Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về thuốc chống đột quỵ của Nhật và có nên sử dụng không?
- 07/08/2024 | Thuốc chống đột quỵ Hàn Quốc - Ẩn họa khôn lường nếu sử dụng bừa bãi
- 01/05/2024 | Thuốc dự phòng đột quỵ và những câu hỏi thường gặp
- 31/10/2023 | Tìm hiểu về thân não và bệnh đột quỵ thân não
- 30/11/2023 | Những lưu ý khi cấp cứu đột quỵ tại chỗ
- 14/08/2024 | Viên uống chống đột quỵ Nattokinase 2000fu Orihiro Nhật Bản: Tác dụng và những lưu ý khi dùng
1. Thuốc chống đột quỵ của Nhật là gì?
Hầu hết các loại thuốc chống đột quỵ của Nhật Bản đang được bày bán trên thị trường đều thuộc dòng sản phẩm thực phẩm chức năng với một số cái tên nổi bật như Ngưu hoàng thanh viễn và Ngưu hoàng thanh tâm nguyên. Đây đều là sản phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản, sản xuất bởi các hãng dược quen thuộc như Nihon Seiyaku Kogyo, Nippon.
Thuốc chống đột quỵ của Nhật
Phần lớn thuốc chống đột quỵ xuất xứ từ Nhật Bản đều có thành phần từ nhiều loại dược liệu khác nhau và tùy theo từng loại thuốc, các thành phần này sẽ có sự thay đổi.
2. Có nên sử dụng thuốc chống đột quỵ của Nhật không?
Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra khuyến cáo cụ thể nào về các sản phẩm thuốc chống đột quỵ xuất xứ từ Nhật Bản. Do vậy, bạn không nên tự ý mua về dùng nếu chưa đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe và tham khảo tư vấn của bác sĩ.
Mọi người không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ
Trong thực tế, đã có khá nhiều trường hợp nhập viện do gặp phải biến chứng như rối loạn khả năng đông máu, suy hô hấp, hôn mê, suy gan,... do sử dụng một số loại thuốc được cho là có khả năng chống đột quỵ mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tốt nhất trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn đều phải tham khảo qua tư vấn của bác sĩ. Nếu đang dùng thuốc mà nhận thấy triệu chứng khác thường, bạn cần kịp thời đến cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị.
3. Các loại thuốc chống đột quỵ thứ cấp khác bạn có thể tham khảo
Không giống như các dòng thuốc chống đột quỵ Nhật, thuốc chống đột quỵ thứ cấp là thuốc được kê theo đơn sau khi đã được bác sĩ thăm khám tình trạng, cụ thể như sau:
3.1. Thuốc kháng tiểu cầu
Các loại thuốc kháng tiểu cầu có tác dụng làm giảm tình trạng tiểu cầu liên kết lại với nhau, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, từ đó giúp phòng đột quỵ. Chủng loại của thuốc kháng tiểu cầu trên thị trường khá đa dạng nhưng hay được sử dụng nhất vẫn là một số loại thuốc nằm trong nhóm ASA như Aspirin, Acetylsalicylic Acid,...
Thuốc kháng tiểu cầu giúp giảm tình trạng tiểu cầu liên kết lại với nhau
Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng nhóm thuốc này. Bởi có những loại thuốc kháng tiểu cầu dễ xuất huyết dạ dày, dị ứng và nhiều tác dụng phụ khác.
3.2. Thuốc làm tan máu đông
Tình trạng xơ vữa tích tụ, kết hợp với tiểu cầu gắn với sợi fibrin sẽ dẫn đến sự hình thành nhiều cục máu đông. Chúng là nguyên nhân gây tắc nghẽn máu não, tăng nguy cơ đột quỵ. Nếu để tự nhiên, có thể cục máu đông sẽ chỉ vỡ một phần và để làm tan phần máu vẫn còn đông thì người bệnh cần dùng thuốc tan máu.
tPA hay Plasminogen hiện là loại thuốc có khả năng làm tan máu đông được sử dụng khá phổ biến trong điều trị đột quỵ. Nhìn chung, đây là nhóm thuốc chống đột quỵ khẩn cấp, chủ yếu chỉ định trong trường hợp người bệnh xuất hiện các cục máu đông cỡ lớn. Tuy nhiên, loại thuốc này không được dùng cho người bị xuất huyết não.
3.3. Thuốc chống đông máu
Tác dụng chính của nhóm thuốc này là ngăn chặn tình trạng đông máu. Khi sử dụng thuốc chống đông máu, máu đông sẽ khó hình thành, làm giảm nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não.
Tuy nhiên chính bởi tác dụng làm tan máu nên loại thuốc này thường không được sử dụng cho đối tượng bị chấn thương, huyết áp tăng, hay dùng rượu bia,... Trước khi dùng thuốc, người bệnh phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn, không tự ý mua về dùng khi chưa khám xét.
3.4. Thuốc điều chỉnh giảm cholesterol
Lượng cholesterol trong máu tăng cao được xem như một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Thị trường hiện nay đã có một số loại thuốc giúp làm giảm cholesterol, hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ.
Trong đó, phổ biến nhất phải kể đến nhóm thuốc Statin. Nhóm thuốc này có khả năng ngăn chặn HMG-CoA reductase (tác nhân kích thích hình thành cholesterol). Nhờ đó, tình trạng xuất hiện mảng bám tại mạch máu cũng giảm bớt, hỗ trợ phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.
3.5. Thuốc hạ huyết áp
Nhóm thuốc này gồm nhiều loại. Chẳng hạn như thuốc ngăn chặn thụ thể, thuốc ngăn chặn hay ức chế men chuyển, thuốc hỗ trợ lợi tiểu.
Người có tiền sử bị đột quỵ, huyết áp lâm sàng lớn hơn 140/90mmHg có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp. Phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc giảm huyết áp, phòng ngừa đột quỵ phù hợp.
3.6. Thuốc dự phòng đột quỵ
Các loại thuốc dự phòng đột quỵ như Dipyridamole, Aggrenox,... chủ yếu chỉ định cho nhóm đối tượng có nguy cơ. Chẳng hạn như người sinh ra trong gia đình có thành viên từng bị đột quỵ, người mắc bệnh lý về máu.
4. Người khỏe mạnh có cần phải dùng thuốc chống đột quỵ không?
Trước tình trạng đột quỵ ngày càng tăng, không ít người đã tìm mua và sử dụng thuốc chống đột quỵ của Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Thế nhưng cho đến nay, tác dụng của các loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh cụ thể.
Nếu sức khỏe vẫn bình thường, bạn không nhất thiết phải dùng thuốc phòng đột quỵ
Ngay cả một số loại thuốc chống đột quỵ trong Tây y cũng chỉ phù hợp dùng cho người tiền có tiền sử bị đột quỵ cần phòng ngừa tái phát, người thuộc nhóm nguy cơ cao và đã đi bác sĩ thăm khám. Còn nếu vẫn khỏe mạnh bình thường, không nằm trong nhóm nguy cơ bị đột quỵ, bạn không nhất thiết phải dùng thuốc.
Thay vì dùng thuốc, bạn nên cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích, tập luyện thể thao mỗi ngày,... Trường hợp lo lắng bản thân có nguy cơ bị đột quỵ, bạn nên chủ động đi khám để được bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa.
5. Cách phòng đột quỵ không cần sử dụng thuốc
Ngoài dùng thuốc, bạn vẫn có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ thông qua một vài thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như:
- Duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Không nên thức khuya, cố gắng ngủ khoảng 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ưu tiên bổ sung các loại rau, củ, trái cây, thịt trắng, ngũ cốc. Đồng thời, bạn cần hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm tập trung nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu đường hoặc muối, thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản, các loại thịt đỏ.
- Tập luyện thể chất hàng ngày: Mỗi ngày, bạn nên thu xếp thời gian luyện tập khoảng 20 đến 30 phút cho những bài tập vận động như chạy bộ, yoga, đạp xe.
- Tránh xa căng thẳng: Bạn nên dành thời gian thư giãn, không suy nghĩ quá nhiều.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Ví dụ như rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, chất gây nghiện.
- Theo dõi và kiểm soát lượng cholesterol: Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để chủ động kiểm soát Cholesterol trong máu.
- Theo dõi chỉ số huyết áp: Đo huyết áp hàng ngày, đi khám kịp thời khi nhận thấy thay đổi bất thường của huyết áp.
- Khám tầm soát đột quỵ định kỳ: Để xác định sớm nguy cơ và tìm cách ngăn chặn kịp thời.
Thuốc chống đột quỵ của Nhật bày bán ngày càng rộng rãi trên thị trường. Chất lượng của các sản phẩm này rất khó kiểm soát, tác dụng chưa được nghiên cứu chứng minh cụ thể. Do vậy, tốt nhất bạn không nên tự ý mua về sử dụng. Thay vào đó, bạn hãy duy trì lối sống lành mạnh, khám tầm soát đột quỵ tại các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi vào số 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!