1. Sữa không tiệt trùng
Sữa cung cấp canxi, protein và vitamin D để giúp bé phát triển xương, răng, tim mạch và hệ thần kinh một cách khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải tất cả các sản phẩm từ sữa đều an toàn và tốt cho sức khỏe. Theo chuyên gia dinh dưỡng về sức khỏe mẹ bầu và thai nhi, Sarah Krieger, phụ nữ có thai cần tuyệt đối tránh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
Một số loại sữa hay pho mát chưa tiệt trùng có chứa vi khuẩn Listeria, một loại vi trùng có thể gây sẩy thai. Vì vậy, việc kiểm tra thành phần có trong nhãn sữa, pho mát trước khi sử dụng là một việc làm cần thiết.
2. Thịt chế biến sẵn
Bữa sáng nhanh chóng, tiện lợi như bánh mỳ kẹp phù hợp vời hầu hết mọi người. Tuy nhiên, phụ nữ có thai thì cần tìm hiểu kỹ từng thành phần trong nguyên liệu. Các loại thịt chế biến sẵn như giăm bông, thịt nguội, xúc xích,… có nguy cơ cao chứa vi khuẩn Listeria.
Hầu hết người lớn đang khỏe mạnh sẽ không bị ảnh hưởng bởi loại vi khuẩn này, nhưng chắc chắn sẽ rất nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai. Nếu muốn ăn loại thực phẩm này, cần được chế biến ở nhiệt độ trên 165 độ để diệt vi khuẩn Listeria. Vì vậy, cách tốt nhất là tự chế biến bữa ăn của mình để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé.
3. Rau sống cùng các loại salad trộn sẵn
Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích tuyệt vời của rau xà lách cùng các loại rau củ, trái cây tươi. Nhưng các loại rau ăn sống hay salad chế biến sẵn không được rửa kỹ hoặc để ở bên ngoài quá 2 tiếng đồng hồ, sẽ dễ xuất hiện các loại vi khuẩn Salmonella , Listeria , hay E. Coli, vô cùng nguy hiểm đến hệ tiêu hóa và sức khỏe. Vì vậy để an toàn hơn, bạn nên tự chế biến món này thay vì mua chế biến sẵn ngoài cửa hàng.
4. Nước ép trái cây chưa tiệt trùng
Nước ép là cách bổ sung thêm trái cây và rau củ vào chế độ ăn uống của bạn một cách rất “dễ chịu”. Tuy nhiên, nước ép chế biến ngoài hàng sẽ không được an toàn, dễ dàng chứa vi khuẩn E. coli hoặc Listeria. Vì vậy, bạn nên tự làm tại nhà hoặc lựa chọn các loại nước đóng sẵn đã được tiệt trùng.
5. Thịt và cá sống hoặc tái
Hãy nói lời tạm biệt ngay với các món như thịt bò bít tết hay sushi trong thời gian mang thai. Bạn phải chắc chắn rằng các loại thịt mình ăn được nấu chín ở nhiệt độ ít nhất là 145 độ. Nếu cẩn thận, có thể chuẩn bị sẵn nhiệt kế trong nhà bếp.
6. Trứng chưa nấu chín
Trứng là một nguồn cung cấp protein, vitamin, và khoáng chất vô cùng tuyệt vời. Khi mang thai, bạn nhất định phải chắc chắn rằng trứng đã được nấu chín hoàn toàn trước khi ăn. Các loại thực phẩm được chế biến từ trứng sống như: kem tự làm, mayonnaise, một vài loại nước sốt, trứng chần,… nên loại bỏ.
Không chỉ vậy, bạn nên để ý kỹ hạn sử dụng của trứng và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
7. Cà phê
Uống quá nhiều cà phê, đồng nghĩa với việc nạp một lượng lớn caffeine có thể dẫn đến trường hợp xấu nhất là sẩy thai. Vì vậy bạn cần cắt giảm khẩu phần loại đồ uống này trong thời gian mang bầu. Một tin đáng mừng là, bạn vẫn có thể sử dụng khoảng 200mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 1-2 tách cà phê.
8. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao
Phụ nữ mang thai cần tránh ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, vì chất này thường có xu hướng tích tụ lâu trong cơ thể, gây hại đến hệ thần kinh mẹ và bé. Tránh ăn các loại cá sau: cá thu, cá ngừ đóng hộp.
Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể bổ sung protein và các axit béo omega-3 từ các loại thực phẩm có hàm lượng thủy ngân thấp như: cá rô phi, cá hồi, sò, cá ngừ trắng.
9. Gan
Gan có chứa hàm lượng rất lớn vitamin A, chất cần thiết cho quá trình phát triển phôi thai của bé. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ mang thai đã hấp thụ đủ số vitamin A cần thiết từ các loại trái cây, rau quả, thịt, sữa và trứng. Nếu hấp thụ quá nhiều vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ, vì vậy phụ nữ cần tránh loại thực phẩm này trong thời gian mang thai.
10. Rượu
Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nào chỉ ra rằng, một lượng rượu nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên mẹ bầu cần tránh tất cả các loại rượu trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu tiên.