Tin tức

Những tác hại không ngờ khi lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh

Ngày 05/01/2023
Tham vấn y khoa:BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đối với con người, ngoài ăn uống, hoạt động thể chất và làm việc thì giấc ngủ cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều người khi bị chứng mất ngủ phải tìm đến các loại thuốc ngủ để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết được những nguy cơ có thể sẽ gặp phải khi dùng thuốc ngủ trong thời gian dài, đặc biệt là các loại thuốc ngủ liều mạnh. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn chỉ ra các tác dụng phụ nghiêm trọng của loại thuốc này để bạn biết cách phòng tránh.

1. Phân loại các thuốc ngủ liều mạnh

Thuốc ngủ là các thuốc chứa thành phần dược chất gây buồn ngủ, thường được dùng đối với các trường hợp bị mất ngủ thường xuyên hoặc bị rối loạn giấc ngủ.

Hiện nay có rất nhiều loạithuốc ngủkhác nhau với cơ chế hoạt động riêng biệt, có thể kể đến như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc trợ ngủ không kê đơn (đơn cử là thuốc kháng histamine).

Dưới đây là một số loại thuốc ngủ liều mạnh bạn có thể tham khảo:

  • Thuốc ngủ là dẫn xuất của Benzodiazepin: công dụng chủ yếu của các thuốc này là an thần và tạo cảm giác buồn ngủ. Thuốc này được xếp vào nhóm thuốc ngủ liều mạnh có thể khiến bệnh nhân bị phụ thuộc vào thuốc nếu dùng lâu ngày. Thường thì những trường hợp sau sẽ được kê đơn loại thuốc này: người thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu, bị kích thích thần kinh, co giật do sốt cao, hạn chế các cơn động kinh và dùng để cai rượu,... Thuốc chứa các hoạt chất tiêu biểu là clonazepam, bromazepam và diazepam;

  • Thuốc ngủ chứa dẫn xuất của Barbituric: đây là nhóm thuốc gây ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp gây buồn ngủ, an thần, chống động kinh, co giật. Tác dụng của thuốc có thể kéo dài từ 8 - 12 giờ, bao gồm thuốc pentobarbital và phenobarbital. Tuy nhiên ngày nay nhóm thuốc này rất hiếm khi được sử dụng do gây ra nhiều tác dụng phụ và gây độc hại cho cơ thể khi dùng sai cách;

  • Các loại thuốc ngủ khác (Rozerem, Lunesta và Ambien): phổ biến hơn vì tác dụng an thần nhẹ hơn, tác dụng phụ ít và không gây phụ thuộc như 2 loại trên. Tuy nhiên chúng cũng thuộc nhóm thuốc ngủ liều mạnh nên nếu dùng với số lượng nhiều cùng một lúc có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người sử dụng.

Thuốc ngủ thường được dùng để hỗ trợ giấc ngủ

Thuốc ngủ thường được dùng để hỗ trợ giấc ngủ

2. Dùng thuốc ngủ liều mạnh có thể gây ra những tác dụng phụ như thế nào?

2.1. Tác dụng phụ toàn thân

Dùng thuốc ngủ liều mạnh có thể khiến người bệnh gặp phải những tác dụng nghiêm trọng toàn thân như sau:

  • Vấn đề về hệ hô hấp: mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khí phế thũng, hen suyễn, rối loạn chức năng thở (nhịp thở không đều, thở hổn hển, ngưng thở khi ngủ…);

  • Rối loạn tiêu hóa: khô miệng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, thay đổi cảm giác thèm ăn;

  • Vấn đề về hệ thần kinh: ngứa ran hoặc nóng rát bàn tay, bàn chân, choáng váng, chóng mặt, chậm chạp, hay quên, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, mất năng lực kiểm soát hành vi;

  • Rối loạn giấc ngủ: buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày, ngủ quá nhiều, ngủ mê mệt,...;

  • Ảnh hưởng đến chức năng gan và thận.

2.2. Phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc

Như đã đề cập, những loại thuốc ngủ liều mạnh như dẫn xuất benzodiazepin hoặc barbiturat nếu dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ quả là tình trạng nghiện thuốc, phụ thuộc vào thuốc. Tức là nếu ngừng sử dụng thì bệnh nhân sẽ có hội chứng cai như bồn chồn, vật vã, khó ngủ, kích thích,... Chỉ khi dùng thuốc trở lại thì mới cải thiện được những triệu chứng này. Do đó nếu bạn ít lạm dụng thuốc, tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị như bác sĩ đã chỉ định thì sẽ không gặp phải tình trạng phụ thuộc thuốc như vậy. Đặc biệt, nếu bạn muốn ngừng thuốc thì hãy tiến hành bằng cách cắt giảm liều dùng từ từ, không được dừng thuốc đột ngột.

Dùng thuốc ngủ liều mạnh thường xuyên có thể khiến bệnh nhân bị nghiện thuốc

Dùng thuốc ngủ liều mạnh thường xuyên có thể khiến bệnh nhân bị nghiện thuốc

2.3. Lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh có thể gây tử vong

Những thuốc ngủ liều mạnh nếu bị lạm dụng trong thời gian dài có thể để lại tác hại khôn lường. Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của thuốc ngủ liều mạnh đó là gây tử vong nếu được dùng với liều lượng cao gấp 5 - 20 lần so với bình thường.

Tuy rằng hiện nay đã có nhiều biện pháp giúp quản lý việc dùng thuốc ngủ và các loại thuốc ngủ đã được bào chế với độ an toàn cao hơn, tác dụng phụ cũng được giảm đi ít nhiều nhưng nguy cơ tử vong nếu dùng quá liều vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó nếu cần phải dùng thuốc ngủ để điều trị, bạn cần phải tuân thủ đúng chỉ dẫn, tuyệt đối không được tự ý tăng liều dùng.

3. Những biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ mà không cần dùng thuốc

Nếu bạn đang gặp phải tình trạngmất ngủ, trước khi tính đến việc dùng thuốc thì bạn hãy thử những cách sau để cải thiện giấc ngủ của mình:

  • Tránh xa các đồ uống có cồn, chất kích thích trước khi đi ngủ;

  • Tạo một không gian ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, thoải mái, đủ tối với nhiệt độ phòng thích hợp, hạn chế các kích thích về âm thanh và ánh sáng. Khi ở trong tâm thế thoải mái thì bạn sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn;

  • Cố định thời gian thức dậy và đi ngủ trong ngày;

  • Kiểm soát và quản lý tốt tâm trạng, tránh căng thẳng kéo dài. Điều này có thể được cải thiện bằng cách trò chuyện, chia sẻ với người thân, bạn bè, đi bộ nhẹ nhàng, nghe nhạc, tập thể dục thể thao,...;

  • Ăn tối với lượng thức ăn vừa phải, tránh ăn quá no có thể gây đầy bụng, khó tiêu, khó ngủ;

  • Ban ngày không nên ngủ quá nhiều, giấc ngủ buổi trưa chỉ nên giới hạn trong khoảng 30 phút, buổi sáng dậy sớm, không nên ngủ nướng, ngủ bù;

  • Dùng trà thảo mộc, thuốc thảo dược cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ;

  • Trong trường hợp phải dùng thuốc ngủ thì hãy bắt đầu với các loại thuốc có tác dụng an thần nhẹ, không nên dùng thuốc ngủ liều mạnh ngay từ đầu.

Lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh có thể gây tử vong

Lạm dụng thuốc ngủ liều mạnh có thể gây tử vong

Nói chung các loại thuốc ngủ liều mạnh có thể giúp bạn khắc phục được tình trạng mất ngủ kinh niên nhưng chúng cũng tiềm ẩn không ít những nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu bị lạm dụng và dùng sai cách trong thời gian dài. Do đó bạn nên hiểu rõ về từng loại thuốc mà mình sử dụng, đồng thời hãy đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều trị bằng thuốc ngủ bạn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map