Các tin tức tại MEDlatec

Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ: Những điều ba mẹ nhất định phải biết

Ngày 06/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ có thể để lại biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, tích cực. Dưới đây là những thông tin quan trọng về xoắn tinh hoàn mà ba mẹ nhất định phải biết để có cách xử trí kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe con em.

1. Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ là gì?

Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn do tinh hoàn tự xoay quanh trục làm tắc nghẽn mạch máu, khiến máu lưu thông đến tinh hoàn bị giảm. Trường hợp xoắn nặng hay kéo dài có thể làm ngưng vận chuyển máu đến tinh hoàn, nếu không được cấp cứu sẽ gây mất máu cục bộ, dẫn đến tinh hoàn hoại tử.

Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 2-15 tuổi, có nguy cơ cao ở trẻ sinh đôi mà trẻ là con thứ 2. Xoắn tinh hoàn được chia thành 3 dạng chính: 

  • Loại 1: Xoắn tinh hoàn và mào tinh trong màng, thường gặp ở trẻ lớn.
  • Loại 2: Xoắn tinh hoàn và mào tinh ngoài màng.
  • Loại 3: Xoắn tinh hoàn còn mào tinh hoàn bình thường. 

Xoắn tinh hoàn gây tắc nghẽn mạch máu, ngừng cung cấp máu đến tinh hoàn

2. Dấu hiệu xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ

Ba mẹ có thể nhận biết xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ thông qua các dấu hiệu sau.

Đối với trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị xoắn tinh hoàn có các dấu hiệu như tinh hoàn to, sờ vào thấy cứng, có trường hợp sờ vào còn không thấy được tinh hoàn do tinh hoàn đã bị tiêu trước đó. Ngoài ra, da bìu sẫm màu hoặc nhợt nhạt, bìu không có nếp nhăn. Sau sinh vài giờ, trẻ sẽ xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu khác như quấy khóc, bỏ bú và sốt. 

Đối với trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ bị xoắn tinh hoàn có rất nhiều dấu hiệu dễ nhận biết, bao gồm:

  • Trẻ quấy khóc và kêu đau vùng bìu, có thể là đau một hoặc hai bên bìu, sau đó cơn đau lan lên bẹn và hố chậu. Cảm giác đau đột ngột, dữ dội và có thể không liên tục.
  • Vùng bìu sưng to và bắt đầu chuyển đổi màu sắc, trở nên đỏ hơn hoặc bầm tím. Đây là một dấu hiệu rất nguy hiểm, tiên lượng xấu nếu cấp cứu chậm trễ.
  • Khi nâng bìu lên thì cảm giác đau không thuyên giảm. Dựa vào triệu chứng này sẽ phân biệt được trẻ bị xoắn tinh hoàn hay viêm tinh hoàn.
  • Trẻ buồn nôn và nôn. Trẻ có thể bị sốt hoặc không sốt.
  • Rối loạn tiểu tiện, đi tiểu nhiều nhưng tiểu khó. 

Trẻ bị xoắn tinh hoàn sẽ quấy khóc nhiều và kêu đau ở bìu

3. Mức độ nguy hiểm của xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ

Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ được đánh giá là nguy hiểm. Trước hết, tình trạng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn. Nếu chẩn đoán sai sẽ dẫn đến điều trị sai, khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ tinh hoàn. 

Đặc biệt, xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ điều trị càng trễ thì tỷ lệ thành công càng thấp. Trong vòng 6 giờ đầu ngay sau khi xuất hiện triệu chứng đau bìu, nếu được cấp cứu kịp thời thì có thể bảo tồn được tinh hoàn. Trường hợp điều trị muộn hơn thì khả năng “cứu” được tinh hoàn chỉ còn 20 - 50%. Nghiêm trọng hơn là sau 24 giờ, tinh hoàn bị thiếu máu nghiêm trọng nên đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ.

Nếu cắt bỏ một bên tinh hoàn thì khả năng sinh sản của trẻ sau này sẽ bị giảm 50%. Trường hợp đáng tiếc là xoắn 2 bên tinh hoàn và cắt bỏ hoàn toàn tinh hoàn trong bìu thì trẻ sẽ bị vô sinh. Đó là chưa kể việc chỉ còn một tinh hoàn hay không có tinh hoàn nào sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ. Vì vậy, ba mẹ tuyệt đối không được chủ quan với các triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ để có cách xử trí và can thiệp kịp thời.

Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ để lại biến chứng nặng nề cho sức khỏe và tâm lý

4. Điều trị và phòng ngừa xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ

Như đã nói ở trên, trẻ nhỏ bị xoắn tinh hoàn cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Việc chẩn đoán xoắn tinh hoàn tương đối phức tạp do hiện tượng này dễ nhầm lẫn với viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn. Bác sĩ có thể kết hợp chẩn đoán hình ảnh với thăm dò chức năng (phẫu thuật mở bìu thăm dò) để xác định chính xác tình trạng. Sau đó tiến hành mổ tháo xoắn tinh hoàn. Riêng đối với trẻ sơ sinh bị xoắn tinh hoàn thì bác sĩ có thể không phẫu thuật ngay mà trì hoãn và theo dõi trong vài tháng. 

Mổ tháo xoắn tinh hoàn nhằm mục đích tháo xoắn thừng tinh và phục hồi việc lưu thông máu đến tinh hoàn. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ ngăn ngừa xoắn tinh hoàn tái phát bằng cách cố định tinh hoàn đúng vị trí trong bìu, không để tinh hoàn bị “lỏng lẻo”. Sau khi mổ tháo xoắn, trẻ sẽ được kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng một lần để bác sĩ theo dõi tinh hoàn có bị teo hay không. 

Đối với phòng ngừa thì thực tế, không thể phòng ngừa xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Ba mẹ chỉ có thể kiểm tra bìu của con thường xuyên để xem có bất thường gì không. Đặc biệt, với trẻ lớn, khi cho trẻ chơi thể thao thì cần có trang phục bảo hộ.

Ba mẹ chú ý cẩn thận khi cho con chơi thể thao để tránh những va chạm vào vùng kín

Nếu phát hiện bìu của trẻ không đều 2 bên (bên to bên nhỏ, bên cao bên thấp), sờ vào thấy cứng như khối u, trẻ cảm giác sưng đau ở bìu,… thì ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám.

Hiện nay, với các trường hợp xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ hoặc trẻ có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa bé đến Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC để kiểm tra. Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm và tâm huyết tại đây sẽ trực tiếp thăm khám và đưa ra hướng điều trị hiệu quả cho bé yêu nhà bạn. Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm về dịch vụ và chủ động đặt lịch trước.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map