Các tin tức tại MEDlatec

Thông tin chi tiết về thuốc Trimeseptol tiêu chảy

Ngày 25/07/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Trimeseptol là thuốc kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn, bao gồm cả triệu chứng tiêu chảy. Là thuốc kê đơn hạn chế nên khi sử dụng Trimeseptol tiêu chảy, bạn nhất định phải tuân theo hướng dẫn của người có chuyên môn.

1. Tổng quan về thuốc Trimeseptol tiêu chảy

Trimeseptol là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây - Việt Nam. Thuốc bào chế dạng viên nén, 1 vỉ có 20 viên, đóng gói trong hộp 25 vỉ.

Thành phần

Thành phần chính của thuốc Trimeseptol là Sulfamethoxazol (400 mg) và Trimethoprim (80 mg). Ngoài ra, còn có các thành phần tương tự như Cotrim, Bactrim, Co-Trimoxazole cùng tá dược vừa đủ.

Tác dụng

Loại thuốc này có khả năng ngăn chặn và ức chế sự phát triển cũng như sinh trưởng của các vi khuẩn nhạy cảm. Vì vậy, thuốc được chỉ định trong trường hợp cần điều trị các bệnh: nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy, thương hàn), nhiễm khuẩn đường tiết niệu (cấp và mãn tính, viêm tuyến tiền liệt), nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa).

Thuốc Trimeseptol có tác dụng cao trong điều trị nhiễm khuẩn

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc

Khi dùng thuốc, bạn phải luôn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì thuốc kháng sinh này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Liều dùng

Tùy vào bệnh lý và tình trạng bệnh mà bác sĩ chỉ định liều dùng phù hợp. Nếu dùng thuốc Trimeseptol trị tiêu chảy thì liều dùng tham khảo như sau.

  • Người lớn: Uống 2 lần/ ngày, mỗi lần 2 viên và uống liên tục trong 5 - 7 ngày.
  • Trẻ em từ 12 tuổi: Uống 6 - 8mg Trimethoprim/kg + 30 - 40mg Sulfamethoxazole/ kg/ ngày, chia làm 2 lần. Uống liên tục trong 5 - 7 ngày. Hoặc bác sĩ cũng có thể điều chỉnh liều dùng theo số tuổi và cân nặng của trẻ. 

Cách dùng

Thuốc Trimeseptol tiêu chảy được dùng qua đường uống. Bạn nên uống với 150 - 200ml nước lọc. Hãy uống thuốc nguyên viên, không bẻ, nghiền hay nhai nát. Thời điểm tốt nhất để uống thuốc là trong bữa ăn nhằm tránh kích ứng cho hệ tiêu hóa.

Thuốc Trimeseptol tiêu chảy được uống cùng nước lọc

3. Lưu ý khi sử dụng

Bản chất là thuốc kháng sinh kê đơn hạn chế nên có nhiều lưu ý quan trọng mà bạn không được bỏ qua khi sử dụng thuốc Trimeseptol tiêu chảy.

Tác dụng phụ

Trong quá trình điều trị tiêu chảy bằng thuốc Trimeseptol, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau bụng, ngứa ngáy và phát ban. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu dữ dội, chóng mặt, choáng váng, lú lẫn, thiếu máu, giảm bạch cầu, và suy giảm chức năng gan thận.

Tương tác thuốc 

Thuốc Trimeseptol có thể xảy ra tương tác với một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc hạ đường huyết,… Sự tương tác này vừa làm giảm tác dụng điều trị, vừa gia tăng tác dụng phụ. Đó là lý do bạn cần liệt kê các loại thuốc đang sử dụng hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây cho bác sĩ.

Đối tượng sử dụng đặc biệt

Không sử dụng thuốc Trimeseptol tiêu chảy cho các trường hợp sau.

  • Người mẫn cảm, có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
  • Người bị suy giảm chức năng gan thận.
  • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. 

Riêng với các trường hợp dưới đây, nên cân nhắc và thận trọng khi sử dụng thuốc.

  • Người già: Hệ miễn dịch yếu, chức năng của gan thận suy giảm, dùng thuốc làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.
  • Người bị thiếu máu do thiếu axit folic: Thuốc có thể cản trở quá trình chuyển hóa axit folic khiến tình trạng thêm nghiêm trọng.
  • Người bị hen phế quản.
  • Người bị tiêu chảy nặng và mất nước nghiêm trọng.

Không dùng Trimeseptol tiêu chảy cho phụ nữ mang thai

Xử trí khi quên liều hoặc quá liều

Việc quên liều hay quá liều đều có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả điều trị và sức khỏe. Vì thuốc Trimeseptol là kháng sinh nên quên liều sẽ làm giảm hiệu quả điều trị và dễ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Do đó, hãy cố gắng uống ngay khi nhớ, nhưng nếu quá gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua.

Trường hợp quá liều, thuốc Trimeseptol tiêu chảy có thể gây đau đầu, nôn, ức chế tủy, bất tỉnh,… Lúc này, cần nhanh chóng đi cấp cứu để được gây nôn, rửa dạ dày và điều trị tích cực để tránh biến chứng nguy hiểm.

4. Lời khuyên cho người bị tiêu chảy

Ngoài sử dụng thuốc Trimeseptol tiêu chảy theo toa của bác sĩ thì người bị tiêu chảy cần lưu ý:

Bổ sung nước 

Khi bị tiêu chảy, cơ thể dễ bị suy nhược và mệt mỏi do mất nước. Vì thế, bạn cần uống nhiều nước, như nước lọc, nước dừa và dung dịch điện giải để bổ sung nước cho cơ thể. Thời gian lý tưởng để uống là sau mỗi lần đi ngoài.

Uống trà hoa cúc

Phương pháp này được nhiều người sử dụng để điều trị tiêu chảy do hiệu quả và độ an toàn cao. Hoa cúc chứa tannin, một chất có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus, giúp điều trị viêm ruột và tiêu chảy. Bạn chỉ cần pha trà hoa cúc với nước sôi, chờ 15 phút rồi uống. Có thể uống nhiều lần trong ngày cho đến khi triệu chứng cải thiện.

Uống trà hoa cúc giúp điều trị tiêu chảy và mang đến cảm giác thư giãn, dễ chịu

Ăn sữa chua

Sữa chua là một thực phẩm tuyệt vời cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Nó bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột và tạo ra axit lactic để tiêu diệt các vi khuẩn gây hại. Vì vậy, khi bị tiêu chảy, bạn có thể ăn sữa chua để mau khỏi.

Ăn lá mơ lông

Một cách trị tiêu chảy khác mang lại hiệu quả không kém là ăn lá mơ lông. Bạn chuẩn bị 1 nắm lá mơ lông, rửa sạch với nước muối loãng rồi vớt ra, để ráo nước, cắt nhỏ. Sau đó đập vào 1 quả trứng gà, thêm ít gia vị, trộn đều và đem đi chiên. Ăn 2 lần/ ngày sẽ thấy tình trạng đi ngoài thuyên giảm. 

Nghỉ ngơi nhiều hơn

Việc đi ngoài nhiều lần và đi toàn phân lỏng sẽ khiến bạn nhanh chóng mất sức. Vì vậy, hãy tập trung nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể mau hồi phục. Nếu tiêu chảy kèm đau bụng, hãy chườm khăn ấm hoặc túi nước ấm lên bụng để thuyên giảm cơn đau.

Trên đây là những thông tin chi tiết về thuốc Trimeseptol tiêu chảy cùng các cách trị tiêu chảy đơn giản tại nhà. Để đặt lịch khám tại Chuyên khoa Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
Baidu
map