Tin tức
Những hệ lụy khôn lường khi lạm dụng thuốc chống say rượu
- 17/12/2021 | Những lợi ích của rượu vang đỏ và những lưu ý khi sử dụng
- 08/06/2022 | Rối loạn tâm thần do rượu - hậu quả của quá trình lạm dụng rượu
- 17/03/2022 | Nhận biết, xử trí ngộ độc rượu khẩn cấp và cách phòng chống ngộ độc
1. Rượu tác động như thế nào đến cơ thể con người?
Rượu là một dung dịch hỗn hợp của nước và ethanol. Tùy vào nguyên liệu để ủ rượu mà các loại rượu khác nhau sẽ có hương vị và màu sắc khác nhau.
Khi được uống vào cơ thể, rượu sẽ được máu hấp thụ hoàn toàn, trong đó 80% là ở ruột non và 20% còn lại là ở dạ dày. Tốc độ hấp thu của rượu còn phụ thuộc vào thể chất của từng người (thời điểm uống rượu là khi no hay khi đói, nếu lúc đói thì rượu sẽ thẩm thấu rất nhanh).
Tiếp theo rượu sẽ phân tán theo các mô tế bào ở những cơ quan khác, ví dụ như có thể tìm thấy rượu tích tụ ở não và dịch não tủy, do đó có thể xác định nồng độ cồn trong hơi thở, máu và nước tiểu,...
Uống quá nhiều rượu sẽ khiến bạn mất tỉnh táo và gặp nhiều triệu chứng khó chịu khác
Gan là bộ phận đảm nhận chức năng đào thải rượu, một phần rượu còn lại sẽ được bài tiết qua nước tiểu và mồ hôi. Khi được hấp thu vào cơ thể, rượu có khả năng tác động đến hệ thần kinh trung ương và gan, cụ thể:
-
Đối với gan: gan cùng với sự hỗ trợ của men NAD sẽ tham gia vào quá trình giải độc rượu và đào thải độc tố trong rượu ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên nếu bạn uống quá nhiều rượu, cơ thể sẽ không kịp tiết ra đủ men NAD để thực hiện nhiệm vụ này khiến rượu tích tụ và gây hại cho cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan. Nếu lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh lý về gan như xơ gan, viêm gan hay ung thư gan;
-
Đối với hệ thần kinh trung ương: rượu có khả năng ức chế tiểu não, vỏ não, tủy sống và trung tâm hành tủy. Đó là nguyên nhân vì sao nếu uống rượu với một lượng lớn bạn sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, giảm khả năng phán đoán và không tự chủ được cảm xúc, hành vi;
2. Thuốc chống say rượu - có nên dùng hay không?
2.1. Có những loại thuốc chống say rượu nào?
Thuốc chống say rượu hay thuốc giải rượu được bào chế thành rất nhiều loại, phần lớn trong số đó là những chế phẩm ME-21, RU-21. Pamin, tylenol, mewol-21, paracetamol, decolgen aspirin,... với công dụng giảm đau nhức đầu sau khi uống rượu.
Có nhiều người sau khi dùng quá nhiều rượu sẽ tìm đến thuốc giải rượu để cải thiện các triệu chứng khó chịu do rượu gây ra. Thực tế chúng không hẳn là thuốc mà là thực phẩm chức năng giúp chuyển hóa các hóa chất trong rượu thành những không độc hại chứ không có khả năng bảo vệ hay phục hồi những cơ quan bị tổn thương do rượu.
Khi được cơ thể hấp thụ, rượu sẽ được phân bổ đến các mô tế bào, tại đây chúng dần được chuyển hóa thành acetaldehyd - một dạng chất gây nên triệu chứng say và ngộ độc rượu. Các thuốc giải rượu có chức năng hạn chế quá trình hình thành acetaldehyd và giúp sàng lọc, đào thải nó ra ngoài cơ thể.
Tuy vậy đối với những trường hợp uống quá nhiều rượu thì thuốc chống say rượu rất khó có thể giải được hết lượng hóa chất đã ngấm vào cơ thể nên người uống vẫn có thể bị say xỉn, thậm chí là ngộ độc rượu.
Có nhiều người sau khi dùng quá nhiều rượu sẽ tìm đến thuốc giải rượu để cải thiện các triệu chứng khó chịu do rượu gây ra
2.2. Các tác dụng phụ của thuốc chống say rượu
Bên cạnh lợi ích do thuốc chống say rượu đem lại thì những thuốc này cũng tiềm ẩn rất nhiều tác động bất lợi đối với sức khỏe người dùng:
-
Trong số các thuốc chống say rượu nêu trên thì paracetamol và aspirin là 2 loại thuốc có khả năng gây tổn thương gan, nếu dùng kết hợp với rượu có thể gây chảy máu đường tiêu hóa, kích ứng niêm mạc dạ dày;
-
Khi hàm lượng paracetamol tích tụ trong máu quá cao, gan không thể giải độc hết sẽ làm ứ đọng chất độc và gây hoại tử gan, xơ gan và nghiêm trọng nhất là ung thư gan;
-
Khi uống rượu với liều lượng thấp, người dùng có thể sử dụng các thuốc chống say rượu để giảm triệu chứng sốt, nhức đầu nhưng nếu dùng thuốc quá liều và thường xuyên sẽ dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng men gan, ức chế các chất bảo vệ gan, kích thích sự hoạt động của triglyceride và axit béo trong gan gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ, hủy hoại tế bào gan, thậm chí là viêm loét đường ruột.
Nhìn chung việc lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc chống say rượu cũng có nguy cơ tác động xấu đến gan và hệ thần kinh trung ương. Do đó thay vì dùng thuốc bạn nên áp dụng các mẹo giải rượu từ dân gian sẽ an toàn, đảm bảo tính hiệu quả và ít gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
3. Tiêu chí lựa chọn thuốc chống say rượu
Hiện nay có không ít các sản phẩm với công dụng chống say rượu được bày bán trên thị trường, trong đó có nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ đang lưu hành. Chính vì vậy bạn cần hết sức thận trọng và nên lưu ý những tiêu chí sau khi lựa chọn thuốc giải rượu:
-
Sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng: đây là yếu tố tiên quyết, quan trọng quyết định việc sử dụng sản phẩm. Thuốc phải do các thương hiệu uy tín sản xuất, phân phối, đặc biệt là đã được cấp phép lưu hành bởi Bộ Y tế Việt Nam;
-
Chú ý đến công dụng của thuốc: không chỉ giúp giảm thiểu triệu chứng khó chịu do rượu mà các thuốc cần phải có chức năng hỗ trợ giải độc gan, hạ men gan, cải thiện chức năng gan;
-
Thành phần lành tính, chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên.
Hãy lựa chọn thuốc chống say rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hiểu về công dụng của chúng
4. Cách giải rượu hiệu quả, an toàn
Thuốc chống say rượu thường chỉ có công dụng tạm thời và nguy cơ gây tác dụng phụ cao, do vậy nên áp dụng những cách như sau:
-
Biết giới hạn của bản thân, uống rượu có chừng mực, không uống thường xuyên, liên tục;
-
Sau khi say rượu nên nằm ngủ, nghỉ ngơi;
-
Dùng các loại nước như bột sắn dây, nước chanh để giải rượu vì những loại nước này có tác dụng giải nhiệt, giải cơ, giải độc hiệu quả;
-
Bên cạnh nước chanh và bột sắn dây, bạn cũng có thể dùng nước vắt lá dong hoặc vắt nước từ củ sắn cho thêm ít muối.
Như vậy, có thể nói rượu bia là những thức uống có hại cho sức khỏe, vì thế không nên lạm dụng loại đồ uống này. Mặc dù có nhiều phương pháp để giải rượu như dùng thuốc hoặc biện pháp dân gian nhưng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến sức khỏe và các phương pháp này chỉ giúp cải thiện triệu chứng chứ không giúp loại bỏ độc tố do rượu gây nên. Do đó hãy tránh xa hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia bạn nhé!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!