Tin tức
DHA cho trẻ sơ sinh: nên bổ sung khi nào và DHA có từ đâu?
1. Tìm hiểu chung về DHA
DHA là cách viết ngắn gọn của Docosahexaenoic-acid, là một trong những axit béo không no (nhóm Omega-3). Ít ai biết rằng DHA chính là thành phần quan trọng cấu thành nên não bộ của cơ thể con người (18 - 20%), đồng thời trong cấu tạo võng mạc mắt cũng chứa khoảng 50 - 60% thành phần là DHA.
Đối với người trưởng thành thì DHA có chức năng làm giảm các chất có hại trong máu như triglyceride, cholesterol toàn phần và cholesterol xấu. Ngoài ra DHA còn giúp hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim và chứng xơ vữa động mạch.
Chính vì những lý do nêu trên, DHA luôn là dưỡng chất cần thiết nên được bổ sung cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - đối tượng đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thêm vào đó ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những em bé sinh non thì cơ thể trẻ chưa có chức năng chuyển DHA từ thực phẩm hay dầu thực vật sang DHA.
Đối với những trẻ này thì cách tốt nhất giúp tăng hàm lượng DHA trong cơ thể trẻ đó là trong vòng 24 tháng đầu đời trẻ cần được bú sữa mẹ bởi vì đây là nguồn dinh dưỡng cung cấp một lượng lớn DHA tự nhiên, rất tốt cho hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ nhỏ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên bổ sung khoảng 200mg DHA/ngày để thai nhi và trẻ nhỏ có đủ lượng DHA cần thiết. Còn những trẻ thiếu sữa mẹ hoặc không được bú sữa mẹ thì nên được bổ sung DHA qua những loại sữa công thức có thêm thành phần này.
DHA rất cần thiết đối với sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
DHA là axit béo cần thiết cho mọi trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ thuộc nhóm đối tượng dưới đây:
- Trẻ em ít ăn cá;
- Trẻ bị hen suyễn hoặc trong gia đình có người thân mắc hen suyễn;
- Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD);
- TRẻ bị rối loạn tâm lý hoặc hành vi;
2. Nên bổ sung DHA cho trẻ như thế nào?
Có 2 cách để trẻ được bổ sung đầy đủ DHA, cụ thể như sau:
2.1. Bổ sung DHA qua đường uống
- Đối với trẻ sơ sinh: theo các chuyên gia y tế thì sữa mẹ chính là nguồn DHA tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Mỗi ngày người mẹ nên nạp vào cơ thể tối thiểu khoảng 600 - 800 miligam DHA thông qua thực phẩm chức năng hoặc chế độ ăn uống hàng ngày. Trong trường hợp trẻ không bú sữa mẹ thì cần thay thế bằng sữa công thức. Lúc này cha mẹ nên nghiên cứu kỹ thông tin về sản phẩm sữa để lựa chọn loại sữa có hàm lượng DHA phù hợp nhất đối với trẻ;
- Đối với trẻ nhỏ: trẻ từ 1 - 6 tuổi thì đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của trí não và tim mạch. Do đó các bậc phụ huynh nên tăng cường bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu DHA;
- Trẻ từ 6 tuổi trở lên: thời kỳ trẻ bắt đầu đi học và cần đến sự vận động nhiều của trí não để tiếp thu kiến thức mới, xử lý nhiều thông tin, đòi hỏi sự tập trung cao độ và một trí nhớ tốt nên cha mẹ cũng có thể tham khảo các thực phẩm chức năng an toàn có chứa DHA theo khuyến cáo của các chuyên gia Nhi khoa.
Cha mẹ có thể bổ sung DHA cho trẻ thông qua thực phẩm chức năng do bác sĩ khuyên dùng
2.2. Bổ sung DHA cho trẻ bằng thực phẩm
Đối với trẻ sơ sinh thì như đã đề cập, trẻ em trong độ tuổi này nên được bú sữa mẹ hoàn toàn để có đủ lượng DHA cần thiết. Do đó người mẹ nên ăn thêm các thực phẩm giàu DHA như cá loại hạt, trứng, cá, sữa chua,...
Còn ở những trẻ đã ăn dặm và trẻ lớn hơn thì phụ huynh có thể tham khảo về việc xây dựng thực đơn ăn uống cho trẻ với đầy đủ các loại thực phẩm sau:
- Cá hồi: trong cá hồi có rất nhiều các chất bổ dưỡng, trong đó bao gồm cả DHA. Nhờ hương vị thơm ngon và có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau lại ít xương nên cá hồi rất phù hợp với trẻ nhỏ;
- Sữa chua: không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ vì chứa nhiều lợi khuẩn, sữa chua còn rất dễ ăn và giàu DHA tốt cho trí não của bé;
- Trứng: dù không chứa nhiều DHA như hai sản phẩm nêu trên nhưng trứng cũng là thực phẩm nên có trong danh sách này;
- Các loại hạt: dầu thực vật chứa trong các loại hạt tuy dồi dào nhưng lại không gây hại cho cơ thể, trái lại chúng còn cung cấp nhiều DHA. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại hạt hoặc uống sữa hạt để tăng độ thơm ngon và dễ hấp thu hơn.
3. Một số lưu ý trong quá trình bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Trước khi bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ chuyên khoa;
- Đối với các loại cá thì cần phải chú ý vì cá biển thường có chứa thủy ngân, do đó chỉ nên tiêu thụ một lượng cá vừa phải. Thay vào đó các bậc phụ huynh có thể cho bé dùng viên uống dầu cá theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không nên lạm dụng sản phẩm này vì nếu dùng quá liều hay dư thừa dầu cá có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm;
- Cha mẹ có thể bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh vào các bữa ăn trong ngày (trẻ bú mẹ thì sẽ được hấp thu DHA theo các cữ bú), hoặc đối với trẻ lớn hơn thì 2 thời điểm thích hợp nhất để bổ sung DHA đó là:
- Buổi sáng: trẻ nên được thêm DHA vào bữa ăn hoặc ăn cùng các thực phẩm khác như bơ đậu phộng, dầu ô liu, quả bơ, trứng,... vì các món ăn này sẽ giúp hỗ trợ DHA được hấp thu tốt hơn;
- Buổi tối: trước khi đi ngủ có thể bổ sung DHA cho trẻ vì điều này có tác dụng giúp trẻ có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Ngoài sữa mẹ, sữa công thức cũng là một nguồn cung cấp DHA dồi dào cho trẻ
Hy vọng rằng thông qua bài viết này các bậc cha mẹ đã có thêm một số kiến thức hữu ích về DHA cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đồng thời biết được các nguồn cung cấp DHA bổ dưỡng. Nếu bạn đang có nhu cầu khám dinh dưỡng cho trẻ và nhận được các tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa, hãy liên hệ với MEDLATEC thông qua hotline 1900565656. Tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hỗ trợ đặt lịch khám và tư vấn cho bạn về các dịch vụ tại viện.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!