Tin tức
Khó nuốt, khi nào là bệnh?
Chứng khó nuốt với biểu hiện đa dạng
Trên thực tế, chứng khó nuốt có nhiều dạng: tự nhiên xuất hiện và biến mất; khó nuốt nhẹ hay nặng hoặc càng ngày càng nặng. Các triệu chứng của khó nuốt gồm: khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc dịch xuống dạ dày trong lần nuốt đầu tiên; nôn ọe, mắc nghẹn hoặc ho khi nuốt; thức ăn bị trào ngược lên hầu, miệng hoặc mũi sau khi nuốt vào; bệnh nhân cảm thấy thức ăn mắc nghẹt lại ở một phần nào đó của hầu hoặc ngực; bị đau khi nuốt; bị đau hay cảm thấy nặng ngực hoặc bị chứng ợ nóng; sụt cân do không cung cấp đủ thức ăn; khó khăn khi nuốt thức ăn đặc hay chất lỏng hoặc cả hai.
Ở người khỏe mạnh, các cơ ở hầu họng, thực quản co thắt để tống thức ăn từ miệng xuống thực quản theo phản xạ nuốt. Khi mắc bệnh, có 2 loại nguyên nhân gây khó nuốt: rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản; hoặc là bị nghẹt ở hầu hoặc thực quản.
Rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản xảy ra trong các trường hợp: bị đột quỵ, tổn thương não hoặc tủy sống; chứng co thắt thực quản, đa xơ hóa cơ, loạn dưỡng cơ hoặc mắc bệnh Parkinson; viêm đa cơ hoặc viêm da cơ; co thắt thực quản; xơ cứng bì làm cho các mô của thực quản trở nên cứng và hẹp lại, cơ ở đoạn thấp thực quản bị yếu đi.
Nghẹt ở hầu hoặc thực quản trong các bệnh lý: trào ngược dạ dày thực quản; viêm thực quản; lưới thực quản do bẩm sinh đã có lưới thực quản hoặc mắc phải; túi thừa là sự xuất hiện các túi nhỏ ở thành thực quản hoặc thành hầu bẩm sinh hay mắc phải; các u thực quản như ung thư hoặc lành tính; dị vật thực quản; các khối u bên ngoài thực quản như hạch bạch huyết, chèn ép vào thực quản.
Ngoài ra, còn khó nuốt không rõ nguyên nhân, khó nuốt do sự lão hóa cơ thực quản...
Chụp Xquang có chuẩn bị bằng dung dịch barit thấy tổn thương hay vị trí tắc nghẽn; nội soi thanh quản, thực quản thấy vị trí tắc; sinh thiết tế bào để xác định bị viêm hoặc ung thư; xét nghiệm độ pH dịch acid từ dạ dày trào lên thực quản và acid lưu lại tại nơi tắc nghẽn.
Chữa trị thế nào
Việc điều trị phụ thuộc vào các nguyên nhân gây khó nuốt, gồm: tập cho cơ nuốt đối với bệnh nhân bị các bệnh về não, thần kinh, cơ. Dùng thuốc điều trị các trường hợp bị khó nuốt do chứng ợ nóng, viêm thực quản, ngăn chặn acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu bị nhiễm khuẩn ở thực quản, phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với bệnh nhân bị chứng khó nuốt nghiêm trọng, có thể cần có một ống sông để bơm thức ăn, nước uống vào dạ dày. Thay đổi các loại thức ăn, dùng thức ăn lỏng để nuốt dễ dàng hơn. Nong giãn thực quản. Nội soi để lấy các dị vật mắc kẹt trong thực quản. Phẫu thuật để cắt bỏ khối u, túi thừa, lấy dị vật...
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Lời khuyên của thầy thuốc Chứng khó nuốt do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân bẩm sinh và sự lão hóa là không thay đổi được, còn các nguyên nhân mắc phải có thể phòng tránh được như: đột quỵ, tổn thương não, tủy sống, co thắt thực quản, đa xơ hóa cơ, loạn dưỡng cơ, bệnh Parkinson, viêm đa cơ, xơ cứng bì, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản, ung thư, dị vật thực quản... Ðể phòng tránh các bệnh mắc phải là nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau đây: bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hoặc hạn chế ăn mặn, tránh ăn nhiều đường. Không hay hạn chế uống rượu bia; ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn; hạn chế uống cà phê, nước chè đặc. Tránh căng thẳng về thể chất và tinh thần. Ðiều trị tích cực các bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, dị tật não. Tránh các nguy cơ gây dị vật đường tiêu hóa như: trông nom trẻ cẩn thận, không cho trẻ ngậm, mút các đồ chơi. Người lớn có răng lung lay, răng giả phải thận trọng khi ăn uống để phòng ngừa răng rơi ra, lọt vào họng. Không ăn uống nhanh, nuốt vội... Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày nối vị tràng, người có bệnh hẹp môn vị cần tránh thức ăn chua, cay dễ kích ứng gây trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị mắc dị vật, phải đến ngay các cơ sở y tế có trang bị máy nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và lấy dị vật qua nội soi. Cha mẹ cần chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ nhỏ như lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn; tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Ngoài ra, chúng ta cần ăn uống lành mạnh phòng bệnh ung thư vì khối u chèn ép thực quản gây khó nuốt như: ăn nhiều chất xơ và đạm thực vật; tăng cường ăn rau củ quả vì trong đó có các chất chống ôxy hóa như beta caroten, lycopen, các vitamin C, E có tác dụng chống lại các gốc tự do tấn công và phá hủy màng tế bào gây bệnh ung thư. Ăn uống điều độ, tránh thừa cân béo phì. |
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!