất phổ biến, nhất là ở những trẻ non tháng.

Tuy nhiên, trường hợp bé thở nhanh, thở gấp gáp, nhịp thở cao hơn 60 nhịp/phút liên tục, ba mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do các bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi, tăng áp phổi hay hen suyễn. Những bệnh lý này cần được thăm khám và điều trị để tránh biến chứng.

Nhịp thở chậm

Chính xác ở đây là nhịp thở không đều. Theo đó, trẻ sơ sinh có thể tạm ngưng thở trong khoảng thời gian 5 - 10 giây và đây là hiện tượng sinh lý, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu thời gian tạm ngưng thở hơn 10 giây, nhịp thở đếm được trong 1 phút thấp hơn 30 nhịp, bé có biểu hiện tím tái, thở nặng nề, ba mẹ không được chủ quan. Đây là dấu hiệu cảnh báo hiện tượng phù nề ống thanh quản khiến ống khí quản bị chèn ép, co thắt, làm bé thở khó khăn hay thậm chí là không thở được.

Nhịp thở trẻ sơ sinh nhanh, chậm hơn bình thường có thể do sinh lý hoặc bệnh lý

Nhịp thở trẻ sơ sinh nhanh, chậm hơn bình thường có thể do sinh lý hoặc bệnh lý

3. Những bất thường trong tiếng thở của trẻ sơ sinh

Ngoài bất thường trong nhịp thở trẻ sơ sinh, ba mẹ cũng cần nhận biết các bất thường trong tiếng thở của con, bao gồm thở rên, thở rít, thở khò khè,…

Thở rên

Ba mẹ có thể áp sát tai vào miệng của bé để phát hiện tiếng thở rên. Lúc này, hơi thở của bé ngắn, thậm chí giống như bé bật hơi hơn là thở. Đây là triệu chứng rất thường gặp ở những trẻ bị viêm phổi nặng. Nguyên nhân là do khi phổi bị viêm sẽ có xu hướng xẹp lại. Phản ứng của cơ thể lúc này là tăng thể tích cặn chức năng để chống lại hiện tượng xẹp phổi. Khi đó, nắp thanh quản được đóng lại ở cuối thì thở ra, gây ra tiếng thở rên.

Thở rít

Đây cũng là một dạng bất thường rất thường gặp trong tiếng thở của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo đó, khi trẻ hít vào, ba mẹ có thể nghe rõ tiếng rít trong hơi thở. Nguyên nhân gây ra tiếng rít này là do đường thở bị hẹp ở đoạn trên. Bệnh lý gây hẹp đường thở bao gồm thanh quản, mềm sụn thanh quản hoặc không loại trừ do đường thở có dị vật.

Thở khò khè

Ba mẹ cần phân biệt thở khò khè với thở khụt khịt. Thở khụt khịt xảy ra khi có đờm dãi, dịch nhầy tích tụ, ứ đọng ở mũi họng. Lúc này, dù bé thở ra hay hít vào, chúng ta cũng nghe được âm thanh “khụt khịt”. Và khi dịch ở mũi họng được làm sạch, âm thanh này sẽ không còn không nữa.

Trong khi đó, thở khò khè chỉ xảy ra khi bé thở ra. Nguyên nhân làm thở khò khè là do đường hô hấp dưới bị viêm nhiễm, tắc nghẽn bởi các bệnh lý viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn. Ngoài ra, dị dạng mạch máu hay có khối u chèn ép vào phế quản cũng gây ra tiếng thở khò khè. 

Thở rên, thở rít, thở khò khè là những bất thường trong tiếng thở trẻ sơ sinh

Thở rên, thở rít, thở khò khè là những bất thường trong tiếng thở trẻ sơ sinh

4. Cách giúp tiếng thở và nhịp thở trẻ sơ sinh ổn định

Rất nhiều ba mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy em bé có nhịp thở bất thường, nhất là vào ban đêm. Tâm lý chung của các ba mẹ là sợ con ngưng thở, đột tử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhịp thở bất thường của em bé đôi khi không quá nghiêm trọng, ba mẹ cần theo dõi thêm các biểu hiện khác như bé có ho, sốt, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ ngủ hay không để có hướng xử lý.

Ngoài ra, để tiếng thở và nhịp thở trẻ sơ sinh ổn định, ba mẹ cần chú ý những vấn đề sau.

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé, đồng thời, đảm bảo phòng ngủ mát mẻ, thoáng đãng. Bởi một số trường hợp, nhịp thở của trẻ sơ sinh nhanh hơn bình thường là do môi trường nóng bức, ba mẹ mặc quá nhiều lớp quần áo cho bé.
  • Cân bằng độ ẩm cho không gian, nhất là khi sử dụng điều hòa. Việc này giúp không khí trong nhà không bị khô, nhờ đó, bé cảm thấy dễ chịu hơn khi thở ra hít vào.
  • Dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, trang bị máy lọc không khí để ngăn bỏ bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ gây ra các vấn đề về hô hấp, khiến trẻ có tiếng thở và nhịp thở bất thường. 
  • Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ sơ sinh, khoảng 1 - 2 lần/ngày. Cách này giúp loại bỏ bụi bẩn và dịch nhầy trong mũi họng, đường thở của bé được sạch sẽ và thông thoáng.

Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh để làm sạch đường thở

Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh để làm sạch đường thở

Trong trường hợp tiếng thở và nhịp thở trẻ sơ sinh bất thường kèm các dấu hiệu trẻ quấy khóc, ăn ngủ kém, sốt, ho, xanh xao, tím tái,… ba mẹ cần đưa bé đi khám ngay. Chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ ba mẹ có thể an tâm đưa bé đến khám và điều trị. Để đặt lịch trước, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ
Baidu
map