Tin tức
Đau thần kinh tọa: Nhận biết 5 triệu chứng thường gặp
- 28/03/2022 | Đau thần kinh tọa kiêng ăn gì và nên ăn gì để giảm đau?
- 20/04/2023 | Bệnh nhân đau thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh?
- 01/03/2024 | Nhận biết đau thần kinh tọa từ biểu hiện tê chân khó chịu
1. Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh kéo dài từ thắt lưng xuống các ngón chân. Khả năng vận động hay cảm giác của các chi được quyết định bởi dây thần kinh này. Khi bạn có cảm giác đau xuất phát từ thắt lưng, sau đó lan tỏa xuống ngón chân, thậm chí là lan ra mông, đùi, cẳng chân, mắt cá thì gọi là đau thần kinh tọa.
Những người trong độ tuổi 30 - 50 rất dễ bị đau thần kinh tọa. Ngoài ra, người thừa cân, béo phì; người mắc bệnh tiểu đường hay người làm công việc khuân vác có nguy cơ cao mắc bệnh lý. Đau thần kinh tọa nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách thì có khả năng chữa khỏi. Ngược lại, phát hiện muộn và điều trị không hiệu quả thì bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt cũng như sức khỏe.
Dây thần kinh tọa bị viêm, tổn thương gây đau từ thắt lưng xuống chân
2. 5 triệu chứng thường gặp của đau thần kinh tọa
Để gia tăng hiệu quả điều trị và tránh được biến chứng thì bạn cần nhận biết được 5 dấu hiệu của đau thần kinh tọa sau.
Đau dọc đường đi dây thần kinh tọa
Đây chính là triệu chứng điển hình và đặc trưng nhất. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận được có cơn đau kéo dài từ thắt lưng xuống tới ngón chân và lan tỏa ra nhiều vùng khác. Trong một số trường hợp, bạn không thấy đau ở thắt lưng mà chỉ đau dọc chân.
Cảm giác đau khác nhau ở từng người, có người đau âm ỉ nhưng có người đau đột ngột; có người đau liên tục nhưng có người đau từng cơn. Đặc biệt, bạn sẽ đau nhiều hơn khi làm việc nặng, vận động mạnh, nhón chân, rướn người,… Nếu bệnh nghiêm trọng thì bạn chỉ cần ho hay hắt xì là cơn đau sẽ xuất hiện.
Co cứng cơ cạnh cột sống
Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do tình trạng viêm hay tổn thương ở dây thần kinh tọa làm cản trở máu lưu thông đến đây. Hệ quả là các cơ cạnh cột sống bị co cứng khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi vận động, đặc biệt là khi xoay người. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy cơ thể giống như bị cứng lại, kèm theo đó là cảm giác đau nhói ở thắt lưng.
Đau thần kinh tọa với cơn đau đặc trưng ở vùng thắt lưng
Hạn chế vận động ở chi dưới
Một triệu chứng khác của đau thần kinh tọa là các chi dưới bị hạn chế vận động. Điều này cũng dễ hiểu bởi tình trạng đau nhức ở đùi, cẳng chân, bàn chân, các ngón chân sẽ cản trở hoạt động của chân. Ở giai đoạn muộn của bệnh, bạn thậm chí còn đi lại khó khăn, không thể cúi người, nghiêng người, xoay người,…
Bất thường về tư thế
Do dây thần kinh tọa bị tổn thương và chèn ép nên dáng người của bạn có thể bị thay đổi. Lúc đứng thì không thẳng người mà có xu hướng nghiêng vẹo, lúc đi thì không đi thẳng mà đi tập tễnh, khập khiễng một cách chậm chạp. Đây không chỉ là triệu chứng mà còn được coi là biến chứng của đau thần kinh tọa.
Rối loạn một vài chức năng
Như đã nói ở trên, dây thần kinh tọa có nhiệm vụ chi phối vận động và kiểm soát cảm giác của chi dưới. Nếu dây thần kinh tọa bị tổn thương thì chi dưới sẽ xuất hiện hiện tượng rối loạn cảm giác như đau, tê, ngứa ran như kiến bò,… Kèm theo đó là rối loạn một vài chức năng như chức năng tiết mồ hôi, chức năng đại tiểu tiện,…
Đau thần kinh tọa gây rối loạn cảm giác ở chân
3. Làm gì nếu nghi ngờ bị đau thần kinh tọa?
Đau thần kinh tọa tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại làm suy giảm khả năng vận động và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán đau thần kinh tọa, bác sĩ sẽ thăm hỏi tiền sử bệnh lý cũng như các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, sau đó kiểm tra khả năng vận động, cảm giác và phản xạ của bạn để xác định vị trí đau và mức độ đau. Tiếp đến là chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:
- Chụp X-quang cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính CT.
- Điện cơ EMG.
Điều trị
Sau khi đã thăm khám và chẩn đoán, bạn sẽ được điều trị đau thần kinh tọa bằng các phương pháp sau.
Dùng thuốc
Chủ yếu là thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau, bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen. Nhưng lưu ý là nếu đau thần kinh tọa do dây thần kinh tọa bị chèn ép (thoát vị đĩa đệm) thì dùng thuốc sẽ không mang lại hiệu quả mà còn tiềm ẩn biến chứng cho dạ dày, gan, thận nếu uống quá nhiều.
Dùng thuốc để kiểm soát các cơn đau của bệnh
Phẫu thuật
Nếu bác sĩ nhận thấy dùng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh bị đau nặng kèm các biến chứng như giảm khả năng vận động, mất kiểm soát đại tiểu tiện,… thì có thể cân nhắc phẫu thuật. Và phẫu thuật cũng được áp dụng trong trường hợp đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm hoặc có khối u.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng
Những bài tập này giúp điều chỉnh vị trí cột sống, đồng thời, cải thiện sức mạnh của cơ bắp vùng lưng, nhờ đó, người bệnh vận động được linh hoạt hơn. Ngoài ra, thường xuyên tập vật lý trị liệu còn ngăn ngừa được bệnh tái phát.
Song song với tập vật lý trị liệu, người bệnh cần tập thể dục hàng ngày. Trong sinh hoạt, chú ý đến tư thế ngồi làm việc, nên chọn ghế ngồi có lưng tựa, tay vịn và phần chân chắc chắn. Đặc biệt, tránh khuân vác đồ nặng hay gập lưng, cúi người đột ngột để tránh bệnh tái phát.
Trên đây là các triệu chứng thường gặp của đau thần kinh tọa. Nếu đang nghi ngờ mắc bệnh lý này, bạn hãy đến Chuyên khoa Thần kinh của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám, điều trị. Để đặt lịch trước tiện lợi, Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!