Tin tức

Suy dinh dưỡng bào thai: Nguyên nhân, dấu hiệu và hệ lụy

Ngày 20/04/2023
Tham vấn y khoa:BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nếu trong giai đoạn thai nghén, mẹ bầu không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bị ốm đau bệnh tật, không được nghỉ ngơi đầy đủ, hợp lý thì có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Điều này có thể khiến trẻ sinh ra bị thiếu cân, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và tác động không nhỏ tới thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

1. Tổng quan về suy dinh dưỡng bào thai?

1.1. Các cấp độsuy dinh dưỡngbào thai

Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng biểu hiện từ rất sớm, ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Những em bé này tuy rằng sinh ra đủ tháng nhưng lại bị nhẹ cân (dưới 2,5 kg). Tình trạng này thường diễn ra khi trẻ đạt mốc 3 tháng cuối thai kỳ và tác động tiêu cực tới chức năng não bộ của trẻ.

Suy dinh dưỡng bào thai bao gồm 3 mức độ như sau:

  • Mức độ nhẹ: cân nặng trẻ ít hơn mức trung bình nhưng chiều dài vẫn ở trong giới hạn cho phép;

  • Mức độ trung bình: cả chiều dài và cân nặng của trẻ đều ở dưới mức trung bình, nhưng chỉ số vòng đầu vẫn bình thường;

  • Mức độ nặng: cả vòng đầu, chiều cao, cân nặng của trẻ đều dưới mức trung bình.

Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng biểu hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ

Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng biểu hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ

1.2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng bào thai có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, điển hình là những yếu tố dưới đây:

Tuổi tác của người mẹ:

Phụ nữ khi bước sang giai đoạn ngoài 30 tuổi thì bắt đầu có các dấu hiệu của lão hóa. Cơ thể của người mẹ sẽ khó cung cấp được đầy đủ các dưỡng chất cho thai nhi hơn. Không chỉ có vậy, tuổi tác người mẹ càng cao thì các rủi ro xảy ra trong khi mang thai và sinh nở sẽ càng lớn. Cụ thể như trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh (mắc hội chứng Down, sứt môi, hở hàm ếch hay tim bẩm sinh,...) sẽ cao hơn rất nhiều so với phụ nữ mang thai khi còn trẻ. Do đó các chuyên gia y tế khuyến khích độ tuổi sinh sản lý tưởng nhất của người phụ nữ là từ 25 - 30 tuổi.

Sức khỏe của người mẹ:

Vì bụng mẹ chính là ngôi nhà đầu tiên của trẻ, do đó sức khỏe của mẹ sẽ là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới sức khỏe và thể chất của thai nhi. Nếu mẹ khỏe thì con mới khỏe, nên những phụ nữ nếu đang mắc phải bệnh lý nào đó như bệnh về tim mạch, gan thận,... thì nên chữa khỏi hoặc quản lý tốt những bệnh lý này rồi mới quyết định mang thai và sinh con.

Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sinh ra thường có thể trạng rất yếu ớt

Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sinh ra thường có thể trạng rất yếu ớt

Dinh dưỡng của người mẹ:

Khi còn trong bụng mẹ, em bé sẽ nhận dưỡng chất từ mẹ thông quanhau thaiđể nuôi sống cơ thể mình. Do đó chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình mang thai. Người mẹ cần được cung cấp phong phú, đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu để đảm bảo thai nhi được phát triển tốt nhất.

Việc bổ sung hợp lý dưỡng chất từ các thực phẩm như tôm cá, trứng, thịt, đậu, rau xanh, hoa quả tươi,... sẽ góp phần xây dựng các nội quan trong cơ thể bé, từ tim, gan, phổi, hệ hô hấp, bộ máy tiêu hóa,hệ tiết niệu, tuần hoàn cho đến hệ thống thần kinh trung ương. Nếu mẹ ăn uống kém, thiếu chất có thể dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, trẻ dễ bị còi xương, thiếu máu và gặp phải nhiều hệ lụy khác.

Nhau thai kém phát triển:

Như chúng ta đã biết thì nhau thai chính là sợi dây kết nối giữa cơ thể mẹ và bé. Bộ phận này giúp dẫn truyền oxy, dưỡng chất, hormone và máu từ mẹ để nuôi lớn bào thai. Nếu nhau thai kém phát triển sẽ làm hạn chế lượng chất dinh dưỡng được đưa tới em bé, từ đó thai nhi sẽ bị kém phát triển và còi cọc. Đó là lý do vì sao nhiều mẹ bầu lại bị suy dinh dưỡng bào thai mặc dù vẫn ăn uống đều đặn, nhiều chất.

Mẹ lao động vất vả khi mang thai:

Việc mang bầu đã tiêu hao một lượng lớn năng lượng của cơ thể mẹ. Các dưỡng chất được mẹ thu nạp vào cơ thể không chỉ để nuôi lớn thai nhi mà còn để dự trữ cho quá trình lâm bồn và tiết sữa sau sinh. Vì vậy nếu người mẹ vẫn phải làm việc nặng nhọc thì sẽ dễ bị suy kiệt sức khỏe, ảnh hưởng đến cả em bé trong bụng. Lời khuyên của các chuyên gia y tế trong trường hợp này là mẹ nên hạn chế lao động vất vả mà hãy dành nhiều thời gian thư giãn và nghỉ ngơi.

Trong giai đoạn thai kỳ, các mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý để thai nhi phát triển khoẻ mạnh

Trong giai đoạn thai kỳ, các mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý để thai nhi phát triển khoẻ mạnh

Ngoài những yếu tố nêu trên, các nhà khoa học cũng chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng suy dinh dưỡng bào thai và sự tồn tại của các bệnh lý về chuyển hóa, bệnh về máu, bệnh tim mạch hay dị tật bẩm sinh.

2. Dấu hiệu của trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai

Thông qua những lần khám thai định kỳ, mẹ có thể phát hiện ra tình trạng này ngay từ sớm thông qua các chỉ số như vòm bụng, chiều cao tử cung. Dựa trên các thông số này, bác sĩ sẽ xác định được kích thước của thai nhi.

Ngoài ra chỉ số cân nặng của mẹ cũng là yếu tố giúp nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Trung bình một thai phụ sẽ tăng khoảng 10 - 12kg trong suốt thai kỳ. Nếu mẹ chỉ tăng ít (< 6kg) thì nguy cơ cao là trẻ đang bị suy dinh dưỡng bào thai. Dấu hiệu muộn nhất là khi chào đời trẻ chỉ nặng dưới 2,5 kg mặc dù sinh đủ tháng.

Không chỉ khiến thai nhi có thể trạng còi cọc, suy dinh dưỡng bào thai còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sau này, cụ thể:

  • Trẻ bị chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ: sự thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu sẽ tác động đến cân nặng, chiều cao và các cơ quan khác như gan, thận, não bộ của trẻ. Những em bé này sẽ không được năng động và nhanh nhẹn như những trẻ đồng trang lứa;

  • Trẻ dễ bị hạ đường huyết với các biểu hiện như khóc thét, run rẩy, hạ thân nhiệt, co giật, tím tái, ngưng thở,... ;

  • Nguy cơ nhiễm khuẩn cao: việc thiếu hụt các loại vitamin quan trọng như vitamin A, C,... sẽ làm giảm sức đề kháng của trẻ, từ đó trẻ dễ bị các loại virus, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Những bé trước đây bị suy dinh dưỡng bào thai còn là đối tượng dễ mắc phải các bệnh lý viêm đường hô hấp, bệnh sởi, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,...

Như vậy để sớm phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ, các mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ để cập nhật các chỉ số quan trọng về sự phát triển của thai nhi. Việc sớm nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai sẽ giúp áp dụng kịp thời các biện pháp xử lý thích hợp, từ đó phòng ngừa được nhiều nguy cơ biến chứng.

Khám thai định kỳ sẽ giúp các mẹ sớm phát hiện ra những bất thường ở thai nhi

Khám thai định kỳ sẽ giúp các mẹ sớm phát hiện ra những bất thường ở thai nhi

Nếu các bậc phụ huynh còn băn khoăn trong việc lựa chọn địa chỉ khám thai phù hợp, hãy đến khám tại Chuyên khoa Sản phụ khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Chuyên khoa quy tụ đội ngũ các bác sĩ Sản khoa hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong chẩn đoán và tư vấn chăm sóc, điều trị các vấn đề về sản phụ khoa. Liên hệ ngay hotline1900 56 56 56để đặt lịch khám cùngMEDLATECngay hôm nay các mẹ nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map