Các tin tức tại MEDlatec
Nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện tác nhân gây bệnh
- 20/02/2020 | Xét nghiệm kết quả nCov âm tính, bạn nên kiểm tra thế nào để tránh bỏ sót bệnh?
- 21/02/2020 | Cập nhật mới nhất về chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa và quản lý bệnh Virus Corona-19 (COVID-19)
- 21/02/2020 | Sinh hoạt chuyên môn: Tiếp cận, xử trí COVID-19 tại MEDLATEC
- 18/02/2020 | BVĐK MEDLATEC thực hiện tốt công tác sàng lọc bệnh nhân trước khám để phòng chống dịch COVID-19
1. Nhiễm khuẩn đường hô hấp là gì?
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là tình trạng nhiễm khuẩn tại các cơ quan của bộ máy hô hấp, thường được phân loại thành nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên rất hay gặp, biểu hiện bệnh lý đa dạng nhiều mức độ, nhẹ có thể từ cảm lạnh thông thường tự khỏi, hay có các triệu chứng viêm long đến nặng có thể phải cấp cứu như viêm thanh thiệt.
Hình 1: Hệ hô hấp
Viêm đường hô hấp trên bao gồm: viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan... Nhiễm virus gây cúm thường gây viêm đường hô hấp trên, nhưng cũng thể gây ra biến chứng viêm phổi do cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn thuộc đường hô hấp dưới. Nguyên nhân thường gặp gây ra nhiễm khuẩn đường hô hấp trên khác nhau tuỳ từng bệnh lý, có thể do virus, vi khuẩn và nấm.
Viêm đường hô hấp dưới bao gồm: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi cộng đồng, áp xe phổi, hay một số tình trạng nhiễm trùng đặc hiệu như lao phổi, nấm phổi. Trên thế giới, các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra gánh nặng bệnh tật nhiều hơn so với các bệnh lý khác như tim mạch, ung thư, nhiễm HIV... Trong đó, viêm phổi cộng đồng là một bệnh lý thường gặp, có thể tiến triển nặng gây nhiều biến chứng.
2. Một số bệnh viêm đường hô hấp hay gặp
2.1. viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm của niêm mạc họng mà nguyên nhân chủ yếu là do một số loại virus gây ra. Ngoài ra nguyên nhân do vi khuẩn chiếm khoảng 30%. Viêm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều hơn ở trẻ nhỏ, vào mùa đông xuân, tỷ lệ mắc bệnh không liên quan đến giới và chủng tộc.
Viêm họng có biểu hiện lâm sàng bao gồm có sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, ho khan hoặc kèm ít đờm, ở trẻ nhỏ có thể có nôn, tiêu chảy. Bệnh viêm họng có thể gây nên một số biến chứng như áp xe quanh amidan, áp xe khoảng bên họng, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh khí phế quản, biến chứng xa như thấp tim trong nhiễm GABHS.
2.2. Viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc phủ bề mặt của một một hay nhiều xoang mặt, gây ra bởi sự tắc nghẽn phức tạp của tai mũi họng, thường do virus đường hô hấp trên, nguyên nhân vi khuẩn ít gặp hơn như S. pneumonia, H. influenza, Moraxella catarrhalis, và các vi khuẩn kỵ khí. Yếu tố nguy cơ góp phần như hen phế quản, polyp mũi, tình trạng suy giảm miễn dịch. Viêm mũi xong được chia thành hai loại cấp tình và mạn tính. Điều trị nhằm kiểm soát nhiễm trùng, giảm phù nề mô, dẫn lưu mủ, duy trì thông thoáng cho xoang và điều trị nguyên nhân.
2.3. Viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc cấp của thanh quản kéo dài dưới 3 tuần. Tác nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn hay có thể do nguyên nhân nấm. Bên canh đó một số yếu tố nguy cơ thúc đẩy mắc bệnh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, trào ngược dạ dày-thực quản.
Biểu hiện lâm sàng có sốt, đau họng, khàn tiếng, khó nuốt, viêm long đường hô hấp. Thông thường bệnh có thể tự khỏi. Điều trị bao gồm điều trị giảm triệu chứng như chống viêm, giảm đau, khí dung, sử dụng kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn do nguyên nhân vi khuẩn.
2.4. Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm tại phế quản, do nguyên nhân virus thường gặp như coronavirus, rhinovirus, virus cúm hoặc á cúm; nguyên nhân vi khuẩn như Mycoplasma pneumonia, Chlamydophila pneumonia và vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis. Viêm phế quản được phân loại thành 2 dạng: viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn.
Triệu chứng chung của viêm phế quản là ho, có hoặc không có đờm, đờm có thể trong, hơi xanh hay có màu vàng nâu, thường không có triệu chứng sốt. Một số triệu chứng khác có thể giống với một số viêm đường hô hấp trên như đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chảy nước mũi. Bệnh được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng.
2.5. Viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng bao gồm các nhiễm khuẩn phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện, biểu hiện bằng viêm phổi thùy, viêm phổi đốm hoặc viêm phổi không điển hình. Đặc điểm chung là có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ trên phim X quang phổ. Bệnh do vi khuẩn, vi rút, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao. Đây là bệnh lý thường gặp trong thực hành nội, nhi khoa.
Hình 2: Hình ảnh phổi trên phim chụp X-quang của bệnh nhân viêm phổi
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phổi và viêm phổi nặng bao gồm tuổi cao, nghiện rượu, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, COPD, giãn phế quản, biến dạng lồng ngực, gù vẹo cột sống.
3. Nguyên nhân vi sinh trong một số bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và mẫu bệnh phẩm thích hợp
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên |
Tác nhân |
Mẫu bệnh phẩm |
Viêm họng |
Thường gặp do các virus đường hô hấp Nguyên nhân vi khuẩn chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi do Streptococcus pyogens |
Dịch phết thành sau họng và hạch Amidan |
Viêm xoang |
Thường gặp: Rhinovirus, Parainfluenza virus, Influenza virus. Ít gặp: Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenzae. |
Mẫu dịch xoang trực tiếp (lấy qua nội soi xoang, thủ thuật tính xâm lấn) |
Viêm tai giữa |
Hay gặp: Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenzae Ít gặp: S. pyogens, Moraxella catarrhalis, Staphylococcus aureus |
Mẫu bệnh phẩm lấy qua thủ thuật chọc màng nhĩ (Typanocentesis) |
Viêm thanh thiệt |
Hay gặp: Streptococci, Staphylococci, H. influenzae type B. Ít gặp: H. parainfluenzae |
Mẫu phết trực tiếp thanh thiệt (cần đảm bảo an toàn thông khí) |
Ho gà |
Hay gặp: Bordetella pertussis, Bordetella parapertussis Ít gặp: Bordetella bronchiseptica, Bordetella holmesii |
Mẫu phết dịch hầu họng |
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới |
Tác nhân |
Mẫu bệnh phẩm |
Viêm phế quản, viêm tiểu phế quản |
Hay gặp: RSV, Influenzae virus và các virus hô hấp khác Ít gặp: Mycoplasma pneumonia, Chlamydophila pneumonia, Bordetella pertussis |
Dịch hầu họng hoặc mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới |
Viêm phổi cộng đồng |
Trẻ em: Hay gặp: RSV, Influenzae A/B, Parainfluenzae 1/2/3, Adenovirus, M. pneumonia Ít gặp: S. pneumonia, Staphylococcus aureus, H. influenzae, Group B Streptococci Người lớn: Hay gặp: S. pneumonia Ít gặp: M. pneumonia, H. influenzae, Chlamydophila pneumonia, Legionella pneumophila, các virus hô hấp. |
Mẫu đờm khạc sâu |
Viêm phổi liên quan chăm sóc y tế |
Vi khuẩn gram (-), Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenzae, Legionella pnemophila |
|
Viêm phổi hít |
Nhiều vi khuẩn hiếu khí, đôi khi do vi khuẩn kỵ khí. |
Mẫu đờm khạc có thể ít giá trị. Mẫu bệnh phẩm lấy qua nội soi phế quản khi cần thiết. |
4. Xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp
Bên cạnh các xét nghiệm chung được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp như tổng phân tích tế bào máu, marker viêm (CRP, Procalcitonin), các test nhanh chẩn đoán hay nuôi cấy thì kỹ thuật sinh học phân tử ngày nay được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng để phát hiện nguyên nhân gây bệnh nhờ độ nhạy cao hơn, thời gian nhanh hơn so với các xét nghiệm truyền thống.
Hình 3: Xét nghiệm sinh học phân tử mang lại kết quả nhanh, chính xác
Nhờ kỹ thuật Realtime PCR với việc sử dụng cùng lúc nhiều primer đặc hiệu với các tác nhân , các xét nghiệm sinh học phân tử có thể phát hiện được đồng thời nhiều nguyên nhân gây bệnh, từ đó hỗ trợ bác sỹ lâm sàng điều chỉnh phác đồ điều trị thích hợp trong từng trường hợp. Mẫu bệnh phẩm sử dụng trong xét nghiệm là những mẫu dịch lấy từ đường hô hấp như hầu họng, mũi sau, đờm, dịch rửa phế quản.
Xét nghiệm Panel virus trong nhiễm khuẩn hô hấp có thể được sử dụng để phát hiện đồng thời nhiều tác nhân sau:
- Virus cúm A/B
- Virus á cúm type I, II, III và IV
- Virus hợp bào hô hấp (RSV)
- Adenovirus
- Rhinovirus
- Enterovirus
- Bocavirus
- Metapneumoviruse
- Coronavirus: nhóm alpha (OC43), nhóm beta (229E/NL63) và nhóm gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV)
Xét nghiệm Panel vi khuẩn trong nhiễm khuẩn hô hấp:
- Streptococcus pneumoniae (phế cầu)
- Haemophilus influenzae
- Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
- Legionella pneumophila
- Moraxella catarrhalis
- Mycoplasma pneumoniae
- Chlamydophila pneumoniae
- Klebsiella pneumoniae
- Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)
- Bordetella pertussis (vi khuẩn ho gà)
- Acinetobacter baumannii
- Mycobacterium tuberculosis/avium (trực khuẩn lao)
Trong bối cảnh hiện nay, bệnh viêm phổi do virus Covid-19 (Virus Corona 2019 bắt nguồn tại Vũ Hán, Trung Quốc) đang lây lan nhanh, gây ảnh hưởng không chỉ tại Trung Quốc mà còn xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/02/2020, trên toàn thế giới có hơn 75200 ca nhiễm virus Corona, trong đó 2010 trường hợp đã tử vong, hơn 14500 ca đã bình phục. Tại Việt Nam, đã xác định 16 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó 14 trường hợp đã bình phục. Đây là loại virus có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, gây các tác động tới đường hô hấp đặc biệt là phổi của bệnh nhân. Do đó cần thực hiện các biện pháp đầy đủ, đồng bộ từ các cơ sở y tế đến người dân nhằm dự phòng, sàng lọc, phát hiện, điều trị bệnh, tránh lây lan bệnh.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một bệnh viện hàng đầu về lĩnh vực xét nghiệm tại Việt Nam, với đội ngũ cán bộ nhân viên trình độ cao cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, bệnh viện hiện đang phối hợp cùng các cơ sở y tế khác thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh. Khi có dấu hiệu về các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp như ho, khó thở, sốt, đau họng, đau đầu,… hãy liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!