Tin tức
Mẹ bầu cần biết: 3 mốc khám thai quan trọng nhất
- 19/07/2024 | Siêu âm thai 5D nên được thực hiện ở các mốc khám thai nào?
- 12/08/2024 | Tổng hợp các mốc khám thai kỳ quan trọng mẹ bầu không nên bỏ lỡ trong suốt hành trình mang t...
- 09/10/2024 | Chi tiết lịch khám thai định kỳ theo từng tam cá nguyệt
1. Sơ lược về khám thai định kỳ
Để nắm bắt tình hình sức khỏe của bản thân và theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi, mẹ bầu được hướng dẫn khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ Sản khoa. Trong những lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số thể lực của mẹ, thực hiện siêu âm và các xét nghiệm cần thiết.
Ngoài ra, nếu mẹ bầu có những thắc mắc cần được giải đáp cũng có thể trao đổi với bác sĩ qua những lần khám thai định kỳ. Bác sĩ sẽ có những tư vấn, hướng dẫn phù hợp để mẹ cảm thấy an tâm, bớt lo lắng, căng thẳng, nhờ đó, có được một trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt nhất trong hành trình mang thai.
Đặc biệt, với những mẹ bầu có nguy cơ, khám thai định kỳ là rất quan trọng để bác sĩ theo dõi, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từ đó có những chỉ định, can thiệp phù hợp nhất. Việc này nhằm phòng tránh, hạn chế các rủi ro và biến chứng thai kỳ gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.
Mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ
2. 3 mốc khám thai quan trọng nhất
Trung bình, mỗi mẹ bầu sẽ có khoảng 10 - 15 lần khám thai trong suốt thai kỳ. Trong đó có 3 mốc khám thai quan trọng nhất mà mẹ không được bỏ qua.
Thai 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày
Ở mốc khám thai này, bác sỹ thực hiện siêu âm thai 4D đo độ mờ da gáy sàng và phát hiện các bất thường sớm về hình thái thai, việc đo chiều dài đầu mông của thai ở tuần này giúp xác định được tương đối chính xác tuổi thai và và ngày dự sinh. Bên cạnh đó, mẹ bầu còn được thực hiện các xét nghiệm máu như xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Double test hoặc NIPT ), các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cơ bản khác.
Do vậy mẹ bầu không được bỏ qua mốc khám thai này vì khi thai được 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày, kết quả siêu âm và xét nghiệm trên mới mang lại chính xác. Qua thời điểm này, kết quả không còn giá trị trong chẩn đoán, thai kỳ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do những bất thường không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Thai 18 - 22 tuần
Đây cũng là 1 trong 3 mốc khám thai quan trọng nhất bởi lúc này, thai nhi đã mang “dáng dấp” của một em bé với đầy đủ các cơ quan, bộ phận. Ở mốc khám thai này, bác sĩ tiến hình kiểm tra hình thái thai nhi ở nhiều góc độ khác nhau, vì vậy, từ hình dáng bên ngoài đến cơ quan nội tạng bên trong đều được kiểm tra chi tiết và thể hiện rõ trên màn hình siêu âm.
Bác sĩ kiểm tra hình thái thai nhi ở tuần thai 18 - 22
Đầu tiên, bác sĩ kiểm tra khuôn mặt nhằm phát hiện các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, không xương mũi, không có tai,… Tiếp đến, bác sĩ quan sát tứ chi để kiểm tra thai nhi có đầy đủ ngón tay, ngón chân hay không; phát hiện tình trạng thiếu hoặc thừa ngón tay, ngón chân.
Sau khi quan sát hình dáng bên ngoài, bác sĩ thực hiện kiểm tra các cơ quan nội tạng bên trong như não, tim, dạ dày, thận, hệ xương, hệ thống động mạch - tĩnh mạch,… Đặc biệt, mẹ bầu cũng có thể nhìn thấy được những biểu cảm ngộ nghĩnh, đáng yêu của thai nhi ở mốc khám thai này.
Thai 30 - 32 tuần
Tại sao đây cũng là 1 trong 3 mốc khám thai quan trọng nhất? Bởi vì ở mốc khám thai này, những dị tật chưa được phát hiện trước đó, dị tật xảy ra ở giai đoạn muộn (thường ở não, tim, động mạch) sẽ được bác sĩ kiểm tra cẩn thận và phát hiện nếu có.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ xác định ngôi thai, kiểm tra tình trạng dây rốn, chất lượng nước ối và đánh giá khung xương chậu của mẹ bầu. Tất cả việc này nhằm giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chuyển dạ trong vài tuần tới.
3. Lời khuyên giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh
Ngoài nắm được 3 mốc khám thai quan trọng nhất và thực hiện khám thai định kỳ, mẹ bầu hãy “bỏ túi” những lời khuyên sau để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Bổ sung dinh dưỡng
Mẹ bầu cần đặc biệt chú trọng đến việc bổ sung dinh dưỡng, không đơn thuần là qua các bữa ăn hàng ngày, mà còn là các biện pháp bổ sung vitamin, khoáng chất qua đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Trong đó, sắt, acid folic, canxi là rất quan trọng vì những dưỡng chất này giúp mẹ phòng ngừa thiếu máu, loãng xương khi mang thai và giúp thai giảm thiểu nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
Mẹ bầu chú ý bổ sung vitamin cho cơ thể
Uống thật nhiều nước
Nước giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, đồng thời, đảm bảo duy trì lượng nước ối ổn định cho thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu hãy uống thật nhiều nước mỗi ngày, tối thiểu là 2 lít/ ngày, ưu tiên cho nước lọc. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, mẹ sẽ giảm các triệu chứng ốm nghén, chuột rút, đau lưng thường gặp khi mang thai.
Vận động thường xuyên
Vận động khi mang thai mang đến nhiều lợi ích như giảm căng thẳng, tăng cường sự dẻo dai của xương khớp, cải thiện tuần hoàn máu và sức khỏe tim mạch,… Do đó, mẹ bầu nên dành 30 phút mỗi ngày để vận động. Nếu không biết bài tập nào là phù hợp, mẹ có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Nghỉ ngơi hợp lý
Sự thay đổi về tâm sinh lý trong khi mang thai khiến mẹ bầu dễ căng thẳng, mệt mỏi. Lúc này, nghỉ ngơi là giải pháp tối ưu nhất. Mẹ hãy tập trung vào các sở thích cá nhân giúp mình cảm thấy vui vẻ, thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, xem phim hay đơn thuần là nằm nghỉ ngơi.
Tránh tác nhân có hại
Điều này là cực kỳ quan trọng bởi các tác nhân có hại sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, sinh non, trẻ sinh ra bị dị tật, chậm phát triển,… Đó là lý do khi mang thai, thậm chí là khi có ý định mang thai, cần tránh xa thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, các hóa chất trong thuốc nhuộm, duỗi, uốn tóc,…
Mẹ bầu cần tránh xa các tác nhân có hại cho thai kỳ
Bài viết đã tổng hợp 3 mốc khám thai quan trọng nhất cùng những lời khuyên giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. Mọi nhu cầu khám thai hay kiểm tra sức khỏe tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy đặt lịch qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!