Tin tức

Hạ đường huyết: Nguyên nhân - triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/05/2023
Tham vấn y khoa:BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hạ đường huyết là một trong những tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường hoặc những người có thói quen ăn uống không khoa học. Nhiều người cho rằng hiện tượng đường huyết hạ chỉ xảy ra khi cơ thể quá đói. Tuy nhiên, quan niệm này vẫn chưa đủ vì có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng tụt đường huyết. Thậm chí đây còn là dấu hiệu cảnh bảo nhiều vấn đề nghiêm trọng của cơ thể.

1. Hạ đường huyết và nguyên nhân gây ra

Các loại thức ăn có chứa nhiều Carbohydrate như cơm, khoai tây, bánh mỳ, ngũ cốc, sữa,... là nguồn cung cấp đường cho cơ thể. Đường sẽ được tích trữ trong gan và các mô ở dạng Glycogen và chuyển hóa thành Glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vậy hạ đường huyết là gì? Có phải cơ thể chỉ bị đường huyết hạ khi đói hay không?

Hạ đường huyếtlà gì?

Hạ đường huyết hay tụt đường huyết là tình trạng lượng đường Glucose trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l dẫn đến cơ thể không đủ năng lượng cho các hoạt động bình thường. Hiện tượng tụt đường huyết xảy ra cần phải được xử lý kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Tụt đường huyết là tình trạng nồng độ Glucose trong máu thấp hơn bình thường

Tụt đường huyết là tình trạng nồng độ Glucose trong máu thấp hơn bình thường

Nguyên nhân dẫn đến tụt đường huyết

Những nguyên nhân gây nên tình trạng tụt đường huyết phổ biến bao gồm:

  • Bệnh nhântiểu đườngđang điều trị tích cực bằng Insulin hoặc các thuốc thuộc nhóm Sulfonylureas, Meglitinides. Trường hợp tiêm quá liều Insulin cũng có thể là lý do dẫn đến hiện tượng tụt đường huyết.

  • Ăn quá đói, bỏ bữa, ăn muộn sẽ khiến cơ thể không đủ đường cung cấp cho các hoạt động bình thường hàng ngày.

  • Làm việc hoặc vận động, tập thể thao quá sức.

  • Nghiện rượu.

  • Người mắc các bệnh lý về gan, thận, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, suy nhược,...

2. Triệu chứng và biện pháp xử lý khi bị hạ đường huyết

Không phải tất cả các trường trường hợp tụt đường huyết cũng có biểu hiện giống nhau. Một số trường hợp nồng độ Glucose trong máu thấp nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào.

Triệu chứng

Khi lượng đường trong máu quá thấp sẽ kích hoạt giải phóng Epinephrine (Adrenaline) gây nên những biểu hiện:

  • Người bệnh cảm thấy mệt đột ngột,chóng mặt,đau đầu, lo âu, buồn nôn, chân tay nặng nề, da tái xanh, vã mồ hôi, tay run.

  • Cảm giác bụng cồn cào, nóng rát vùng dạ dày hoặc lên cơn co thắt dạ dày, đau vùng thượng vị.

  • Cảm giác đánh trống lồng ngực, mất bình tĩnh, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực.

  • Mắt mờ, khó tập trung, nói lắp, nói cười vô cớ, sinh ảo giác. Nếu tình trạng này để lâu mà không có biện pháp can thiệp có thể dẫn đến hôn mê, co giật, liệt nửa người, tổn thương thần kinh, rối loạn cảm giác và vận động.

Tụt đường huyết có thể khiến bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, rối loạn cảm giác,...

Tụt đường huyết có thể khiến bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, rối loạn cảm giác,...

Thông thường, các triệu chứng này xảy ra khi lượng đường huyết dưới 3,9 mmol/l. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp lượng đường huyết dưới ngưỡng bình thường nhưng không gây ra triệu chứng. Trường hợp này gọi là tụt đường huyết không nhận biết. Tình trạng này thường gặp với những người bị tiểu đường kéo dài, nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cách xử lý khi bị hạ đường huyết đột ngột

Trong cuộc sống, đôi khi bạn sẽ gặp tình huống tụt đường huyết với chính bản thân hoặc những người xung quanh. Lúc này, cần phải nhanh chóng nhận biết tình trạng và cấp cứu tạm thời bằng cách:

  • Ăn ngay một viên kẹo ngọt, cái bánh hoặc hoa quả có sẵn.

  • Pha 3 thìa đường tương đương 15g với 100ml nước lọc cho người bị tụt đường huyết uống.

  • Nếu cần thiết cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và có biện pháp can thiệp chuyên sâu hơn.

3. Chẩn đoán và điều trị hạ đường huyết

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sơ bộ, sau đó chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra chuyên sâu để đi đến kết luận cuối cùng về tình trạng bệnh. Dựa trên kết quả thu được, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cụ thể hướng điều trị thích hợp với từng bệnh nhân.

Chẩn đoán

Những phương pháp cận lâm sàng thường được chỉ định với các trường hợp hạ đường huyết là:

  • Xét nghiệm đường máu mao mạch là biện pháp sàng lọc nhanh để kiểm tra nồng độ Glucose trong máu.

  • Nếu nồng độ Glucose <2,8mmol/l thì máy đo mao mạch sẽ không thể kiểm tra được, lúc này, người bệnh sẽ được lấy máu tĩnh mạch để làm xét nghiệm.

  • Một số trường hợp khác, bác sĩ có thể cho chỉ định thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tụt đường huyết.

Xét nghiệm đường huyết mao mạch giúp kiểm tra nhanh lượng Glucose trong máu

Xét nghiệm đường huyếtmao mạch giúp kiểm tra nhanh lượng Glucose trong máu

Điều trị

Tùy vào từng trường hợp, mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra liệu trình điều trị thích hợp với từng bệnh nhân. Trong những trường hợp cấp cứu tạm thời với bệnh nhân tụt đường huyết không đỡ hơn hoặc tình trạng quá nặng, người bệnh mất ý thức, không thể uống hay ăn được thì cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Truyền đường Glucose 30% qua đường tĩnh mạch.

  • Sau đó truyền đường Glucose 5% (hoặc 10%) qua đường tĩnh mạch để duy trì lượng đường huyết >5,6 mmol/l.

  • Glucagon 1mg được chỉ định tiêm bắp hoặc dưới da trong trường hợp không thể cung cấp đường cho bệnh nhân bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

  • Sau khi bệnh nhân tỉnh, có thể bổ sung bằng bữa ăn nhẹ và kiểm tra đường huyết sau 4 giờ/lần để tránh lượng đường quá cao.

4. Phòng ngừa hạ đường huyết bằng cách nào?

Một số biện pháp phòng ngừa tụt đường huyết mà bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Đối với bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, cần tuân thủ liệu trình điều trị với Insulin hoặc các thuốc khác đúng hướng dẫn, không được tự ý tăng, giảm hay dừng thuốc đột ngột.

  • Tái khám định kỳ và theo dõi đường huyết thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Báo ngay với bác sĩ điều trị khi có những biểu hiện bất thường.

  • Thông báo với bạn bè, đồng nghiệp về tình trạng sức khỏe và hướng dẫn cách xử lý nếu bạn bị tụt đường huyết.

  • Không phớt lờ các triệu chứng hoặc trì hoãn điều trị hạ đường huyết vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

  • Ăn uống đúng bữa, ăn đầy đủ chất để cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể.

  • Tránh hoạt động hay vận động quá sức, nếu cần thiết nên bổ sung năng lượng bằng bữa ăn nhẹ trước vận động.

  • Không sử dụng các loại đồ uống có cồn , rượu, bia

Kiểm tra và theo dõi nồng độ Glucose đều đặn để tránh tình trạng tụt đường huyết

Kiểm tra và theo dõi nồng độ Glucose đều đặn để tránh tình trạng tụt đường huyết

Trên đây là toàn bộ những thông tin về tình trạng hạ đường huyết mà bạn đọc có thể tham khảo. Tuy nhiên, ngay khi có biểu hiện của bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị, phòng ngừa tình trạng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng sức khỏe.

Nếu bạn đang cần tìm một địa chỉ uy tín để kiểm tra về tình trạng đường huyết thì có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Hiện nay, MEDLATEC là một trong những địa chỉ được khách hàng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tận tụy.

Đặc biệt, MEDLATEC cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi rất tiện lợi, khách hàng không cần đến bệnh viện mà có thể lấy mẫu tại địa chỉ đã đặt lịch trước đó. Chi phí cho dịch vụ này được tính như thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện, khách hàng chỉ phải trả thêm 10 ngàn đồng cho phí đi lại, trả kết quả.

Quý khách có thể liên hệ đến hotline:1900 56 56 56để được tư vấn miễn phí và đặt lịch thăm khám, xét nghiệm đường huyết tạiMEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map